Wednesday, June 15, 2011

Mỹ-Hoa Lục và Biển Đông

Mỹ-Hoa Lục và Biển Đông

(Toquoc)–Biển Đông bước vào thời kỳ tranh chấp mới giữa các nước lớn. Các nước vẫn thiên về giải pháp thực lực. Biển này bỗng chốc thành nơi "ngoạ hổ tàng long".
Một chiến hạm Hoa Lục chuẩn bị tập trận trên Biển Đông

Sự can dự của các nước lớn tại Biển Đông trải qua nhiều thăng trầm lịch sử. Là biển lớn thứ ba thế giới, với diện tích 3,5 triệu km2, nằm trên tuyến đường biển tới Hoa Lục và Nhật Bản, nối với Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Biển Đông gắn với số phận chìm nổi của Đông Nam Á. Lúc đầu, nó chứng kiến chính sách pháo hạm phương Tây. Tiếp đó, Nhật Bản và Mỹ đại chiến với nhau trên Thái Bình Dương. Rồi Mỹ làm mưa làm gió thời chiến tranh Việt Nam. Việc Mỹ hoàn thành rút khỏi các căn cứ quân sự ở Philippines (11/1992) và Nga rút khỏi Cam Ranh (1/2002) kết thúc một chương phân tranh quyền lực giữa nước lớn trên vùng biển này.

Hoa Lục tìm cách lấp khoảng trống quyền lực

Sự triệt thoái quân sự của Mỹ và Nga khỏi Đông Nam Á đã tạo ra khoảng trống quyền lực. Từ sau thập niên 1970, tranh chấp trên vùng biển này dần dần tăng lên.
Ngày nay, Đông Nam Á và Biển Đông nằm trong trọng điểm chiến lược biên duyên của Hoa Lục với nội dung “An Tây, dựa Bắc, tranh Đông Nam”. Tây là Nam Á (Ấn Độ và Pakistan); Bắc là Nga và Trung Á. Đông Nam chính là Đông Nam Á, Biển Đông, cùng những con đường biển nối với Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Trong cuộc tranh chấp biển đảo, những thập kỷ đầu của Bốn hiện đại hóa, Hoa Lục thực hiện chính sách tiệm tiến, gọi là “ba bước tiến, hai bước lùi”: Tìm cách lấn chiếm (tiến ba bước), rồi tìm cách hòa hoãn (lùi hai bước); mỗi lần lợi một bước.
Đối với tranh chấp Biển Đông, Mỹ theo đuổi lập trường đa diện: Đòi hỏi tôn trọng quyền tự do qua lại trên biển, chống lại “độc bá” Biển Đông, nhưng tuyên bố không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp. Nhưng sau cuộc xung đột giữa Hoa Lục và Philippines liên quan đảo Vành Khăn (Mischief) tháng 2/1995, Mỹ đã ký được với Philippines Hiệp định thăm viếng lẫn nhau của quân đội hai nước. Tiếp đó, tháng 11/1998, Mỹ ký thỏa thuận với Singapore để sử dụng căn cứ hải quân Changi. Như vậy, Mỹ đặt được “một chân” trở lại Đông Nam Á.
Từ đầu thế kỷ 21, về phía Hoa Lục mà nói, xuất hiện một số yếu tố mới. Hoa Lục tìm cách chuyển hóa ảnh hưởng kinh tế của họ sang ảnh hưởng quân sự và chính trị. Tốc độ tăng trưởng ngân sách quốc phòng của họ đạt mức 2 con số kể từ cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan năm 1995, tiếp tục duy trì ở mức cao. Các lực lượng phòng thủ và răn đe của Hoa Lục trên biển, dưới biển, trên trời và tên lửa đối hạm đạt được bước tiến vượt bậc, đủ khả năng răn đe và kiềm chế đối phương ở khu vực cận biên. Tại Đài Loan, tháng 5/2008, đảng của ông Trần Thủy Biển thất cử và Quốc dân đảng của ông Mã Anh Cửu thắng cử, mở ra cục diện hòa hoãn thuận lợi giữa Đại lục và Đài Loan. Ý chí “Đài độc” dường như bị đè bẹp. Cán cân lực lượng quân sự giữa đôi bờ Eo biển lúc này đã thay đổi theo hướng Đại lục áp đảo Đài Loan. Bây giờ, khi Đạt Lai Lạt Ma thăm Đài Loan lần thứ ba, chính quyền Đài Loan phải cử người bay sang Bắc Kinh phân trần, xoa dịu. Việc Đài Loan trở về với Hoa Lục ngày càng trở nên chắc chắn, có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Cục diện hai bờ dần dần đi vào ổn định. Ở Mỹ, Barack Obama lên cầm quyền, chủ trương cải thiện quan hệ với Hoa Lục và tiếp tục thu hút tiền Hoa Lục để khắc phục khủng hoảng kinh tế Mỹ. Hoa Lục có đòn bẩy kinh tế chưa từng có đối với Mỹ.
Hoa Lục tiến những bước táo bạo vào cuộc tranh chấp Biển Đông. Sau khi căn cứ hải quân Tam Á (Hải Nam) đi vào hoạt động, Mỹ tăng cường theo dõi hoạt động của tàu ngầm Hoa Lục tại Biển Đông. Căn cứ Tam Á có thể tiếp nhận 6 hàng không mẫu hạm. Các hệ thống hầm ngầm xuyên núi tại đây chứa được 20 tàu ngầm nguyên tử, trang bị hệ thống tên lửa đạn đạo tầm bắn 8000 km, tạo ra thách thức đối với lực lượng Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, cũng như lãnh thổ Mỹ. Nhật Bản, Nga, Ấn Độ và Australia đều tăng cường chạy đua hiện đại hóa quốc phòng, cơ cấu lại lực lượng phòng thủ và tấn công chiến lược. Biển Đông bỗng chốc thành nơi "ngoạ hổ tàng long".

 
Cuộc tập trận hải quân Mỹ và 6 nước Đông Nam Á "Carat 2009": Nhiệm vụ trọng tâm là chống tàu ngầm

Ba vụ vụ tàu thuyền Hoa Lục vây hãm các tàu hải quân Mỹ “khảo sát biển” tại Biển Đông từ tháng 3/2009 báo hiệu thời kỳ mới tranh chấp quyền kiểm soát Biển Đông giữa các nước lớn.
Mỹ-Trung tìm kiếm cơ chế giải quyết xung đột Biển Đông
Các vụ đụng độ tại Biển Đông là trọng tâm cuộc tham vấn quân sự cao cấp Trung-Mỹ đầu tiên sau 18 tháng gián đoạn do việc chính quyền Bush chấp thuận bán 6 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan. Cuối cuộc trao đổi quốc phòng lần thứ 10 này tại Bắc Kinh, chiều 24/6, Phó Tổng Tham mưu trưởng Mã Hiểu Thiên cho biết Hoa Lục đã nhắc lại sự phản đối việc Mỹ có tàu do thám ở Biển Đông, nhấn mạnh Hoa Lục chống lại hoạt động do thám của máy bay và tàu hải quân Mỹ ở vùng đặc khu kinh tế trên biển của Hoa Lục.
Thứ trưởng Quốc phòng Michele Flournoy, Trưởng đoàn thương thuyết Mỹ, cho biết các cuộc thảo luận trong hai ngày đã “mở đường cho hai bên hướng tới thái độ cởi mở và nghiêm túc hơn”; “Cả hai phía đều rất muốn giảm thiểu các vụ va chạm, và nếu đã xảy ra rồi thì tìm cách giải quyết một cách thận trọng”. Còn Tướng Mã Hiểu Thiên cho biết: “Hai bên đồng ý hợp tác để tránh các sự cố tái diễn vì các sự cố đó chắc chắn gây tác động tiêu cực đến quan hệ song phương nói chung giữa hai nước”. Hai bên sẽ xem xét lại vấn đề này vào cuối tháng 7 trong khuôn khổ tham khảo quân sự trên biển gọi tắt là MMCA. Kể từ khi MMCA có hiệu lực năm 1998, hai bên đã tổ chức 7 hội nghị thường niên và 13 phiên họp nhóm làm việc để giải quyết các vấn đề có liên quan đến hải quân hai nước. Ngày 26-27/8, tại Bắc Kinh, đã diễn ra phiên họp đặc biệt trong khuôn khổ này, do cấp cục hai bên chủ trì. Phía Hoa Lục đề nghị “Mỹ phải thay đổi các chính sách về hoạt động khảo sát và trinh sát chống Hoa Lục của họ, giảm bớt và cuối cùng là chấm dứt các hoạt động như vậy”. Bà Susan Stevenson, nữ phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, đã xác nhận yêu cầu này và nhắc lại quan điểm của Mỹ do Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Michele Flournoy đưa ra trong cuộc thương thảo quân sự hồi tháng 6/2009.
Nhưng Giáo sư người Mỹ có quốc tịch Australia, Carl Thayer, một chuyên gia có tên tuổi về các vấn đề khu vực, nhận xét: Hoa Lục sẽ tiếp tục xác nhận chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của họ; nhưng Mỹ đã phản ứng đủ để cho Hoa Lục thấy là việc bao vây và quấy rối một tàu khảo sát không trang bị vũ khí của hải quân Mỹ là hành động “khinh suất”, “không thể tái phạm”. Ông này cho rằng, với sự có mặt của Mỹ ở trong vùng, Hoa Lục không thể cứ tiếp tục “múa gậy vườn hoang”, mà sẽ hợp tác với Mỹ để tìm kiếm cơ chế giải quyết những va chạm, mâu thuẫn hoặc xung đột lợi ích.
"Vây hãm con rồng"
Kể từ các vụ đụng độ trên biển ngoài khơi Hải Nam, Mỹ cho tàu khu trục hộ tống tàu khảo sát biển của hải quân Mỹ. Ngày 18/6/2009, Mỹ đã cử 4 tàu hải quân tiến hành cuộc tập trận “CARAT-2009” với hải quân 6 nước Đông Nam Á, trong đó có Philippines, Singapore, Brunei, Thái Lan, thời gian 3 tháng với quy mô lớn hơn so với diễn tập hàng năm trước đây.

Tàu ngầm Mỹ tham gia cuộc tập trận Carat 2009 với hải quân Singapore

Trên kênh truyền hình CCTV-7 của Hoa Lục ngày 9/8, trong chương trình quốc phòng hàng tuần, có cuộc thảo luận về hoạt động quân sự của Mỹ tại Biển Đông. Một trong các khách mời, Giáo sư Trương Triệu Trung, cho rằng các quốc gia trong vòng phòng thủ thứ nhất mang ý nghĩa địa-chính trị quan trọng: Quân cảng Subic của Philippines, vịnh Cam Ranh của Việt Nam và Eo biển Malacca đi qua Singapore có thể tạo một tam giác chiến lược ở Đông Nam Á, cùng với một tam giác chiến lược khác bao gồm Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc ở Đông Bắc Á, là địa bàn quan tâm chủ chốt của Mỹ.
Giáo sư Trương còn nhận định, quan hệ Trung-Mỹ tuy phát triển mạnh và tích cực trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và ngoại giao, nhưng riêng lĩnh vực quân sự, Mỹ không hề thay đổi lập trường; sự ganh đua giữa Mỹ và Hoa Lục về quốc phòng vẫn tồn tại. So với các hiệp định quân sự trên biển ký kết giữa Mỹ và Liên Xô thời chiến tranh lạnh, thì thỏa thuận Trung-Mỹ thiết lập cơ chế thảo luận an ninh quân sự trên biển chưa cụ thể và rõ ràng.
Cả hai vị khách mời của CCTV-7, giáo sư Trương Triệu Trung và Vương Bảo Phó, đều thống nhất rằng mục đích của cuộc tập trận chung giữa Mỹ và các nước Đông Nam Á là nhằm thực tập hoạt động tác chiến chống tàu ngầm nhằm vào tàu Hoa Lục. Giáo sư Vương nói rằng các cuộc tập trận do Mỹ tổ chức với các đồng minh gần đây đều có hoạt động chống tàu ngầm, cho thấy bước chuyển trong tư duy chiến lược của Washington. Ông Trương đề cập tới tầm quan trọng của hợp tác quân sự Mỹ-Philippinnes và vai trò của Manila trong nỗ lực kiềm chế Hoa Lục do Mỹ tiến hành.
Hoa Lục vốn rất nhạy cảm với mọi động thái liên quan sự có mặt các lực lượng nước ngoài xung quanh Hoa Lục. Các nhà phân tích an ninh nước này lưu ý rằng, với danh nghĩa giữ lời hứa bảo vệ đồng minh Nhật Bản và Nam Hàn trước mối đe dọa hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên, Mỹ đã tăng cường lực lượng và trang bị phương tiện chiến tranh ở hai nước này, mở rộng phạm vi ảnh hưởng vào sâu trong trung tâm chiến lược của Hoa Lục ở Viễn Đông, tức là chuyển từ “phong toả chuỗi đảo” đối với Hoa Lục dọc vùng biển Tây Thái Bình Dương sang “áp chế chiến lược” sát ngoại vi Hoa Lục.
Đối với Mỹ, Biển Đông chỉ là vấn đề cục bộ, nằm trong nỗ lực rộng lớn duy trì ưu thế quân sự của Mỹ tại các khu vực Trung, Nam và Đông Á. Trọng tâm chiến lược và mặt trận chống khủng bố quốc tế do Mỹ lãnh đạo từ Trung Đông, Tây Á đang dịch chuyển đến Afghanistan và Pakistan trong nỗ lực phối hợp gọi tắt là AFPAK. Nhưng trên Thời báo Ấn Độ, nhà phân tích chính trị người Ấn, Joshua Meah, cho rằng, một trong các mục tiêu của Mỹ với AFPAK là “vây hãm con rồng Hoa Lục”.
Với việc Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ký vào Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác của ASEAN dường như Mỹ đã chấm dứt một giai đoạn thả nổi chính sách khu vực và bắt đầu tăng cường sự tham gia vào những vấn đề quan trọng của khu vực này. Giới quan sát cũng lưu ý đến tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Thái Lan, tháng 7/2009, “Mỹ đang trở lại Đông Nam Á”. Một số động thái gần đây cho thấy, Mỹ dường như chuyển sang lập trường mới về Biển Đông. Nhưng Mỹ thực sự muốn đóng vai trò "cân bằng quyền lực" hải quân trên vùng biển này đến mức nào, như phát biểu của TNS Jim Webb trong chuyến thăm Đông Nam Á gần đây, vẫn cần thời gian trả lời.
Các nhà hoạch định chính sách tại Washington đứng trước thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh trong quan hệ với Hoa Lục thể hiện rõ trong vịệc mỗi bên đều đặt dấu hỏi về động cơ phía sau thế trận quân sự của bên kia ở châu Á-Thái Bình Dương, trong đó một cường quốc muốn giữ nguyên trạng, còn cường quốc kia muốn thay đổi thực trạng. Tạp chí có uy tín Foreign Affairs (Mỹ) số tháng 6/2009 lập luận rằng các khoảng cách về lợi ích, giá trị và khả năng giữa Mỹ và Hoa Lục sẽ ngăn cản hai nước tiến đến một khối siêu quyền lực, có thể cùng nhau dàn xếp các vấn đề an ninh khu vực và thế giới.
Thực lực trên hết
Giới học giả không phải không bàn tới kịch bản Hoa Lục tìm cách giải quyết vấn đề Trường Sa trong tổng thể bàn cờ tay đôi với Mỹ bằng cách vừa tăng cường ảnh hưởng lên nền tài chính của Mỹ, vừa tích cực chạy đua hải quân với Mỹ. Đổi chác và nhân nhượng lẫn nhau vốn là bản chất quan hệ nước lớn, nhưng đổi chác tại Biển Đông được xem là hạ sách. Đối với Mỹ, kết cục vấn đề Đài Loan sẽ tác động lớn tới chính sách đối với Biển Đông và Đông Nam Á. Lại cũng có ý kiến cho rằng Hoa Lục có thể tìm kiếm giải pháp đơn phương quân sự hoặc song phương khu vực. Giải pháp quân sự đơn phương không thể không ảnh hưởng đến đại cục và hình ảnh Hoa Lục như một quốc gia có trách nhiệm. Đó là chưa nói tới điều Hoa Lục không kém phần quan ngại, đó là một cuộc xung đột vũ trang mới có thể tạo cơ hội cho lực lượng quân sự của Mỹ đặt nốt "một chân" nữa vào Đông Nam Á, thiết lập hiện diện thường trực bên sườn phía Nam Hoa Lục.
Malaysia mua tàu ngầm đầu tiên loại Scorpene của Pháp: Nước nhỏ biết củng cố thực lực thì nước lớn mới đếm xỉa đến họ
Lập trường Hoa Lục gần đây về giải quyết tranh chấp biển với các nước láng giềng không phải không tự mâu thuẫn. Phe thực lực và những lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc Hoa Lục đang thắng thế. Đó có thể là nguyên do khiến cho thỏa thuận cấp cao Tokyo tháng 6/2008 không triển khai được. Theo thỏa thuận ở cấp cao nhất này, Hoa Lục và Nhật Bản tạm gác tranh chấp chủ quyền ở vùng mỏ khí đốt nằm ngay tại điểm tiếp giáp lãnh hải hai bên trên biển Hoa Đông, để cùng nhau khai thác và chia lợi nhuận (báo Sankei ngày 4/1/2009).
Tờ Thời báo Manila ngày 15/8 dẫn lời Đại sứ Hoa Lục tại Philippines, ông Liu Jianchao, nói tại cuộc họp báo ở thành phố Makati rằng, Hoa Lục đang tìm kiếm sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực với các nước hữu quan tại khu vực quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa); Hoa Lục sẽ không bao giờ sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết tranh chấp; nhưng Hoa Lục hiện chưa vội giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở khu vực quần đảo Nam Sa; Hoa Lục không muốn làm phức tạp tình hình ở đó, song cũng không muốn trói tay bởi vấn đề này.
Trong cuộc gặp gỡ Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nhân dịp Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2009, tổ chức tại Hải Nam ngày 18-19/4/2009, Thủ tướng Ôn Gia Bảo bày tỏ hy vọng giải quyết thỏa đáng vấn đề Nam Hải (Biển Đông). Thủ tướng Hoa Lục nêu rõ, Nam Hải là vấn đề cuối cùng do lịch sử để lại mà hai nước vẫn chưa giải quyết được. Hai bên cần nhìn xa trông rộng, xuất phát từ đại cục, tích cực bảo vệ ổn định Nam Hải, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi, tranh thủ Nam Hải cùng mở ra đột phá tích cực.
Trong khi tìm kiếm cơ hội giải quyết hòa bình tranh chấp trên vùng biển tích tụ sóng ngầm ở Đông Nam Á này, nước lớn tiếp tục tích tụ thực lực lớn, nước nhỏ cũng tăng cường phòng thủ theo sức của mình. Ngày 3/9, chiếc tàu ngầm đầu tiên của Malaysia mang tên KD Tunku Abdul Rahman (KD TAR) mua của Pháp đã về đến Eo biển Malacca, hướng về cảng Klang nơi nó được chào đón trong ngày lễ tự cường dân tộc với sự có mặt của Quốc vương Mizan Zainal Abidin, Tiểu vương Selangor Sharafuddin Idris Shah, Thủ tướng Najib Razak, Bộ trưởng Quốc phòng Ahmad Zahid Hamidi, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Azizan Ariffin và các Tư lệnh Hải quân, Không quân và Lục quân Malaysia. Chiếc tàu ngầm thứ hai sẽ được tiếp nhận trong tháng 10/2009. Như vậy, người Malaysia đang thực hành theo một triết lý sâu xa của phương Đông : Những ai “biết lo cái lo ở xa, sẽ tránh được cái lo ở gần”./.

No comments:

Post a Comment