Thursday, June 16, 2011

Liệu có xảy ra xung đột vũ trang trên Biển Đông

Liệu có xảy ra xung đột vũ trang trên Biển Đông

Trung Điền

Các bài liên hệ

Cùng tác giả:

Liên tiếp trong vòng 10 ngày, Tàu Hoa Lục đã không chỉ xâm phạm lãnh hải Việt Nam ở miền Trung mà còn có hành động gây hấn mang tính khiêu khích. Đó là cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn dầu khí đang thăm dò dầu khí vào ngày 26 tháng 5 và cắt cáp tàu Viking 2 của công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí đang thăm dò địa chấn vào ngày 9 tháng 6 năm 2011 bên trong thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Lục Lương Quang Liệt tuyên bố rằng vụ cắt cáp nói trên không hề dính gì đến quân đội Hoa Lục, nhưng không một ai tin vào miệng lưỡi của Bắc Kinh. Lý do là Bắc Kinh đang có những chủ tâm tạo ra các xung đột trên biển Đông để biến nơi đây thành vùng biển không tranh chấp thành tranh chấp, từng bước “hợp thức hóa” vùng lưỡi bò chiếm 80% diện tích biển Đông.
Sau khi xảy ra hai vụ gây hấn nói trên, theo tin của báo Vạn Hối tại Hồng Kông thì Hoa Lục đã tức tốc đưa 11 tàu chiến băng qua vùng biển Nhật Bản, đi xuống biển Đông hợp cùng với lực lượng hải quân vùng đảo Hải Nam để chuẩn bị…. tập trận. Trong khi đó, phía Cộng sản Việt Nam đã lên tiếng phản đối Hoa Lục khá mạnh mẽ so với những lần trước, đặc biệt Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng bộ quốc phòng CSVN tuyên bố rằng “sẵn sàng chiến đấu nếu Bắc Kinh tiếp tục vi phạm”. Ngoài ra, Cộng sản Việt Nam còn cho biết là sẽ cho dùng đạn thật bắn thực tập trên biển Đông và nhất là Nguyễn Tấn Dũng vừa ký sắc lệnh nghĩa vụ quân sự có hiệu lực từ ngày 1 tháng 8 năm 2011. Tuy sắc lệnh nghĩa vụ quân sự không phải là lệnh tổng động viên, nhưng việc công bố sắc lệnh vào lúc xảy ra những căng thẳng với Hoa Lục khiến cho dư luận liên tưởng đến việc Hà Nội đang chuẩn bị “không khí” để đối đầu với Hoa Lục.
Hoa Kỳ và các quốc gia Đông Nam Á cũng tỏ ra quan ngại tình trạng căng thẳng hiện nay giữa Hoa Lục và Cộng sản Việt Nam. Hoa Kỳ đã chính thức đưa chiến hạm USS Chung Hoon, chiến hạm từng hỗ trợ tàu thăm dò Impeccable bị Hoa Lục gây rối năm 2009, tiến về phía Tây Thái Bình Dương. Song song, Hoa Kỳ sẽ cùng với lực lượng hải quân Phi Luật Tân mở cuộc tập trận trên vùng biển phía Tây Phi Luật Tân vào cuối tháng 6 với mục tiêu “bảo đảm tự do hàng hải” trên biển Đông. Với những phản ứng “sẵn sàng chiến đấu” của Hoa Lục, Cộng sản Việt Nam, Hoa Kỳ và Phi Luật Tân - các nước có liên hệ ít nhiều trong các vụ xung đột trên biển Đông gần đây, dư luận cho rằng Trung Quốc sẽ tránh đụng đầu với lực lượng Hoa Kỳ và Phi Luật Tân, nhưng sẵn sàng đối đầu với hải quân CSVN vì bốn lý do sau đây:
Thứ nhất, từ nhiều năm qua, Hoa Lục đã tạo một không khí “thù nghịch” đối với Việt Nam một cách tàn tệ trong lòng xã hội Hoa Lục. Họ dựng lên hình ảnh phản phúc, tham lam, hiếu chiến của lãnh đạo Cộng sản Việt Nam để mỗi khi có những căng thẳng xảy ra trên biển Đông thì tất cả dư luận Hoa Lục đều chỉa mũi dùi công kích về phía Việt Nam. Hoa Lục đã rất dụng công trong việc tuyên truyền một chiều để khiến dư luận người Hoa đều nghĩ rằng Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á đã cướp biển của dân Trung Hoa chứ không phải là nạn nhân của bá quyền Hoa Lục. Có thể nói, họ đã thành công trong việc kích lên sự phẫn nộ của người dân đối với Việt Nam. Khi lòng dân sẵn sàng đứng về phía chính quyền – dù có bị đầu độc sai lầm đi chăng nữa, vẫn là lợi thế giúp cho Bắc Kinh khi đối đầu với Cộng sản Việt Nam.
Thứ hai, Hoa Lục đã nắm được các nhược điểm của Cộng sản Việt Nam trong 2 thập niên nối lại quan hệ từ năm 1991. Trong mối quan hệ này, Hà Nội cần Bắc Kinh hơn là Bắc Kinh cần Hà Nội trên mọi mặt. Đặc biệt là 15 ủy viên Bộ chính trị và thành phần lãnh đạo cốt cán của Hà Nội hiện nay coi như bị Hoa Lục tung tiền ra mua chuộc và những quyền lợi đang thụ hưởng gắn quá chặt với Bắc Kinh khó có thể buông thả. Chính những quyền lợi này đã trở thành “vòng kim cô” trên đầu thành phần lãnh đạo Hà Nội. Những phát biểu tương đối mạnh đối với Hoa Lục gần đây của bà Phương Nga, phát ngôn nhân Bộ ngoại giao, hay của ông Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng quốc phòng, hoàn toàn chỉ để tạo ấn tượng là CSVN không hèn. Nếu để ý các lên tiếng của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng CSVN thường là từ 2 đến 3 ngày sau khi sự kiện đã xảy ra. Họ phải bàn thảo và nhiều khi “xin phép” trong sự chừng mực nào đó để không làm cho Bắc Kinh giận dữ.
Thứ ba, tuy quân đội Việt Nam sẵn sàng chiến đấu vì lòng yêu nước trước những sự gây hấn của Hoa Lục; nhưng do hệ thống kềm chế của đảng và mệnh lệnh của Bộ chính trị, các sĩ quan và quân đội đã không dám làm gì. Ngoài ra, Bắc Kinh biết rõ là hải quân CSVN không có khả năng chiến đấu vì tàu chiến, súng đạn quá chênh lệch đối với lực lượng của Hoa Lục. Mặc dù từ năm 2010, CSVN đã bỏ ra gần 4 tỷ Mỹ kim để mua 6 tàu ngầm Kilô từ Nga, mua máy bay trực thăng, xe tăng và một số súng đạn… nhưng đến năm 2014, Hà Nội mới có đầy đủ những trang thiết bị nói trên. Chiến đấu trong hoàn cảnh hiện nay, ví như CSVN cầm gậy tầm vong chống lại hỏa tiễn của Hoa Lục.
Thứ tư, biển Đông ngày trở nên quan trọng đối với Hoa Lục về hai mặt an ninh chiến lược và phát triển công nghiệp. Về mặt kinh tế, biển Đông không chỉ là con đường vận chuyển 60% lượng dầu thô và hàng hóa để phục vụ cho nền kinh tế Hoa Lục, mà còn là nơi có nhiều trữ lượng dầu khí, khí đốt và hải sản rất phong phú. Về mặt chiến lược, biển Đông là biển lớn nhất thế giới nhìn ra Thái Bình Dương và nối kết với Ấn Độ Dương. Không kiểm soát được biển Đông, Hoa Lục sẽ bị bao vây và không thể nào vươn lên trở thành cường quốc số 1 của thế giới. So với các quốc gia bao bọc quanh biển Đông, Việt Nam nằm ở vị trí rất quan trọng cho con đường vận chuyển với bờ biển dài cả ngàn cây số và thềm lục địa chứa hơn 1/3 trữ lượng dầu khí. Hoa Kỳ, Hoa Lục, Nga và Nhật Bản đều rất muốn vị trí chiến lược này của Việt Nam. Muốn kiển soát biển Đông và vói tay ra xuống phía Nam Thái Bình Dương và nối kết Ấn Độ Dương, Bắc Kinh phải kiểm soát vùng biển Đông của Việt Nam.
Với bốn lý do nói trên, nhiều xác xuất cho thấy là Bắc Kinh sẽ ra tay và đặt CSVN ở vào chỗ đã rồi khi thời điểm chín muồi. Đây là lối xung đột có tính toán của Bắc Kinh để làm cho CSVN vừa mất hậu thuẫn trong quần chúng vì chính sách “hèn với giặc – ác với dân” trong nhiều năm qua; vừa không dám phản công toàn diện vì tiềm lực quân sự quá yếu. Nhìn lại tất cả những vụ xung đột và chiếm cứ trên biển Đông trong thời gian qua, Hoa Lục đều áp dụng bài bản “từ không tranh chấp biến thành tranh chấp” và “từ tranh chấp dùng quân sự tấn công để đặt đối phương vào chỗ đã rồi”. Người ta không tin là Hà Nội có đủ bản lãnh để đối đầu và ngăn chận sự xâm phạm này của Hoa Lục. Bởi kinh nghiệm của vụ Trường sa năm 1988, vụ mất Thác Bản Dốc, Ải Nam Quan, Bãi Tục Lãm và hơn 700 cây số vuông vùng Biên giới năm 2000, cho thấy là CSVN đã coi quyền lợi của đảng Cộng sản cao hơn quyền lợi của đất nước.
Nói tóm lại, những gây hấn gần đây của Hoa Lục không phải do sự ngẫu hứng của cán bộ cấp thấp mà cả một chiến lược lâu dài, được điều nghiên và chuẩn bị của cấp lãnh đạo. Mục tiêu sau cùng của họ là lấn chiếm và tiến hành các cuộc xung đột vũ trang để chiếm tối đa 80% diện tích biển Đông mà họ chủ trương.
Trong mấy ngày qua, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình từ trong nước ra đến hải ngoại để lên án Hoa Lục. Đây có thể nói là hành động đơn giản nhưng cần thiết nhất hiện nay để dân tộc Việt Nam cho bá quyền Bắc Kinh thấy rằng người Việt Nam không chấp nhận bất cứ sự xâm chiếm nào.
Trung Điền
Ngày 15/6/2011

No comments:

Post a Comment