Saturday, November 5, 2011

Vũ khí 'nguyên tử' suýt mang vào Việt Nam

Vũ khí 'nguyên tử' suýt mang vào Việt Nam

Các tài liệu giải mật của Tòa Bạch Ốc cho thấy không ít lần Mỹ đã từng có ý định sử dụng vũ khí nguyên tử tại Việt Nam nhằm thay đổi cục diện chiến tranh.
(ĐVO) Trong thời gian tại chức của Geogre Bush, chính quyền của ông đã nhiều lần cân nhắc tới “lựa chọn vũ khí 'nguyên tử'” nhằm chống lại cũng như răn đe những cở sở hạt nhân của Iran, nhưng đã gặp phải sự phản đối của dư luận, báo chí cũng như nhiều chỉ huy quân đội cấp cao của Mỹ.
Tuy nhiên, những dự tính này không phải không có tiền lệ. Ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, các quan chức Mỹ đã thử tìm cách để có thể sử dụng được vũ khí 'nguyên tử', nhằm đe doạ chính quyền Liên Xô cũng như là một vũ khí chiến lược trong giải quyết xung đột với tên gọi “nền ngoại giao vũ khí 'nguyên tử'”.
Theo lịch sử, Toà Bạch Ốc và đặc biệt là những tài liệu giải mật về giai đoạn cầm quyền của Tổng thống Richard M. Nixon, giới chức cấp cao của Mỹ đã nhiều lần có ý định sử dụng vũ khí 'nguyên tử' nhằm thay đổi cục diện và kết thúc  sớm chiến tranh ở Việt Nam, tuy nhiên tất cả đều bất thành. 
Năm 1953
Giới quân sự Mỹ, trong đó đứng đầu là đô đốc Arthur Radford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đưa ra ý kiến dùng 3 quả bom 'nguyên tử' chiến thuật ném xuống các vị trí của Việt Cộng đang bao vây quân Pháp ở Điện Biên Phủ trong Chiến dịch Vulture nhằm giải cứu Pháp. Phó Tổng thống Mỹ lúc đó, Richard Nixon rất ủng hộ kế hoạch này.
Những người lính Pháp ở Điện Biên Phủ đã không kịp nhận sự trợ giúp "nguyên tử" từ phía đồng minh Mỹ, dẫn đến thất bại cay đắng năm 1954.

Tuy nhiên, do vấp phải sự phản đối từ chính phủ Anh mà Mỹ hủy kế hoạch. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ John Fuster Dulles còn muốn tặng riêng Pháp 2 quả bom 'nguyên tử'  để có thể tự tay giải quyết vấn đề tại Điện Biên Phủ.

Tuy nhiên, lúc này tình thế ở Việt Nam đã ngã ngũ với chiến thắng của Việt Cộng.
Năm 1959

Tư lệnh Không Quân Mỹ, tướng Thomas D White đã lựa chọn một vài mục tiêu khả dĩ ở Bắc Việt để tiến hành ném bom 'nguyên tử' .

Theo một tài liệu giải mật, tướng White muốn “làm tê liệt quân đội Bắc Việt và các tuyến đường tiếp tế bằng cách tấn công vào một số mục tiêu, bằng cả vũ khí qui ước và vũ khí 'nguyên tử' ”. 

Theo đề nghị, Tướng White muốn chính quyền bật đèn xanh để gửi một phi đội oanh tạc cơ phản lực chiến lược B-47 Stratojet tới căn cứ Không quân Clark ở Philippines, làm bàn đạp san phẳng khu vực trú ẩn của Việt Cộng như rừng rậm nhiệt đới, các tuyến đường vận lương, khu vực đá vôi và đồi núi... Nhưng 7 tháng sau, đề nghị  này đã bị các quan chức quân sự khác phản đối và đi vào dĩ vãng.

Năm 1964
Hai đối thủ: Lyndon Jonhson (ảnh trái) và Barry Goldwater (ảnh phải) trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 1964.
Trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc, thượng nghĩ sĩ Barry Goldwater của Đảng Cộng hòa, đã chủ trương tích cực đưa ra ý kiến về sử dụng vũ khí 'nguyên tử'  ở Việt Nam.
Tuy nhiên, quan điểm này bị chỉ trích mạnh mẽ và cũng là nguyên nhân thua cuộc trong cuộc chạy đua đó. Tổng thống trúng cử lúc đó, ông Lyndon B. Johnson đã nổi tiếng với chiến dịch vận động có tên “Daisy Ad”, một video với mục tiêu chống đối lại ý định sử dụng vũ khí 'nguyên tử' của đối thủ Goldwater, mang ý nghĩa “Nếu bầu cho Goldwater là bầu cho một cuộc chiến nguyên tử”.
Bản thân Thượng nghị sĩ Goldwater, ngay sau đó cũng tráo trở trong tuyên bố của mình. Ban đầu, ông thể hiện rõ mong muốn sử dụng vũ khí nguyên tử ở miền Bắc Việt  nhằm “xóa đi lớp ngụy trang của kẻ thù” và “cắt đứt mọi liên lạc về đường bộ, đường sắt, cầu cảng mang tiếp liệu từ Trung Cộng”. 
Tuy nhiên, trong cơn bão chỉ trích sau đó, ông lại phủ nhận “chưa bao giờ muốn sử dụng vũ khí nguyên tử  nếu vũ khí thông thường có thể làm được việc đó” và “chỉ lặp lại gợi ý từ những quan chức quân sự cao cấp”.

Giai đoạn 1967-1972

Ngay trước cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, quân Việt Cộng đã tấn công Mỹ tại nhiều điểm chiến lược. Đặc biệt, tại chiến trường Khe Sanh, quân Việt Cộng đã bao vây liên tục khoảng 6.000 Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, tạo nên áp lực lớn cho giới chức cầm quyền của Mỹ.

Theo tài liệu mật công bố, vào cuối tháng 1/1968, Tướng Westmoreland đã cảnh báo “tình hình ở Khe Sanh ngày càng trở nên tồi tệ, có thể phải dùng đến vũ khí nguyên tử hoặc hóa học”.

Ông nhận xét, việc sử dụng vũ khí nguyên tử chiến thuật ở Khe Sanh sẽ hợp lý và khôn ngoan vì đây là khu vực không người ở, số lượng thương vong thấp.

Trong khi đó, cũng giống như việc ném bom Nhật Bản hay răn đe Bắc Hàn bằng bom nguyên tử, đã góp phần chấm dứt chiến tranh, thì việc sử dụng bom nguyên tử chiến thuật có sức công phá yếu ở Việt Nam, cũng sẽ có tác dụng tương tự.

Tuy nhiên, do bị rò rỉ thông tin về kế hoạch sử dụng vũ khí nguyên tử mà nó bị bác bỏ. Thủ tướng Anh bấy giờ, Harold Wilson đã phát biểu: “Quả thật là điên rồ nếu lại sử dụng bom nguyên tử. Nó không chỉ đem lại hậu quả không hay cho chính vị thế của Mỹ mà còn có thể khởi đầu cho việc leo thang chiến tranh trên toàn thế giới”.
Tình hình căng thẳng của TQLC Mỹ tại Khe Sanh là căn cứ để Tướng Westmoreland đề nghị sử dụng vũ khí nguyên tử công suất thấp.

Tổng thống Mỹ, Johnson cũng đã phản ứng kịch liệt với vấn đề này nhằm xoa dịu dư luận trong nước: “Trong suốt 7 năm qua, tôi chưa hề nhận được yêu cầu nào về sử dụng vũ khí hạt nhân, do đó tôi muốn chấm dứt ngay lập tức những tranh cãi về nó”.

Rốt cuộc, tướng Westmoreland được giao nhiệm vụ giải cứu bằng vũ khí qui ước đối với mặt trận Khe Sanh. Những pháo đài bay B-52 của Mỹ đã dội hơn 100.000 tấn bom xuống vùng giao tranh chỉ 8 km2 giữa hai bên, biến cuộc tấn công trở thành đợt dội bom dày đặc nhất trong lịch sử thế giới.

Tuy nhiên, giai đoạn Việt Nam bị đe dọa nhiều nhất chính là từ thời điểm Richard Nixon đắc cử Tổng thống Mỹ vào đầu năm 1969. Với sự nôn nóng cũng như mục tiêu hàng đầu khi đắc cử là sớm kết thúc chiến tranh tại Việt Nam, vị tổng thống này nhiều lần gợi ý cũng như bật đèn xanh về vấn đề nhạy cảm: sử dụng vũ khí nguyên tử.

Các nhà hoạch định chính sách hiểu rằng, mức độ phá hoại của vũ khí hạt nhân không cân xứng với mong muốn của họ với xung đột tại chiến trường Việt Nam, sự dè chừng đối với mối nguy hiểm nếu làm bùng phát xung đột cục bộ trở thành chiến tranh toàn cầu, đặc biệt với Liên Xô. Sự cân nhắc giữa ý kiến của Quốc hội, đồng minh và cộng đồng thế giới, sự đánh giá khả năng phòng bị trước sự trả thù của đối tượng bị tấn công nguyên tử.

Tuy nhiên, bỏ qua những tối kỵ này, Nixon cùng cố vấn Kissinger, tướng Wheeler và Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird hoạch định Chiến dịch Duck Hook quy mô và to lớn nhất (theo dự tính) nhằm tạo ra một bước ngoặt nhanh chóng trên chiến trường, với các cuộc tấn công quy mô làm choáng váng quân Việt Cộng, tạo thuận lợi trong đàm phán Paris cũng như kết thúc chiến tranh.

Điểm chính trong kế hoạch là kế hoạch tấn công chủ chốt cuối cùng trong số 5 kế hoạch với tên gọi “chiến tranh leo thang”, thông qua sử dụng vũ khí nguyên tử, sinh học, hóa học.

Theo đó, Đường mòn Hồ Chí Minh sẽ là mục tiêu tối thượng của bom nguyên tử, vì đây là con đường chuyển quân và tiếp tế chủ chốt từ Bắc vào Nam.
Ngoài ra, các tuyến đường sắt mà Việt Nam nhận tiếp tế từ Nga và Trung Cộng cũng thuộc phạm vi tấn công của vũ khí nguyên tử. Các mục tiêu chủ chốt là quân đội và kinh tế quanh Hà Nội, cảng Hải Phòng cũng là mục tiêu lựa chọn được nêu trong chiến dịch.
Tổng thống Nixon và Cố vấn an ninh Kissinger trong Căn Phòng Bầu Dục bàn luận về kế hoạch với chiến tranh Việt Nam.

Tuy nhiên, vấp phải sự chống đối mạnh mẽ của dư luận với các phong trào phản đối chiến tranh của cả trong và ngoài nước, cộng với lo ngại về ảnh hưởng ngược chiều của chiến dịch và đặc biệt là sự phản đối của hai trụ cột là Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird và Ngoại trưởng William P. Rogers, Tổng thống Nixon buộc từ bỏ ý định với chiến dịch Duck Hook.
Tuy nhiên, Tổng thống Nixon vẫn nung nấu kế hoạch muốn ném bom nguyên tử xuống Bắc Việt.
Trong cuộc nói chuyện được ghi âm lại và công bố vào năm 2002, ngày 25/04/1972 thảo luận về chiến dịch Linebacker của quân đội Mỹ với quân đội miền Bắc Việt, Nixon đã lại đề cập mong muốn sử dụng bom  nguyên tử” như một đòn nặng nề, không chỉ phá hủy sức mạnh mà còn là một đòn tâm lý nặng nề lên chính quyền Hà Nội và cộng đồng các nước XHCN. Tuy nhiên, đề đề nghị này bị Henry Kissinger và các cố vấn ngăn lại.
Năm 1975
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, James Schlesinger đề nghị Tổng thống Ford sử dụng bom nguyên tử để ngăn chặn bước tiến của Việt Cộng ở chiến trường miền Nam, nhưng tổng thống Ford từ chối.
Schlesinger là người nổi tiếng với chủ trương về học thuyết vũ khí nguyên tử mới, ủng hộ ý kiến về “phá hủy mang tính đảm bảo” (MAD) như là biện pháp răn đe cuối cùng đối với chiến tranh với khối Liên Xô. 
Theo ông, thay vì chỉ có 2 lựa chọn, hoặc là không có chiến tranh, hoặc sự phá hủy toàn cầu, Mỹ có thể chọn lấy một vài mục tiêu như cơ sở quân sự để làm điểm tấn công bằng vũ khí nguyên tử, phá hủy hệ thống cơ sở vật chất của các nước  Cộng Sản.
Dù vậy, chủ trương của Schlesinger bị khước từ nhưng có những ảnh hưởng nhất định tới những thỏa thuận giữa Mỹ và các nước XHCN, đặc biệt là Hiệp định hạn chế vũ khí quy ước chiến lược (SALT II).

Như vậy, các lý do chính đã khiến Mỹ từ bỏ mọi dự tính, kế hoạch về sử dụng vũ khí nguyên tử tại Việt Nam trong suốt thời kỳ chiến tranh, bao gồm:
Chính quyền Mỹ và các quan chức cấp cao nhận ra việc Mỹ đang tiêu tốn quá nhiều sức lực vào cuộc chiến tranh Việt Nam trong khi đồng thời phải giữ gìn sức mạnh tại các khu vực khác như Bắc Hàn . Họ không muốn sa lầy và tiêu tốn thêm những khoản chi phí khổng lồ cho chiến trường này.
Thứ hai, việc sử dụng vũ khí có sức tàn phá khủng khiếp có thể tác động tới các nước láng giềng, khiến cuộc chiến tranh có thể mở rộng và động chạm tới Trung Cộng hay các quốc gia ở Tây Thái Bình Dương khác, đặc biệt là Đài Loan, Philippines, Nam Hàn, nơi Mỹ đặt các cơ sở quân sự. Nó cũng sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến với chủ nghĩa Cộng sản trên toàn thế giới.
Mạnh Thắng (tổng hợp)

No comments:

Post a Comment