Biết người biết ta
Lữ Giang
Trong tuần vừa qua, Việt Hà của đài RFA đã mở ba cuộc phỏng vấn rất hữu ích về các biến cố đang xẩy ra ở Biển Đông, đó là hai bài phỏng vấn hai giáo sư môn quan hệ quốc tế là Nick Bisley tại trường đại học La Trope của Úc và Renato Cruz De Castro thuộc trường đại học De la Salle, Philippines, và bài phỏng vấn ông Ian Storey, một chuyên gia về Đông Nam Á, người đã tham dự diễn đàn đối thoại Shangri La ở Singapore vừa qua. Cả ba bài phỏng vấn này, nhất bài phỏng vấn giáo sư Renato Cruz De Castro, có thể giúp người Việt ở trong cũng như ngoài nước thấy rõ hơn chuyện gì đang xẩy ra trên Biển Đông và phải đối phó như thế nào, thay vì cứ tiếp tục suy nghĩ và hành động theo cảm tính.
Dĩ nhiên, còn rất nhiều bài phân tích có giá trị của các chuyên gia khác, nhưng có thể coi quan điểm của ba chuyên gia này là tiêu biểu.
Trước hết, chúng tôi nói về quan điểm chính của ba chuyên gia nói trên về mục tiêu và chiến thuật của Hoa Lục và phương thức đối phó của các nước bị xâm lấn, sau đó chúng tôi sẽ nói về phương thức đối phó của nhà cầm quyền Việt Nam.
MỤC TIÊU CỦA HOA LỤC
Trong bài phỏng vấn dưới đầu đề “Quan điểm của Philippines về việc Hoa Lục gây hấn” được RFA phổ biến ngày 10.6.2011, Giáo sư Renato Cruz De Castro đã nói về mục tiêu gây hấn của Hoa Lục ở Biển Đông như sau:
“Hoa Lục đang muốn cho chúng ta thấy là họ là một cường quốc đang nổi lên và chúng ta phải tôn trọng cái gọi là quyền trên biển của họ cũng như sức mạnh trên biển của họ. Họ đang nhắm vào hai nước đó là Việt Nam và tất nhiên là Philippiness.
“Và mục đích là để khiến hai nước phải đồng ý làm việc song phương với Hoa Lục. Đây là một cách để phá hoại sự thống nhất của ASEAN đối với vấn đề biển Đông...”
Còn ông Ian Storey, một chuyên gia về Đông Nam Á, đã nói trong bài “Căng thẳng ở biển Đông có thể dẫn đến xung đột quân sự” được RFA phổ biến ngày 11.6.2011 như sau:
“Nó có nhiều lý do khiến Hoa Lục trở nên hung hăng hơn trong vài tháng qua, thứ nhất là Hoa Lục có khả năng về quân sự để tạo sức ép khi đòi chủ quyền trên biển Đông.
“Ngoài ra tôi cũng cho rằng Hoa Lục đang muốn thử các nước đòi chủ quyền khác trong khu vực và cả Mỹ nữa, vốn là nước đã lên tiếng quan ngại về căng thẳng trên Biển Đông trong vòng 18 tháng qua.
Nói tóm lại, theo hai chuyên gia này, mục tiêu của Hoa Lục là:
(1) Muốn cho các quốc gia liên hệ thấy quyền và sức mạnh của họ trên biển.
(2) Thử xem phản ứng của các quốc gia liên hệ, kể cả Mỹ, như thế nào.
CHIẾN THUẬT CỦA HOA LỤC
Giáo sư Renato Cruz De Castro nói về chiến thuật của Hoa Lục như sau:
“Trò chơi của họ là muốn để chúng tôi rơi vào cái bẫy của họ, họ quấy rối, gây khó dễ và đợi chúng tôi bắn phát đầu tiên, và điều này đã xảy ra với Việt Nam vào hồi năm 1988 và Việt Nam đã phải chịu một tổn thất lớn. Cho nên đây là trò chơi đợi bạn bắn phát đầu tiên và sau đó họ sẽ nói là họ tự vệ.”
Cũng theo ông, chiến thuật thứ hai của Hoa Lục là nói khác và làm khác, tức “có sự thiếu đồng nhất giữa những gì mà họ tuyên bố và hành động thực tế trên biển Đông”. Vào cuối tháng 5, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Lục là Lương Quang Liệt đến thăm Philippines và nói “mọi chuyện đều ổn” nhưng sau đó “lại khác hoàn toàn và có thể sẽ có một sự leo thang mới”.
Vụ tàu Hoa Lục đổ vật liệu xây dựng tại bãi đảo Amy Douglas Reed vào cuối tháng 5 là một dấu hiệu khác. Tuyên bố chung của các nước ASEAN về ứng xử trên biển Đông năm 2002 (DOC) cấm các bên chiếm đóng các đảo và bãi chưa chiếm đóng. Từ đó đến nay tất cả các bên đều tuân thủ điều này. Nhưng Hoa Lục đã vi phạm DOC nghiêm trọng. Các sự kiện liên quan đến tàu đánh cá và tàu thăm dò của Việt Nam có thể leo thang thành những xung đột vũ trang nghiêm trọng hơn. Ông nói:
“Chẳng hạn những tàu này gặp tàu Hoa Lục trong tương lai và bắn nhau thì trên thực tế không có cơ chế nào ngăn chặn những hành động này và đây là mối nguy hiểm thực sự tại biển Đông, gây thiệt mạng, mất ổn định trong khu vực, và gia tăng căng thẳng.
Ông nói thêm:
“Chúng ta cũng phải tính đến khía cạnh là Hoa Lục có thể chia rẽ Asean bằng cách cung cấp trợ giúp tín dụng, kinh tế cho các nước trong lục địa khác, những nước không có quyền lợi gì trên biển Đông. Hoa Lục cùng cần phải được thuyết phục trước tiên là họ cần phải làm việc với cả ASEAN chứ không phải với từng nước.”
Như vậy, chiến thuật của Hoa Lục có thể được tóm lược vào các điểm chính sau đây:
(1) Gây hấn và đợi cho đối thủ bắn trước để ra tay.
(2) Đưa ra những tuyên bố hoà nhã nhưng sau đó làm khác.
(3) Chia rẽ khối ASEAN bằng cách chỉ chấp nhận phương thức thương thuyết song phương, chứ không làm việc chung với cả ASEAN.
VỀ PHƯƠNG CÁCH ĐỐI PHÓ
Giáo sư Renato Cruz De Castro cho biết:
“Điều mà Philippines có thể làm là phát triển một hệ thống tàu tuần tiễu để quan sát, tuần tiễu khu vực biển Đông, nhưng nếu nói để trang bị đủ vũ khí phục vụ chiến tranh trên biển thì lại là một vấn đề khác. Tôi không nghĩ chúng tôi có thể làm được điều này trong vòng 5 đến 10 năm nữa.
“Hiệp ước với Mỹ cũng bảo vệ Philippines khỏi những tấn công vào những tàu của Philippines ở trên biển hay từ trên không, những tấn công này có thể bị coi là tấn công vào nước Mỹ. Nhưng Hoa Lục có thể đe dọa, quấy nhiễu nhưng liệu nó có leo thang thành tấn công vũ trang hay không thì lại là một vấn đề khác.
“Xem xét phản ứng của Việt Nam với Hoa Lục không thể quên vấn đề lịch sử và địa lý. So với Việt Nam chúng tôi không có một lịch sử lâu dài nhiều tranh chấp với Hoa Lục. Xét về mặt địa lý chúng tôi ở xa Hoa Lục hơn rất nhiều so với Việt Nam.
“Ngoài ra trong đầu óc của người dân chúng tôi, chúng tôi hiểu là chúng tôi được Mỹ bảo vệ qua hiệp ước ký với Mỹ. Liệu trên thực tế nếu có đụng độ quân sự với Mỹ thì chúng tôi có được thực sự bảo vệ không thì có thể là vấn đề khác...
“Điều duy nhất mà chúng ta có thể làm là cùng nhau tìm cách kiềm chế Hoa Lục, và tất nhiên là phải dựa vào sức mạnh của Mỹ. Tuy nhiên nếu nhìn vào những gì mà nước Mỹ đang phải đối mặt, nhất là thâm hụt ngân sách thì chúng ta không thể không đặt câu hỏi là liệu Hoa Kỳ sẽ vẫn còn là cường quốc trên biển Thái Bình Dương trong vòng 3 cho tới 5 năm tới hay không? Và trong trường hợp đó thì chỉ còn cách là chấp nhận những cái gì không thể tránh khỏi, đó là một học thuyết Monroe kiểu Hoa Lục tại Đông Á.
“Nhưng điều tiếp theo là vậy chúng ta có thể làm gì, Philippines có thể làm gì? Chúng tôi không có khả năng về quân sự vào lúc này ngay kể cả là để theo dõi các hành động trên biển của Hoa Lục. Cho nên có thể là chúng ta biết điều gì có thể xảy ra nhưng vậy thì chúng ta có thể làm gì?
“Rất khó để trả lời, Asean hoạt động trên nguyên tắc bội số chung nhỏ nhất có nghĩa là tất cả những dàn xếp đều phải thỏa mãn lợi ích quốc gia hay là có tính đến lợi ích quốc gia của cả 9 thành viên khác. Cho nên là Việt Nam, Philippines và chủ tịch hiện tại của Asean phải đưa ra được một sáng kiến gì đó để khiến các thành viên khác tham gia.
Ông Ian Storey, một chuyên gia về Đông Nam Á, đã có ý kiến như sau:
“Trong năm 2010 một loạt nước tại diễn đàn khu vực ASEAN vào tháng 7 và hội nghị quốc phòng ASEAN vào tháng 10 đã đưa ra các thông điệp tới Hoa Lục là họ không hài lòng và quan ngại với thái độ của Hoa Lục không chỉ trên biển Đông mà còn cả các vùng biển khác.
“Có mong đợi là nếu có những chỉ trích đồng loạt như vậy thì Hoa Lục sẽ xem xét lại chính sách của mình nhưng thực tế họ đã không làm vậy.
Theo ông, các nước trong khu vực và thậm chí là cả vùng đông bắc là Nhật Bản rất lo ngại về đòi hỏi của Hoa Lục về lãnh thổ trên biển. Họ phải theo đuổi một loạt các chiến lược như ngoại giao, họ nói chuyện với Hoa Lục song phương và cả đa phương. Một vài nước còn hiện đại hóa quân đội như để bảo vệ mình trước Hoa Lục hoặc tiến tới gần với Mỹ, vì Mỹ là nước duy nhất có thể cân bằng với Hoa Lục trên Biển Đông.
Giáo sư Nick Bisley dạy môn quan hệ quốc tế tại trường đại học La Trope của Úc đã có ý kiền về khả năng của Úc trong các biển động ở Biển Đông như sau:
“Tôi nghĩ rất khó có động lực để Úc sẽ can thiệp vào những sự kiện đụng độ nhỏ trên biển Đông, Úc không muốn tham gia về mặt quốc phòng vào các khu vực nhạy cảm như biển Đông. Úc sẽ rất miễn cưỡng trong chuyện này trừ khi có sự hậu thuẫn của Liên Hiệp Quốc hay đa quốc gia.
“Thái độ của Úc như tôi biết được qua sự tiếp xúc với giới chức chính phủ lúc này là đồng hành với ASEAN để đạt được Bộ Quy Tắc Về Ưng Xử (Code of Conduct) trên biển Đông, hay có thể là một tuyên bố mạnh hơn bản tuyên bố năm 2002. Điều này không phải dễ vì có sự khác biệt giữa các nước thuộc khối, họ cũng có tranh chấp, và thứ hai họ còn gặp khó khăn với Hoa Lục và Mỹ. Vì thế, ông “không tin là một COC có thể thỏa mãn được tất cả các bên có thể sớm thành hình”.
Nhìn chung, ý kiến về phương thức đối phó với Hoa Lục gồm những điểm chính sau đây:
(1) Khó có thể đối kháng với Hoa Lục bằng quân sự, vì cả Việt Nam lẫn Philippines không có khả năng về quân sự vào lúc này, ngay cả để theo dõi các hành động trên biển của Hoa Lục. Việt Nam đã đụng độ với Hoa Lục năm 1988 và đã bị thiệt hại nặng nề.
(2) Nhờ sự bảo vệ của Mỹ: Giữa Philippines và Mỹ có hiệp ước này 30.8.1951 bảo vệ các hòn đảo, tàu thuyền và máy bay của Philippines trên Thái Bình Dương khi bị tấn công, nhưng khi có đụng độ, Philippines có thực sự được bảo vệ hay không thì có thể là vấn đề khác.
(3) Cách tốt nhất là các nước ASEAN cùng nhau kiềm chế Hoa Lục và phải dựa vào Mỹ. Nhưng cũng có những khó khăn sau đây:
Về phía các nước ASEAN, phải đưa ra được một sáng kiến gì đó để khiến các thành viên khác tham gia.
Về phía Mỹ: Nước này đang gặp khó khăn về ngân sách không thể biết Mỹ còn là một cường quốc trên Thái Bình Dương trong vòng 3 cho tới 5 năm tới hay không?
CÁCH ĐỐI PHÓ CỦA VIỆT NAM
VNCH (Miền Nam) và CSVN đều đã từng đối phó với sự xâm chiếm lãnh hải của Hoa Lục, nhưng mỗi bên có những khó khăn và thuận lợi khác nhau:
A.- Về phía VNCH trước đây
Trong thời kỳ Pháp thuộc cũng như trong thời kỳ Mỹ tham gia vào cuộc chiến Đông Dương, Hoa Lục không bao giờ dám tranh chấp về lãnh hải với Việt Nam vì lúc đó khả năng quân sự của Hoa Lục còn yếu kém.
Sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị giết, chủ quyền quốc gia được chuyển qua tay người Mỹ, họ đã xử dụng những người chỉ biết tuân theo chính sách của Mỹ, nên khi Mỹ bỏ, không phải chỉ có lãnh hải mà toàn bộ miền Nam đã bị mất.
B.- Về phía CSVN
Nằm trong hệ thống cộng sản quốc tế, CSVN bị lệ thuộc vào hai nước đàn anh là Liên Sô và Hoa Lục. Có thể nói, không có Hoa Lục, CSVN không thể chiếm được miền Bắc năm 1954 và toàn Việt Nam năm 1975.
Để có phương tiện đánh chiếm miền Nam, CSVN đã phải ngầm bán Hoàng Sa và Trường Sa cho Hoa Lục. Tuyên bố ngày 4.9.1958 của Chính Phủ Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa về lãnh hải và Công Hàm ngày 14.9.1958 của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng công nhận tuyên bố này, có thể được coi là một thỏa ước công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Hoa Lục, mặc dầu trên phương diện pháp lý, hai văn kiện này không có giá trị gì cả. Lúc đó, CSVN đã coi việc đổi Hoàng Sa và Trường Sa để lấy miền Nam là thượng sách.
Vì phải dãi nắng dầm sương với Hoa Lục từ năm 1949 đến nay, CSVN hiểu rõ Trung Cộng hơn bất cứ ai hết. Cuốn “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Hoa Lục trong 30 năm qua” của Bộ Ngoại Giao CSVN được nhà xuất bản Sự Thật xuất bản vào tháng 10 năm 1979 đã nói lên gần hết mặt trái đàng sau của “tình hữu nghị Việt – Hoa ” và chính sách xâm lược của Hoa Lục.
Các tài liệu được công bố trên một số cơ quan truyền thông ở trong nước cho thấy các ban nghiên cứu của CSVN đã nắm rất vững vấn đề Biển Đông, cách hành xử của Trung Quốc, thái độ của khối ASEAN, thái độ của Mỹ, v.v. Bên ngoài, đảng CSVN đang đi theo đường lối chung: Kêu gọi các quốc gia ASEAN hợp tác để ngăn chận sự bành trướng của Hoa Lục, kêu gọi tiến tới thông qua một Quy Tắc Ưng Xử ở Biển Đông (Code of Conduct – COC), yêu cầu Mỹ mạnh tay hơn đối với Hoa Lục, v.v. Bên trong, đảng CSVN đang thăm dò phản ứng của các bên để tùy cơ ứng biến.
DẬY MÀ ĐI HỠI ĐỒNG BÀO ƠI!
Hôm Chúa nhật 5.6.2011, đảng CSVN đã cho tổ chức một cuộc biểu tình chống Hoa Lục ở Hà Nội và Sài Gòn dưới hình thức “quần chúng nổi dậy” với hai mục tiêu chính: (1) Xả xú bắp cho phong trào đòi lên án Hoa Lục, và (2) thăm dò phản ứng của Trung Quốc.
Đây là một cuộc biểu tình được chuẩn bị rất kỹ càng. Các thành phần có thể gây biến động đã bị lượm trước. Các thành phần “không thể kiểm soát được” đã bị chận lại trên đường đi đến nơi biểu tình. Các thành phần tham dự biểu tình đã được lựa chọn. Một số nhân vật “kỳ cựu” như Nguyễn Đình Đầu, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng, Đình Vượng, Vương Đình Chữ, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Quốc Thái, Hồ Cương Quyết... được đưa ra để làm cho cuộc biểu tình có thêm màu mè. Các biểu ngữ và khẩu hiệu được hô cũng được giới hạn: “Đã đảo Hoa Lục xâm lược”, “Biển Đông – Việt Nam”. Các bài hát được chọn cũng chỉ có ba bài: “Lên đàng"(Lê Hữu Phước), "Hành trình nối vòng tay lớn" (Nguyễn Văn Hiên), “Dậy mà đi” (Nguyễn Xuân Tân):
Dậy mà đi, dậy mà đi
Ai chiến thắng không hề chiến bại
Ai nên khôn không khốn một lần
Dậy mà đi, dậy mà đi
Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi
Máy quay phim và máy chụp hình hoạt động liên tục, nhiều nhân viên an ninh được cài vào trong đoàn biểu tình. Một lực lượng an ninh lớn đã được chuẩn bị để can thiệp khi có biến. Nhà cầm quyền rất sợ các phần tử “phản động” hay bất mãn với chế độ biến cuộc biểu tình chống Hoa Lục thành cuộc biểu tình chống chế độ.
Một tuần sau, ngày 12.6.2011, một số người tưởng chính quyền đã cho phép biểu tình chống , nên tụ tập lại ở Hà Nội và Sài Gòn để tiếp tục biểu tình. Nhưng bài “Nỗi buồn ngày biểu tình 12.6” được đài RFA phổ biến ngày 13.6.2011 cho biết quanh khu Lãnh sự quán Trung Quốc, công an và dân phòng đã ngập đường, đông gấp 5 lần so với tuần trước. Ai đi tới gần LSQ cũng bị công an ngăn cản... Tại khu Nhà Thờ Đức Bà “có anh vừa hô “Hoàng Sa, Trường Sa” liền bị một anh an ninh cầm tờ báo cuộn tròn đập bốp vào giữa mặt, rồi áp giải đi luôn”.
Người Việt hải ngoại ở Los Angeles, San Jose và nhiều nơi khác cũng đã biểu tình chống Trung Quốc, nhưng lòng hận thù Cộng Sản và sự phản kháng Trung Quốc đã quyện lẫn vào nhau. Câu phương châm “L'ennemi de mon ennemi est mon ami!” (Kẻ thù của kẻ thù tôi là bạn tôi) vẫn còn là kim chỉ nam cho hành động, nên một số người cho rằng chỉ cần phá sập chế độ cộng sản là mọi chuyện sẽ được giải quyết. Đây là chỉ một lực lượng nhỏ bé, hành động theo cảm tính, không đường lối rõ rệt, không có lãnh đạo, không theo một kế hoạch, chiến lược hay chiến thuật nào, nên không gây ảnh hưởng gì đến cuộc tranh chấp ở Biển Đông hiện nay.
Để thể hiện chủ quyền trên Biển Đông, ít ra trên phương diện khai thác dầu lửa, Hoa Lục đã biểu dương khí thế để buộc các nước liên hệ, nhất là Philippines và Việt Nam, phải thương lượng song phương với họ, chấp nhận chủ quyền của họ và họ sẽ cho phép khai thác một số khu vực nào đó. Trong khi đó, một số chuyên gia lại đề nghị chia vùng khai thác trên biển đông, không tranh luận về chủ quyền, nhưng Hoa Lục bác bỏ. Các nuớc ASEAN và Hoa Kỳ muốn thi hành Tuyên bố chung về Ưng Xử Giữa Các Bên ở Biển Đông 2002 (Declaration on the Conduct of Parties - DOC) về giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trong hoà bình và tiến tới thông qua Quy Tắc Ưng Xử ở Biển Đông (Code of Conduct – COC), nhưng Hoa Lục không chấp nhận. Thỉnh thoảng Hoa Lục lại gây rối ở Biển Đông để đòi chủ quyền của Hoa Lục. Nếu các quốc gia liên hệ phản ứng mạnh, Hoa Lục sẽ lùi lại, nhưng ít lâu sau lại giở trò cũ. Con đường chông gai còn dài.
Ngày 14.6.2011
Lữ Giang
No comments:
Post a Comment