Thursday, January 5, 2012

Vịnh Ba Tư dậy sóng

Vịnh Ba Tư dậy sóng

Khói súng chưa tan từ cuộc tập trận của hải quân Iran, thế giới đã vội băn khoăn: vùng Vịnh một lần dậy sóng nữa chăng?

Hàng không mẫu hạm USS John Stennis

Cấm tàu Mỹ ra vào!

Hôm thứ hai hải quân Iran kết thúc cuộc tập trận lớn nhất cua họ từ trước tới nay, kéo dài trong 10 ngày. Sang ngày thứ ba Tehran nhắc lại lời cảnh cáo của họ rằng hàng không mẫu hạm của Mỹ đừng trở lại vùng Vịnh một lần nữa,còn  nói thêm sẽ chỉ cảnh cáo một lần này nữa thôi, nếu tàu John Stennis trở lại thì sẽ phải đối đầu với toàn bộ lực lượng hải quân của Iran. Mỹ chế diễu lời cảnh cáo đó.
Cuộc tập trận vốn đã gây căng thẳng trong khắp vùng vịnh Ba Tư, tại sao giờ này Iran lại gây căng thẳng thêm nữa?
 
Quân đội Iran tập trận hồi cuối tháng 12/2011- Source: PBS News
Quân đội Iran tập trận hồi cuối tháng 12/2011- Source: PBS News
 
Trước hết ta cần biết vì sao Iran tổ chức tập trận lớn như vậy vào lúc này. Lúc này là lúc Mỹ và châu Âu bắt đầu đơn phương trừng phạt kinh tế Iran, tức là không cần tới nghị quyết của Hội đồng Bảo An, vì kế hoạch phát triển kỹ thuật hạt nhân của Tehran. 
Iran tập trận từ eo biển Hormuz bung rộng tới tận Ấn Độ dương để cho thấy họ sẽ chống trả hữu hiệu nếu các cơ sở hạt nhân bị Mỹ hay Israel tấn công, đồng thời nhấn mạnh lời đe doạ sẽ phong toả Hormuz, là cửa ngõ ra vào vịnh Ba Tư, con đường huyết mạch mà hơn 20% dầu thô trên thế giới bắt buộc phải đi qua để cung cấp cho khắp thế giới, nếu Iran bị trừng phạt kinh tế.
Giữa cuộc tập trận, tàu John Stennis vẫn lừng lững cùng hạm đội tác chiến thuộc quyền tiến vào, rồi tiến ra khỏi vịnh qua eo Hormuz, đi ngang giữa chiến trường tập trận của Iran, bất chấp lời đe doạ.

Phong toả eo Hormuz?

Sự đe doạ đó có vẻ chẳng mang tác dụng gì, nhưng thế giới chừng như suy nghĩ về việc Iran đòi phong toà eo biển Hormuz.  Washington nói rằng những lời đe doạ chỉ chứng tỏ Iran đang thấm đòn trừng phạt kinh tế.
Từ tết dương lịch mới đây Mỹ đã áp dụng những biện pháp tài chính nhắm vào ngân hàng trung ương của Iran, là nơi thực hiện hầu hết những thương vụ dầu khí của Tehran. Liên Hiệp châu Âu nói sẽ cấm vận dầu khí Iran vào cuối tháng này.
Những biện pháp này có vẻ có hiệu quả tức khắc. Tiền RIAL mất giá 22% hôm thứ hai khi dân xếp hàng rút tiền đi mua đô la, khiến ngân hàng trung ương phải tung ngoại tệ vào thị trường để cứu gỡ. Qua thứ tư tiền còn mất giá hơn 17%, tính trên giá khuyến cáo của ngân hàng nhà nước trước ngày chủ nhật là 14,000 RIAL ăn một đô la .
Không có căn bản pháp lý nào cho Iran phong toả eo biển như họ đã hăm doạ. Phong toả thuỷ lộ quốc tế là vi phạm công pháp quốc tế về quyền tự do lưu thông trên hải phận quốc tế. Việc hải quân Hoa Kỳ lai vãng trong ngoài vịnh Ba Tư là phù hợp với công pháp quốc tế, Iran không có quyền ngăn cấm. Thêm nữa toàn lực hải quân Iran cũng không đủ sức đối đầu với một hạm đội 5 của hải quân Hoa Kỳ, hẳn nhiên Tehran không thể liều lĩnh.

Trên sân bay hàng không mẫu hạm John Stennis- Source: USNavyMil
Trên sân bay hàng không mẫu hạm John Stennis- Source: USNavyMil
 
Nhưng hôm thứ năm quốc hội Iran vẫn họp thảo luận dự luật "lập cổng chặn" eo biển Hormuz. Dự thảo luật đòi hỏi mọi tàu thuỷ của nước ngoài muốn qua eo biển này để vào vịnh Ba Tư phải xin phép hải quân Iran. Chưa rõ: nếu không xin phép thì sao?

Diệu võ giương oai.
Iran cao giọng phô trương những trang bị và vũ khí mới trong cuộc tập trận, như khu trục hạm cỡ lớn kiểu Jamaran đầu tiên, các máy bay drone điều khiển từ xa, các loại hoả tiễn chống tàu chiến được nói là thí nghiệm thành công, rồi các tàu ngầm, tàu nhỏ tốc độ cao trang bị hoả tiễn tấn công.. vân vân…
Chiếc khu trục hạm Jamaran trang bị hoả tiễn hải hải, hải không, và hệ thống ra đa tân tiến, nhưng trọng tải chỉ hơn 1 ngàn 400 tấn, so với tàu cho về hưu của Mỹ cũng chỉ bằng hơn 1 phần ba trọng tải, và cũng không bằng 1 phần ba tàu hạng trung của Trung Cộng. Toàn bộ lực lượng hải quân Iran không thể so sánh được với lực lượng của một hạm đội Mỹ.  
Thực ra, trong một cuôc chiến phòng thủ, lực lượng hải quân với nhiều tàu nhỏ trang bị mạnh cũng rất lợi hại, với điểu kiện có hệ thống  điều khiển tinh vi và không bị đối phương làm tê liệt, vẫn có thể gây tổn thât đáng kể cho đối phương,. Nhưng đặt vấn đề quân sự ra ngoài, về kinh tế liệu kế hoạch phong toà eo biển Hormuz có khả thi hay không?
Vị trí trọng yếu của eo biển Hormuz- Source: PBS News

Vị trí quan trọng của eo biển Hormuz- Source: PBS News

Không chắc. Tất cả dầu khí của Iran cũng cần đi qua Hormuz. 80% thu nhập xuất khẩu 100 tỉ đô la  của Iran là từ dầu khí. Làm tắc nghẽn eo biển đó thì Tehran là phe chết trước, mặc dù Hoa Kỳ cũng sẽ bị thiệt hại lớn; chưa kể mọi nước trên thế giới nhất là Trung Cộng, Nhật Bản, rồi đến châu Âu, đều bị khủng hoảng nặng nề về nhiên liệu khi giá dầu thô tăng vọt có thể gấp năm sáu lần giá trên 100 đô la  hiện nay mà vẫn không đủ cung ứng cho nhu cầu. Tuy nhiên chẳng lẽ Iran tự sát kinh tế trước để Mỹ thiệt hại sau hay sao? 
Vậy nên có thể nói Iran tập trận là để phô diễn sức mạnh quân sự chống lại một cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân, mà Israel từng đe doạ sẽ thực hiện, trong khi Hoa Kỳ đã nói không loại trừ giải pháp quân sự nếu Iran chế tạo vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, không ai muốn có chiến tranh nữa, nhất là Hoa Kỳ, sau Iraq lại còn Afghanistan. Hành động của Iran nhằm cảnh cáo Israel là chính, đồng thời họ cũng không loại trừ giả thuyết Mỹ yểm trợ Israel tấn công Iran.
Diễn tiến mới nhất: Tại Brussels, 27 quốc gia EU đang thảo luận việc tẩy chay dầu thô của Iran. Ngoại Trưởng Pháp Alain Juppé nói với đài Radio France là ông tin tưởng chính sách cấm vận Iran sẽ được các ngoại trưởng của Liên Hiệp châu Âu thông qua vào cuối tháng này. 
Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi phản ứng, tuyên bố Iran không cần quan tâm, nước ông đã đứng vững trong 32 năm qua trước mọi hành động thù nghịch, và sẽ vượt qua mọi giông bão.
Hiện giờ, mỗi ngày Iran cung cấp cho thế giới khoảng 2 triệu 600 ngàn thùng dầu thô, trong đó 450,000 thùng bán cho EU. Tin Reuters cho hay chính phủ Ả Rập Xê Út đã sẵn sàng bơm thêm dầu thô cung cấp cho EU một khi lệnh cấm mua dầu thô của Iran được ban hành

USNavyMil.com

No comments:

Post a Comment