Wednesday, June 8, 2011

Lãnh Đạo và Phát Triển

Lãnh Đạo và Phát Triển

 “Giải Pháp Tháo Gỡ Những Bế Tắc” do Đảng CSVN gây ra?
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tấn

Ông Hồ Chí Minh và ĐCSVN đã không làm tròn trọng trách lãnh đạo, là đem lại cơm no áo ấm cho dân, phát triển và bảo vệ đất nước. Ông Hồ và ĐCSVN cai trị dân tộc và xã hội Việt Nam bằng một chế độ phi nhân. Và vì muốn bảo vệ quyền lợi riêng của đảng, Ông Hồ và ĐCSVN đã chọn con đường lệ thuôc về tư tưởng, rồi đi đến chỗ qui phục và cuối cùng dâng hiến đất nước cho Tầu, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc. Như vậy chính Ông Hồ và ĐCSVN đã đẩy dân tộc đến chỗ phải tẩy chay huyền thoại Hồ Chí Minh và bất tín nhiệm ĐCSVN trong vai trò lãnh đạo đất nước.
Nhưng “Nếu người cộng sản Việt Nam chiụ rút lui khỏi chính quyền thì những người lãnh đạo không cộng sản có giải pháp gì để giải quyết khủng hoảng hiện nay?” Để trả lời câu hỏi này, tôi nghĩ việc đầu tiên phải kiểm điểm thực trạng của đất nước hiện nay. Sau đó lấy bài học sai lầm về lạnh đạo của ĐCSVN làm căn bản để đưa ra các giải pháp cho quan niệm lãnh đạo và đường lối phát triển Việt Nam trong tương lai.

Thực trạng của đất nước hậu Xã Hội Chủ Nghĩa:

Một chuyên gia về kinh tế  tài chánh, Ông Bùi Kiến Thành, đã đặc biệt lưu ý rằng “Nếu Chính Phủ Việt Nam không có chính sách và quyết tâm xây dựng nông thôn để hậu thuẫn và làm căn bản cho phát triển thì Việt Nam có nguy cơ tụt hậu, thậm chí bị [Tầu] thôn tính.”[1]
Nghĩa là Việt Nam sẽ mất nước nếu ĐCSVN còn tiếp tục nắm chính quyền và theo đuổi đường lối cũ. Sự phát triển ngày nay chỉ là bọt bèo gỉa tạo vì bị khống chế bởi các giáo điều cộng sản. Chỉ là một nền kinh tế “nước nổi” trong đó gần 70 phần trăm dân chúng hiện sống dưới mức độ nghèo đói. Hố ngăn cách giầu nghèo càng ngày càng lớn rộng mãi. Thêm vào đó, ĐCSVN đã tiêu hủy hết hạ tầng cơ sở về vật chất, tinh thần và pháp lý của đất nước, một nền tảng phải có để phát triển.[2]
Nhưng nghiêm trọng hơn nữa là con người truyền thống Việt Nam đã bị lẫn lộn căn cước và trở thành vô hồn. Cơ cấu xã hội truyền thống hoàn toàn tan vỡ và đang ngụp lặn trong giấc mơ vật chất. Ý thức tập thể đã bị lu mờ. Lãnh đạo thì bị gián đoạn mà vốn xã hội và lịch sử cũng bị tiêu hao nặng nề từ khi ĐCSVN tiêu diệt trí thức và nuôi dưỡng một nền “văn hóa và văn học đồi trụy”. Ngoài ra, chủ nghĩa bá quyền Trung quốc hiện nay, với sự nhu nhược của ĐCSVN, đã trắng trợn chiếm đóng bất hợp pháp đất đai, hải đảo và biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam và đang tiêu điệt không gian sinh tồn của cả một dân-tộc.
Vì thế, đứng trên căn bản vốn liếng của dân tộc hôm nay, thái độ thực tế của giải pháp cho Việt Nam là mọi việc nên bắt đầu ở một căn bản vật chất và tinh thần thấp nhất. Hãy quên đi cái mộng tưởng hão huyền “tiến thẳng lên XHCN” hay muốn ngay lập tức phải đứng ngang hàng với các nền kinh tế ở Đông Nam Á!  Nhà cách mạng lão thành Phan Chu Trinh từng nhắc nhở rằng không phải nước Nhật “. . . chỉ đóng tầu, đúc súng mà được giầu mạnh hay họ còn trau dồi đạo đức, sửa đổi luân lý mới được như ngày nay.”[3] Vậy với con người “vô hồn của XHCN Việt Nam, lấy “căn bản đạo đức luân lý” nào mà bắt đầu?
Việt Nam hiện nay, có một mâu thuẫn rất rõ ràng là dân số tăng qúa nhanh, trong khi sản xuất lương thực qúa chậm. Còn muốn phát triển công nghiệp hay tiến bộ khoa học kỹ thuật thì cần phải có sự cân nhắc lựa chọn kỹ càng. Vì vốn liếng ít nên phải tập trung đúng vào các ưu tiên.
Vấn đề cấp bách mà lãnh đạo mới phải đối diện
Hai vấn đề cấp bách mà các nhà lãnh đạo mới phải đối diện là: Nâng cao đời sống của hơn 70% dân nghèo và chận đứng khuynh hướng Tầu hóa ở Việt Nam.[4] Tôi cho rằng đây là hai vấn đề nền tảng của mọi công cuộc phát triển quốc gia trong tương lai. Vì mất nước rồi, đâu còn phải đặt ra vấn đề phát triển nữa!
Có hay không một giải pháp cho hai vấn nạn này? Khi nói đến một giải pháp cho Việt Nam, người ta nghĩ ngay đến vấn đề cơ cấu chính trị: “Độc tài hay Dân chủ?” Tuy nhiên sự chọn lựa quan niệm lãnh đạo đều phải do những sự kiện lịch sử thực tế quyết định chứ không phải do quan điểm chung chung của triết lý trừu tượng. Cơ cấu hay hình thức tuy quan trọng nhưng sự hữu hiệu của cơ cấu lại không tùy thuộc hoàn toàn vào cơ cấu mà tùy thuộc vào con người ở trong cơ cấu. Trong trường hợp Việt-nam hiện nay, có nhu cầu xây dựng lại cá nhân con người. Để xây-dựng lại con người và xã hội, việc làm cấp bách là phải thay thế các giá trị tiêu chuẩn XHCN bằng các gía trị tiêu chuẩn truyền thống và của nền văn minh nhân loại.
Khi những gía trị tiêu chuẩn của xã hội mới đã được xác định thì giải pháp cho sự xung đột cố hữu giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể sẽ lập tức xuất hiện. Ví-dụ khi “lý tưởng Thái hòa” của văn hóa Việt Nam được tái lập, thì sự xung đột giữa cá nhân và tập thể sẽ được giải quyết theo nguyên tắc “thái hòa”. Theo nguyên tắc này, cá nhân và tập thể là hai yếu tố chịu qui luật “thăng bằng động tiến” và theo Ông Ngô Đình Nhu thì công việc duy trì thế “thăng bằng giữa cá nhân và tập thể”, chính là con đường sống.
Muốn công cuộc cải tổ kinh tế, xã hội và chính trị được nhất quán và có một định hướng rõ rệt, từ việc xác định các tiêu chuẩn cho xã hội mới đến sự chọn lựa quan niệm lãnh đạo, đều phải tuân theo qui luật thái hòa của thiên nhiên và cũng là rường cột của nền văn hóa dân tộc. Guồng máy lãnh đạo thích hợp cho việc thực thi giải pháp cũng phải theo quy luật này.
Những gía trị tiêu chuẩn của xã hội Việt nam hậu cộng sản
Thay thế những gía trị tiêu chuẩn của XHCN bằng các gía trị tiêu chuẩn của văn minh nhân loại và của Việt Nho. Tuy nhiên vẫn giữ lại những lý tưởng mà những người cộng sản yêu nước hằng ấp ủ, chẳng hạn như “công bằng xã hội”, “độc lập, tự do, hạnh phúc,” và “hòa bình thế giới”. Ví dụ, khẩu hiệu “Phá hủy cá nhân, xây dựng tập thể” sẽ được thay thế bằng “Cá nhân và cộng đồng đồng tiến”; “Cách mạng vô sản” bằng “Hữu sản hóa hay quyền tư hữu”; “Đấu tranh giai cấp” bằng “Tôn trọng sự khác biệt xã hội”; “Con người là phương tiện sản xuất” bằng “Con người là cứu cánh tối hậu của sản xuất” v.v. . .
Khi phủ nhận các gía trị XHCN tức là các giáo điều căn bản của CNCS, sẽ bắt buộc dẫn đến việc cải tổ cơ cấu chính trị.  Và quan niệm lãnh đạo đất nước cũng thay đổi với các gía trị tiêu chuẩn mới. Trong lịch sử cận đại, các nước ở Đông Á như Nhật bản, Nam Hàn, Đài loan, Singapore, v.v. . . đều có những hoàn cảnh chính trị kinh tế xã hội giống Việt nam. Các quốc gia này đã chọn mô hình không cộng sản nhưng lại có những đặc điểm riêng, nhất là về mức độ phân phối quyền lực, nằm giữa “tập quyền [độc tài] và tản quyền [tự do]” cộng thêm sắc thái văn hóa.
Ví dụ Nam Hàn với chính phủ quân phiệt, Đài Loan với chính phủ Trung Hoa Quốc Dân Đảng, Singapore với chính-phủ Lý Quang Diệu (gia đình trị) và Nhật Bản với chế độ quân chủ lập hiến. Chúng ta có thể gọi đây là các chế độ độc tài tương đối hay là dân chủ giới hạn cũng được, vì dưới những chế độ này dân chúng được hưởng những quyền tự do căn bản trong một nền kinh tế tự do. Tư bản với các gía trị Khổng giáo (Confucian Capitalism) đã giúp lãnh đạo của các quốc gia này tìm được trạng thái điều hòa mới bảo đảm cho sự tiến hóa của xã hội mình.
Dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia này, nguyên tắc Tây phương hóa của giải pháp cũng sẽ đặt trên căn bản điều hòa giữa những gía trị tiêu chuẩn mới và những gía trị tiêu chuẩn truyền thống. Như vậy về hình thức guồng máy lãnh đạo có thể là một chế độ đại nghị, dân chủ pháp trị, giống các nước Tây phương. Nhưng phẩm chất của chính phủ này sẽ không giống bất cứ một guồng máy lãnh đạo nào vì phải điều hòa với các gía trị truyền thống và những điều kiện mà các nhà lãnh đạo đòi hỏi dựa trên thực tế xã hội và ưu tiên đặt ra. Có nghĩa là hình thức mới chỉ là một điều kiện ắt có chưa phải là đủ. Sự hữu hiệu của chính quyền (cơ cấu) đòi hỏi con người trong cơ cấu có các đức tính như “nhân, trí, dũng” để có đủ khả năng duy trì nguyên tắc “thăng bằng động tiến” trong lãnh đạo. 

Giải Pháp “Cơm no áo ấm và các tự do căn bản ”

Ở đây không bàn đến nền kinh tế quốc gia vì nó thuộc thẩm quyền của các chuyên gia.  Tuy nhiên tôi muốn lưu ý các nhà làm chính sách về ưu tiên của nền kinh tế quốc gia trong tương lai. Chủ trương xây dựng một nền công nghiệp (Secondary sector) “vĩ đại” cỡ nào cũng không thể bằng Trung quốc. Và sức cạnh tranh cũng không thể địch với khối lượng hàng hóa Trung quốc.  Như vậy không thể chọn đường lối đối đầu với Trung quốc bằng sản xuất. Muốn chống Tầu chúng ta nên tập trung ưu tiên vào “Khu-vực dịch-vụ” (Tertiary sector). Việt nam, chỉ tính riêng ở ngoại-quốc, đã có một lực lượng chuyên viên lỗi lạc về mọi phương diện lên đến hơn 300,000 người.  Và đặc biệt là ưu tiên của chúng ta không gặp sự cạnh-tranh của Tầu. Đây chính là con đường dài hạn có thể giúp Việt Nam giảm bớt áp lực của Tầu.
Giải pháp sẽ đặc biệt chú ý đến nông nghiệp thuộc khu vực đầu tiên (primary sector) có liên quan mật thiết đến kế sinh nhai truyền thống của hơn 70 phần trăm dân nghèo hiện nay. Một mô hình lãnh đạo cũng được chọn lựa để thực hiện giải pháp “cơm no áo ấm và các tự do căn bản”, một chính quyền của “phúc lợi” (good government), nặng về phẩm chất hơn là hình thức: Tổ chức các cơ sở vật chất ở hạ tầng và lực lượng sản xuất trong khu vực “nông nghiệp” cũng như mức độ can thiệp vào nền kinh tế quốc gia, và được trao phó một số quyền hành cần thiết nhằm điều động tài nguyên cũng như nhân lực vào mục tiêu đã ưu tiên. Tuy nhiên sự hữu hiệu của giải pháp chỉ được bảo đảm khi tinh thần yêu chuộng công ích được mọi người, từ lãnh đạo xuống đến dân chúng tôn trọng đúng mức. Giáo dục sẽ phải đóng một vai trò quan yếu trong việc xây dựng lại các gia trị “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” và kỷ luật quốc gia.[5]
Tính khả thi của giải pháp này có thể biện chứng bằng lịch sử. Đó là thành qủa xây dựng nền ĐNCH Nam Việt Nam từ 1954-1963: Về hình thức Nam Việt Nam là một chế độ cộng hòa. Thượng tầng cấu trúc được phỏng theo các định chế dân chủ đại nghị của các nước Tây phương tự do đàn anh. Với một bản hiến pháp trù liệu bầu ra một tổng thống và quyền lực được phân phối theo nguyên tắc phân quyền. Nhưng đặc biệt hiến pháp trù liệu cho Tổng-thống nhiều quyền-lực để có thể thiết lập ra cái giới hạn cho một lộ trình cưỡng bách với mục đích dung hòa các lý thuyết dân chủ với thực trạng đất nước lúc bấy gìơ.
Và để đạt đến thế “thăng bằng động tiến” giữa hình thức và nội dung, giữa các gía trị tiêu chuẩn tây phương và các gía trị tiêu chuẩn văn hóa dân tộc, một hệ thống chính quyền dưới hạ tầng cơ sở, bao gồm một hệ thống ấp trù mật, được xây dựng phỏng theo chế độ làng xã tự trị cổ truyền Việt nam. Lịch sử chứng minh rằng hệ thống làng xã tự trị dưới hạ tầng mới là dân chủ đích thực (nội dung, phẩm chất). Cho nên Ông Phan Chu Trinh mới đặc biệt chú trọng đến việc phục hồi những gía trị đạo đức để tái trang bị cho người dân một tinh thần yêu chuộng công ích. Bản thân Ông Ngô Đình Diệm đã sống và hành xử quyền lực một lãnh đạo “chính danh”. Dưới chế độ Cộng hòa, phần đông người dân trong miền Nam đã được hưởng một cuộc sống ấm no và những quyền tự do căn bản. Dân chúng trong những Khu trù mật, Dinh điền, hay Ấp chiến lược đều làm chủ một căn nhà, một mảnh vườn và một số ruộng đất đủ nuôi sống gia đình.”

Xây dựng lại con người truyền thống Việt nam và ý thức tập thể  

Cá nhân là một thành phần của tập thể nên công việc xây dựng lại nếp sống trù mật dưới hình thức làng xã truyền thống là con đường tìm lại con người Việt nam. Hình thức sống trù mật có liên quan trực tiếp đến sản lượng thóc gạo và hứa hẹn một cuộc sống “cơm no áo ấm”. Vì ĐCSVN đã phá bỏ nếp sống truyền thống Việt nam này để xây dựng XHCN nên việc tổ chức trở lại hệ thống làng xã càng khẩn thiết. Trong các làng mạc mới này, những cá nhân hay những con người Việt nam sẽ tìm lại được các quan hệ xã hội như gia đình, hang xóm, bà con chú bác v.v. . . Họ không còn cảm thấy lẻ loi. Nếp sống tập thể sẽ đưa họ tới ý thức tập thể.

Những làng cổ truyền ở ngoài Bắc trước kia được tổ chức theo nguyên tắc trù mật. Làng bao gồm những nóc gia và các cơ sở công cộng như đình làng, chợ, chùa, nhà thờ, và nằm trên một diện tích tương đối nhỏ có lũy tre xanh bao bọc với dân cư đông đúc. Lối đi và nhà cửa được sắp xếp giống như một khu phố nhỏ. Xung quanh làng là ruộng đất, phương tiện sinh nhai của dân làng. Nếp sống tập thể giữa những người trong làng sẽ trở thành một thói quen rồi đương nhiên hình thành ý thức cộng đồng (quốc gia) nằm sâu trong tâm tư của dân làng. Khi nói làng tôi ai cũng hiểu là “một tập thể trong đó có tôi”. Và khi sống trù mật sự tiến hóa của cá nhân sẽ không bị gián đoạn.
Hình thức sống trù mật gia tăng sản xuất có thể được kiểm chứng bằng các số liệu thống kê của nền ĐNCH: Các chuyên viên lúc bấy gìơ cho rằng, nếu có được hình thức trù mật của một làng truyền thống thì “mức sản xuất ở miền Bắc có thể tăng lên ít nhất là 50%, ở miền Trung ít nhất là 100% và ở miền Nam 200%. Con số sai biệt giữa ba con số đánh gía khả năng tăng gia sản xuất của 3 miền, chỉ do sự sai biệt giữa trình độ thủ thuật sản xuất hiện tại ở ba miền.”[6]  Nhưng trên thực tế, nền ĐNCH đã đạt được những thành tích tăng trưởng ngoài sức tưởng tượng. Ví dụ từ năm 1955 đến 1962, mức sản xuất lúa gạo đã tăng từ 2,800,000 tạ lên 5,000,000 tạ.  Vào năm 1962 có 300,000 tấn gạo dư thừa được xuất cảng.[7]
Trong miền Nam, chính sách chia để trị của thực dân Pháp cố tình khuyến khích sự thưa thớt của làng mạc vốn đã lỏng lẻo với nếp sống cá nhân riêng rẽ. Làng ở miền Tây chỉ còn là một đơn vị hành chánh. Từ năm 1954, chính quyền Ngô Đinh Diệm đã thực hiện cuộc cách mạng nông thôn đem lại một bộ mặt mới, sung túc và an ninh cho đồng quê Nam Việt nam. Dân chúng đã tích cực tham gia tiếp tay với chính phủ để xây dựng các hình thức trù mật này trên tòan lãnh thổ Việt nam Cộng hòa. Động lực thuyết phục họ chính là lợi ích rõ ràng mà các trung tâm trù mật sẽ đem lại cho họ và gia đình. Mỗi gia đình sẽ có một căn nhà, một mảnh vườn, và một mảnh ruộng sinh đủ lợi tức nuôi cả gia đình.  Nhưng sau cuộc binh biến 1-11-1963, Đại tướng Dương Văn Minh đã theo lệnh của Hà nội phá vỡ toàn bộ hệ thống Ấp Chiến Lược được mô phỏng theo định nghĩa của một làng truyền thống Việt-nam.[8]
“Cơm no áo ấm” có một tương quan nhân qủa với “các quyền tự do căn bản.”  Ông bà chúng ta có câu “Có thực mới vực được đạo” có nghĩa là trong “cơm no áo ấm” đã có mầm mống của “những giá trị tinh thần như đạo nghĩa, tự do”. Như vậy, “cơm no áo ấm” là một bảo đảm chắc chắn cho “độc lập tự do căn bản” của người dân (một cá nhân). Vậy nếu lãnh đạo thành công trong việc đem lại cơm no áo ấm cho 70 phần trăm dân chúng, cũng có nghĩa là đã đem lại các “quyền tự do căn bản” cho đại đa số dân chúng. Chính-phủ nền ĐNCH đã thi hành chính sách gom dân xây-dựng các khu Trù mật (Densely-populated Zones), thành lập các khu Dinh điền (Aggrovilles), và cuối cùng là Ấp chiến lược (Strategic Hamlets), nhằm thực hiện các nguyên tắc phát triển xã hội của Chủ nghĩa Nhân vị: “Tôn trọng phẩm gía con người và thiết lập một hệ thống những quyền lợi của cộng đồng; cá nhân và cộng đồng đồng tiến”.  Một tiện lợi thực tế nữa là khi dân chúng đã sống trong một hình thức trù mật rồi, thì việc thông tin liên lạc giữa chính quyền trung ương và dân chúng rất dễ dàng và thông suốt. Ông Ngô Đình Nhu giải thích:
“Các cơ sở công ích mang đến cho nhân dân những phương tiện kinh tế, xã hội hay văn hóa, để nâng cao đời sống, chỉ có thể tổ chức được trong hình thức sống trù mật. Và lẽ dĩ nhiên là nếu hình thức trù mật không có, thì tất cả những hiệu qủa trên kia đều không có. Nghĩa là không có hình thức trù mật, người dân sẽ sống lẻ loi, truyền thống của tập thể mất lần, cá nhân không phát triển, ý thức tập thể không còn. Chính quyền đến với người dân một cách gián đoạn và người dân cũng không biết đến chính quyền. Ngoài những giây liên lạc gia đình ra, người dân sống cô lập không còn biết xã hội và quốc gia là gì.”[9]
Ngăn chận âm mưu lấn chiếm đất đai Việt nam và đẩy lùi sách lược Hán hóa dân tộc Việt của Tầu.
Việc đòi lại đất đai, hải đảo và biển Đông đòi hỏi thời gian, tài nguyên và trí tuệ, thuộc về thượng tầng cấu trúc quốc gia và thế nước. Nhưng việc ngăn chận âm mưu Hán hóa của ĐCSTQ bằng sách lược “tằm ăn dâu, cài răng lược”, là việc làm cấp bách và phải nhờ đến nỗ lực của toàn dân.
Sáu mươi năm vừa qua, trong khi xây dựng xã hội chủ nghĩa, ĐCSVN đã diệt trừ toàn bộ lũy tre làng để xây dựng các nông trường tập thể. Đồng thời phá vỡ các quan hệ hàng ngang giữa cá nhân với cá nhân, với gia đình, xã hội, tôn giáo vân vân. . . Tóm lại tất cả các gía trị tiêu chuẩn truyền thống Việt-nam đã bị ĐCSVN tiêu diệt và họ đem thay thế bằng những gía trị tiêu chuẩn mới của Tầu. ĐCSVN còn ra lệnh phá tất cả các di tích lịch sử sửa sách giáo khoa theo lệnh của Tầu.  Hệ thống làng xã cổ truyền bị hủy diệt có nghĩa là vai trò một đơn vị quốc phòng của quốc gia cũng mất đi. Cũng có nghĩa là ĐCSVN đã dọn đường và gieo các tế bào “ung thư Tầu hóa” len lỏi vào tận xóm làng Việt nam, một điều mà Tầu đã không thể làm trong suốt 1000 năm thống trị nước Việt.
Vai trò quốc phòng này của làng Việt nam sẽ được tái tạo nếu các làng truyền thống được tổ chức trở lại. Hàng rào phòng thủ này đã chống lại ách đô hộ và nỗ lực đồng hóa của Tầu gần một ngàn năm. Khi đã tái tạo xong hệ thống làng xã cổ truyền, chúng ta có thể bắt đầu ngay chiến dịch “Việt hóa” những người Tầu hiện đang ở rải rác trong cộng đồng chúng ta. Sau lũy tre xanh, dân chúng sẽ âm thầm “tẩy não” các mầm mống thực dân ấy. Nghĩa là chúng ta đã phá vỡ sách lược Hán hóa của Tầu, hóa giải họa mất nước.
Khả năng quốc-phòng của hệ thống làng xã cổ truyền có thể biện chứng bằng lịch sử dân tộc. Trên thế giới này có dân tộc nào bị ngoại bang đô hộ gần một ngàn năm mà không mất nước? Việt nam đã bị Tầu cai trị hơn 800 năm mà vẫn không bị Tầu đồng hóa. Tại sao? Vào lúc đó, người Tầu sang Việt Nam chỉ có hai mục đích duy nhất: Một là để cai trị và hai là để buôn bán. Hai loại người này đều quy tụ vào những nơi triều đình, kinh đô thị trấn. Họ không đá động gì đến hệ thống tự trị “phép vua thua lệ làng” của Việt Nam. Vào năm 939, khi ông cha ta đánh đuổi được tầu về nước, dành lại độc lập dân tộc thì dấu vết đô hộ của Tầu chỉ còn ở nơi triều đình và các nơi thị tứ. Phong tục tập quán truyền thống Việt nam nằm sau lũy tre xanh của làng xã tự trị vẫn còn y nguyên sau gần một ngàn năm đô hộ của Tầu.
Vậy nếu đây là một giải pháp khả thi để giải quyết hai vấn đề xã hội và quốc phòng mà ĐCSVN đã thất bại, lãnh đạo của ĐCSVN có đồng ý rút lui khỏi chính quyền để cho những người lãnh đạo mới một cơ hội để thực hiện không?




[1] Đài Phát Thanh RFA, Washington DC, 21-7-2009.
[2] Nguyễn Văn Canh, 2002, tr. 194.
[3] Phan Chu Trinh, 1925, Đạo-Đức và Luân-Lý Đông Tây.
[4] Trong bài “Nông-thôn bị bỏ quên: Nguy cơ bất ổn”, chuyên-gia kinh-tế tài-chánh Bùi Kiến Thành đã nhấn mạnh rằng nếu Chính-phủ Việt-nam không có chính-sách và quyết-tâm xây dựng nông thôn để làm hậu thuẫn và căn bản cho phát triển thì Việt-nam có nguy cơ bị tụt-hậu, thậm chí bị thôn-tính. Đài Phát-Thanh RFA, Washington DC, ngày 21-7-2009.
[5] Ký-gỉa lão-thành Ngô Nhân Dụng trong bài giới thiệu cuốn sách “Confucius Lives Next Door” của ký-gỉa Mỹ T. Reid về yếu-tố văn-hóa trong quan-niệm phát-triển của Nhật-bản vào tiền-bán thế-kỷ 20.  Ông gọi đó là “Phép-lạ Á-Đông”. Ông viết: “T. Reid đã thán phục xã-hội Nhật-Bản sống đạo-đức và an-hòa trong khi hiện nay chính nhiều người Việt-nam cũng nhiều lúc đau lòng vì đạo đức xuống-dốc? Khi so-sánh nước mình với các con rồng Nhật-Bản, Nam-Hàn, Đài-Loan, Singapore, chỉ có một điểm khác biệt lớn, là các nước ấy không sống dưới một chế-độ độc-tài Cộng-sản như ở nước ta.” Ông nghĩ  rằng “Nếu có một chế-độ chính-trị thích-hợp, dân tộc Việt-nam vẫn có thể phục hồi được truyền thống Lễ Nghĩa Liêm Sỉ không khác gì các nước Á-Đông khác. Phải có một chế-độ đề cao chữ Tín, thì trẻ em đến trường học chữ Tín dễ dàng hơn . . . .” Việt-Luận, Sydney, số 2394, 11-9-2009, tr.39.
[6] Tùng-Phong, Opcit., tr. 261.
[7] Phạm Văn Lưu & Nguyễn Ngọc Tấn, 2005, Đệ-Nhất Cộng-Hòa Việt-nam 1954-1963: Một  Cuộc Cách Mạng, Melbourne, tr. 147.
[8] Nguyễn Thành Thơ, “Cuối Đời Nhớ Lại”. Theo Ông Thơ (Ủy-viên BCT 1976-1980) lúc ấy Ông đang hoạt động trong miền Nam, Dương Văn Nhựt đã bá-cáo với Ông rằng Phạm-Hùng  đã  ra lệnh cho đ/c Nhựt móc nối với Tướng Dương Văn Minh và yêu cầu khi nào lên làm Tổng-Thống thì việc đầu tiên phải phá-hủy toàn bộ hệ-thống Ấp-Chiến-Lược.
[9] Tùng-Phong, Opcit., tr 260-261.

No comments:

Post a Comment