Thursday, June 16, 2011

CUỘC CHIẾN BÍ HIỂM KHÔNG TIẾNG SÚNG

CUỘC CHIẾN BÍ HIỂM KHÔNG TIẾNG SÚNG
KẺ NÓNG MŨI NỔ SÚNG TRƯỚC … TẤT BẠI!

Chẳng hiểu có thứ ‘mật ước’ quỷ quái nào giữa Hoa Kỳ và Tầu Cộng, như kiểu đi đêm giữa Kissinger và Chu Ân Lai trong cuộc chiến Việt Nam trước kia hay không, mà những diễn biến tại Biển Đông ngày nay, có vẻ như các bên đều hăm hở đẩy nhau vào vòng tranh giành, như sắp bắn giết nhau một cách quyết liệt đến nơi. Trong khi đó, bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Robert Gates tại Hội Nghị Shangri-La ở Singapore công bố về 4 nguyên tắc giao tiếp giữa Hoakỳ và các nước Áchâu: “Nguyên tắc thứ nhất là thương mại tự do và thông thoáng”. “Nguyên tắc thứ hai là một trật  tự quốc tế công bằng, các quốc gia phải có những quyền và trách nhiệm, cùng lúc với tuân thủ luật pháp”. “Nguyên tắc thứ ba là tất cả mọi người phải được tiếp cận thông thoáng vùng trời, vùng biển, vùng không gian, và vùng mạng”. “Nguyên tắc thứ tư là giải quyết các tranh chấp không dùng đến vũ lực”. Bộ trưởng quốc phòng Tầu Cộng, Lương Quang Liệt ở Diễn Đàn  Shangri-La cũng phụ hoạ : “Bắc kinh không theo đuổi mục tiêu chiếm quyền bá chủ và không bao giờ đe dọa bất kỳ quốc gia nào”. Tướng Liệt khẳng định: “Hoa Lục giữ vững cam kết duy trì hoà bình và ổn định tại biển Nam Trung Hoa và các kênh giao tiếp với các nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền ở khu vực này vẫn không có gì trở ngại”.

Nghĩa là việc tranh chấp tại Biển Đông với các nước Đông Nam Á, quân đội Hoa Lục phủi tay đứng ngoài. Việc tàu hải giám Hoa Lục cắt dây cáp của tàu Bình Minh 02, Lương Quang Liệt nói với Phùng Quang Thanh, bộ trưởng quốc phòng Việtcộng là: “Hải quân Hoa Lục không can dự vào vụ việc 26/05”. Vụ một tàu đánh cá được 2 tàu ngư chính Tầu Cộng hộ tống, đã lao vào cắt dây cáp của tàu thăm dò địa chấn Viking 2 ngày 09/06/11 lại là một màn kịch mới, cố chứng tỏ quân đội vô can. Trong khi đó thực tế Tầu Cộng đang gia tăng ngân sách quốc phòng, tăng cường lực lượng hải quân, đóng hàng không mẫu hạm, sản xuất hỏa tiễn diệt hàng không mẫu hạm.  Các nhà quân sự quốc tế thì luôn miệng kêu gọi tránh dùng vũ lực, nhưng vẫn chạy đua vũ trang. Đặc biệt là Tầu Cộng, một thế lực đang hung hăng đe doạ Việt Nam và các nước Đông Nam Á, ra sức dùng mọi cách lấn chiếm thềm lục điạ của Việt Nam, Philippines và các nước Đông Nam Á khác, để áp đặt đường lưỡi bò, chiếm 80% diện tích toàn vùng Biển Đông Việtnam, Biển Tây Philippies, Biển Nam Trunghoa, Biển Bắc Malysia, gọi tắt là Biển Đông Nam Á. Nơi có khối lượng dầu khí rất lớn.

Ngày 13/06/2011 hải quân Việt Cộng diễn tập bắn đạn thật ngoài khơi tỉnh Quảng Nam. Nguyễn Tấn Dũng thủ tướng Việtcộng ký ban hành nghị định về điều kiện nhập ngũ, dù đây không phải là một lệnh tổng động viên, nhưng cũng là sự chuẩn bị sẵn cho một cuộc chiến. Báo Mainichi của Nhật đưa tin hàng không mẫu hạm USS George Washington vừa rời căn cứ Yokosuka ở Nhật lên đường tham gia một cuộc tuần tra đa quốc gia vùng Tây Thái Bình Dương, với sứ vụ kéo dài nhiều tháng bao gồm việc hợp tác với các nước trong khu vực để tuần tra các vùng biển, trong đó có Biển Đông. Quan chức  thuộc Hạm Đội 7 của Mỹ cho biết, một khu trục hạm của Mỹ sẽ cập cảng Đà Nẵng vào tháng tới để tham gia hoạt động huấn luyện cứu hộ với hải quân Việtnam. Cuộc tập trận này diễn ra vào đúng lúc Tầu Cộng cũng tuyên bố sẽ tiến hành cuộc tập trận hải quân bắn đạn thật tại phía Tây Thái Bình Dương. Báo Bangkok Post loan tin, Việt Nam sẽ chính thức tham gia cuộc tập trận có tên là Ayara  Guardian 2011, vớí 13 quốc gia trong vùng là Úc, Bangladesh. Campuchia, Nhậtbản, Malaysia, Môngcổ, Nepal, Philippines, Rwanda Thaílan, Hoa Kỳ và Việt Nam. Phát ngôn viên Việtnam tuyên bố: “Việt Nam hoan nghênh mọi nỗ lực của quốc tế, kể cả Hoakỳ, nhằm làm dịu căng thẳng trong vùng Biển Đông”. Tổng thống Philippines. Benigno Aquino, ngày 14/06 cho biết: “Philippines cần sự giúp đỡ của một đồng minh lâu năm là Mỹ để giải quyết những tranh chấp với Tầu Cộng trên biển Đông”. Ông cáo buộc: “Tầu Cộng đã vi phạm luật biển qua việc gửi tàu đến các vùng biển đang tranh chấp, trong khi lực lượng quốc phòng của Phi còn quá yếu so với các nước trong khu vực”. Hoakỳ đã cho khu trục hạm USS Chung-hoon đến vùng biển Philippines.

Căng thẳng trên Biển Đông thu hút sự quan tâm của quốc tế, nhất là Hoakỳ. Tuy Hoakỳ  và Tầu Cộng đều kêu gọi  không dùng đến vũ lực để giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông, nhưng trước những đòn ma giáo như dùng tàu đánh cá lớn, đâm chìm thuyền nhỏ của ngư dân Việt Nam và phá hoại các cuộc thăm dò dầu khí ở thềm lục điạ của Việt Nam, có thể dẫn tới những phản ứng không kiểm soát của cả hai bên. Nên Mỹ phải huy động đến lực lượng hải quân để đề phòng. Theo như tướng Trần Bỉnh Đức tổng tham mưu quân đội Tầu Cộng thì: “Một khoảng cách 20 năm đang hiện hữu giữa quân đội Hoa Kỳ và quân đội Tầu Cộng”. “Tầu Cộng không có khả năng để có thể thách thức Hoa Kỳ”. Ấy thế mà Tầu Cộng vẫn cứ hung hăng lấn chiếm các nước trong vùng. Còn Mỹ thì được thế cứ dùng quân lực để bảo vệ các nước bị lấn chiếm.  Nếu Tầu Cộng nóng mũi nổ súng bắn vào tàu Mỹ trước, tất thảm bại. Kẻ chiến bại phải bồi thường chiến tranh. Với 3.000 tỷ Mỹkim hiện Tầu Cộng đang có trong tay, chưa đủ để bồi thường đâu! Nếu không dám đánh Mỹ thì đúng là đẩy các nước Á Châu về phía Mỹ rồi. Phải chăng Tầu Cộng biết mình không thể độc chiếm nổi kho dầu khí tại Biển Đông. Vì các giếng dầu đều nằm trong thềm lục điạ thuộc đặc quyền kinh tế của các nước ven biển. Nên Tầu Cộng phải tạo điều kiện để cho Mỹ nhúng tay vào làm trọng tài, rồi xin được ăn chia?

Việt Nam dù chưa phải là đồng minh của Mỹ, 2 bên chỉ mới là đối tác kinh tế, khác chế độ chính trị và xã hội, nên chưa có Hiệp Ước Quốc Phòng, nhưng các hãng dầu khí Mỹ  đang có hợp đồng khai thác ở thềm lục Việtnam, thì Mỹ vẫn có trách nhiệm bảo vệ cho các công ty của mình, bảo vệ luôn Việt Nam. Do đó, Việt Cộng đang dựa vào việc làm ăn với các hãng Mỹ để được Mỹ che chở, Cũng như Việt Cộng đang dựa vào các cuộc xuống đường biểu tình của dân chúng chống Tầu Cộng để có đối sách trước sự bắt nạt trắng trợn thái quá của Tầu. Nếu một khi các hãng làm ăn của Mỹ rút khỏi Việt Nam thì Mỹ hết lý do bảo vệ cho Việt nam. Nhất là lại cấm đoán các cuộc xuống đường biểu tình của dân chúng, hay là đàn áp các cuộc biểu tình, thì lập tức Việt Cộng trở thành kẻ bán nước cho Tầu Cộng. Lúc đó các cuộc xuống đường biểu tình của tuổi trẻ và dân chúng không chỉ là  Chống Tầu Cộng Xâm Lược, mà còn  Chống Việt Cộng Bán Nước nữa. Nó sẽ thành cuộc Cách Mạng Hoa Lài. Nhìn theo cách dàn dựng của các bên đang cầm chân nhau tại Biển Đông, thì dù tối dạ cách mấy cũng phải thấy rằng, đây chỉ là cuộc biểu dương lực lượng, bên nào thiếu kiên nhẫn, nóng mũi nổ súng trước, bên đó sẽ thua. Thắng, thua của cuộc chiến bí hiểm này nằm ở mặt thông tin. Nước nào chinh phục nổi lòng tin của dân chúng nước mình, để có sự hậu thuẫn của toàn dân và được hỗ trở của công luận thế giới thì nước đó sẽ thắng.

LÝ ĐẠI NGUYÊN – Little Saigon ngày 14/06/2011.

No comments:

Post a Comment