Tuesday, September 18, 2012

Nhật Bản: từ “quan sát” đến trực tiếp can dự

Nhật Bản: từ “quan sát” đến trực tiếp can dự

 
“Biển Đông” từ năm 2008 trở về trước ít xuất hiện trong quan hệ giữa các nước lớn hay tại các diễn đàn đa phương khu vực (ARF, EAS…) như một vấn đề thời sự. Từ năm 2009 nó nóng lên và từ năm 2010 trở thành một “vấn đề” trong các chương trình nghị sự, khi Trung Cộng đặt chân vào “lằn ranh đỏ” ở Biển Đông dẫn tới vụ “Tam Sa”. Tiếp sau bài “”, chúng tôi lần lượt giới thiệu các phân tích về chính sách Nhật Bản, Nga và Ấn Độ với Biển Đông.
 
Hôm 10.9, Nhật Bản đã quyết định quốc hữu hóa ba hòn đảo thuộc Senkaku. Chỉ một ngày trước đó, bên lề hội nghị APEC tại Vladivostok, Chủ tịch Trung Cộng Hồ Cẩm Đào một lần nữa đã nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh phản đối việc Nhật Bản mua quần đảo này. Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố giải quyết vấn đề Senkaku “từ tầm nhìn đại cục”.
Sự quả quyết của phía Nhật Bản không thể không rút ra từ vụ “Tam Sa”. Và theo cách này hay cách khác, cuộc xung đột Senkaku/Điếu Ngư sẽ tác động đến cục diện ở Biển Đông.
 


Người dân Philippines vẫy quốc kỳ khi chào đón đội tàu huấn luyện của Nhật Bản trong chuyến thăm nước này tháng 5.2012.

 
Nhật Bản coi đe dọa của Trung Quốc chủ yếu từ biển
Những thay đổi tương quan lực lượng tại châu Á-Thái Bình Dương dưới tác động sự trỗi dậy của Trung Cộng đã từng bước thay đổi cách tiếp cận của Nhật Bản đối với các vấn đề Đông Nam Á/Biển Đông.
Là một quốc gia hải đảo, Nhật Bản cần phải trở thành một cường quốc hàng hải. Tuy nhiên trong nửa thế kỷ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chiến lược hàng hải của Nhật Bản chỉ nhằm phục vụ giao thương kinh tế. Những năm gần đây, do lo ngại sức mạnh tăng nhanh của hải quân Trung Cộng, chính sách quốc phòng mới của Nhật Bản, công bố tháng 12.2010, đã nhấn mạnh nhu cầu thay đổi chính sách cách tiếp cận linh hoạt từ bị động sang chủ động.
Chiến lược hải quân Nhật Bản được quyết định do nhu cầu an ninh, kinh tế và khoảng cách giữa các đảo chính của nước này. Môi trường địa chính trị được thể hiện bằng các vành đai đồng tâm hướng vào các đảo chính của Nhật Bản. Vành đai thứ nhất bao gồm biển Hoa Đông, biển Nhật Bản, một phần biển Hoàng Hải và Bắc Thái Bình Dương. Đây là khu vực ảnh hưởng trực tiếp đến Nhật Bản và về lịch sử, là cửa ngõ và nguồn gốc của các mối đe dọa bên ngoài đối với nước này. Vành đai thứ hai, tập trung chủ yếu vào Biển Đông - nơi vận chuyển tới 88% lượng hàng hóa của Nhật Bản.
Đối với tranh chấp Biển Đông, quan điểm của Nhật Bản từng bước điều chỉnh. Ban đầu, Nhật Bản không biểu lộ thái độ rõ ràng. Khi thách thức từ phía Trung Cộng tăng lên, kim chỉ nam mới cho phòng vệ Nhật-Mỹ và “sự biến xung quanh” được Hạ viện Nhật Bản thông qua năm 1999 đã cho thấy rõ ý định của Nhật Bản mở rộng phần hành bảo đảm an ninh Nhật-Mỹ ra khu vực Biển Đông. Điểm căn bản trong mối lo ngại của Nhật Bản cũng như Mỹ và các nước lớn khác chính là việc Trung Cộng nỗ lực áp đặt một số quyền cấm đoán đối với các lực lượng nước ngoài tiến vào khu vực Biển Đông. Việc Trung Cộng xây dựng một lực lượng trên biển mạnh và tìm cách kiểm soát Biển Đông là điều Nhật Bản không thể chấp nhận. Mặt khác, nếu Trung Cộng giải quyết vấn đề Biển Đông thành công, họ sẽ có ưu thế trong vấn đề quần đảo Senkaku và đấy cũng là điều Nhật Bản không thể chấp nhận.
Từ thái độ “đứng ngoài quan sát” trước các hành động gây hấn của Trung Cộng, Nhật Bản đã chuyển sang tăng cường can dự. Ngày 24.7.2010, tại Hà Nội, trong buổi hội đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm và Ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada, hai bên đã đạt được nhận thức chung về việc tiến hành đối thoại chiến lược Nhật-Việt; đồng thời Ngoại trưởng Nhật Bản khẳng định “Nhật không thể không quan tâm tới vấn đề Biển Đông”.
Nhật Bản coi mối đe dọa chính của Trung Cộng là từ biển, bởi vì các tuyến đường hàng hải của Nhật Bản chạy song song với bờ biển kéo dài của Trung Cộng ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Những tuyên bố và hành động của Trung Cộng cho thấy họ thực sự muốn kiểm soát các tuyến đường biển quốc tế và các nguồn tài nguyên ở vùng biển này. Khi thành công, họ sẽ đưa ra các quy định về hoạt động của tàu và máy bay quân sự nước ngoài trên Biển Đông. Điểm mấu chốt là cho dù Trung Cộng đưa ra cam kết tốt đẹp về đảm bảo tự do hàng hải, các quyền kiểm soát hoàn toàn hoặc chủ quyền lãnh hải bên trong “đường 9 đoạn” thực sự mâu thuẫn với lợi ích hàng hải của tất cả các nước liên quan.
Nhật Bản có mối quan tâm trực tiếp để bảo đảm rằng Trung Cộng không giành thế độc quyền thương mại và hải quân ở khu vực này. Bên cạnh phối hợp lập trường ngoại giao, tổ chức đối thoại hợp tác an ninh hàng hải với ASEAN, chính quyền Noda tập trung hỗ trợ việc xây dựng lực lượng hải tuần của Philippines. Đối với Nhật Bản, giúp người là tự giúp mình. Bởi vì vành đai thứ hai ở Biển Đông hỗ trợ tuyến phòng thủ biển, khi nó phân tán lực lượng quân sự của Trung Cộng đang tìm cách xâm nhập vào vành đai phòng ngự hải quân thứ nhất bao quanh Nhật Bản và các đảo Senkaku. Đồng thời, Nhật Bản tập hợp lực lượng nhằm mở rộng ảnh hưởng về chính trị, kinh tế, cũng như tăng cường sự hiện diện và sức mạnh hải quân của Nhật Bản.
Phát triển ngành công nghiệp quốc phòng tự chủ
Nhật Bản, cùng với Mỹ, Ấn Độ, Australia và các nước khác ủng hộ giải pháp đa phương. Ngày 9.7.2011, ba nước Mỹ, Nhật, Úc đã thực hiện cuộc tập trận ba bên đầu tiên ở hải phận Biển Đông ngoài khơi Bruney. Đây là hành động quân sự mang ý nghĩa tượng trưng. Thông cáo của phía Nhật Bản cho biết cuộc tập trận chung này nhằm tăng cường khả năng chiến thuật của hải quân Nhật Bản và củng cố mối quan hệ giữa hải quân ba nước. Giới chuyên gia cho rằng hành động đó mang ý nghĩa phối hợp giữa ba nước trong nỗ lực dài hạn ngăn chặn sự phát triển của hải quân Trung Cộng vượt khỏi Biển Đông để ra Thái Bình Dương.
Đầu tháng 7.2012, Nhật Bản và Philippines ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng và trao đổi quân nhân. Tokyo bắt đầu hỗ trợ Manila hiện đại hóa Lực lượng tuần duyên Philippines. Tokyo và Manila thỏa thuận về dự án Nhật Bản đóng 12 tàu tuần tra với nhiều trang thiết bị tối tân.
Các kế hoạch quân sự của Nhật Bản nhắm vào hai lãnh vực: Đáp ứng yêu cầu là một bộ phận của liên minh quân sự Mỹ-Nhật với một chiến lược quân sự thống nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mặt khác, Nhật Bản cũng theo đuổi kế hoạch hành động riêng đề phòng trường hợp vì lý do chiến lược nào đó mà Mỹ nghiêng về phía Trung Cộng, khi đó Nhật Bản không còn dựa được vào chiếc ô an ninh và hạt nhân của Mỹ. Cuộc đại thảm họa động đất và sóng thần ngày 11.3.2011 thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản. An ninh và kinh tế là những động lực của nỗ lực mới này.
Vả lại, một nước lớn, hay bất kỳ một quốc gia nào cũng vậy, dù dựa vào một ô an ninh của ai đó, cũng không thể để mất khả năng chủ động về quốc phòng và để mình rơi vào tình trạng bị bất ngờ chiến lược.
>> Biểu tình chống Nhật ở Trung Cộng ngày càng dữ dội
>> 'Nhật nên lắng nghe trong tranh chấp đảo'
TS Nguyễn Ngọc Trường
Tin liên quan

No comments:

Post a Comment