Để mở đầu thư, tôi xin phép được kể lại một vài mẩu chuyện khá kỳ lạ mà tôi thấy không sao giải thích được.
Hôm 29 tháng 7, 1981, tôi và nhà tôi làm một bữa tiệc nho nhỏ, mời bạn bè đến uống rượu chơi cho vui. Tình cờ hôm ấy lại đúng vào ngày diễn ra cuộc hôn lễ giữa công nương Diana và thái tử Charles của hoàng gia Anh. Đám cưới vương giả này được cử hành với đầy đủ nghi thức cổ truyền hết sức long trọng, và được hơn 750 triệu người trên khắp thế giới theo dõi qua các đài truyền hình quốc tế.
Chúng tôi cũng rủ bạn bè ra bật TV lên coi. Mọi người đều trầm trồ khen ngợi khi thấy đôi uyên ương Charles và Diana ngồi trên chiếc xe tứ mã lộng lẫy, với đoàn lính hầu cưỡi ngựa đi hộ vệ. Ai cũng háo hức muốn coi mặt vị vua và hoàng hậu tương lai của nước Anh, và người coi kỹ nhất là anh Trần Quang Quyến, một trong những khách mời của chúng tôi hôm ấy.
Coi xong, anh có vẻ đăm chiêu suy nghĩ, rồi nói một câu khiến cả bọn chúng tôi đều ngỡ ngàng, sửng sốt:
- Cô này không có tướng hoàng hậu cho nên sẽ không bao giờ lên ngôi hoàng hậu được đâu!
Tôi vốn không tin tướng số nên chỉ mỉm cười hoài nghi, nhưng nhà tôi thì hỏi lại ngay:
- Anh nói gì lạ thế? Nữ hoàng Elizabeth hiện giờ đã lớn tuổi, chỉ vài năm nữa là bà sẽ truyền ngôi lại cho thái tử Charles, thì đương nhiên Diana sẽ là hoàng hậu chứ còn ai vào đó nữa?
Nhưng anh Quyến vẫn trầm ngâm đáp lại:
- Tôi không thể đi vào chi tiết ngay bây giờ được, nhưng chị cứ để ý chiêm nghiệm xem tôi nói có đúng không.
Bây giờ thì cuộc tình “như chuyện thần tiên” của Charles-Diana đổ vỡ như thế nào, và cuộc đời huy hoàng nhưng ngắn ngủi của công nương Diana ra sao, mọi người đều đã biết rõ, nhưng tôi vẫn còn kinh ngạc về lời tiên đoán quả quyết hôm ấy của anh Trần Quang Quyến.
Những ai yêu nhạc Lê Uyên Phương chắc còn nhớ là sau ngày 30 tháng tư 1975, cặp vợ chồng nghệ sĩ này đã bị kẹt lại ở VN hơn 3 năm rồi mới xuống thuyền vượt biển sang được đến Mỹ. Chuyến vượt biển của họ đầy gian nguy khổ cực. Thuyền bị bão đánh tơi tả, hết gạo, hết nước, mọi người nằm thoi thóp chờ chết. Cuối cùng thì họ cũng được cứu thoát và đến được bến bờ tự do, nhưng với hai bàn tay trắng.
Được biết về hoàn cảnh khó khăn của họ lúc ấy, vợ chồng tôi đã mời họ sang chơi và tổ chức một buổi trình diễn gây quỹ cho đôi song ca này, ngay tại tư gia, với khoảng hơn 100 bạn bè tới dự. Buổi trình diễn đầu tiên ấy của Lê Uyên Phương ở vùng Hoa Thịnh Đốn đã hết sức thành công, cả về phương diện nghệ thuật lẫn tài chánh. Mọi người tới dự đều rất hân hoan, và riêng Lê Uyên Phương thì đặc biệt phấn khởi vì cảm tình nồng hậu mà khán thính giả dành cho họ. Cô Lê Uyên thấy trong số khách mời của chúng tôi có cả anh Trần Quang Quyến thì mừng lắm vì cô đã biết anh từ VN, và được nghe danh tiếng anh là một người coi tướng có biệt tài, đệ tử chân truyền của nhà tướng mệnh học số một VN, là cụ Diễn. Cô bèn nói nhỏ với anh, để nhờ anh coi hộ xem tương lai của vợ chồng cô trên đất Mỹ xa lạ này rồi đây sẽ ra sao.
Khi mọi người đã ra về hết và vợ chồng Lê Uyên Phương đã đi nghỉ, anh Quyến vẫn còn ngồi nán lại nói chuyện riêng với chúng tôi. Anh bảo:
- Tôi vừa coi tướng cho họ và vẫn còn cảm thấy xốn xang mãi trong lòng.
Nhà tôi thắc mắc hỏi:
- Sao vậy anh? Chắc anh thấy là sự nghiệp ca hát của họ ở bên này sẽ gặp nhiều khó khăn?
- Cái đó là chuyện nhỏ. Điều khiến cho tôi xốn xang là tôi thấy vợ chồng họ sắp bỏ nhau đến nơi rồi.
Nhà tôi mở tròn con mắt, không tin:
- Anh nói làm sao ấy chứ! Cặp Lê Uyên Phương này đã tha thiết yêu nhau từ hồi mới lớn. Đã có lúc Phương tưởng là mình bị ung thư, chẳng còn sống được bao lâu nữa, vậy mà Uyên vẫn nhất định lấy Phương, bỏ nhà đi theo Phương, cho nên Phương mới viết những lời ca: “Thương em khi yêu lần đầu, thương em lo âu tình sau, dù em không mong dài lâu, xin cất lấy ước mơ đầu…” Rồi cái chuyến vượt biển, trăm phần chết một phần sống, mà họ vừa cùng nhau trải qua, lại càng khiến cho họ gắn bó với nhau hơn. Làm gì có chuyện họ sắp bỏ nhau được?
- Tôi chỉ thấy tướng mệnh hiện ra như thế nào thì tôi nói thế ấy. Tuy nhiên, lúc nãy tôi chỉ nói với họ là họ sẽ vẫn tiếp tục được công chúng yêu mến, nhưng họ không có số giàu, đại khái là vừa đủ ăn thôi. Còn chuyện họ sắp tan rã, tôi chỉ nói riêng với anh chị, là chủ nhà, để chúng ta cùng chiêm nghiệm xem sao, chứ tôi không hề nói với họ, vì không muốn gieo vào đầu họ cái ý nghĩ ấy, khiến cho họ bị ám ảnh rồi đâm ra bỏ nhau thật. Tôi đâu có muốn cái trách nhiệm đó. Và cũng xin anh chị đừng nói với bất cứ ai, nhất là với họ.
Chúng tôi đã giữ kín chuyện này. Chỉ mấy năm sau đó, Lê Uyên Phương quả thật đã bỏ nhau như mọi người đều biết cả, và bây giờ thì Phương cũng đã qua đời, nên chúng tôi mới nhắc lại chuyện cũ để chứng nghiệm một lời tiên đoán của anh Quyến từ hơn 30 năm trước.
Từ hồi nhỏ, tôi vốn là người có đầu óc thực nghiệm, không tin vào khoa học huyền bí. Nhưng càng sống lâu, tôi càng cảm thấy là hình như con người có một số mệnh do đấng Tạo Hóa an bài cho họ. Và phải chăng phép coi tướng có thể cho người ta thấy trước được phần nào cái số mệnh đó, như những trường hợp vừa nêu trên?
Mới đây tôi được biết là anh Quyến vừa in xong một cuốn sách với nhan đề “Tướng Pháp Ngô Hùng Diễn”, thâu tóm tất cả những điều sở học mà anh đã tiếp thụ được từ vị danh sư này, cộng thêm với hơn 40 năm kinh nghiệm của chính anh khi đi coi tướng cho rất nhiều người, Việt Nam lẫn ngoại quốc, gồm nhiều nhân vật nổi tiếng ở trong và ngoài nước.
Sách dày gần 300 trang, chỉ dẫn những điều thiết yếu để chúng ta có thể căn cứ vào đó mà làm những quyết định quan trọng trong cuộc sống hằng ngày. Dĩ nhiên, không phải ai đọc xong cuốn sách cũng có thể đạt tới trình độ như anh Quyến, nhưng ít ra nó cũng giúp người đọc biết chọn bạn mà chơi, biết lựa người thích hợp để kết duyên, hay cộng tác làm ăn, và quan trọng hơn nữa là tránh người gian, thâm.
Nếu đây chỉ là một cuốn sách thông thường như phần đông các tác phẩm do bạn bè của tôi viết ra trong những năm qua, chắc tôi cũng sẽ chỉ gửi đến tác giả mấy lời khen tặng, rồi thôi. Nhưng khi được biết anh Quyến đã bỏ nhiều năm để hoàn thành cuốn sách, và nhất là anh sẽ dành cho Hội Bạn Người Mù (Friends of the Blind) và Hội Journey for Children tất cả số tiền thâu được, trừ ấn phí, để tài trợ nhiều chương trình từ thiện, tôi đã hăng hái viết lá thư giới thiệu này để tiếp tay với anh phần nào trong nghĩa cử đó.
Mong rằng các bạn cũng sẽ sẵn lòng bảo trợ cuốn sách, để phổ biến thêm Tướng Pháp Ngô Hùng Diễn, và để giúp cho các Hội từ thiện có uy tín này có thêm phương tiện tài chính hầu tiếp tục công việc làm nghĩa rất đáng ngợi khen của Hội.
MỤC LỤC
TƯỚNG PHÁP
- CHƯƠNG 1
- CHƯƠNG 2
- CHƯƠNG 3
- CHƯƠNG 4
- CHƯƠNG 5
- CHƯƠNG 6
- CHƯƠNG 7
- CHƯƠNG 8
- CHƯƠNG 9
- CHƯƠNG 10
- CHƯƠNG 11
- CHƯƠNG 12
- CHƯƠNG 13
- CHƯƠNG 14
Tác giả "Rượu vang Món qùa của Thượng Đế"
www.levanwineclub.com
Sau 9 năm theo học Cụ Ngô Hùng Diễn và 45 năm áp dụng những điều học được để giúp bạn hữu và những người quen biết khi cần một vài ý kiến thuộc lãnh vực “huyền bí”, tác giả đã có ý định viết quyển TƯỚNG PHÁP NGÔ HÙNG DIỄN. Năm tháng qua đi, nay quyển sách đã được viết xong. Tác giả coi đây là một lễ vật để tạ ơn người Thày, đã như hình với bóng, như tấm gương để noi theo cho suốt cuộc đời. Tác giả cũng hy vọng tài liệu này được chấp nhận như một đóng góp khiêm tốn vào lãnh vực nhân tướng học, nói chung và như một viên gạch để xây nền móng cho khoa nhân tướng của Việt Nam, nói rieng
Tác giả giới hạn nội dung cuốn sách ở những tướng pháp căn bản của Cụ Ngô Hùng Diễn mà không đi vào chi tiết nhiều quá để độc giả dễ theo dõi và dễ chứng nghiệm được với thực tế trong đời sống hàng ngày. Người nghiên cứu tướng học từ tài liệu này sẽ lần lượt:
Hiểu ý nghĩa và học cách quan sát từng bộ vị;
Tìm hiểu các bộ tướng gồm nhiều bộ vị đi với nhau, gọi là “Đi Bộ”;
Học về vai trò của các vân, các đường nét, các gò nổi, các khuyết, vạt, hãm; Suy gẫm để thấm nhuần sự trừu tượng của thanh, sắc, thần khí;
Thấy được sự tinh vi và hữu ích của tướng pháp Ngô Hùng Diễn qua 12 lãnh vực của đời sống, trong đó có địa lý phong thủy;
Làm quen với cách luận giải tướng học qua 40 bài tướng mẫu, đa số chú trọng vào những yếu tố quan trọng nhất có ảnh hưởng tới sống chết, thành bại của đời người; chẳng hạn như: Tri kỷ tử thù, duyên nợ nam nữ, hạnh phúc vợ chồng, an nguy con cái, danh vọng, tài lộc;
Chiêm nghiệm một số chuyện tiêu biểu của những trường hợp mà tác giả đã luận giải từ khi tiếp nối con đường mà Cụ Ngô Hùng Diễn đã đi
Ưu điểm của tướng pháp Ngô Hùng Diễn là các tướng pháp luật. Tinh thông những tướng pháp luật này, người nghiên cứu nhân tướng có thể luận giải nhiều đề tài trong “cõi nhân sinh” một cách rất “thần tình”. Vì vậy mà đã có người gọi Cụ Ngô Hùng Diễn là thày “Ma-xó”, có người xưng tụng Cụ là “Thần”, là “Thánh”, hay rõ ràng hơn, đặt cho Cụ danh hiệu “Thiên Linh Sư”. Danh xưng nào, nếu quá đáng, Cụ đều xin tha, đừng gọi như vậy.
Cụ Ngô Hùng Diễn quan niệm “định mệnh” không bất di, bất dịch. Quan niệm này không phải là mới. Đại thi hào Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh đã viết: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” và cổ nhân cũng đã dạy: “Tướng tùy tâm sinh, tướng tùy tâm diệt”. Xây dựng trên quan niệm như vậy, tướng pháp Ngô Hùng Diễn trong nhiều trường hợp đã trực tiếp “can thiệp” vào diễn tiến của thân, nghiệp, duyên để thay đổi kết quả hoặc hậu quả của luật này. Nhưng, Cụ luôn luôn nói cho biết một cách rõ ràng là: Dù có đạt được ít nhiều kết quả do sự can thiệp của tướng pháp, nhưng đó chỉ là tạm bợ, nhất thời. Để thay đổi nghiệp phải làm phúc và tạo nhiều duyên lành. Như thế kết quả đạt được mới thực sự tốt đẹp và lâu dài. Nếu không thì nghiệp cũ không những chưa trả được mà còn tăng thêm gấp bội.
Tác giả đã cố gắng rất nhiều để quyển Tướng Pháp Ngô Hùng Diễn được hoàn chỉnh từ hình thức đến nội dung. Tuy nhiên, tác giả mong quí thức giả bổ túc cho những gì thiếu sót, chỉ bảo cho những gì sai lầm, nếu có. Được như vậy người nghiên cứu tướng học như chúng ta sẽ có một tài liệu tướng học có giá trị, phản ảnh được cách “nhìn” theo phong tục, tập quán của người Việt Nam mình. Mong lắm thay.
Nhân đây tác giả xin trân trọng cám ơn một số bạn hữu đã đọc bản thảo và cho những ý kiến quí báu, anh chị Trương đình Giần, Ngô thị Dẫn, các anh Trần quang Duật, Trần xuân Kính, Nguyễn Phước Bửu Hạp, bà Dương thị Tường, ông Trần văn Hài đã cung cấp và cho phép được dùng những chuyện về những lần xem tướng của Cụ Diễn từ thuở thiếu thời cho đến khi Cụ trăm tuổi.
Tác giả xin đặc biệt cám ơn chị Lê Lai và anh chị Nguyễn Quang Dũng đã đóng góp rất nhiều thì giờ và tâm huyết để quyển Tướng Pháp Ngô Hùng Diễn được toàn hảo.
Dùng Tướng Pháp Ngô Hùng Diễn để quan sát thanh thiếu niên Việt Nam, trong nước cũng như hải ngoại, tác giả thấy đa số rất khôi ngô, tuấn tú và quắc thước. Hy vọng trong tương lai đất nước sẽ có những nhà lãnh đạo có tài năng, uy tín và đảm lược vì dân, vì nước, để chóng đem Việt Nam vào đại vận 500 năm thịnh trị và là một cường quốc trên thế giới.
Tướng Pháp Ngô Hùng Diễn được hoàn tất vào mùa Xuân năm 2010 tại quận Fairfax, tiểu bang Virginia,
Hoa Kỳ.
Đa tạ,
Thái Minh Trần Quang Quyến
No comments:
Post a Comment