Friday, November 4, 2011

Đôi nét về Công Nghiệp Quốc Phòng Nhật Bản



Đôi nét về Kỹ Nghệ Quốc Phòng Nhật Bản


Âm thầm, lặng lẽ, không phô trương, nhưng kỹ nghệ quốc phòng Nhật Bản được xem là hàng đầu trong khu vực châu Á.

(ĐVO) Trước và trong chiến tranh thế giới thứ 1 và thứ 2, kỹ nghệ quốc phòng Nhật Bản được đánh giá thuộc loại hàng đầu thế giới và ngang ngửa với Mỹ. Khi đó, các loại máy bay chiến đấu như Aichi-D3A, A6M Reisen (Zero), Ki-45... và đặc biệt, thiết giáp hạm Yamoto được xem là chiến hạm 
tối tân nhất thế giới lúc đó. Sau khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2, việc đảm bảo an ninh cho Nhật Bản được do quân đội Mỹ đóng tại Okinawa và khu vực châu Á thực hiện . Nhật Bản tập trung vào phát triển kinh tế và tái thiết đất nước. Do đó, kỹ nghệ quốc phòng Nhật Bản gần như bị đóng cửa hoàn toàn hoặc chuyển sang sản xuất các mặt hàng dân sự. Kỹ nghệ quốc phòng Nhật Bản bắt đầu được phục hồi vào năm 1952 khi một số công ty trong nước thực hiện các công tác sửa chữa và bảo trì trang thiết bị quân sự cho quân đội Mỹ tại châu Á. Các công ty mới nổi lên trong lĩnh vực quốc phòng là Mitsubishi, Sumitomo. Sự phục hồi đầy đủ được bắt đầu từ sau năm 1954 và ngành Kỹ nghệ quốc phòng trở thành cánh tay đắc lực của JSDF (Cục phòng vệ Nhật Bản). Mọi công việc được bắt đầu từ việc cải tiến trang thiết bị quân sự của Mỹ để sản xuất và sử dụng tại Nhật Bản. Tính từ năm 1950-1983, Kỹ nghệ quốc phòng Nhật Bản đã nhận được các kỹ thuật tối tân từ Mỹ với giá trị hơn 10 tỷ USD.
Tàu Aegis loại Kongo, một trong những tàu khu trục tối tân nhất châu Á do Nhật Bản chế tạo, dựa vào chế tao tàu loại Arleigh Burke của Mỹ.
Sự phục hồi trong âm thầm và lặng lẽ

Tháng 7/1970, ông Nakasone Yasuhiro lúc đó đang là Giám đốc cơ quan quốc phòng Nhật Bản đã công bố 5 mục tiêu cho việc xây dựng nền kỹ nghệ quốc phòng Nhật Bản, gồm tổ chức nghiên cứu phát triển, nỗ lực sản xuất vũ khí trong nước, sử dụng các ngành kỹ nghệ dân sự để sản xuất vũ khí, thiết lập các mục tiêu dài hạn, giới thiệu và cạnh tranh vào lĩnh vực sản xuất quốc phòng. Tất cả để nhằm mục đích duy trì các cơ sở kỹ nghệ phục vụ cho an ninh quốc gia. Tính đến cuối thập niên 1970, kỹ nghệ quốc phòng Nhật Bản đã có đủ khả năng sản xuất hầu hết các trang thiết bị quân sự tối tân bao gồm máy bay, xe tăng, pháo, tàu mặt nước và tàu ngầm... Ngoại trừ một số trang thiết bị quá phức tạp như máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không E-2C Hawkeye được nhập cảng hoàn toàn từ Mỹ, các trang thiết bị còn lại phần lớn được sản xuất trong nước. Trong đó, có thể kể tới một số sản phẩm rất tinh vi như máy bay chiến đấu F-15, máy bay tuần tra hàng hải và chống ngầm P-3C Orion. Sự phát triển kinh tế cho phép Nhật Bản chi mạnh tay hơn cho quốc phòng. Tính từ năm 1986-1990, Nhật Bản đã bỏ hơn 18,4 nghìn tỷ Yen cho các trang thiết bị quốc phòng trong nước.
Chịu nhiều hạn chế

Tháng 10/1985, Cơ quan quốc phòng Nhật Bản bắt đầu xem xét các lựa chọn máy bay chiến đấu mới cho chương trình FSX. Các lựa chọn bao gồm, phát triển một mẫu mới được chế tạo hoàn toàn trong nước, hoặc dựa trên một mẫu sẵn có từ nước ngoài, thứ 3 là sản xuất theo giấy phép của nước ngoài. Ban đầu các quan chức quốc phòng ủng hộ việc phát triển một mẫu mới trong nước. Tuy nhiên, sau khi tham khảo ý kiến và chịu nhiều sức ép của Mỹ. Cuối năm 1986, Cơ quan quốc phòng Nhật Bản buộc phải xem xét thỏa thuận hợp tác với Mỹ.
CNQP Nhật Bản đủ sức để tạo ra một chiến đấu cơ tối tân hơn Mitsubishi F-2 nếu không phải chịu áp lực từ phía Mỹ.

Tháng 10/1987, Nhật Bản và Mỹ đã có cuộc họp tại Washington để bàn về việc hợp tác tân trang chiến đấu cơ F-15 hoặc F-16. Cơ quan quốc phòng Nhật Bản quyết định chọn F-16 để sản xuất trong nước theo giấy phép với tên gọi Mitsubishi F-2. Thỏa thuận này vấp phải sự chỉ trích nặng nề từ Quốc hội Mỹ, theo đó, một số nghị sĩ Mỹ đánh giá sự hơp tác này làm tăng nguy cơ rò rỉ công nghệ cao. Sau nhiều thời gian tranh cãi, mãi tới đầu năm 1989, Mỹ yêu cầu sửa đổi thỏa thuận và chỉ chuyển giao 40% công việc cho Nhật Bản. Kể từ sự kiện này, các nhà hoạch định quốc phòng của Nhật Bản có khuynh hướng tự cung cấp đối với các nghiên cứu quốc phòng trong tương lai. Do quy định tại điều 9 trong Hiến pháp Hòa bình, các sản phẩm quốc phòng Nhật Bản sản xuất các cơ phận thay thế, mục đích chính là các trang thiết bị điện tử kỹ thuật cao sử dụng cho các phương tiện vận tải và thông tin liên lạc, hoặc thông qua một bên thứ 3 để cung cấp cơ phận cho sản xuất hỏa tien và máy bay, căn bản là tại Mỹ.
Nếu được đầu tư ATD-X sẽ là một chiến đấu cơ tối tân.

Hàng đầu trong khu vực

Nhật Bản đã thực hiện chính sách giới hạn về quân đội và không xuất cảng vũ khí. Những vũ khí mà họ sản xuất mục đích chính để phục vụ nhu cầu của Lực lượng phòng vệ nước này. Quy mô nền công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản không lớn và không rầm rộ, không phô trương như các nền kỹ nghệ quốc phòng lớn khác như Nga, Mỹ hay gần đây nhất là Trung Cộng.

Nhưng với thực lực kinh tế và khoa học kỹ thuật hiện nay, nếu được đầu tư đúng mức và cho phép xuất cảng, Nhật Bản được xem là một trong những quốc gia hiếm hoi tại châu Á đủ khả năng xây dựng một nền kỹ nghệ quốc phòng tầm cỡ.

Không chú trọng nhiều vào việc tạo ra các mẫu vũ khí mới, tuy nhiên không phải vì thế mà kỹ nghệ quốc phòng Nhật Bản không có những sản phẩm tinh hoa.

Xe tăng chiến đấu chủ lực Type-90, chiến đấu cơ Mitsubishi F-2, tàu khu trục Aegis loại Kongo là những ví dụ, chỉ có điều các sản phẩm này chưa bao giờ được giới thiệu một cách rầm rộ nên ít được biết đến.

Nhật Bản cũng được xem là quốc gia có đủ khả năng nhất để phát triển một mẫu chiến đấu cơ mới, được xem là thách thức với F-22 của Mỹ, PAK F/A T-50 của Nga hay gần đây nhất là J-20 của Trung Cộng.

Hiện tại, CNQP Nhật Bản có tất cả 12 nhà sản xuất, chiếm đến 95% đơn hàng quốc phòng trong nước. Trong đó Mitsubishi Heavy Industries, Kawasaki Heavy Industries, Mitsubishi Electric Corporation, Ishikawajima-Harima Heavy Industries, được xem là những công ty chế tạo vũ khí hàng đầu khu vực cũng như thế giới.

Gần đây, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét cho phép xuất cảng vũ khí, nếu điều này thành hiện thực, Nhật Bản sẽ là một đối thủ đáng ghờm đối với các nước xuất cảng vũ khí lớn như Nga, Mỹ, Anh, Trung Cộng.

No comments:

Post a Comment