Tuesday, January 10, 2012

Tìm hiểu về Hổ Phách (Amber)

Tìm hiểu về Hổ Phách (Amber)
  
Nguyễn Văn Phúc
Biết bao dân tộc trên thế giới đã biết đến giá trị của Hổ Phách. Từ thưở xa xưa con người đã biết và đánh giá đúng loại đá quý này nên đã tìm đặt cho nó những cái tên thật nên thơ: Những Giọt Lệ Kết Tinh Của Thái Dương - Đá Của Mặt Trời - Long Diên Hương. Hổ Phách có khi được gọi là Huyết Phách, Hồng Phách, tên khoa học là Succinum. Các phân tích cho thấy Hổ Phách có công thức cấu tạo là C40H6404, đem đun nóng Hổ Phách tỏa mùi hương rất dễ chịu.

Ở Tituanie vương quốc Hổ Phách đã khai sinh ra nhiều truyền thuyết ly kỳ và những tín ngưỡng huyền bí. Hổ Phách là khoáng vật hữu cơ, thường gặp dưới dạng khối nhựa cứng, đôi khi dạng chung nhũ, thường có màu đỏ và màu vàng chanh, ánh nhựa trong suốt với màu rất đẹp. Khi cọ sát bị nhiễm điện. Nó chính là nhựa hóa thạch của cây Kim Tống, một loại cây thông cổ đã bị tuyệt chủng cùng thời kỳ với Khủng long. Người đầu tiên tìm ra là ông M. U. Lomonosov và Thales từ 600 năm trước Công Nguyên. Theo ông các bào thể của thực vật và côn trùng trong Hổ Phách chứng tỏ khoáng vật này chính là nhựa cây thông.

Ở Hoa Lục từ thời xa xưa các vương triều phong kiến rất coi trọng Hổ Phách, nó là phương thuốc quý mà các ngự y, danh y đều dành để phục vụ cho những nhà quý tộc. Đông y cổ cho rằng Hổ Phách có vị ngọt, tính bình vào 4 kinh: Tâm, Can, Phế, và Bàng Quang. Hổ Phách có tác dụng an thần định kinh, lợi tiểu, tán ứ huyết rất tốt cho người dương suy. Bột mài từ Hổ Phách nấu nước cũng là phương thuốc quý làm cho da được hồng hào, trắng da dài tóc, xóa tẩy những vết nhăn. Hổ Phách đối với họ như là một sãn phẩm độc quyền sở hữu sử dụng. Nó biểu tượng của sự TRƯỜNG THỌ và CƯỜNG THỊNH. Xưa kia một viên đá Hổ Phách làm đồ trang sức còn có giá trị hơn một người nô lệ trẻ trên thị trường ở Rome (Ý). Học giả La mã Pliny thế kỷ I sau Công Nguyên cho rằng bùa hộ mệnh bằng Hổ Phách tiềm ẩn mãnh lực chống những rối loạn tâm thần. Dưới thời nước Nga cổ, Hổ Phách được phổ biến rộng rãi và gọi theo lối Hy Lạp là Electron. Trong quá khứ người ta cho rằng Hổ Phách có nhiều đặc tính huyền diệu, chẳng hạn người ta xông cho những cặp vợ chồng mới cưới và những đứa trẻ sơ sinh với hơi Hổ Phách để phòng ngừa và tránh những điều bất hạnh cùng nhiều bệnh tật.

Tặng một vật phẩm bằng Hổ Phách là biểu tượng của một hảo ý rất đặc biệt với người mình thương yêu, trân trọng nhất. Những trang sức bằng Hổ Phách với bộ quốc phục của phụ nữ trong ngày lễ hội lớn ở quốc gia Lituanoc là một điều trang trọng. Trang sức đá Hổ Phách trở thành thước đo giá trị tình cãm của con người trong cách đối xữ. Ai được tặng trang sức bằng Hổ Phách thì người đó được xem như CỦA TRỜI CHO: Sự may mắn, hạnh phúc đang đến với họ và họ biết rằng người tặng cho họ báu vật này rất thương yêu, quý trọng họ; chính vì những điều ấy mà phụ nữ của nhiều nước xem trang sức bằng Hổ Phách là truyền thống của phụ nữ, với họ chúng còn quý hơn vàng. Ngày nay Hổ Phách trở thành vật liệu quý đối với ngành thủ công mỹ nghệ với nhiều trang sức đắt tiền quý giá. Ở Tituanie, Hổ Phách mang lại cho dân địa phương nhiều huyền thoại, nhiều niềm tin đầy bí ẩn. Trong quá khứ họ tin rằng: Hổ Phách là vật dụng hiển linh, phù hộ cho hạnh phúc gia đình LÁ BÙA HỘ MẠNG cho bản thân. Chính vì thế mà Hổ Phách trở thành của GIA BẢO. Hổ Phách còn tác động rất hữu ích cho hệ não bộ nói chung và quá trình tự chữa. Horstfaleikis một nghệ sĩ tài hoa thế giới chuyên chế tác các tác phẩm độc đáo bằng Hổ Phách nói rằng: "Hổ Phách đúng là một thứ đá có bản chất biến hóa huyền ảo. Hình như chúng có phép mầu. Hổ Phách mang lại cho con người niềm vui rạng rỡ như mặt trời mang lại ánh sáng cho muôn loài".

Lịch sử các công trình xây dựng bằng Hổ Phách:

Căn phòng Hổ Phách được xây dựng từ năm 1701 nhằm trang trí cho cung điện Charlottenburg nơi ở của của Hoàng Hậu Sophia Charlotte vợ Hoàng đế Friedrich Wilhelm I. Căn phòng Hổ Phách rộng 55 m2 được kiến trúc sư/điêu khắc gia người Đức là Andras Schluter xây cất. Ông cũng được cho là người đầu tiên trong lịch sử dùng Hổ Phách để trang trí trong nhà. Công việc xây cất được thực hiện trong thời gian dài tại cung điện Charlottenburg cho mãi đến năm 1716.

Trong một lần viếng thăm nước Phổ vào năm 1716, Nga hoàng là Pier Đại Đế hoàn toàn bị chinh phục bởi nét đẹp vô tiền khoáng hậu của căn phòng Hổ Phách. Sau đó tiếng đồn về căn phòng Hổ Phách đến tai Peter Đại đế và ông ước muốn có căn phòng này để trang trí ở Viện Bảo Tàng Kunstkamesa của mình bằng mọi giá. Hoàng Đế Friedrich Wilhelm I (Phổ) đã đồng ý tặng lại căn phòng Hổ Phách cho vương quốc Nga. Việc tặng báu vật này còn có lý do muốn thắt chặt quan hệ liên minh Nga - Phổ để chống lại Thụy Điển lúc bấy giờ.

Sau khi vua Phổ tặng ông món quà vô giá này, ông đã đặt căn phòng tại cung điện Catherine như món quà cho người vợ yêu quý của mình. Vào năm 1755, Nữ Hoàng Tsarina Elizabeth (Nga) đã chuyển phòng Hổ Phách vào Cung điện Mùa Đông và sau đó mới chuyển nó đến cung điện Catherine (nay thuộc thành phố Pushkin phía nam của Sankt - Petersburg).

Cung điện Mùa đông được xây dựng từ năm 1754 -1762 là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng của St. Persburg trên khuôn viên rộng 90.000 m2. Cung điện do Kiến Trúc Sư Bartolomeo Rastrelli vẽ kiểu theo yêu cầu của Nữ Hoàng Elizabeth theo phong cách nghệ thuật Baroque. Cung Điện Mùa Đông (nay là Bảo Tàng Quốc Gia Hermitage) thuộc hạng công trình bề thế nhất thế giới, gần hơn 700 phòng, được trang hoàng lộng lẫy bằng Hổ Phách là công sức của hơn 2.300 nghệ nhân miệt mài trong suốt 9 năm trời ròng rã. Trong Viện Bảo Tàng Hermitage trưng bày 3.000.000 hiện vật, trong số đó gồm 15.000 tác phẩm hội họa nổi tiếng, 12.000 bức tượng, 620. 000 bản khắc, 1.000.000 các phù điêu rực rỡ dát vàng Hổ Phách. Theo thống kê các nhà chuyên gia, 16 năm là thời gian cần thiết tối thiểu để nghiên cứu toàn bộ các kỷ vật trong Bảo tàng này. Và để có một cuộc du ngoạn tương đối đầy đủ trong Hermitage sẽ đi bộ với một hành trình dài khoảng 22 km.

Căn phòng Hổ Phách là một công trình kiến trúc tuyệt đẹp nặng 16 tấn và từng được mệnh danh là kỳ quan thứ 8 của thế giới, được trang trí hoàn toàn bằng những bức tường bằng Hổ Phách rực rở. Căn phòng đã được trùng tu 5 lần, lần đầu tiên vào năm 1770 theo lệnh của Nữ Hoàng Catherine. Trong Đệ Nhị Thế Chiến căn phòng này đã bị quân Đức cướp đi.

Trong Đệ nhị thế chiến căn phòng Hổ Phách bị quân Đức tháo dở và đóng gói vào ngày 14/10/1941 dưới sự chỉ huy của Rittmeister Graysoml - Laubach, 27 kiện lớn chứa căn phòng được di chuyển về Konigsberg. Trong đêm 26 rạng 27 /8 / 1944 lâu đài Konigsberg bị bỏ bom tàn phá. Khi quân đội Xô Viết chiếm thành phố Konigsberg vào tháng 4/1945 thì căn phòng Hổ Phách đã biến mất.

Cho đến nay có hơn 100 giả thuyết khác nhau về căn phòng Hổ Phách này kể cả các nhà sử học, những người chuyên môn tìm kho báu. Theo nhiều bài tường thuật thì người lãnh đạo của tỉnh Konigsberg là Erich Koch đã mang căn phòng Hổ Phách cùng nhiều báu vật nghệ thuật khác ra khỏi Konigsberg. Vào cuối Đệ Nhị Thế Chiến, Erich Koch bị bắt giam trong nhà tù Ba Lan và bị tuyên án tử hình, thế nhưng bản án không bao giờ được thi hành. Có lẽ những hiểu biết quá rõ về căn phòng Hổ Phách mà ông đã được giữ lại mạng sống để người ta khai thác về căn phòng này. Đồng thời cũng có bài nghiên cứu rằng việc di tản và bảo vệ căn phòng Hổ Phách phải được thực hiện theo lịnh của Adolf Hitler. Mặt khác cũng có nhiều nhân chứng cho rằng họ đã nhìn thấy căn phòng Hổ Phách này được gói ghém trong nhiều thùng ở nhà ga Konigsberg. Còn có thuyết nữa lại nói rằng căn phòng được mang lên tàu Wilhelm Gustloff, chiếc tàu chở người tị nạn đã chìm do trúng thủy lôi của quân đội Xô Viết trên chuyến đi cuối cùng. Theo hai nhà nghiên cứu Anh là Adrian Levy và Catherine Scott Clark thì căn phòng Hổ Phách đã bị đốt cháy ở Konigsberg vào năm 1945. Nhưng kết luận này không được chú ý.

Đài truyền hình ZDF (Đức) vào năm 2003, Giáo Sư Phó Tiến Sĩ Guido Knopp trưởng ban biên tập lịch sử đã cùng các đồng nghiệp đi đến kết luận là căn phòng Hổ Phách bị đốt cháy trong Đệ nhị thế chiến vẫn còn tồn tại, nó được di chuyển qua Weimar rồi đến khu vực hầm quân sự rộng lớn ở Thuringen (Đức) có mật danh Schwalbe V (Chim Én V). Trong thời kỳ chiến tranh lạnh các nhân viên an ninh quốc gia Công Hòa Dân Chủ Đức cũng đã nổ lực tìm kiếm căn phòng Hổ Phách. Công cuộc tìm kiếm bí mật quốc gia này được ghi lại trong một tập hồ sơ dày 1.800 trang, có mật danh là "Hồ Sơ Pushkin". Có ít nhất là 100 nơi đã được khám xét và khai quật, trong đó cũng có một phần khu vực hầm "Chim Én V". Sau khi Đức thống nhất những người tìm kho tàng cũng như những công ty tìm báu vật nhưng đến nay vẫn không có kết quả.

Và mới đây Haustein, thành viên của Nghị Viện Liên Bang Đức đã cố công tìm kiếm căn phòng Hổ Phách ở vùng núi Ore miền đông nước này trong suốt một thập niên qua. Ông cho biết thêm, một người bạn trước khi qua đời đã cho biết, những chuyến xe lửa và xe tải chở báu vật Đức quốc xã đến vùng núi này vào mùa xuân năm 1945. Địa điểm khai quật nằm gần trạm đường sắt bỏ hoang từ lâu. Haustein cho biết tọa độ chỉ địa điểm phòng Hổ Phách được cung cấp bởi nhà săn kho tàng trẻ tuổi Christian Hanish, người đã nghiên cứu cẩn thận tất cả giấy tờ của người cha để lại sau khi đã qua đời vào tháng 10 / 2007. Haustein nói mọi việc dò tìm Hổ Phách rất nguy hiễm và cần phải nhờ sự giúp đở của các chuyên gia về chất nổ vì có thể nơi đó đặt sẳn bẩy mìn. Ông tin là căn phòng Hổ Phách được cất giấu bí mật trong những chiếc thùng cùng với số kho tàng khác ở đâu đó trong khu vực các mõ quặng đồng, kẽm, thiếc, bạc thuộc vùng núi Ore dọc biên giới Đức và Cộng Hòa Czech. Trong những ngày này, ông đã nhận hàng ngàn email từ các quốc gia trên thế giới. Haustein bảo: "Người ta bảo bọn Đức Quốc Xã đã chôn Hitler giả bên ngoài bunker ở Bá Linh, còn xác thật thì được chôn cùng với căn phòng Hổ Phách. Nếu đúng như vậy thì ai biết được sẽ tìm cái gì khác nữa".

Ở Nga, việc mỡ rộng và nâng cấp căn phòng Hổ Phách vẫn liên tục tiến hành thêm vài lần nữa, căn phòng rộng hơn 55 m2 với hơn 6 tấn Hổ Phách nguyên chất. Năm 1979 ở Viện Bảo Tàng Tsarkyoye Selo trong cung điện Saint Petersburg, các nhà phục hồi di sản Nga đã xây dựng một bản sao giống như thật của căn phòng theo những bức ảnh còn lưu giữ.

Toàn bộ chi phí thực hiện do công ty Dầu Khí Gazprom của Nga và Ruhrgas của Đức tài trợ. Nhân ngày kỹ niệm 300 năm của thành phố Sankt - Peterburg, năm 2003 căn phòng này được chính tổng thống Nga lúc bấy giờ là Vladimir Putin và Thủ Tướng Đức Gerhard Schroder cắt băng khánh thành.

Từ xưa con người đã phát hiện tính chất kỳ diệu của Hổ Phách, thứ nhựa hóa thạch có độ tuổi hàng triệu năm. Các sản phẩm đá quý này được làm bởi bàn tay con người thuộc về thời kỳ đồ đá Neolit. Chiến tranh đã tàn phá những kiệt tác từ Hổ Phách, và nước Nga đã khôi phục lại toàn bộ căn phòng Hổ Phách dát vàng tại các cung điện xa hoa của Viện Bảo Tàng Tsarskyoye Selo bậc nhất Châu Âu ngày nay.
Nguyễn Văn Phúc
(Tổng hợp)



(Amber Room in the Catherine Palace - 18thcenturyhistory.com)

No comments:

Post a Comment