Friday, April 19, 2013

Bầu trời đánh mất

Bầu trời đánh mất
 
Viết cho các Sao Mai của phi đoàn 114, từ những con tàu đang nằm yên trong ụ, đến những con tàu đáp muộn, và, vô cùng thương tiếc, vô cùng xót xa, cho những con tàu đã gãy cánh giữa đường bay...
 
 Trường Sơn Lê Xuân Nhị
 
Bẳng đi một thời gian nhiều năm, không hiểu vì sao, lúc sau này, tôi lại thường hay nhớ đến và nhắc đến phi đoàn tôi. Mụ vợ tôi bảo nhớ nhung dĩ vãng là một dấu hiệu nguy hiểm của tuổi già. Mụ bảo tôi rằng, khi người ta hết xíu quách thì người ta thường nghĩ đến những lúc... còn xíu quách. Tôi gật gù cái đầu. Nhưng xin đừng hiểu lầm. Gật gù là để mua chút hoà khí trong nhà đó thôi chứ không phải là đồng ý, không phải là chịu thua hay là sợ vợ đâu. Người ngon lành như tôi, gặp con gái đẹp từ đằng xa cả cây số là mắt cứ tự động sáng trưng lên như đèn pha thì làm sao mà hết xíu quách được. Còn khuya! Già 80 tuổi tôi vẫn còn xíu quách nữa, huống gì ở lứa tuổi 40 ngoài đang còn sung sức. Tôi nhớ phi đoàn, có lẽ, lý do gần nhất là mấy năm gần đây, anh em phi đoàn 114 cứ qua ào ào theo diện HO. Từ ông xếp Tám cho tới anh Ngọc tủn, anh Khải, anh Có, cho tới thằng Thông, thằng Soạn, thằng Quý Đen, thằng Dương, thằng Lộc v.v... Và gần đây nhất, có thêm ông đại úy Bóa, ông thợ cãi số một của phi đoàn.
Mỗi lần nghe giọng của một người bạn cũ, lòng tôi dậy lên một nỗi niềm vui buồn lẫn lộn khó mà tả được. Và nhiều câu hỏi dậy lên trong lòng tôi. Những câu hỏi mà không ai có thể trả lời được, kể cả tôi. Những câu hỏi như tại sao có người vào phi trường trước đó 5 phút thì đi được, vào sau 5 phút thì kẹt lại. Lanh lẹ và tháo vát như anh Ngọc tủn, nếu lọt qua đây được năm 75 thì chắc giờ này đã thành triệu phú hay ít nhất cũng có cơ nghiệp vững vàng. Hay như anh Có, anh Khải v.v... cũng vậy. Tay nào cũng lẹ tay lanh mắt, tán gái như máy, nói chuyện tiếu lâm nghe đã hơn cả Thanh Việt Phi Thoàn và uống rượu như hủ chìm. Những tài năng ấy mà kiếm ra đất dụng võ thì thiên hạ phải biết, đàn bà con gái phải biết. Hay như thằng Quý đen. Cũng tổ sư tán gái, mở miệng ra là em nào nghe cũng khoái. Hay như thằng Dương mặt mụn là một thằng Lương Sơn Bạc của phi đoàn, trời chẳng tha đất chẳng thương, phi đoàn trưởng đếch ngán. Chỉ có mình nó ngày xưa ở phi đoàn, dù là Thiếu uý oắt con mới ra trường nhưng đã cóc thèm sợ Thiếu Tá Tám. "Thiếu Tá muốn tôi đi đâu tôi cũng đi hết. Đi đâu cũng là phi công Việt Nam Cộng Hoà cả..." Nó nói câu đó không phải trong cơn say như tôi nhưng mà khi tỉnh táo đàng hoàng mới là đáng phục.
Và nó đi thật. Ông Tám sút thằng mất dạy một đá văng tuốt lên Pleiku, miền Tam Biên của những cơn mưa núi buồn thê thiết và của giặc giã bốn mùa. Ở miền rừng cao núi thẳm, Việt cộng pháo nó đếch chết, phòng không bắn nó không rớt, ông mảnh vẫn lè phè, mặt vẫn đầy mụn, coi đời như củ khoai, tán gái như máy và làm ăn rất khấm khá, tiền vào như nước. Ba năm sau, nó lại ôm khăn gói trở về trình diện lại 114, cười hề hề như chưa hề bị đá, như cuộc đời chưa hề bị phong ba. Có điều, lần này nó ăn nói biết giữ mồm giữ miệng đàng hoàng. Ôi, bất cứ thằng nào đi lính mà không học được những điều này. Ngày phi đoàn di tản về SàiGòn, tôi, nó và đại úy Hạnh uống rượu say, phóng lên chiếc xe Honda chở ba người, đi khắp phi trường Tân Sơn Nhất, gặp ai di tản cũng cười hề hề, chọc quê thiên hạ bằng câu nói học được của bộ đội ông Hồ: "Khẩn trương lên chứ, khẩn trương lên chứ... Mẹ, muốn sơ tán thì phải khẩn trương lên chứ..."
Hồi đó, dân Sài gòn di tản chẳng hiểu "Khẩn trương lên chứ và sơ tán" là cái đếch gì, ai cũng nhìn ba ông phi công say rượu nhe răng cười cầu tài. Đàn bà cũng cười, thậm chí con nít cũng cười. Ôi, cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ những nụ cười méo mó tang thương ngày hôm ấy. Mày có nhớ chăng Dương?
Còn con nhà Lộc là sĩ quan quân báo phi đoàn, một hôm xin phi vụ lệnh nhờ Thiếu uý Nhị chở đi một vòng để hóng gió hay tìm kiếm gì đó tôi chẳng nhớ. Không hiểu hôm đó tôi thua bạc hay buồn bực chuyện gì, lên trên trời chơi liền mấy cái quẹo gần lật úp tàu bay. Sực nhớ mình bay với sĩ quan quân báo, tôi giật mình liếc nhìn ra sau, thấy ông Trung uý Quân Báo gần ỉa trong quần nhưng cũng làm bộ mặt gồ ghề ra vẻ ta đây cũng là dân thứ dữ, kể sá gì ba cái trò nhào lộn lẻ tẻ đó. Thiếu uý Nhị thấy thế đâm buồn và "tự ái bị tổn thương," bèn mạnh tay quẹo thêm vài vòng nữa. Thế là ông sĩ quan quân báo liền đưa tay lên bụm miệng, đòi đi về, hối như giặc và chửi thề ỏm tỏi.
Đầu tháng này, ông quân báo theo diện HO mới qua, từ tiểu bang Florida gọi điện thoại cho tôi, nhắc lại chuyện cũ. "Đù mẹ thằng mất dạy, mày làm tao xém ói trong tàu bay ngày hôm ấy..." Tôi cười nhẹ, quãng đời đã mất 18 năm xưa bỗng trở về trong trí làm nước mắt tôi muốn rớt ra, và chợt nhớ tới một câu nói của người bảo trợ tôi vào năm 1975, hồi tôi mới qua Mỹ. Hôm đó ông ta dắt tôi đi coi Air Show ở phi trường Richard Gebaur Air Force Base thuộc thành phố Kansas City. Lọt vào phi trường, nhìn thấy những con chim sắt nằm dài trong ụ phi cơ, nhìn thấy phi đạo thênh thang thì đã thấy ngậm ngùi, đến khi nhìn mấy chiếc tàu bay cất cánh thì tôi chịu không nổi nữa, nước mắt ứa ra. Ông bảo trợ vỗ vai tôi, nói một câu thật là chân tình mà tôi còn nhớ mãi đến bây giờ: "My friend, I know that you can't fly anymore, but I know exactly where you belong to. Up there, in that blue sky..." (Tôi biết bạn không còn bay được nữa, nhưng tôi biết đời bạn thuộc về đâu: Ở trên kia, trong bầu trời xanh thẳm đó...)
Tôi cười gượng: "No, not in that blue sky but in that... fucking sky..."
"Yes, but why... fucking?"
"Because I've lost it..."
Tôi muốn nói "In that fucking sky" bởi vì, đối với tôi, bầu trời nào mà mình không còn được nhào lộn trong đó nữa là bầu trời... chết tiệt, bầu trời đánh mất, bầu trời xót xa, bầu trời oan nghiệt...
Cỡ tuần sau thì Quý đen từ Cali gọi qua. Gần hai chục năm dâu biển, giọng thằng phi công này cũng không có gì thay đổi. Nó ăn nói luôn luôn ngọt ngào, có trước có sau, rào đón cẩn thận y như đi... hỏi vợ. Và khi đã mở miệng thì nhất định phải nói một tràng thật dài mới chịu ngừng... một chút để nghe người ta nói. Quý đen ở Việt Nam nhảy đầm thuộc vào hạng khá nhất phi đoàn, nếu không nói là không đoàn 62 Chiến Thuật, chỉ thua đại úy Hưởng. Người Quý đen nhảy đầm giỏi nhưng người lại đếch biết uống rượu nên hồi đó tôi và người ít khi hợp nhau. Đi biệt phái ở biệt đội Bảo Lộc, phi hành đoàn có một chiếc xe đốt, buổi chiều tài xế chở tôi xuống quán thịt chó rồi chở người đi ăn ở đâu không biết. Khi trở lại kiếm tôi, nếu tôi chưa xỉn thì chỉ cần ngồi ngoài bóp kèn một tiếng là tôi ra xe đi về ngay. Còn nếu đã xỉn rồi thì thế nào tôi cũng chạy ra lôi người vào, bắt người ngồi với tôi làm một quả rựa mận hay vài miếng chả chìa, thêm một tí rượu nếp than. Có lần, người ngồi ăn nửa chừng bỗng đi đái, nhìn thấy mấy con chó ghẻ dơ dáy nhốt ở mấy cái củi đằng sau nhà, người Qúy đen hốt hoảng bỏ lên nhà ngồi một đống, mặt mày khiếp đảm, nhất định không thèm rờ đến một món gì nữa.
Hồi đó là vậy nhưng đi tù Việt Cộng ra nghe nói người ăn nhậu coi được lắm rồi. Chính tôi đã đi phù rể cho người ngày người cưới vợ.
Đại uý Nguyễn Văn Bóa, tên tuổi trong chứng chỉ tại ngủ được đánh máy rõ ràng là Nguyễn Văn Bá, nhưng nếu ai vào phi đoàn hỏi đại úy Bá đâu thì chẳng ai biết cả. Phải hỏi "Đại uý Bóa mô rầu hỉ?" thì người ta mới biết mà chỉ cho.
Trong phi đoàn, anh Bóa thuộc hạng thâm niên cổ thụ gộc. Chẳng những thâm niên nhất, anh lại là người làm việc đúng tư cách nhất, tận tâm nhất. Chỉ kẹt một điều. Ôi, những con người tài hoa thường bị kẹt bởi một vài điều nhỏ này. Đại uý Bóa là người phản đấu nhiều nhất và hay uý kiến nhất. Họp phi đoàn mà có gì nghe không vừa lổ tai là đại úy Bóa chẳng ngần ngại dơ tay lên liền: "Thưa thiếu toá, tôi phản đấu..." hay "Thưa thiếu toá, tôi có uý kiến" Đi biệt phái hành quân mà đại úy Bóa làm trưởng biệt đội thì ngon lành vô cùng, cắt bay đâu ra đó, ăn uống đầy đủ. Gặp cỡ những thằng thiếu úy nhóc con mà ba gai như tôi, đại úy Bóa không ngần ngại xài xể thậm tệ, chửi bới um sùm và hăm doạ như sau: "Mi du côn như rứa coi chừng tau báu coá ông Toám, đề nghị ông Toám phoạt tấu đoa." Tôi cười hề hề, đại úy Boá càng nổi điên lên: "Mi còn cừ hả, mi cừ cái chi, tau noá ông Toám phoạt chết choa mi." Nhưng mà chửi xong thì quên hết liền và cũng chẳng bao giờ thèm báu coá ai làm chi. Nhiều khi nổi hứng lại bỏ tiền mua la de cho thằng bị chửi uống.
Tôi còn nhớ một chuyện... hơi cảm động như sau. Mùa giáng sinh năm 1973, bốn phi hành đoàn biệt phái xuống Quảng Đức đánh trận Bu Brăng, sáng hôm Noel thức dậy, ai cũng ngạc nhiên khi nhìn thấy đầu giường mỗi người có một cái thiệp chúc Noel nhỏ bằng 3 ngón tay treo lơ lững đầu mùng. Dở ra xem thì ra là thiệp Giáng Sinh của đại uý Boá chúc Giáng Sinh cho anh em. Tôi tưởng là mình đang ngủ trong... nhà thờ khi nhìn thấy tấm carte Noel. Lại còn đề: "Mong hồng ân Thiên Chúa xuống tràn đầy trong lòng em nhân ngày lễ thánh thiện này." Lời lẽ cảm động lắm nhưng giá có tờ giấy 50 hay 100 nằm trong đó thì tôi đã cảm động hơn nhiều. Hồi đó đại uý Boá mới lấy vợ nên còn yêu đời lắm, thơ mộng lắm.
Rồi anh khăn gói quả mướp, ẳm mụ vợ trẻ măng và thơm phức về Cần Thơ ôm ấp, bỏ chúng tôi ở lại 114. Ngày đưa tiễn nhau, tôi cùng đại úy Boá ra ngồi uống mấy chai bia trong một quán cóc. Anh Boá dặn dò: "Tính tình mi như rứa biết khi mô mới lên Trung Úy được?"
Mà số tôi chẳng đeo lon Trung Úy được thật. 20 năm sau, trên đất Mỹ, khi anh Bóa gọi tôi thì tôi vẫn còn là Thiếu Úy. Thiếu Uý muôn đời. Thiếu Uý chung thân. Thiếu uý mãi mãi. Anh Bóa gọi đến từ tiểu bang Texas, tôi không còn nhận ra giọng nói của ngày xưa nữa vì anh Boá lấy vợ người Nam, sống ở miền Nam mấy chục năm nên bây giờ nói đặc sệt giọng Nam Kỳ. Tôi hỏi: "Ông Toám bây giờ ở Cali, anh còn muốn báu cáu để ổng phoạt tui tấu đoa không?" Anh Boá cười hề hề, cười hồn nhiên, cười như chưa hề ở 6 năm tù cộng sản, cười như chưa hề thua trận, cười như ngày nào mình còn trẻ, cười như ngày nào còn mặc áo bay đeo súng, cười như chưa hề có một khoảng cách dài 20 năm trời đau thương thất trận nằm trong đời mình...
Không viết thì thôi, mà viết về phi đoàn, về bạn bè, về cuộc đời bay bổng của mình ngày xưa, lần nào cũng cảm thấy mắt mình cay cay như có ngấn lệ. Tôi trưởng thành trong chiến trận, ở phi đoàn 4 năm trời, đánh giặc từ ngày đầu tiên cho đến ngày cuối cùng, chưa hề từ chối một phi vụ dù nguy hiểm đến đâu hay dù... bất công đến đâu. 4 năm trời tôi "được" cắt đi biệt phái ở những mặt trận đẫm máu nhất, trên trời thì bị phòng không chúng nó bắn đến muốn tả tơi, xuống đất thì ăn gạo sấy đến muốn sặc máu, tối về nằm nghe pháo Việt Cộng muốn thủng màn nhỉ. 4 năm trời làm một thứ phi công hạng bét, chưa hề được hưởng một ân huệ dù là nhỏ nhặt nhất của bất kỳ một ông lớn nào. Nhưng không hiểu vì sao, tôi vẫn yêu đời, vẫn sống hồn nhiên, đi đâu đi rồi tôi cũng nghiện cũng nhớ cái không khí phi đoàn, phải trở vào phi đoàn để thọc một cơ bi da, hay ra câu lạc bộ ghi thiếu một chai bia lớn, chọc con em thằng Phách một câu cho nó đỏ mặt, hoặc chun vô trailer gỡ gạc một vài cây bài cào với đám bạn trời đánh. Sang Mỹ, đã không biết bao nhiêu lần, tôi ngủ nằm mơ thấy mình đang ngồi trong phi đoàn cười đùa giữa anh em để chờ cất cánh. May mắn hơn, một đôi khi mơ thấy mình được ngồi trong tàu bay, được đem tàu ra so hàng nơi phi đạo rồi tống ga cất cánh thật. Con tàu lắc lư bay bổng giữa màn sương mù rồi bay vút lên để rồi giật mình tỉnh dậy, trái tim như rướm máu ra, lòng dạ xót xa đau đớn vô cùng. Xót xa đau đớn không phải cho mình mà cho đất nước, cho đồng bào, cho quân đội, cho bạn bè thân thiết còn kẹt lại. Một phi đoàn như vậy, bao nhiêu là nhân tài, một đạo quân như vậy, bao nhiêu là anh hùng, một dân tộc như vậy, bao nhiêu là gương hy sinh can đảm mà cuối cùng để thua mấy thằng dép râu với mũ tai bèo.
Thức giấc sau những cơn mộng mị ngắn ngủi như vậy, mồ hôi toát ra, tôi nằm im trong bóng tối nhìn lên trần nhà, cảm nghiệm ra cái phù du của kiếp người, của thời gian và nhớ đến từng thằng bạn một trong phi đoàn. Những thằng bạn nếu gặp nhau là phải kê nhau vài câu cho chúng nó tức nhưng xa cách thì lại nhớ.
Này thằng Học, thằng Vinh, thằng La, thằng Quang râu v.v... Bọn mày đâu cả rồi? Thằng Học đẹp trai và hiền như con gái, chưa bao giờ biết giận ai trong đời. Nó đi biệt phái, chưa mở miệng ra tán gái thì đã bị con gái tán trước. Tôi tự hỏi, hiền như nó không biết có bao giờ chửi ai một câu chưa? Trung uý Phạm văn La, con người gương mẫu số một phi đoàn, tính tình hiền hậu dễ thương, ăn nói rất chửng chạc hiền lành, tướng người coi cứ như là thầy giáo chứ không phải phi công, đeo cây súng Rulô cũ mèm của Hải Quân mà chẳng lấy gì làm khó chịu. Nhiều khi tôi nghĩ một con người bình dị hiền lành như vậy mà làm phi công thì cũng... uổng thật. Thằng Vinh thì ngược lại, vua đánh bạc, nợ như chúa chổm nhưng chơi với anh em rất chí tình. Cho nó mượn tiền đánh bạc thì phải vừa đếm tiền và vừa... khích lệ nó, "động viên" tinh thần nó thì mới hy vọng nó có tiền mà trả cho mình: "Mày phải ráng ăn nghe mày. Mày để thua thì tao hết tiền đi biệt phái." Thằng Vinh bỏ tiền vào túi gật gù cái đầu, chơi tôi lại một câu liền dù mình mới vừa cho nó mượn tiền: "Vận đen tao qua rồi. Xài kỹ như mày mà dám cho tao mượn tiền thì cú này nhất định phải ăn." Nhưng hình như mấy năm ở phi đoàn, tôi chưa bao giờ nghe thằng Vinh được bạc. Chỉ toàn thua hay huề. Vậy mà chẳng bao giờ thấy nó nhăn, lúc nào cũng thấy nó cười. Có lẽ nó cười như vậy để mượn tiền cho dễ. Nhưng nó mượn tiền của ai thì luôn luôn trả đầy đủ, dù rằng nhiều khi phải mượn thằng này để trả thằng kia. Có khi gặp mình, mình chưa kịp đòi tiền thì nó đã hỏi mượn nữa. Thế là hết đòi. Ngày nó lấy vợ, cả phi đoàn tới phá nhà nó, ăn uống như giặc, đùa nghịch như một lũ con nít. Quang Tùng Thiện uống rượu say, thấy nó cứ đi lăng xăng với đám đàn bà con gái mà chẳng thèm tới uống rượu với bạn bè, bèn nói đùa "Đù mẹ cái thằng mê gái mà bỏ bạn bè, coi chừng tao quăng trái lựu đạn nổ chết hết bây giờ." Thiện sói chỉ nói đùa, chẳng ngờ nói vừa xong thì thấy ông già thằng Vinh quỳ ngay xuống đất lạy nó như tế sao: "Cháu nó dại con tha cho nó, để bác uống rượu với con, con đừng quăng lựu đạn chết nó..." Thằng Thiện thấy vậy thì tỉnh luôn cả rượu, mặt mày tái mét, lại quỳ xuống đất ngay và năn nỉ ngược lại: "Con nói giỡn bác, bác đừng lạy con tội nghiệp..." Thằng Quang Râu bắc kỳ, tướng người đen đen, đẹp trai, mới dòm ai cũng tưởng là Nguyễn Cao Kỳ... con. Nó nhỏ tuổi, ra trường khóa 41, còn trẻ hơn cả tôi mà đã bày đặt để râu và ăn nói nghiêm trang như ông cụ non. Không hiểu nhờ đâu mà nó xin được cái giấy phép để râu mới là tài. Lâu lâu ngồi buồn lại còn bày đặt ngâm thơ Quang Dũng nữa. Có một lần, vào một buổi chiều đi bay về, tôi với nó ngồi dưới cánh tàu bay trong phi trường Ban Mê Thuột cưa một chai rượu. Hôm ấy trời lạnh, gió cao nguyên thổi từng cơn và bầu trời lất phất mưa. Quang râu thắt khăn quàng màu tím đưa cặp mắt lim dim nhìn trời đất. Cảm nghiệm cảnh vắng vẻ của phi trường với hàng rào dây kẻm gai và mấy người... lính Thượng ôm súng đi qua đi lại, Quang râu cất giọng cảm khái ngâm thơ Quang Dũng:
Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến,
Quạnh vắng chiều sông lạnh đất Tề...
Khói thuốc xanh giòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông đáy lạnh đôi bờ,
Thoáng hiện em về trong đáy cốc,
Nói cười như chuyện một đêm vui...
Đang ngâm đến đó thì có một con chó hoang chạy tới trước mặt Quang râu, đứng co giò đái ngon lành vào ụ phi cơ. Quang râu nhìn thấy liền nhăn mặt và chửi... con chó um sùm làm tôi phải can mãi. Thế là hết Quang Dũng với Quang Diếc...
Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ cái giọng ngâm của nó... Dù chưa hề đi kháng chiến một ngày nào nhưng nó vồ được vô khối con gái cũng chỉ nhờ mấy câu thơ "căn bản" này. Quang râu tính tình hiền lành, không thích nhậu nhẹt nhiều, chỉ thích tán gái và nhảy đầm. Về vấn đề ground show thì không ai qua mặt ông thiếu úy con này được. Đi biệt phái Ban Mê Thuột là một chỗ đồi núi mà nó nhất định phải mang theo áo phao áo lưới như là người vượt biển Thái Bình Dương. Có một lần tôi kê nó về chuyện này thì thằng mất dạy nửa đùa nửa thật trả lời: "Mẹ, mày tưởng Ban Mê Thuột không có nước à? Nhỡ tàu bay tao phải đáp khẩn cấp xuống... hồ Lạc Thiện, không mang áo phao thì tao chết đuối sao?" Nói được như thế thì tôi chịu thua. Thỉnh thoảng, khi không đi biệt phái, ông nhô mở bal famille ở nhà, đào địch vào chơi cứ gọi là nườm nượp. Không hiểu nhảy đầm có cái gì hay mà nó mê đến thế.
Hỡi những thằng bạn trời đánh ngày xưa cùng chung một lứa tuổi và cùng chung một cuộc đời, chúng mày bây giờ đâu hết cả? Hay đã... chết cha nó ở mấy cái xó xỉnh nào rồi. Thương nhớ chúng mày. Đứa nào còn sống thì mai mốt mình sẽ gặp. Nếu gặp, ông hứa, dù nghèo kiết xác nhưng ông sẽ lén vợ, vồ một ít tiền để dắt chúng mày đi chơi bời một hôm cho bỏ ghét. Mỹ, Mể, Đại Hàn, Thái Lan gì ở đây đều có đủ cả. Tóc vàng mắt xanh gì cũng cùng một giá ráo. Bọn mình sẽ ngồi uống bia, sẽ chửi thề, sẽ tán dóc, sẽ kể chuyện tiếu lâm, sẽ ngữa mặt lên trời cười ngạo mạn, sẽ ngâm thơ Quang Dũng, sẽ triết lý vặt, sẽ phanh ngực áo, sẽ ra sau hè đứng đái, sẽ... thả dê chạy vòng vòng, sẽ sờ mó và bốc hốt các em, sẽ y như ngày nào hồi tụi mình còn trẻ, còn là phi công của quân đội. Tao bảo đãm.
Chúng mày tới Mỹ, tao còn phải dạy cho câu "văn chương tiếng Mỹ" này để mà nói khi thiên hạ hỏi về cuộc đời của những thằng phi công hết thời như bọn mình. Chúng mày phải nói: "I can't fly anymore, but I know exactly where I belong to. Up there, in that fucking sky..."
Rồi chúng mày vỗ vai nó, chỉ lên trời, nhăn mặt cười ngạo nghễ và lập lại: "Yes, man, in that fucking sky!"
Thằng nào chết, cho tao đốt một nén hương. Biết làm gì hơn đây? Một nén hương với tất cả tấm lòng thành cầu nguyện cho chúng mày, vong hồn bọn mày có linh thiêng xin về đây chứng dám cho tao. Ai thua thì thua chứ tao không thua tụi nó đâu. Làm sao thua được? Bằng cách này hay cách khác, tao sẽ trả thù cho chúng mày. Một nén hương trầm tao đốt cho mỗi đứa tụi mày để đánh dấu một thời bọn mình đã từng chiến đấu và từng sống như là người. Người với những ham muốn tầm thường nhưng cũng với những mơ ước thật cao thượng hào hùng. Tầm thường khi nhìn thấy con gái đẹp là muốn dê liền, nhìn thấy cổ bàn ngon là muốn lăn xả vào, chan gắp liền tay như một hảo hán, chẳng nể nang ai cả. Nhưng cũng cao thượng hào hùng khi sẵn sàng chết, sẵn sàng đổ máu, sẵn sàng hy sinh, dâng hiến tấm thân hèn mọn này cho tổ quốc thân yêu bất cứ giờ phút nào của cuộc đời mình... Người với những hãnh diện và xót xa. Hãnh hiện khi được làm một người phi công Việt Nam cỡi gió lướt mây ào ào, sáng thứ hai chào cờ gân cổ hát: "Ôi phi công danh tiếng muôn đời." Nhưng xót xa trằn trọc khi thấy bao nhiêu hy sinh bỗng một ngày tan thành mây khói, đất nước không giữ được, quê hương bị đày đọa, đồng bào ruột thịt lầm than cơ cực.
Làm dân mà để nước mất thì không có quyền tự hào, làm lính mà để thua trận thì không có quyền được nói mình hay, nhưng, ít nhất, ngày hôm nay, ở lứa tuổi quá 40, gần bước vào lứa tuổi ngũ tuần, tâm hồn lắng đọng lại, đầu óc chính chắn và công bình hơn, mình có quyền nhìn xuống đáy lòng mình và tự nói: Mình đã làm tròn bổn phận mình...
Như đã nói ở phần bắt đầu, lúc sau này tôi thường nhớ đến phi đoàn, nhưng thực ra có lẽ phải nói nhớ đến bạn bè thì đúng hơn. Từ lúc định cư, bạn bè mới tôi không thiếu. Bạn bè nào cũng đáng quý cả nhưng với những người đã từng chia sẻ với mình những bịch gạo sấy dưới căn nhà tôn nắng cháy, từng cùng ngồi bó gối với nhau dưới hầm nghe tiếng đạn pháo kích nổ trên đầu, từng cùng nhau rong đuổi trên trời hết ngày này sang ngày khác thì tình bằng hữu cũng có hơi khác. Tôi không thể định nghĩa được cái tình bằng hữu nó như thế nào, nhưng hồi mới qua, mỗi lần khui một lon bia là mỗi lần nhớ đến Nhơn, đến Hưởng, đến Có, đến Boá, đến Khải ghiền v.v... Hồi đầu năm 76, bắt được tin đại uý Nhơn đang ở Florida, tôi mừng như tìm thấy lại được một người anh ruột thân thiết đã mất tin lâu ngày. Tôi nhớ mãi, đại úy Nhơn gởi cho tôi 5 điếu xì gà Havatampa và vài lời khuyên bảo. Ngài đại úy cứ sợ tôi sang Mỹ rồi mà còn chứng nào tật ấy để làm khổ thân mình. Hồi ấy tôi làm nghề lái máy... rửa chén lương 2 đồng một giờ, dành dụm cả năm mới mua được chiếc xe, để dành đủ tiền xăng và tiền... bia là tôi ì ạch làm một chuyến Nam du. Gặp Hồ Văn Nhơn, nước mắt tôi chãy ra, mừng rỡ không bút nào nói được.
Dịp đó, lại gặp luôn Lý Trực Thuyên, dân kỳ cựu của 114, người có tật "nói rất nhiều nhưng uống chẳng bao nhiêu", chuyên viên... đập tàu thượng thặng của phi đoàn ngày xưa nhưng bây giờ đã trở thành một lý thuyết gia có hạng, nói năng đâu ra đó như một chính khách đi vận động tranh cữ. Và gặp luôn cả hung thần Lý Bửng, trưởng phòng hành quân đúng chỉ số nhất của Không Quân Việt Nam. Ông thiếu tá này ngày xưa có bộ mặt lầm lì, mới nhìn coi thấy bặm trợn dễ sợ. Qua Mỹ rồi, hết chiến tranh rồi, hết làm trưởng phòng hành quân rồi mà mặt mày thầy Bửng coi chẳng hiền được chút nào. Ấy vậy mà khi nhìn thấy đàn bà đẹp, hay khi thò tay rút được con sì ở nước thứ năm thì mặt mũi lại trở nên hiền lành dễ thương như thiên thần mới là lạ.
Hồi đến nhà thầy Bửng sau cuộc đổi đời, trong một tiệc rượu tại nhà thầy, ai nấy ngà ngà say rồi thầy Bửng mới vỗ vai tôi nói chuyện tâm tình: (Phải đi xa quê hương một nửa trái địa cầu mới nghe được ông trưởng phòng nói chuyện tâm tình với mình.)
-Nhị à, bây giờ qua Mỹ rồi, mày kêu tao là thầy làm chi nữa. Kêu là anh xưng em được rồi.
Tôi hỏi lại:
-Hồi xưa thầy ngon như vậy mà thầy thấy có bao giờ tôi mời thầy đi uống rượu hay đi chơi bời không?
-Không. Mày sức mấy mà mời tao.
-Có bao giờ tôi mò tới thầy để xin thầy một chút ân huệ gì cho tôi không? Như xin đi biệt phái Ban Mê Thuột chẳng hạn?
-Cũng không luôn. Mày sức mấy mà thèm xin.
Tôi nhìn vào mặt thầy Bửng:
-Thầy biết tôi tởm nhất hai hạng người: thứ nhất là người hèn, thứ hai là người bất nghĩa. Ngày xưa, thầy uy quyền bậc nhất phi đoàn, tôi là tận cùng nhất của phi đoàn mà nếu tôi đến làm quen với thầy để xin xỏ thì tôi là đồ hèn. Ngày hôm nay, chúng ta đều là những người ngã ngựa, thầy tự hạ mình để coi ngang hàng với tôi thì thầy là người hiểu biết, nhưng nếu tôi mà tự nâng tôi lên để coi tôi ngang hàng với thầy thì tôi là đồ bất nghĩa. Thầy Bửng à, người ta từng chửi tôi là thằng mất dạy, thằng chó đẻ, thằng khốn nạn, thằng dâm tặc, nhưng chưa bao giờ có ai chửi tôi là đồ hèn hay đồ bất nghĩa.
Hai thầy trò nâng ly bia uống cạn. Từ đó thầy Bửng để tôi kêu thầy là thầy và không bao giờ thắc mắc nữa.
Không hiểu sao, lòng tôi cứ giữ mãi cái hình ảnh sau đây ở thành phố Montréal Canada với đại úy Hưởng.
Năm 1986, sau 11 năm không gặp, tôi có dịp qua tuốt bên xứ Canada lạnh lẽo để thăm đại úy Hưởng. Anh Hưởng ra đón tôi ở trạm xe buýt rồi dắt tôi vào cái tiệm rượu lớn nhất ở đó, có thể là lớn nhất thế giới, nếu tôi không lầm. Anh Hưởng đưa tay chỉ vào cái rừng chai lọ trước mặt hãnh diện bảo tôi: "Anh cho chú út muốn lựa lấy chai nào thì lấy, ráng lựa một chai thiệt ngon để mình uống cho đã. Anh bao chú út." Nếu là ngày xưa thì tôi đã chẳng ngại ngùng gì mà chộp ngay một chai thượng hảo hạng để về nhà và cưa cho nó sướng cuộc đời lưu lạc. Nhưng không hiểu sao, tôi ngần ngừ một lúc rồi trước cặp mắt chưng hửng của anh Hưởng, tôi thò tay bắt một chai rượu rất rẻ tiền. Anh Hưởng nổi sùng tính mở miệng chửi nhưng nhìn thấy khuôn mặt buồn buồn của thằng em thân thiết, anh hiểu ra chuyện và ngậm ngùi che dấu một nổi buồn cũng vừa dấy lên trong lòng anh. Tôi biết anh Hưởng hiểu lý do. Tôi chẳng còn biết làm sao hơn. Tôi biết anh không bao giờ để cho tôi trả tiền mà nhìn anh thì thấy vợ con anh một đống, công việc làm ăn lúc đó lại bấp bênh và nhiều khó khăn, tôi uống rượu ngon sao cho đành? Thôi thì chú út đành làm buồn anh thôi.
Hai ông phi công hết thời cầm chai rượu... rẻ tiền nhìn nhau, không nói gì nhưng hiểu nhau rất nhiều. Hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của những cuộc đời lưu lạc. Cái thuở vá trời lấp biển ngày xưa đã qua rồi.
Tôi và anh Hưởng, bạn bè lâu ngày gặp nhau đáng lẽ phải vui mừng lắm mà sao thấy ngậm ngùi, thấy xót xa tận đáy tâm hồn. Trời sinh bọn mình ra đâu phải để sống... bần tiện như thế này mà vẫn phải sống. Hai người cầm chai rượu rẻ tiền đi ra, bước những bước nặng nề, đầu cúi xuống, chẳng muốn ngước mặt lên cao...
Một đàn anh khác của phi đoàn xém chút nữa thì tôi quên. Thầy Ninh. Ngày xưa thầy là sĩ quan Huấn Luyện, tính tình hiền lành dễ thương. Tôi nhớ mãi năm 75, ở trại Utapao Thái Lan, thầy Ninh đã bỏ tiền vào máy bán cà phê để mua cho tôi một ly. Quý lắm. Hồi đó tôi chẳng có một xu dính túi, cầm ly cà phê mà thấy cảm động vô cùng. Sau này, lúc chưa cầm bút viết văn, một lần tôi xuống Houston ghé thăm thầy, vợ chồng thầy Ninh làm tiết canh đãi tôi nhậu. Thầy không uống rượu nhiều nhưng cứ thích ngồi nói chuyện ngày xưa với "mấy thằng con nít" như tôi. Lúc ấy tôi mới để ý một điều là thầy Ninh hiền thật. Hiền từ cách suy nghĩ cho đến cách nói chuyện, cách đối xử.
Gần đây, có vài anh em đã nghĩ đến chuyện họp mặt phi đoàn. Chuyện đó có nên chăng? Họp nhau để mà... khóc hay để cười, hay để làm chuyện gì khác? Ngày xưa, Từ Thức đi lọt vào cõi tiên có mấy ngày, lúc trở lại làng xưa thì ngạc nhiên vì thấy cái gì cũng khác lạ. Hỏi một ông già, ông ấy nói: "Ngày xưa, lâu lắm rồi, cách đây gần trăm năm, nghe các cụ kể, có một người trong làng tên là Từ Thức bỏ đi đâu mất biệt." Trong anh em ta bây giờ, có biết bao nhiêu người đã trở thành ông Từ Thức tân thời. Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại, cứ nhân số ngày tù của anh em ta ở lên một ngàn năm thì biết quê hương mình, đất nước mình hiện có bao nhiêu ông Từ Thức. Đau một cái là anh em ở tù không phải vì lỗi mình mà ở tù tập thể, ở tù vì thua trận, ở tù vì tội lỗi của những người lãnh đạo ngu xuẩn hèn nhát, ở tù vì làm người Việt Nam sinh lầm thế kỷ. Anh em sẽ nghĩ gì khi gặp lại những người bạn xưa bây giờ rủng rỉnh tiền bạc, con cái học nên người, có đứa làm bác sĩ, làm kỹ sư, làm đủ thứ ngon lành? Cái bắt tay, lời chào mừng có giấu được vẻ chua xót hay thương hại đối với nhau hay không?
Hãy thật với lòng mình đi. Một lần mà thôi.
Sự so sánh nào cũng dễ làm cho người ta đau lòng và sự thua thiệt nào cũng dễ làm cho người ta cay đắng. Những người kẹt ở lại và những người đi trước, xin đừng tự dối lòng mình để bảo rằng chúng ta chẳng có gì khác nhau cả. Không, muốn nói gì thì nói, giữa chúng ta có một khoảng cách gần 20 năm. Và 20 năm trời đối với một đời người trung bình có 60 năm là một phần ba cuộc đời. Một phần ba không phải ở lứa tuổi già "êm như làn khói lưng trời", không phải ở lứa tuổi thơ hoa mộng, mà là một phần ba của những tháng ngày quý hóa nhất, tràn trề sinh lực nhất đời mình đã tan thành mây khói.
Vậy thì, câu hỏi họp mặt phi đoàn tôi đề nghị xin để dành lại cho mấy anh em Hồng Hà Oanh Liệt (H.O.) mới qua. Anh em muốn họp thì có họp liền. Nhưng biết chừng nào anh em mới sẵn sàng hay đủ điều kiện để họp? 5 năm nữa, 10 năm nữa chăng? Năm 1985, sau 10 năm định cư ở đất Mỹ, hồi đó tôi còn trẻ măng, đã đưa ra ý kiến họp mặt phi đoàn, vậy mà đã 8 năm qua rồi, tóc tôi gần bạc rồi mà không cách gì gặp nhau được dù chỉ một lần.
Có lẽ, 10 năm nữa, 20 năm nữa, khi anh em về hưu cả thì chúng ta mới có thì giờ để gặp nhau. Ngày đó, không biết có còn đầy đủ anh em không. Ngày đó, chắc phải uống nước trà thế bia. Và mới uống một hai ly thì đã lo chuẩn bị xếp hàng... đi đái vì yếu thận. Ngày đó, có nhiều người chắc phải chống gậy...
Hoàng Đế Nã Pháo Luân có nói rằng: "Người hạnh phúc là người có một dĩ vãng để hãnh diện, một hiện tại để phấn đấu, và một tương lai để hy vọng." Chúng ta đây, những người lính đã chiến đấu để bảo vệ quê hương mình, cho dù đã thua trận để bây giờ trở thành những kẻ lưu lạc, cho dù nhiều người trong chúng ta đã bị tù tội, bị nhục nhã đủ thứ, nhưng, như đã nói, nhìn lại cuộc đời, chúng ta phải hãnh diện vì đã làm tròn bổn phận mình. Nhiều người trong chúng ta, kể cả tôi, ngày xưa nếu muốn trốn tránh nhiệm vụ, nếu muốn sống một cuộc đời an nhàn trong cuộc chiến chúng ta đã làm được. Chúng ta, có thể, dù yêu tổ quốc thật sự hay chỉ yêu bầu trời cao xanh thẳm, hoặc chỉ yêu chiếc áo phi hành màu xanh có mười bốn túi đi nữa, chúng ta đã là những người con của tổ quốc đã đứng lên đáp lời sông núi. Chúng ta đã đổ mồ hôi, máu và nước mắt cho quê hương mình. Chúng ta đã làm việc phải làm như những người trai nước Việt trước đó đã làm trong suốt thời gian bi hùng của 4 ngàn năm lập quốc. Chính nhờ chúng ta và quân đội chúng ta mà đồng bào ruột thịt miền Nam còn sống được thêm mấy chục năm trong sung sướng thanh bình. Chừng đó thôi cũng đủ làm cho chúng ta phần nào mãn nguyện, thấy sự hy sinh của mình không phải là vô nghĩa lý hoàn toàn. Có thể chẳng còn ai nhớ đến những công lao ấy nữa nhưng chuyện đó không quan trọng. Quan trọng là thế hệ của con cháu chúng ta. Chúng nó, nếu không hãnh diện được bởi cuộc chiến đấu hào hùng của chúng ta thì ít nhất, đừng để chúng nó bị hổ thẹn khi nghe người ta nhắc đến cha ông mình. Chúng nó cần biết rõ điều này để làm hành trang bước xuống cuộc đời chúng nó. Chúng nó sẽ phấn đấu và ngẩng mặt lên với đời.
Vậy thì, từ những suy luận trên, tôi nghĩ, chúng ta nên gặp nhau để nhìn lại dĩ vảng, để giúp nhau sống trong giai đoạn hiện tại nơi đất người, và, quan trọng nhất, để cùng nhau nhìn về tương lai mà phấn đấu và hy vọng.
Phải, Phấn Đấu và Hy Vọng, mấy chữ đẹp nhất trên trần gian này. Ngày thua trận, chúng ta đã bị kẻ thù tước đoạt tất cả nhưng có hai thứ mà chẳng ai có thể cướp được, đó là Ý Chí Phấn Đấu và niềm Hy Vọng trong lòng chúng ta. Ngày nào chúng ta còn có trong đáy lòng những cái đó thì chúng ta chẳng phải sợ gì cả.
Đúng năm. Chúng ta chẳng có gì phải sợ cả. Chúng ta sẽ thắng!
 
Viết xong trong... "Một buổi thu sang lắm lá vàng, có đàn chim nhỏ hát ca vang..."
1992
 
Bui Ngoc Thang
713 820 1470
21226 Somerset Park Ln
Katy TX 77450
 

No comments:

Post a Comment