Tập trận 'chỉ làm tăng thêm căng thẳng'
Các tranh chấp biển đảo ở Biển Đông giữa Trung Quốc với Việt Nam và các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở khu vực Đông Nam Á có liên quan đang tiếp tục là đề tài nóng trong các tuần gần đây.
Liệu các cuộc tranh chấp giữa các quốc gia mà đặc biệt là giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ tiếp tục leo thang hay không? Vai trò của Hoa Kỳ như một cường quốc ra sao và liệu Asean sẽ có tác động như thế nào trong cuộc tranh chấp.
Đây là những nội dung chính mà BBC Việt ngữ đã trao đổi với bà Yang Fang, một người nghiên cứu về an ninh biển, hiện làm việc ở Trường S. Rajaratnam về nghiên cứu quốc tế (RSIS), Singapore.
Trước hết bà Yang Fang nhận xét về khả năng leo thang căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh sau cuộc tập trận bắn đạn thật của Việt Nam hôm 12 và 13 tháng Sáu.
Yang Fang: Tôi tin rằng cuộc tập trận bắn đạn thật sẽ tiếp tục làm leo thang căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Để tránh vi phạm tinh thần của Tuyên bố năm 2002 về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cả hai nước nên ngưng sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Các nước đang tranh chấp nên ưu tiên cho ngoại giao hoặc cho bất kỳ phương thức nào ít khiêu khích hơn để tìm kiếm một giải pháp.
Cần ghi nhớ rằng các nước không nên chơi lá bài quốc gia dân tộc mà có thể dễ dàng gây ra sự căng thẳng và làm cho các cuộc thương lượng và thỏa hiệp chính trị trở nên khó khăn hơn
Yang Fang
Cũng cần ghi nhớ rằng các nước không nên chơi lá bài quốc gia dân tộc mà có thể dễ dàng gây ra sự căng thẳng và khiến các chính trị gia gặp khó khăn hơn khi thương lượng và thỏa hiệp.
BBC: Nhân việc bà đang làm việc tại Singapore, xin được hỏi liệu Singapore có lập trường ra sao đối với các tranh chấp giữa Trung Quốc, Việt Nam và Philippines? Bà lý giải thế nào về chuyện Singapore, một thành viên của ASEAN đón tiếp một tàu tuần duyên của TQ (Haixun 31) tới đó giữa lúc diễn ra các mối căng thẳng biển đảo ở Biển Đông?
Yang Fang: Là một nước không tuyên bố chủ quyền, Singapore không đề ra lập trường gì trong tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, Singapore cam kết tạo thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp để duy trì tự do hàng hải và hòa bình ổn định trong khu vực.
Trung Quốc cố gắng duy trì một sự hiện diện tại Biển Đông như một cách thức để thực thi quyền tài phán của họ trên các vùng biển.
Mặc dù các quan chức Trung Quốc mô tả đây như là một chuyến thăm "bình thường", điều này có thể gây ra một số nghi ngờ cho rằng chiếc tàu được phái đi có sứ mạng giữa lúc căng thẳng.
Tuy nhiên, tôi tin rằng chuyến thăm của tàu Trung Quốc Haixun 31 là một vấn đề tương đối ít nhạy cảm vì chiếc tàu này là một tàu tuần tra dân sự chứ không phải là một tàu có tính chất hải quân.
Bảo hộ hòa bình
BBC: Hoa Kỳ sẽ phản ứng thế nào trước cuộc căng thẳng mới nhất? Vai trò bảo hộ hòa bình của họ trong khu vực sẽ được chấp nhận nhiều ít chừng nào trong các quốc gia thành viên ASEAN và các nước khác?
Yang Fang: Hoa Kỳ đã tái khẳng định rằng nước này sẽ không có bất kỳ lập trường nào trong các cuộc tranh chấp lãnh hải và kêu gọi tất cả các bên tranh chấp giải quyết tranh chấp thông qua các phương thức hòa bình.
Quan tâm của Hoa Kỳ ở Biển Đông là để duy trì tự do hàng hải và hòa bình, ổn định trong khu vực. Một số nước có thể coi Hoa Kỳ như một nhà bảo hộ hòa bình trước sự quyết đoán, táo bạo của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ không dự kiến tham gia vào các tranh chấp bằng cách đưa ra lập trường vì điều đó là đối lại với mong muốn của Trung Quốc giải quyết các tranh chấp trên cơ sở song phương và giữa các bên tuyên bố chủ quyền trong nội bộ ASEAN với nhau.
Một lần nữa, vì không phải tất cả các thành viên ASEAN đều có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, ASEAN rất khó đạt được một lập trường thống nhất về vấn đề này. Ngoài các tranh chấp Biển Đông, các nước ASEAN nói chung có mối quan hệ rất tốt với Trung Quốc.
Cả Indonesia và Campuchia đều là các quốc gia không tham gia tranh chấp và những gì họ có thể làm là thúc đẩy các nước tranh cùng làm việc và hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông
Yang Fang
Các nước có thể dễ dàng chấp nhận hơn việc Hoa Kỳ và các nước khác đóng vai trò hỗ trợ hòa bình chứ không phải là người bảo hộ, để thúc đẩy việc xây dựng lòng tin và làm giảm căng thẳng trong khu vực này.
BBC: Bà có nghĩ rằng nếu Indonesia, nước Chủ tịch luân phiên hiện nay của ASEAN, sẽ không thể giúp đỡ giải quyết các tranh chấp; và năm tới, khi ghế chủ tịch đến lượt Campuchia, vấn đề Biển Đông sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn cho tất cả?
Yang Fang: Tất cả các bên tuyên bố chủ quyền cần có một ý trí chính trị mạnh mẽ nhằm giải tỏa căng thẳng. Không có một quốc gia đơn độc nào có thể đảm bảo được hòa bình cho mình mà không có sự hợp tác giữa các bên liên quan trực tiếp.
Cả Indonesia và Campuchia đều là các quốc gia không tham gia tranh chấp và những gì họ có thể làm là thúc đẩy các nước tranh chấp cùng làm việc và hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (DOC) có tính chất ràng buộc pháp lý hay tới việc thực hiện Bộ quy tắc này một cách tốt hơn.
Trong hai thập kỷ qua, Indonesia đã làm việc chăm chỉ để thúc đẩy tất cả các bên tiến tới giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông.
Năm nay là Chủ tịch ASEAN, nước này một lần nữa thực hiện một số nỗ lực dẫn dắt. Campuchia cũng dự kiến sẽ tiếp tục làm việc trên các sáng kiến hiện có hoặc thông qua các biện pháp mới có tính thiết thực trong nhiệm kỳ luân phiên Chủ tịch ASEAN trong năm 2012.
Bài do BBC Tiếng Việt đặt và được đăng trên nhiều trang web khác của BBC như bbcchinese.com. Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục đăng các bài của giới chuyên gia quốc tế về chủ đề Biển Đông.
No comments:
Post a Comment