Sunday, January 8, 2012

Quan hệ Việt – Mỹ gặp thử thách với trường hợp Bùi Thị Minh Hằng

Quan hệ Việt – Mỹ gặp thử thách với trường hợp Bùi Thị Minh Hằng

Bà Bùi Thị Minh Hằng trong một cuộc biểu tình.
Bà Bùi Thị Minh Hằng trong một cuộc biểu tình. Facebook

Trọng Nghĩa  RFI

Ngày 06/01 vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phải lên tiếng giải thích về việc chính quyền Hà Nội quyết định bắt một người tích cực biểu tình chống Trung Cộng gây hấn, và đưa vào giam giữ hai năm trong trại “giáo dục”. Việt Nam đã phản ứng như trên sau khi gặp phải nhiều chỉ trích, trong đó có lời phản đối chính thức từ phía Hoa Kỳ hôm 05/01, thông qua đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội. Giáo sư Carl Thayer phân tích trường hợp này.

Nhân vật trung tâm trong vụ việc này là bà Bùi Thị Minh Hằng, 47 tuổi, đã nhiều lần tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Cộng gây hấn với Việt Nam tại vùng Biển Đông, và đã tiếp tục biểu tình bất chấp lệnh cấm của chính quyền.
Theo lời giải thích của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị, được báo chí Việt Nam trích dẫn thì : “Các cơ quan chính quyền của thành phố Hà Nội cho biết (là bà) Bùi Thị Minh Hằng đã nhiều lần gây rối trật tự công cộng. Việc xử phạt này phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam”. Cũng theo ông Lương Thanh Nghị, trường hợp bà Hằng không phải là một vụ giam giữ vì quan điểm chính trị do « Tại Việt Nam, không ai bị bắt vì lý do bày tỏ chính kiến ».
Tuyên bố trên đây đã gián tiếp đáp lại lời chỉ trích chính thức từ phía Hoa Kỳ được đưa ra trước đó một hôm. Ngày 05/01, đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội đã tỏ ý “quan ngại sâu sắc” vì những thông tin cho biết là bà Bùi Thị Minh Hằng đã bị « kết án không qua xét xử tới hai năm giam giữ tại một trại cải tạo ở Việt Nam, vì đã tham gia vào một cuộc biểu tình ôn hòa ».
Hành động can thiệp trực tiếp của Hoa Kỳ và phản ứng của Việt Nam cho thấy là việc bắt giam bà Hằng đang khuấy động quan hệ Mỹ - Việt, vào lúc Việt Nam có ý muốn phát triể quan hệ với Hoa Kỳ, trong bối cảnh Hà Nội liên tiếp bị Bắc Kinh chèn ép trên vấn đề Biển Đông.
Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Carl Thayer đã cho rằng trường hợp Bùi Thị Minh Hằng đã nêu bật hai yếu tố nhân quyền và Biển Đông trong tương lai quan hệ Việt Mỹ. Theo ông Thayer, có bốn giả thuyết giải thích nguyên nhân vì sao bà Hằng bị bắt giữ và đối đãi một cách khắc nghiệt như vậy.
« Trước hết, đó có thể là vì Việt Nam muốn thực hiện tốt lời hứa "hướng dẫn công luận" trên những vấn đề ảnh hưởng đến quan hệ song phương Việt -Trung. Đây là thỏa thuận đạt được ngày 25 tháng 6 năm 2010 nhân dịp phái viên đặc biệt của Việt Nam đến Bắc Kinh (sau khi Việt Nam tố cáo Trung Cộng sách nhiễu tàu thăm dò dầu khí Việt Nam trong vùng thềm lục địa của mình).
Giả thuyết thứ hai là các quan chức Việt Nam tính toán rằng ý định của Hoa Kỳ muốn lôi kéo Việt Nam vào việc ngăn chặn Trung Cộng tại Biển Đông sẽ xóa nhòa các mối quan tâm của Mỹ về nhân quyền. Trong trường hợp đó, phản ứng của Đại sứ quán Mỹ trong vụ bà Minh Hằng chỉ mang tính chiếu lệ mà thôi.
Theo giả thuyết thứ ba, có thể là giới lãnh đạo Việt Nam lo ngại trước tác động của ba vấn đề khác nhau trên sự ổn định chính trị trong nước : Hiện trạng kinh tế của Việt Nam, tình hình bất ổn chính trị tại Trung Cộng và tác động tiềm tàng của mùa xuân Ả Rập…
Giả thuyết thứ tư là bà Minh Hằng đã có thành tích đấu tranh chính trị. Theo Human Rights Watch, bà đã bị giam giữ ít nhất bốn lần trong sáu tháng qua. Các bức ảnh và video quay cảnh bà tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Cộng cho thấy là bà rất dũng cảm. Dù bị nhiều áp lực, bà vẫn tiếp tục biểu tình. Cơ quan an ninh Việt Nam không quen khoan dung, và thái độ cứng rắn của bà Minh Hằng được coi là một sự thách thức trực tiếp uy quyền của nhà nước".
Theo giáo sư Thayer, trường hợp của Minh Hằng rất nhạy cảm vì không thể khép bà vào tội hoạt động tuyên truyền chống nhà nước. Việc bà nhằm chống lại các hành động của Trung Cộng ở Biển Đông được đông đảo công chúng Việt Nam ủng hộ và có ảnh hưởng rộng rãi.
Vấn đề này nổi bật vào lúc các cuộc đàm phán Mỹ - Việt về một bản tuyên bố quan hệ đối tác chiến lược Việt - Mỹ đã gặp trở ngại vào năm ngoái, do bất đồng về vấn đề nhân quyền. Phía Hoa Kỳ muốn xếp vấn đề này vào một đề mục riêng biệt, trong lúc phía Việt Nam lại chủ trương lồng nhân quyền vào bên trong một đề mục chung là quan hệ chính trị.


Tân Đại sứ Mỹ lên tiếng ở Thượng viện về vụ ông Cù Huy Hà Vũ

Thưa quý vị, ông David Shear, người được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm làm Tân Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, hôm qua cho hay, Mỹ ‘đang theo dõi chặt chẽ tình hình’ liên quan tới bản án 7 năm tù giam đối với luật sư Cù Huy Hà Vũ, và vụ bắt giam hai nhà bất đồng chính kiến sau đó. Trong buổi điều trần để xem xét chuẩn thuận ông Shear tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 6/4, giới chức hiện là Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói ông muốn tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực với Việt Nam, điển hình là giáo dục, kinh tế và quân sự, nhưng đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục ‘thúc ép’ Hà Nội tôn trọng nhân quyền. Mời quý vị theo dõi tường thuật của Nguyễn Trung trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này.

Nguyễn Trung | Washington, DC

Tân Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam David Shear
Hình: Nguyễn Trung
 
Tân đại sứ nói diễn biến hợp tác của hai nước hiện đã ‘lên tới mức khó mà có thể tưởng tượng được chỉ vài năm trước’.
Tân Đại sứ Hoa Kỳ nói: 'Việt Nam sẽ không tận dụng được toàn bộ tiềm năng của mình nếu không cho thấy tôn trọng nhân quyền hơn nữa, và vấn đề nhân quyền gây quan ngại của nước này sẽ giới hạn tốc độ phát triển mối quan hệ'.
Nhà ngoại giao kỳ cựu cho biết ông theo dõi các sự kiện xảy ra ở Việt Nam gần đây, nhất là vụ luật sư Cù Huy Hà Vũ bị kết án 7 năm tù giam vì ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’.

Ông Shear lặp lại tuyên bố hôm 5/4 của Bộ Ngoại giao Mỹ, ‘thúc giục chính phủ Việt Nam thả ngay lập tức ông Cù Huy Hà Vũ và tất cả các tù nhân lương tâm khác’.

Ông cũng nêu lên trường hợp hai nhà bất đồng chính kiến khác mới bị bắt sau phiên xử luật sư Vũ là Phạm Hồng Sơn và Lê Quốc Quân, đồng thời cho biết ‘đang theo dõi chặt chẽ’ tình hình.

Trong khi đó, hôm 5/4, Hà Nội tuyên bố Hoa Kỳ ‘can thiệp vào công việc nội bộ’ và nhấn mạnh ‘không có cái gọi là tù nhân lương tâm ở Việt Nam’.

Trong phiên điều trần với sự chủ tọa của Thượng nghị sĩ có nhiều duyên nợ với nước Việt,  ông Jim Webb, ông Shear còn cho hay, nếu được Thượng viện chuẩn thuận, ông sẽ ‘làm việc chặt chẽ với Quốc hội để thúc đẩy quyền lợi của Mỹ ở Việt Nam’.

Nhà ngoại giao kỳ cựu cũng nói quá trình hợp tác của hai nước hiện đã ‘lên tới mức khó mà có thể tưởng tượng được chỉ vài năm trước’.

Ông Shear nêu ra một loạt các lĩnh vực hợp tác với Việt Nam mà ông dự tính sẽ tiến hành trong nhiệm kỳ tại Hà Nội.

Thượng nghị sĩ Jim Webb
Nguyễn Trung
Thượng nghị sĩ Jim Web chủ tọa buổi điều trần xem xét việc chuẩn thuận ông David Shear.
Ông nói: ‘Nếu được chuẩn thuận (làm đại sứ), tôi sẽ tiếp tục gia tăng sự tham gia (của Hoa Kỳ) trong các lĩnh vực như an ninh khu vực, vấn đề không phổ biến vũ khí, thực thi luật pháp, y tế, biến đổi khí hậu, khoa học và công nghệ'.
Nhà ngoại giao này nói thêm: 'Tôi cũng cam kết gia tăng trao đổi giáo dục và giao tiếp với nhân dân. Ngoài ra, thương mại sẽ vẫn tiếp tục là một lĩnh vực chủ chốt trong mối quan hệ với Việt Nam. Bang giao quốc phòng cải thiện cũng sẽ góp phần củng cố mối quan hệ song phương’.

Theo Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội, từ con số vài trăm triệu đôla hơn 10 năm trước, thương mại hai chiều năm 2010 tăng lên hơn 18 tỷ đôla, và hiện có hơn 10 nghìn sinh viên Việt Nam theo học ở Mỹ.

Tuy nhiên, ông Shear cũng lưu ý rằng, trong khi phát triển mối quan hệ chiến lược với Hà Nội, Washington cũng cần ‘gia tăng thúc ép chính phủ Việt Nam tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo’.
Ông nói: ‘Hiện vẫn còn có quan ngại sâu sắc về việc bỏ tù những người bất đồng chính kiến, tình trạng giới hạn báo chí và Internet, cũng như việc sách nhiễu các tổ chức tôn giáo'.
Ông Đại sứ đánh giá: 'Việt Nam sẽ không tận dụng được toàn bộ tiềm năng của mình nếu không cho thấy tôn trọng nhân quyền hơn nữa, và hồ sơ nhân quyền gây quan ngại của nước này sẽ giới hạn tốc độ phát triển mối quan hệ. Nếu được chuẩn thuận (làm đại sứ), tôi sẽ coi vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo là một phần trọng tâm trong các cuộc trao đổi với các nhà lãnh đạo cũng như người dân Việt Nam’.

Trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho Ban Việt Ngữ, Đài VOA, trước khi rời Việt Nam, người tiền nhiệm của ông Shear, cựu đại sứ Michael Michalak cũng nói rằng nhân quyền là một trong các thách thức mà hai bên ‘cần phải nỗ lực hơn nữa để giải quyết’.

Về kỳ vọng đối với nhiệm kỳ sắp tới của Tân đại sứ David Shear, ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn viên Đảng Việt Tân, tổ chức bị Việt Nam coi là ‘khủng bố’, nói ông hy vọng ‘Hoa Kỳ sẽ luôn quan tâm về vấn đề nhân quyền’.
Ông Duy nhận định: ‘Hiện nay hai chính phủ có quan hệ bang giao, nhưng mà điều quan trọng là trong tương lai, làm sao chúng ta luôn luôn để vấn đề nhân quyền trong quan hệ. Một trong những điều chúng tôi để ý ngày hôm nay là ông Shear cũng hứa là ông sẽ luôn luôn lắng nghe tiếng nói của cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ’.

Trong phần trình bày của mình, ông Shear đã cho biết sẽ liên hệ chặt chẽ với cộng đồng người Mỹ gốc Việt vì ‘họ đóng một vai trò quan trọng trong mối bang giao giữa hai quốc gia’.

Liên quan tới các vấn đề trên bình diện khu vực, ông Shear cũng đề cập tới tranh chấp chủ quyền ở biển Nam Trung Hoa (tức biển Đông).

Ông cho rằng quan điểm mà Ngoại trưởng Hillary Clinton nêu ra hồi năm ngoái tại Hà Nội, về quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ trong việc giải quyết tranh chấp ở vùng biển này, ‘có tác dụng’, khi Trung Quốc và ASEAN đã tiến hành hai tới ba cuộc họp để bàn thảo giải pháp.

Trả lời trước Ủy ban An ninh và Kinh tế Trung – Mỹ tại Hạ viện Hoa Kỳ hồi năm 2010, nhà ngoại giao kỳ cựu thông thạo tiếng Hoa từng nhấn mạnh rằng Washington muốn Bắc Kinh ‘hòa hợp’ với các nước láng giềng, vì điều đó ‘hỗ trợ cho các quyền lợi của Hoa Kỳ’.

Ông Shear đảm nhận chức Phó trợ  lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương từ năm 2009.

Tổng thống Barack Obama thông báo đề cử ông vào chức vụ Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam hồi cuối năm ngoái.

Nếu được Thượng viện chuẩn thuận, ông Shear sẽ là vị Đại sứ thứ 5 nhận nhiệm vụ tại Hà Nội kể từ khi hai quốc gia bình thường hóa quan hệ.
Mời quý vị đọc thêm các bài về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, từng được phát sóng trong chuyên mục 'Câu chuyện Việt Nam':
Mỹ rút ra bài học gì từ quan hệ giữa Nga với ASEAN và Việt Nam?
Đến đây cũng đã kết thúc chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ do Nguyễn Trung phụ trách, phát sóng vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy hàng tuần. Quý vị có thể bình luận về bài phỏng vấn này cũng như đọc các tin tức mới nhất, xem các phóng sự video, bình luận, trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com cũng như trên các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 độ plus. Nguyễn Trung xin chân thành cám ơn và hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tuần sau.

No comments:

Post a Comment