Hoàn thiện kinh tế thị trường: Đổi mới lần 2?
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2012-01-09
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhìn nhận thể chế kinh tế thị trường mà Việt Nam áp dụng trong 20 năm đổi mới có quá nhiều khuyết điểm và cần được hoàn thiện.
Vai trò Nhà cầm quyền quá lớn
Trong thông điệp đầu năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phân tích, thể chế kinh tế thị trường là một hệ thống gồm nhiều thị trường vận động đồng bộ trong hệ thống đó. Một loại thị trường không phát triển đầy đủ sẽ kìm giữ sự vận động của các thị trường khác và làm cản trở sự vận động chung.
Người đứng đầu chính phủ đưa ra những dữ kiện như thế để giải thích về sự can thiệp hành chính vào các kế hoạch kinh tế. Ông Nguyễn Tấn Dũng nhìn nhận là sự can thiệp hành chính có thể giải quyết những khó khăn trước mắt nhưng chi phí sẽ lớn hơn cơ hội tạo ra và làm sai lệch kế hoạch phát triển. Tựu chung những vấn đề căn bản vẫn không được giải quyết.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cấp cao nguyên thành viên ban tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, phát biểu trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi:
“Khi đã nói như vậy thì là đã nhận thấy là thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam chưa đầy đủ, chưa như các nước, vẫn còn giữ quá nhiều những đặc thù của Việt Nam và vì vậy nó không hẳn là thị trường. Nó có tính cách nửa vời, cái thì là thị trường cái thì là Nhà nước.
Theo tôi, có lẽ điểm rõ nhất ở Việt Nam là vai trò Nhà cầm quyền còn quá lớn trong các họat động kinh tế kể cả các họat động kinh doanh. Ví dụ nhìn ra các nước xung quanh thì không một nước nào mà Nhà cầm quyền lại chiếm lượng lớn trong đầu tư, tỷ trọng cao như ở Việt Nam, hay là không ở đâu có lượng doanh nghiệp Nhà cầm quyền lớn như ở Việt Nam và sử dụng quá nhiều nguồn lực quốc gia.
Nếu xây dựng thể chế kinh tế thị trường một cách đầy đủ hoàn thiện hơn, giống như mô hình ở các nước khác thì phải giảm vai trò của Nhà cầm quyền và các doanh nghiệp Nhà cầm quyền xuống.”
Nếu xây dựng thể chế kinh tế thị trường một cách đầy đủ hoàn thiện hơn, giống như mô hình ở các nước khác thì phải giảm vai trò của Nhà cầm quyền và các doanh nghiệp Nhà cầm quyền xuống.Bà Phạm Chi Lan
Đối với chuyên gia kinh tế cao cấp Bùi Kiến Thành, một Việt kiều Mỹ hiện sống và làm việc tại Việt Nam thì có những khúc mắc về căn bản liên quan tới thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Ông Bùi Kiến Thành cho rằng Việt Nam cần đưa ra những lý thuyết mới, nếu muốn xây dựng một nền kinh tế thị trường đầy đủ:
“Thực sự trong nghị quyết Đại hội VI về vấn đề kinh tế thì không nói kinh tế thị trường mà nói là nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà cầm quyền. Đấy là định nghĩa về nền kinh tế Việt Nam ở Đại hội VI mở màn cho đổi mới của Việt Nam từ năm 1985 cho đến bây giờ.
Kinh tế nhiều thành phần tức là có thành phần quốc doanh có thành phần dân doanh điều hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà cầm quyền theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa. Cho nên đó không phải là một nền kinh tế thị trường.”
Tái cơ cấu nền kinh tế
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng qua thông điệp đầu năm đã báo trước những biến chuyển tích cực sắp tới dù rằng kinh tế thị trường của Việt Nam về danh nghĩa vẫn là định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông Nguyễn Tấn Dũng hứa hẹn những cải tổ khá rộng lớn, như phát triển đồng bộ các loại thị trường với sự hình thành đầy đủ các yếu tố của kinh tế thị trường.
Theo lời ông, Việt Nam sẽ hình thành thị trường đất đai và các thị trường liên quan sau khi hoàn tất việc sửa đổi Luật đất đai. Người đứng đầu chính phủ cũng hứa hẹn tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể tham gia thị trường và sẽ có luật lệ để giải quyết cạnh tranh không lành mạnh và lợi dụng vị thế thống lĩnh thị trường để hạn chế cạnh tranh. Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng kêu gọi thực hiện công khai minh bạch để ngăn ngừa sự tác động của nhóm lợi ích trong nền kinh tế. Theo lời ông, thể chế kinh tế thị trường cùng với tác động của kế hoạch mở cửa, hội nhập gắn liền với việc hình thành cấu trúc đa sở hữu và cơ cấu đa chủ thể kinh tế dẫn tới sự hình thành các “nhóm lợi ích”.
Tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng là nội dung đáng chú ý nhất trong thông điệp đầu năm của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và cũng là những dấu hiệu về sự cải tổ rộng lớn sắp tới ở Việt Nam. Tuy vậy Thủ tướng đã trấn an một cách rất mạnh mẽ là tái cơ cấu nền kinh tế nhưng “rút dây” mà không “động rừng”.
Chúng tôi nêu câu hỏi với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan là nên hiểu sự trấn an vừa nêu như thế nào. Bà Phạm Chi Lan đáp lời:
“Ở đây cũng có những mối lo ngại, sợ là nếu làm tái cấu trúc làm mạnh và lẹ quá thì có thể bị ảnh hưởng, thí dụ như khu vực nhà cầm quyền hiện nay họ đang rất lớn làm rất nhiều việc, nếu rút lẹ quá thì ảnh hưởng việc họ đang làm, đến công ăn việc làm của những người trong khu vực đó.
Thủ tướng nói rút dây không động rừng có lẽ là có ý đó. Vả lại đang có nhiều chuyện trong khu vực ngân hàng và khu vực doanh nghiệp nhà cầm quyền, nếu làm tái cấu trúc nhanh thì có thể nhà cầm quyền phải đổ một khoản tiền rất lớn hỗ trợ cho khu vực này đã, rồi mới có thể thay đổi tiếp được. Nhưng nếu làm như vậy thì lại tạo ra gánh nặng mới, ý của Thủ tướng nói là rút dây mà không động rừng, không ảnh hưởng ổn định tôi hiểu là nằm trong những nội dung đó.”
Ở đây cũng có những mối lo ngại, sợ là nếu làm tái cấu trúc làm mạnh và lẹ quá thì có thể bị ảnh hưởng. Thủ tướng nói rút dây không động rừng có lẽ là có ý đó.Bà Phạm Chi Lan
Theo lời bà Phạm Chi Lan, thay đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam thực chất là phải tái cơ cấu về đầu tư đặc biệt là đầu tư công, thứ hai là tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp chú trọng khu vực doanh nghiệp nhà cầm quyền, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà cầm quyền và sau hết là tái cơ cấu khu vực tài chính trong đó bao gồm các ngân hàng. Nhưng bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh rằng thể chế kinh tế bao gồm luật lệ hiện hành và chính sách kinh tế sẽ phải được hoàn thiện thì mới có thể tái cơ cấu thành công.
2012 là năm Việt Nam khởi sự thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đặc thù của riêng mình, hay nói theo cách diễn đạt mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là “Thể chế kinh tế thị trường hiện đại”. Phải chăng đây là tiến trình đổi mới lần thứ hai của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
No comments:
Post a Comment