Monday, January 2, 2012

Mỹ thiết lập lá chắn phi đạn cho UAE

Mỹ thiết lập lá chắn phi đạn cho UAE

Mỹ và UAE (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất) vừa ký thỏa thuận về việc thiết lập một hệ thống phòng thủ phi đạn tại quốc gia vùng Vịnh.

Một hệ thống phóng tên
 lửa đánh chặn. Ảnh minh họa
Một hệ thống phóng tên lửa đánh chặn. Ảnh minh họa: Aviationnews
CNN dẫn lời ủy viên báo chí George Little của Bộ Quốc phòng Mỹ hôm qua cho hay thỏa thuận có trị giá 3,48 tỷ USD được ký hôm 25/12. Hiện chưa rõ nguyên nhân vì sao thông tin về thỏa thuận này được tiết lộ ngày hôm qua, tức là 5 ngày sau khi được ký.
Thỏa thuận giữa Mỹ và UAE sẽ bao gồm việc giao hai thiết bị chống phi đạn, 96 phi đạn, các radar, huấn luyện và tổ chức tiếp liệu. "Việc có được hệ thống phòng thủ quan trọng này sẽ giúp tăng khả năng phòng vệ phi đạn và phòng không của UAE, đồng thời cũng góp phần tăng cường sự hợp tác phòng thủ phi đạn đạn đạo một cách chặt chẽ giữa hai nước", Ngũ Giác Đài cho biết.
 
Hình vẽ mô tả hoạt động của hệ thống THAAD. Ảnh: MDA
Hình vẽ mô tả hoạt động của hệ thống THAAD. Ảnh: MDA
 
Ủy viên báo chí Little còn xác nhận trong một thông báo rằng Mỹ và UAE đang có mối quan hệ quốc phòng song phương khăng khít, được thôi thúc bởi những mối quam tâm chung vì một khu vực vùng Vịnh ổn định và an ninh.
Raytheon, một nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ, cho hay công ty này sẽ cung cấp hai radar và các dịch vụ kèm theo cho UAE từ nay cho tới năm 2018. "Bản hợp đồng có trị giá 582,5 triệu USD cho hai radar này là một phần trong khế ước đầu tiên của hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD", thông báo của Raytheon xác nhận.
 
Bản đồ khu vực eo biển Hormuz nối liền vùng vịnh Ba Tư (vùng Vịnh) và vịnh Oman. UAE nằm ở vị trí đối diện với Iran qua eo Hormuz. Đồ họa: GraphicMaps
 
UAE là một quốc gia nằm ở vùng Vịnh, đối diện với Iran qua eo biển Hormuz. Bởi vậy, vai trò của UAE đối với an ninh tại khu vực vùng Vịnh nói riêng và Trung Đông nói chung là đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh Iran vừa đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz nếu các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này không được dỡ bỏ.
Thông tin về việc Mỹ sắp thiết lập hệ thống phòng thủ phi đạn cho UAE được đưa ra không lâu sau khi thông tin Mỹ sắp công bố hợp đồng bán và tân trang máy bay chiến đấu cho Saudi Arabia được loan báo. Đây là diễn biến đáng chú ý tiếp theo tại khu vực Trung Đông, trong bối cảnh Iran đang rầm rộ tiến hành tập trận hải quân.

Mỹ bán 84 phi cơ F-15 cho Saudi Arabia

Chính quyền Tổng thống Barack Obama sắp thông báo khế ước bán các máy bay chiến đấu F-15 trị giá gần 30 tỷ USD cho Saudi Arabia.

Máy bay chiến đấu F-15 của Mỹ. Ảnh : Usaf
Máy bay chiến đấu F-15 của Mỹ. Ảnh : Usaf
 
Khế ước này sẽ bao gồm việc Mỹ bán cho quốc gia Trung Đông 84 máy bay F-15 và tân trang 70 chiến đấu cơ khác mà nước này hiện có, AP dẫn lời một số quan chức Mỹ giấu tên. Tổng giá trị của hợp đồng chưa được chính thức công bố này là 29,4 tỷ USD.
Thỏa thuận bán và tân trang quân dụng nói trên sẽ tăng cường sức mạnh quân sự cho Saudi Arabia, một đồng minh quan trọng của Mỹ tại Trung Đông. Khế ước này cũng được thông qua vào thời điểm chính quyền Tổng thống Obama đang tìm cách đối phó với "những đe dọa từ Iran" đối với khu vực này. Đặc biệt, thông tin về hợp đồng được đưa ra ngay sau khi Mỹ tuyên bố quyết không để cho Iran đóng eo biển Hormuz nằm giữa vịnh Ba Tư và vịnh Oman.
Khoảng một năm trước, chính quyền Tổng thống Obama đã được Quốc hội Mỹ bật đèn xanh về một khế ước vũ khí có trị giá 60 tỷ USD trong 10 năm với Saudi Arabia. Hợp đồng này bao gồm việc cung cấp các chiến đấu cơ F-15, các trực thăng chiến đấu, nhiều loại phi đạn, bom, các hệ thống tiếp vận, cũng như các hệ thống radar cảnh báo và các loại kính nhìn ban đêm.
Kế hoạch nói trên ban đầu gây nên lo ngại cho những nghị sĩ thân Israel trong Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, giới chức Mỹ đã tái đảm bảo với Quốc hội rằng các thỏa thuận hợp tác quân sự giữa Washington và Tel Aviv sẽ không bị giảm đi vì họp đồng với Saudi Arabia.
Saudi Arabia và Iran là hai nước láng giềng không mấy gần gũi. Căng thẳng giữa hai nước càng tăng thêm cách đây không lâu, sau khi Mỹ cáo buộc Iran có âm mưu ám sát đại sứ Saudi Arabia tại Washington.
Saudi Arabia là quốc gia có lực lượng quân sự mạnh nhất trong các nước Arab ở vùng Vịnh, đồng thời là một trong những nước giàu có nhất trên thế giới. Saudi Arabia luôn là trung tâm trong chính sách của Mỹ tại Trung Đông. Nước này cũng đóng vai trò quan trọng đối với an ninh năng lượng của Mỹ. Saudi Arabia là nguồn nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ ba của cường quốc kinh tế số một thế giới.

Iran bắn thử phi đạn ở eo biển Hormuz

Iran hôm qua thử phi đạn tầm xa ở eo biển Hormuz, chỉ ít ngày sau khi dọa đóng cửa ngõ thông thương này để trả đũa lệnh trừng phạt của phương Tây. 

Tàu hải quân Iran phóng thử tên lửa trên biển Oman. Ảnh: EPA
 
Các quan chức cấp cao của hải quân Iran cho hay nằm trong chương trình tập trận 10 ngày Velayat 90, các phi đạn đất đối hải, đất đối đất và đất đối không, trong đó có một số phi đạn có thể mang đầu đạn hạt nhân, đã được thí nghiệm tại vịnh Oman.
Cuộc tập trận trải dài trên 2.000 km từ vịnh Ba Tư qua eo biển Hormuz ra vịnh Oman, cũng có sự tham gia của hệ thống tàu ngầm, ngư lôi, máy bay không người lái và nhiều thiết bị quân sự tối tân khác. Theo Telegraph, Iran cũng diễn tập cài đặt mìn, một hoạt động quan trọng với nước này nếu đóng eo biển Hormuz.
Lời đe dọa đã gây ra một phản ứng giận dữ từ Washington. Mỹ cảnh cáo rằng "bất kỳ nỗ lực nào nhằm phong tỏa eo biển Hormuz cũng không thể tha thứ". Tàu sân bay USS John C. Stennis, một trong những tàu chiến lớn nhất hải quân Mỹ, sau đó được phát hiện đang hoạt động trong vùng biển quốc tế gần eo Hormuz, nơi Iran đang tập trận. Quan chức Mỹ khẳng định đây là hoạt động thường xuyên của con tàu và kế hoạch đã được thảo từ trước. Phó tổng thống Iran, Mohammed Reza Rahimi, trước đó cảnh báo rằng sẽ đóng eo biển Hormuz và không một giọt dầu nào được chuyển qua eo biển này nếu châu Âu và Mỹ phản đối chương trình hạt nhân của Iran bằng cách áp lệnh trừng phạt với việc xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia Hồi giáo. Đô đốc Habibollah Sayyari thì cho biết hải quân Iran có thể đóng cửa eo biển Hormuz một cách "rất dễ dàng".
Eo biển Hormuz có chiều rộng vẻn vẹn 54 km và thuộc vịnh Persian, nằm giữa Iran và Oman. Đây là tuyến đường vận chuyển khoảng 1/6 lượng dầu thô trên toàn thế giới, tương đương 15 triệu thùng dầu mỗi ngày. Nếu cửa ngõ này bị phong tỏa, giá dầu mỏ sẽ tăng vọt trên thế giới, và nó cũng ảnh hưởng đến bản thân nền kinh tế Iran vốn phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ.
 
Bản đồ mô tả địa điểm tập trận của Iran. Eo biển Hormuz là một vị trí quân sự chiến lược, là con đường vận tải của nhiều tàu chở dầu trên thế giới. Tàu chiến của Mỹ và một số nước khác cũng hoạt động tại đây với lý do chống cướp biển. Ảnh: eutimes
 
Giữa tình hình căng thẳng leo thang, hôm 29/12, Mỹ tuyên bố đã ký hợp đồng bán 84 máy bay chiến đấu F-15SA cho Arab Saudi. Dù đến 2015, các chiến đấu cơ mới được bàn giao cho quốc gia Arab nhưng hành động này cũng là bằng chứng cho thấy quyết tâm của Washington trong việc tăng cường sức mạnh quân sự cho các đồng minh ở vùng Vịnh, nơi Iran phô diễn sức mạnh trong thời gian gần đây.
Trong tuần tới, Mỹ cũng dự định sẽ phê duyệt một đạo luật mới, cấm tất cả các giao dịch với Ngân hàng Trung ương Iran, cơ quan thực hiện phần lớn các thương vụ buôn bán dầu mỏ của nước này. Lệnh trừng phạt nhằm gây áp lực buộc quốc gia Hồi giáo từ bỏ chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, Tehran khẳng định việc làm giàu uranium hoàn toàn nhằm mục đích hòa bình và kiên quyết không lùi bước
Iran tuyên bố “sẵn sàng thương lượng” với các cường quốc
Iran ngày 31/12/2011 bắn tin sẽ gửi một bức thư đến đại diện ngoại giao châu Âu đề nghị hai bên nối lại đối thoại về vấn đề hạt nhân.
 
 Tổng thống Mỹ vừa ký dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt mới lên Iran.
 
Theo hãng tin Mehr của Iran, ông Saeed Jalili, trưởng đoàn đàm phán của chính quyền Teheran, sẽ gửi một bức thư đến đại diện ngoại giao châu Âu bà Catherine Ashton. Nội dung lá thư đề nghị hai bên nối lại đối thoại về vấn đề hạt nhân. Ông Jalili cho biết là Iran sẵn sàng thảo luận lại với các cường quốc.
Trích dẫn đại sứ Iran tại Đức, hãng tin Mehr nói rõ thêm là trong bức thư gởi đến bà Ashton, ông Jalili đã đề cập đến “khuôn khổ cuộc thương lượng… và sau đó sẽ có những cuộc thảo luận mới với các cường quốc”.
Các cuộc thảo luận về vấn đề hạt nhân Iran với sự tham gia của Đức cùng với 5 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, và Trung Quốc) đã kết thúc vào tháng 1/2011 mà không mang lại kết quả.
Từ sau báo cáo vừa qua của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nêu bật khả năng Iran chế tạo vũ khí hạt nhân, Liên minh châu Âu đã dự tính cấm vận dầu hỏa đối với Iran, một biện pháp đã được Mỹ thực hiện.
Trong khi đó, trong phản ứng mới nhất, ngày cuối cùng của năm 2011, Tổng thống Mỹ đã ký thành luật dự luật quốc phòng lớn, trong đó có điều khoản áp đặt các biện pháp trừng phạt mới lên Iran để gây rối khả năng tài chính của Iran trong chương trình làm giàu hạt nhân.
Thông báo Iran sẵn sàng nối lại đàm phán với các cường quốc được đưa ra trong lúc mà quốc gia này đang tiến hành thao diễn quân sự trong khu vực chiến lược là eo biển Ormuz, với ý định thí nghiệm phi đạn tầm xa.
Theo giới truyền thông Iran, việc thử phi đạn đã được thực hiện hôm qua, 31/12/2011. Các hãng tin Iran mô tả sự kiện này như một hành động biểu dương lực lượng của Tehran vào lúc quan hệ với phương Tây căng thẳng cao độ.
Tuy nhiên, tư lệnh hải quân Iran, đô đốc Mahmoud Mousavi, đã lên tiếng phủ nhận. Theo ông, việc bắn phi đạn sẽ được thực hiện trong những ngày sắp tới.
Iran tuyên bố sản xuất các thanh nhiên liệu hạt nhân đầu tiên
Iran ngày 1/1 tuyên bố các nhà khoa học nước này đã thành công trong việc tự sản xuất và thử nghiệm các thanh nhiên liệu hạt nhân đầu tiên.
 
Một binh sĩ Iran mang đạn dược trong cuộc tập trận hải quân gần eo biển Hormuz.
 
Các thanh niên liệu hạt nhân chứa các viên uranium làm giàu nhằm cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy hạt nhân.
Trang web của Cơ quan năng lượng nguyên Iran (AEOI) cho biết các thanh nhiên liệu hạt nhân tự chế đầu tiên đã được đặt vào lõi lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu ở Tehran. Tuy nhiên, hiện chưa rõ các thanh nhiên liệu này có chứa các viên uranium hay không hay chỉ là các thanh rỗng được đặt vào trong khuôn khổ một cuộc thử nghiệm.
Tờ Tehran Times gọi việc sản xuất thanh nhiên liệu này là “một thành quả lớn khiến phương Tây bối rối”.
“Thành tựu lớn này sẽ làm phương Tây bối rối, vì các quốc gia phương Tây đã cho rằng Iran có thể thất bại trong việc sản xuất các tấm nhiên liệu hạt nhân”, tờ Tehran Times viết.
Thành tựu trên được thông báo vào thời điểm những lo ngại đang gia tăng giữa các cường quốc phương Tây và Iran sau khi Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hồi tháng 11 báo cáo rằng Iran đã tiến hành các cuộc thử nghiệm “liên quan tới việc phát triển một thiết bị hạt nhân”.
Mỹ và các đồng minh phương Tây đã gia tăng áp lực lệnh trừng phạt lên Iran, một trong những quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, để thúc ép Tehran ngừng làm giàu uranium.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 31/12 đã ký thành luật các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Ngân hàng trung ương và ngành tài chính của Iran.
Trong một diễn biến khác, hải quân Iran hôm qua đã tuyên bố thử thành công một loại phi đạn đất đối không tâm trung được trang bị “công nghệ chống radar tinh vi nhất” trong cuộc tập trận kéo dài 10 ngày gần eo biển chiến lược Hormuz.
Iran dường như đã hoãn các kế hoạch thông báo trước đó nhằm thử nghiệm các phi đạn tầm xa, cho biết các vũ khí này sẽ được phóng thử trong những ngày tới. Các phi đạn tầm xa của Iran có thể vươn tới Israel và các căn cứ của Mỹ ở Trung Đông.
 
Nghị viện Ả Rập đề nghị rút quan sát viên khỏi Syria
 
Một nhóm quan sát viên AL giữa đám đông biểu tình ở Syria hôm 30.12 - Ảnh: AFP 
 
Nghị viện Ả Rập hôm 1.1.2012 đã kêu gọi rút các quan sát viên của Liên đoàn Ả Rập (AL) khỏi Syria vì cho rằng sự hiện diện của họ cũng không có tác dụng ngưng cuộc trấn áp người biểu tình của chính quyền Damascus.
Theo hãng tin AFP, lời kêu gọi trên diễn ra trong bối cảnh AL chuẩn bị gởi thêm quan sát viên đến Syria vào ngày 5.1 tới.
BBC cho biết, Chủ tịch Nghị viện Ả Rập Salem al-Diqbassi đã hối thúc Tổng Thư ký AL Nabil al-Arabi “rút ngay lập tức các quan sát viên Ả Rập do chính quyền Syria tiếp tục giết chết dân thường vô tội”.
Trong một tuyên bố, ông al-Diqbassi nói hành động của Damascus là “vi phạm thỏa thuận của AL, vốn bảo vệ người dân Syria. Chúng ta đang chứng kiến bạo lực gia tăng, ngày càng nhiều người bị sát hại, trong đó có cả trẻ em... và tất cả những điều này diễn ra ngay trước mắt các quan sát viên AL, khiến người dân Ả Rập tức giận”.
Được biết, Nghị viện Ả Rập là ủy ban cố vấn gồm 88 thành viên là các nghị sĩ từ 22 quốc gia thành viên thuộc Liên đoàn Ả Rập.
Trước đó, hôm 27.12.2011, khoảng 50 quan sát viên AL đã đến Syria để đánh giá cam kết của chính quyền Syria về việc chấm dứt bạo lực ở nước này.
 
Israel và Palestine sẽ hội đàm ngày 3.1
 
Palestine đã yêu chấm dứt xây dựng các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây là điều kiện tiên quyết cho các cuộc hòa đàm - Ảnh: AFP
 
Các nhà hòa đàm Israel và Palestine sẽ gặp nhau vào ngày mai 3.1 tại thủ đô Amman của Jordan, mở ra hy vọng về việc sớm nối lại cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên vốn bị ngưng trệ cả hơn một năm.
Hãng tin Petra của Jordan dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này Mohammad al-Kayed cho biết, cuộc gặp gỡ trên nhằm đạt được quan điểm chung cho việc nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai bên cũng như thỏa thuận hòa bình Palestine-Israel.
Cũng theo ông Kayed, trưởng đoàn đàm phán Saeb Erakat của Palestine và người đồng cấp Israel Yitzhak Molcho sẽ có cuộc hội đàm song phương cũng như với đại diện từ nhóm Bộ tứ, vốn gồm Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ và Nga.
Tiến trình hòa đàm Trung Đông đã bị ngưng trệ trong thời gian dài.
Theo AP, nhóm Bộ tứ đã ấn định ngày 26.1 tới là hạn chót để tái khởi động các cuộc đàm phán.
 
Ngày Mỹ rút quân là Quốc khánh Iraq
 
Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki chính thức công bố chọn ngày Mỹ triệt thoái quân đội khỏi nước này (31.12.2011) làm ngày Quốc khánh mới, theo Tân Hoa xã. Từ nay, Quốc khánh của Iraq không còn là ngày 3.10, vốn được ấn định sau khi giành độc lập từ Anh vào năm 1932.
Phát biểu trong buổi lễ đánh dấu sự kiện Mỹ rút quân, ông al-Maliki nói: “Tôi công bố ngày 31.12 là Quốc khánh mới. Đó là ngày lá cờ Iraq tung bay trong tự do và độc lập. Thời khắc này sẽ mang lại bình minh của một thời mới trong khu vực”. Tuy nhiên, AFP cũng dẫn lời Thủ tướng al-Maliki cảnh báo Iraq sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn trong công cuộc tái thiết đất nước, khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh. Ngoài ra, ông cũng tuyên bố không dung thứ các hành động khủng bố, vốn vẫn là một thách thức lớn cho sự ổn định của Iraq.
 
Ai Cập bị cảnh cáo vì phát kênh truyền hình của Gaddafi
 
 Một chỉ huy quân sự Libya ngày 31.12 cảnh cáo Ai Cập rằng ông ta sẽ dùng vũ lực đóng cửa sứ quán nước này cũng như biên giới giữa hai nước nếu giới chức quân sự tại Cairo không cắt sóng đài truyền hình của cựu lãnh đạo Muammar Gaddafi.
Theo hãng tin Reuters, Abdullah Naker, chỉ huy Hội đồng Cách mạng Tripoli, nói rằng công ty phát sóng vệ tinh Nilesat của Ai Cập đã cho phép đài truyền hình Al Jamahiriya chính thức của ông Gaddafi phát sóng hồi tuần qua và đài này đã cho lên sóng những đoạn băng ghi hình các bài phát biểu cũ của nhà lãnh đạo bị sát hại.
 

Ông Abdullah Naker - Ảnh: Reuters
Dân chúng ở thủ đô Tripoli của Libya cho biết họ đã xem được đài này, với cùng tên đài và logo, phát sóng ngày 30.12.
Theo ông Naker, các doanh nhân trung thành với ông Gaddafi đã tài trợ việc phát sóng đài này.
“Việc phát sóng kênh (Al Jamahiriya) nên được chấm dứt ngay lập tức”, ông Naker tuyên bố tại một cuộc họp ở đại bản doanh của mình tại trụ sở một công ty xây dựng ở ngoại ô Tripoli.
“Chúng tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp, bao gồm đóng cửa biên giới, trục xuất người Ai Cập và đóng cửa sứ quan và lãnh sự quán của nước này”, ông Naker nói thêm.
Một đại diện của Nilesat cho biết việc phát sóng đài truyền hình gây tranh cãi nói trên đã bị ngưng từ nhiều tháng nay.
Một quan chức chính phủ lâm thời Libya cho biết Bộ Ngoại giao nước này sẽ liên lạc với chính phủ Ai Cập để “giải quyết vấn đề đài truyền hình này qua các phương tiện ngoại giao”.
__._,_.___

No comments:

Post a Comment