Chiến hạm Mỹ đến đóng ở Singapore
07:49 GMT - thứ năm, 18 tháng 4, 2013
Một tàu chiến Mỹ đã cập cảng Singapore trong khuôn khổ chiến lược của nước này tăng hiện diện quân sự trong khu vực.
Chiến hạm USS Freedom sẽ đóng ở khu vực đông nam Á trong 10 tháng.
Việc điều chuyển này nằm trong chiến lược ‘xoay trục’ của Hoa Kỳ vốn đặt mục tiêu 60% lực lượng hải quân của họ sẽ hoạt động ở châu Á-Thái Bình Dương đến năm 2020 sau khi họ đã rút quân khỏi Iraq và Afghanistan.
Trung Cộng rất quan tâm trước hành động này.
‘Cam kết với khu vực’
“Đây chính là sự ‘xoay trục’ mà lâu nay chúng ta nói đến nhiều hay sự tái cân bằng chính sách của Mỹ đối với châu Á,” Nicholas Fang, giám đốc điều hành Viện Quan hệ Quốc tế Singapore.
“Hoa Kỳ muốn duy trì một đường hàng hải ổn định vốn rất quan trọng cho giao thương toàn cầu và kinh tế nhưng họ cũng muốn cho thấy rằng họ cam kết duy trì ổn định khu vực,” ông nói thêm.
Theo Hải quân Mỹ, hạm đội 7 của họ có phạm vi hoạt động lên đến 35 quốc gia ven biển. Căn cứ của hạm đội này là quân cảng ở Yokosuka, Nhật Bản.
"Hoa Kỳ muốn duy trì một đường hàng hải ổn định vốn rất quan trọng cho giao thương toàn cầu và kinh tế nhưng họ cũng muốn cho thấy rằng họ cam kết duy trì ổn định khu vực."
Nicholas Fang, giám đốc điều hành Viện Quan hệ Quốc tế Singapore.
Từ căn cứ hải quân Changi ở phía đông Singapore, chiến hạm USS Freedom trông rất dũng mãnh mặc dù trên thực tế nó là một trong những chiến hạm nhỏ nhất của Mỹ.
USS Freedom là một tàu chiến thân cạn có thể hoạt động gần bờ. Thủy thủ đoàn trên chiến hạm này chưa tới 100 ngườĩ, ít hơn nhiều so với các chiến hạm khác.
“Năng lực của chiến hạm này gần như ngang bằng với các chiến hạm của các lực lượng hải quân khác trong khu vực. Việc đua nó đến đông nam Á là cơ hội để chúng tôi thử nghiệm khả năng thực của,” Tướng Thomas Carney, tư lệnh hậu cần Tây Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, cho biết.
Trong suốt thời gian được đưa đến đây, chiến hạm này sẽ tham gia vào các cuộc tập trận chung với hầu hết các nước đông nam Á.
USS Freedom là một trong bốn tàu chiến thân cạn mà Singapore đồng ý cho luân phiên đến trú đóng tại lãnh thổ của họ.
Việc chiến hạm này cập cảng Singapore diễn ra trong bối cảng căng thẳng gia tăng trong khu vực và Bắc Hàn liên tiếp đưa ra những lời đe dọa mặc dù không có dự tính được điều động đến Đại Hàn trong tương lai gần.
‘Nhiều nước an tâm’
Theo ông Nicholas Fang thì nhiều nước trong khu vực sẽ cảm thấy an tâm hơn với sự hiện diện của quân đội Mỹ.
“Mối đe dọa từ Bắc Hàn không phải là điều gì mới mẻ nhưng chúng ta có những ổ bất ổn ở đây như tình hình ở Sabah, Malaysia vốn đang có căng thẳng xuyên biên giới với Philippines,” ông lưu ý.
Tuy nhiên Trung Cộng là nước duy nhất trong khu vực liên tiếp bày tỏ sự phản đối đối với sự ‘xoay trục’ của Mỹ về châu Á.
Trong Bạch Thư Quốc phòng được tung ra hôm 16/4, Bắc Kinh cáo buộc Washington đã làm bất ổn khu vực với việc củng cố các liên minh quân sự.
“Có một số nước đang củng cố liên minh quân sự châu Á-Thái Bình Dương, tăng cường sự hiện diện quân sự của họ trong khu vực và thường xuyên làm cho khu vực thêm căng thẳng,” Bạch Thư viết với ngụ ý nhằm vào Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Cộng còn nói rằng những hành động như thế ‘không phù hợp với sự phát triển của thời đại và không giúp ích gì cho việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực’.
Trong chuyến công du mới đây của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Nga, Trung Cộng đã đồng ý mua 24 máy bay chiến đấu và bốn tàu ngầm của Nga trong thương vụ vũ khí được mô tả là lớn nhất giữa hai nước trong vòng 10 năm.
Nhật báo tiếng Anh China Daily mô tả chuyến thăm Nga của ông Tập là sự ‘xoay trục’ của Bắc Kinh về phía Moscow.
No comments:
Post a Comment