Saturday, November 5, 2011

Tổng thống Diệm và quân đội Mỹ

Tổng thống Diệm và quân đội Mỹ
(Ngô Đắc Triết)

http://www.giaodiem.com/doithoaiII/ngodtriet-diem.htm 3/11/2002

http://sachhiem.net/LICHSU/IMG/NGODD/gioNDD.jpgMỗi năm cứ vào khoảng đầu tháng 11 thì lại thấy xuất hiện trên báo chí hải ngoại một số bài viết về biến cố lịch sử 1/11/1963. Hiển nhiên, ngày này đánh dấu một khúc quanh quan-trọng của lịch-sử Việt-Nam (VN) cận đại. Trong khi đa số những ngày lịch sử khác thường được nhắc đến để xây dựng tình yêu nước (ngày giỗ tổ Hùng Vương, Hai Bà Trưng, v.v.) thì ngày 1/11/1963 được nhắc đến để làm hiện rõ cái hố chia rẽ triền miên giữa những người theo “Ngô chí sĩ” và những người chống “gia đình trị”.
Phân tích nguyên nhân của ngày lịch sử này, do đó, đã luôn luôn là một tiến trình phân chia giới nghiên cứu chính trị VN làm hai phe đối nghịch. Một cách tổng quát, phe này nói nguyên nhân đến từ lòng dân quá chán ghét chế độ Ngô Đình Diệm dùng Cần lao Công giáo để áp đặt một chế độ độc tài gia đình trị và phe kia nói nguyên nhân đến từ thái độ yêu nước của Tổng thống Ngô Đình Diệm chống chiến lược đổ thêm quân của người Mỹ nên bị họ tổ chức lật đổ.
Vì vậy bài này sẽ gồm phần thứ nhất nói ngắn gọn về yếu tố VN của nguyên nhân “chế độ mất lòng dân” rất rõ ràng không cần phải giải thích nhiều. Phần thứ hai phải nói dài hơn về yếu tố ngoại bang vì đây là nỗi đau nhức của những người “ủng hộ tinh thần Ngô Đình Diệm” mà bài này, cố gắng chứng minh rõ rệt một lần cuối cùng, giúp họ thấy được sự thật là ông Diệm chẳng những đã không chống mà còn xin thêm quân ngoại bang vào VN. Để cho mỗi năm đến tháng 11, họ không phải vi phạm vào Điều Răn thứ chín của Chúa: “Con không được làm chứng dối chống lại đồng loại. (Xh 20,16). . . Nhưng hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ. (Mt, 33)” như Cao Văn Luận, Cao Thế Dung, Tú Gàn Nguyễn Cần, Nguyễn văn Chức đã và đang bị ác quỷ dẫn dắt.
Hãy bắt đầu bằng yếu tố VN qua bốn lãnh vực :
1. Quần chúng :
Sự ủng hộ của nhân dân dĩ nhiên là chủ yếu để chính quyền được tồn tại.Trong một chế độ dân chủ, thật hay giả, sự ủng hộ này có thể phân biệt được là tự phát hoặc ép buộc qua những cuộc bầu cử. Theo bài giảng “Luật Hiến Pháp và Chính Trị Học” cho sinh-viên năm thứ nhất Luật khoa của Giáo sư Nguyễn văn Bông, trong cuộc Trưng cầu dân ý tháng 10/1955 để ông Diệm được lên làm Quốc trưởng, kết quả có 5,721,735 phiếu thuận (hơn 98%) trong tổng số 5,828,907 người dân đi bầu. Tháng 4/1961, trong cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ hai, ông Diệm không chứng tỏ là một học trò giỏi về thực tế của khái niệm dân chủ đã thắng với tỷ số 89% (5,997,972 trên tổng số 6,723,720). Hai kết quả này thua 100% của ông Sadam Hussein không xa bao nhiêu. Nếu những người “ủng hộ tinh thần Ngô Đình Diệm” không đỏ mặt khi đọc hai kết quả bầu cử này thì họ không nên và không cần đọc tiếp bài nầy nữa.
2. Thành phần chính trị :
Gồm các lực lượng đối lập và ủng hộ chính quyền. Trong lực lượng ủng hộ, đảng Cần Lao độc quyền tổ chức bao trùm cả hai môi trường dân sự và quân sự trên toàn quốc làm cho tính độc tài của chế độ trở nên không thể chối cãi như tình trạng độc đảng của các chế độ Cọng sản. Ai cũng biết không có đối lập thật sự thì không thể có dân chủ thực sự. Vì vậy mà trong lực lượng đối lập, hai trường hợp tiêu biểu là ông Nhất Linh của Việt Nam Quốc Dân Đảng đã phải uống thuốc độc tự tử, và ông Nguyễn Bảo Toàn của lực lượng Hòa Hảo đã bị chính quyền thủ tiêu (chi tiết trong sách “Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi” của Hoành Linh Đỗ Mậu, 1986) là những dấu chỉ của một chính sách đàn áp đảng phái tàn bạo như các cuộc Thánh chiến của các Giáo hoàng Gia-tô La mã.
3. Thành phần tôn giáo:
Về phương diện pháp lý, chính quyền ông Diệm đã độc lập được 9 năm mà vẫn giữ nguyên đạo dụ số 10 của thực dân Tây để lại coi Phật giáo như một hội đá banh. Vì vậy mà một trong 5 nguyện vọng của Phật giáo gửi cho chính phủ Diệm trong tháng 5/1963 là “được bình quyền với Ki-tô giáo”. Một đạo mang niềm tin của gần 90% dân mà lại xin được bình quyền với một đạo của gần 10% dân! Về thực tế, sự kiện đạo của thiểu số Ki-tô là tôn giáo duy nhất (gồm hai nhánh Gia-tô La mã và Tin Lành) có tuyên úy trong quân-đội đã đủ để nói về chính sách đàn áp tôn giáo của “Ngô chí sĩ”.
4. Thành phần quân đội:
Quân đội VNCH có gốc rể từ quân đội Pháp. Đại đa số những sĩ quan lãnh đạo đều đã có kinh nghiệm với chế độ thuộc địa. Những kinh nghiệm này cọng với truyền thống kỷ luật của quân đội mà họ đã theo đuổi từ thời trai trẻ đã tạo trong họ một trống vắng về ý thức chính trị sâu sắc. Do đó, những hành động, phản ứng hay quyết định của họ có tính cách bản năng, nặng về cảm tính và chú trọng đến hiệu quả thực tiễn. Điều này được chứng nghiệm năm 1954 qua sự ủng hộ vô điều kiện của họ đối với chính khách Ngô Đình Diệm, sự đối kháng của họ đối với thực dân Pháp và sự ly khai của họ đối với Cọng sản tính của lực lượng Việt Minh. Chín năm sau, quân đội đã thấy rất rõ, từ vị thế quân nhân của họ, sự thiếu hiệu quả của chế độ qua sự tăng trưởng của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, sự phản bội của một chế độ chống Cọng mà đi đêm với Cọng (cũng như những tờ báo Bolsa hiện nay hô hào chống Cọng mà vẫn đăng quảng cáo gửi tiền về VN). Và bản năng của quân đội đã bùng vỡ khi vợ con, bạn bè họ bải khóa, đi biểu tình trên toàn quốc trong mùa Hè năm 1963.
Trong khuôn khổ yếu tố VN, kết quả của tình trạng chín mùi này là người quân nhân trong một lực lượng đã chuẩn bị, chỉ cần 24 tiếng đồng hồ để lật đổ một chính quyền mà họ thấy rõ là không còn giá trị, một chính quyền đã mất lòng dân. Nếu nói rằng một ông Đại Tá lật đổ chính phủ vì không được lên Tướng thì vừa coi thường chính phủ đó vừa coi thường quân đội đó. Phải nhìn thấy sự kháng cự duy nhất và rất ngắn ngủi của Lữ đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống và sự im lặng tuyệt đối của đảng Cần lao, Thanh niên/ nữ Cọng hòa, Công an, Cảnh sát, ... trên toàn miền Nam trong ngày 1/11/1963 mới thấy được sự quan trọng của yếu tố lòng dân trong khi phân tích nguyên nhân của ngày lịch sử này.
Bên cạnh yếu tố VN, yếu tố ngoại bang trở nên tương đối đơn giản và khẳng định hơn vì nhân chứng và tài liệu thì đầy đủ và dễ phối kiểm và, do đó, giúp chúng ta có thể suy luận một cách khách quan hơn.
Những tài liệu, sách báo, hồi ký xuất bản từ năm 1963 ở Mỹ đã cho thấy rõ ràng mối liên hệ chặt chẽ giữa nước này và ông Diệm. Trong một bài, đã được đăng trên nhật báo Người Việt ở Westminster, California ngày 9 tháng 11/1996, tác giả Lương Minh Sơn đã đúc kết các chứng liệu ngoại quốc để trình bày một cách súc tích và chính xác sự đúng chỗ, đúng lúc và đúng người của ông Diệm khi ông được chính quyền Mỹ và Vatican đưa về VN.
Trong khuôn khổ của bài nầy, vấn đề chỉ cần giới hạn trong câu hỏi: Tại sao người Mỹ đưa ông Diệm về năm 1954 rồi 9 năm sau lại muốn lật đổ?
Có phải ý của người Mỹ đã thay đổi? Câu trả lời, trong trường hợp VN, tất nhiên là: Không. Vì từ 1954 đến 1963, ngươì Mỹ chỉ có một ý là chống Cộng sản. (Thật ra thì chính sách đối ngoại của Mỹ đặt cơ sở trên sách lược ngăn chận Cọng sản đã bắt đầu từ bài báo năm 1947 của George Kennan cho đến 1989 khi Nga Sô-viết sụp đổ và Trung Cọng bắt đầu chạy theo kinh tế thị trường). Mục tiêu không thay đổi thì có thể là đường lối đã thay đổi. Đây là chỗ đưa đến lập luận sở đắc của những người mang “tinh thần Ngô Đình Diệm” : “Đồng minh Mỹ trở nên đế quốc, muốn đem quân chiến đấu vào để thao túng chủ quyền của VN mà chống Cọng theo kiểu Mỹ, Tổng thống Diệm muốn bảo toàn độc lập quốc gia nên chống lại âm mưu này và đã phải trả giá bằng chính mạng sống và chính quyền của ông.”
Bằng lý luận chính trị, lập luận này không đứng vững trong bối cảnh của nước Mỹ có một Tổng thống bị thất bại nặng nề ngay từ đầu nhiệm kỳ trong phiêu lưu quân sự ở Vịnh Con Heo (tháng 4/1961) để mưu lật đổ Fidel Castro của Cuba. Ông Kennedy dĩ nhiên là không muốn phiêu lưu vào một thất bại lật đổ Ngô Đình Diệm ở một xứ VN xa xôi vào cuối nhiệm kỳ (tháng 11/1963) khi cuộc chuẩn bị bầu cử cho nhiệm kỳ hai đã bắt đầu.
Cụ thể hơn, bài này sẽ chứng minh ông Diệm chẳng những không chống mà còn xin thêm quân Mỹ và Tàu, (vâng, quân Tàu, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt) đổ vào VN. Qua tài liệu mật của Bộ Quốc Phòng Mỹ và tài liệu công khai của Phòng Báo chí Tòa Bạch ốc, lập luận này lại càng mất thêm giá trị để được xứng đáng gọi là một lập luận chính trị. Cựu Bộ trưởng McNamara đã dùng tài liệu mật của Bộ Quốc Phòng để tiết lộ những chi tiết sau đây trong hồi ký “In Retrospect” (Ed. Random House, NY, 1995) của ông :
1). “(Ngoại Trưởng) Dean Rusk và các cố vấn của ông ta cũng đi đến kết luận như (của tôi) vậy. Ngày 11/11 (năm 1961) ông ta và tôi, sau khi suy nghĩ và thảo luận thêm, cùng gửi một văn thư liên bộ (Ngoại Giao và Quốc Phòng) cho Tổng thống để can ngăn việc gửi quân chiến đấu sang VN theo đề nghị của Walt (Rostow) và Tướng Max (well Taylor). . . . Chiều hôm ấy, TT Kennedy đã đem cả hai văn thư đó ra giữa buổi họp tại Tòa Bạch ốc. Ông nói rõ rằng ông không muốn cam kết một cách vô điều kiện sẽ giữ cho miền Nam VN khỏi bị sụp đổ và tuyệt đối không chấp nhận việc gửi quân tác chiến Mỹ sang VN.” [Tr. 39]
2). Trong bản tường trình mật lên Tổng thống, sau chuyến viếng thăm VN (tháng 9/1963), Bộ trưởng McNamara đã có những đề nghị sau đây (trong an ninh tình báo, những đề nghị mật trong giới lãnh đạo cao cấp loại này được coi như là những ý định thật của một chính phủ) :
“Thành lập một chương trình để huấn luyện người VN đến cuối năm 1965 có thể thay thế quân nhân Mỹ trong các nhiệm vụ thiết yếu. Vào thời điểm đó, một số lớn nhân viên Mỹ có thể được rút về nước.” . . .
Theo chương trình huấn luyện (quân đội) VN để từ từ thay thế (quân đội Mỹ) trong các nhiệm vụ quân sự, Bộ Quốc Phòng nên tuyên bố sớm kế hoạch đang được chuẩn bị để rút 1,000 quân Mỹ vào cuối năm 1963.” [Tr. 78]
3). Thông báo của Phòng Báo Chí Tòa Bạch ốc ngày 2 tháng 10, 1963 :
“Cuối cùng tổng thống đồng ý, và Tham vụ Báo chí Pierre Salinger đã đưa ra bản thông báo sau buổi họp. Bản thông báo này có đoạn như sau : Bộ trưởng McNamara và Tướng Taylor. . . báo cáo rằng chương trình huấn luyện của Mỹ tại VN sẽ tiến triển đến mức 1,000 quân nhân Mỹ đang đóng tại Nam VN sẽ có thể được rút về vào cuối năm nay.” [Tr. 80]
4). Trong một lá thư được nhật báo The New York Times đăng ngày 14 tháng 9/1995 để trả lời một độc giả, ông McNamara đã tổng kết như sau :
“. . . Tôi tin rằng các tài liệu đã chứng tỏ là TT Kennedy, chẳng những đã không trù tính một kế hoạch leo thang nào, mà còn quyết định - và tuyên bố công khai ngày 2 tháng 10, 1963 - rằng Mỹ dự tính rút quân đội ra (khỏi VN) vào cuối năm 1965 và bước đầu tiên là rút 1,000 (trong tổng số 16 ngàn quân) vào cuối năm 1963.”
5). Mới nhất là bản tin ngày 23 tháng 12, 1997 của Associated Press trích từ hồ sơ dày hơn 800 trang của văn phòng Tổng tham mưu Liên quân Mỹ (Joint Chiefs of Staff) tiết lộ “Tổng thống Diệm đã dấu diếm những báo cáo chiến trường cho thấy cuộc chiến đã diễn tiến một cách bất lợi cho Nam VN” (“Diem had been hiding reports from the field that showed the war was going badly for the South Vietnamese”). Mặt khác, “vài tuần trước khi bị ám sát, TT Kennedy đã muốn các lãnh đạo quân sự lập cho ông một kế hoạch rút quân Mỹ khỏi VN sau cuộc bầu cử 1964” (“weeks before his assasination President Kennedy wanted his military leaders to draw up contigency plans for a U.S. withdrawal from Vietnam after the 1964 presidential election.”).
Bên kia những tiết lộ rõ rệt này về ý đồ của người Mỹ thì “Hồ sơ Mật của Ngũ Giác Đài” (“The Pentagon Papers”, Ed. Bantam Books Inc., 1971) lại cho thấy chính ông Diệm đã có ý đồ... xin thêm quân tác chiến Mỹ và Tàu vào VN, từ năm 1961!
“Điện văn của Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn gửi bộ Ngoại Giao ngày 13 tháng 10, 1961 về những yêu cầu của ông Nguyễn Đình Thuần, Bộ trưởng Quốc Phòng của Nam VN...
Trong buổi họp ngày 13/10/1961 Thuần đã yêu cầu :
1. Gửi thêm các phi đoàn khu trục AD6...
2. Gửi phi công dân sự Mỹ...
3. Gửi quân Mỹ tác chiến hoặc quân Mỹ “cố vấn tác chiến” cho quân VNCH. Một phần quân số này sẽ đóng gần vĩ tuyến 17 để quân VNCH được rảnh tay chống quân du kích ở miền cao nguyên ...
4. Xin được biết phản ứng của Mỹ đối với đề nghị (của ông Diệm) xin Trung Hoa Quốc gia gửi một sư đoàn quân tác chiến vào khu vực hành quân ở vùng Tây Nam ....
(Bộ trưởng Thuần) nói ông Diệm, dựa trên tình hình Lào, sự xâm nhập (của quân đội Bắc Việt) và sự lưu tâm của TT Kennedy khi gửi Tướng Taylor qua thăm VN, đã yêu cầu Mỹ hãy duyệt gấp những yêu cầu trên.” [Tr. 40]
Tất cả những tài liệu trên đây đã tự nó nói lên hai sự thật đơn giản :
▪ 1. Tổng thống Diệm không thể “chống Mỹ đổ thêm quân”, vì cho đến ngày lịch sử 1/11/1963 chính quyền Mỹ không có ý đổ thêm quân vào VN mà ngược lại còn dự tính - và tuyên bố công khai - sẽ rút quân kể từ cuối năm 1963.
▪ 2. Từ năm 1961, Tổng thống Diệm đã cầu viện quân ngoại bang (Mỹ và Tàu) vào VN.
Nguyên nhân của một biến cố lịch sử làm sụp đổ một chế độ dài 9 năm phải đến từ nhiều yếu tố. Không thể lý luận một cách ngu muội là tất cả đều do Mỹ và những người chống ông Diệm (từ Nhất Linh đến Thích Trí Quang) đều bị CIA mua chuộc. Qua những chứng liệu rõ rệt trên đây, một độc giả thông minh tối thiểu và không cuồng tín vì tôn giáo sẽ thấy nguyên nhân của ngày 1/11/1963 đến từ cả hai yếu tố bên trong và bên ngoài VN. Với một người có tinh thần dân tộc thì sẽ nhận ra ngay yếu tố VN mới là tối quan trọng, yếu tố lòng dân Việt Nam mới là chủ yếu. Với loại người được truyền giáo để trở thành phi dân tộc và vọng ngoại thì dĩ nhiên chỉ có thể thấy được yếu tố ngoại bang.
Nếu những người này đã có can đảm đọc đến đây và đã được “mặc khải” thì xin hãy chôn đi cái huyền thoại TT Diệm “chết vì chống Mỹ” sau khi đọc điều số 4. “Xin được biết phản ứng của Mỹ đối với đề nghị (của ông Diệm) xin Trung Hoa Quốc gia gửi một sư đoàn quân tác chiến vào khu vực hành quân ở vùng Tây Nam...”. Được như vậy, vào tháng 11 mỗi năm, quý vị hoài Ngô khỏi phải day dứt vì mặc cảm phạm tội mà đi mua nhang đèn làm lễ tưởng niệm “tinh thần" xin-được-biết-phản-ứng-của-Mỹ của Ngô chí sĩ”, và chúa Ki-tô khỏi phải nhọc công lập lại Điều răn thứ Chín cho những tên ma đầu loại Cao Văn Luận, Cao Thế Dung (Hà Nhân Văn, Hà Nhân!!), Nguyễn văn Chức, Tú Gàn Nguyễn Cần.
Ngô Đắc Triết (Montréal) 3.11.2002
http://sachhiem.net/LICHSU/IMG/NGODD/GioNgoDDiem2009.jpg
Lễ giỗ Ngô Đình Diệm tổ chức ở Seattle ngày 1 tháng 11, 2009

 
 

No comments:

Post a Comment