Nhật muốn tăng cường vai trò quân sự trên thế giới
Nhật Bản và Hoa Kỳ trong đợt tập trận trên bộ tháng 9/2013 - REUTERS /Kyodo
Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của thế giới. Đây là trọng tâm kinh tế thế giới thế kỷ 21. Đây cũng là nơi đang chứng kiến những diễn biến phức tạp làm thay đổi bàn cờ địa chính trị của khu vực. Một trong những nhân tố chính đang góp phần vào sự thay đổi đó là Nhật Bản. Nhật báo Le Monde đăng bài phân tích về chủ đề này với dòng tựa khá ấn tượng : "Nhật Bản muốn có vai trò quân sự trên thế giới".
Tờ báo đặt trọng tâm vào điều 9 trong bản hiến pháp được xem là « hiếu hòa » có hiệu lực tại Nhật Bản từ sau thế chiến thứ hai. Đây là bản hiến pháp được soạn thảo trong giai đoạn Mỹ chiếm đóng Nhật Bản, trong đó quy định rằng nước Nhật sẽ « từ bỏ vĩnh viễn chiến tranh», « từ bỏ việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực », « quyền tham chiến ở nước ngoài của Nhật không được thừa nhận ».
Tiếp đến, tờ báo cho biết, chủ trương hiếu hòa này đang có nguy cơ bị Thủ tướng đương nhiệm Shinzo Abe « diễn giải lại » một cách có chủ ý, với mục đích là cho quân đội Nhật Bản được quyền can thiệp nhiều hơn ở nước ngoài.
Tờ báo nhấn mạnh, nếu Quốc hội Nhật Bản thông qua sự thay đổi này, thì một trong những nguyên tắc chỉ đạo chính sách quốc phòng của Nhật Bản từ sau thế chiến thứ hai sẽ bị xóa bỏ. Tờ báo cho biết, các đảng trong chính phủ liên hiệp Nhật Bản đang thảo luận về hồ sơ này.
Theo Le Monde, « chủ nghĩa xét lại » hiến pháp đã xuất hiện ở Nhật Bản từ mấy chục năm nay. Theo hiến pháp, Nhật Bản không được có quân đội, thế nhưng dưới sức ép của Mỹ và viện dẫn vào quyền « tự vệ chính đáng », Nhật Bản đã tái lập lực lượng an ninh dự bị vào năm 1950. Vào năm 1954, Nhật Bản tái lập lực lượng phòng vệ (FAD), và hiện tại đội quân này xếp hàng thứ 6 trên thế giới.
Tờ báo nhắc lại, trong chiến tranh Đại Hàn (1950-1953) và chiến tranh Việt Nam (1955-1975), Nhật Bản đóng vai trò là hậu cứ của quân đội Mỹ. Sau Chiến Tranh Lạnh, vai trò của FAD không ngừng tăng lên, và đã gửi quân tham gia công tác gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
Tờ báo nhận định, mấy chục năm qua, phe bảo thủ tại Nhật Bản đã không ngừng sử dụng có chủ đích những mối đe dọa bên ngoài để làm suy yếu tâm lý chống sửa đổi bản hiến pháp hiếu hòa trong xã hội Nhật Bản.
Trong hiện tại, trở lại trường hợp của chính phủ Shinzo Abe, Le Monde cho rằng, những người theo chủ nghĩa xét lại bản hiến pháp xung quanh ông Abe đang thấy rằng tình hình vô cùng thuận lợi.
Trong hiện tại, trở lại trường hợp của chính phủ Shinzo Abe, Le Monde cho rằng, những người theo chủ nghĩa xét lại bản hiến pháp xung quanh ông Abe đang thấy rằng tình hình vô cùng thuận lợi.
Đảng Tự Do Dân Chủ (PLD) hiện chiếm đa số áp đảo tại nghị viện, mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên vẫn thường trực. Căng thẳng gia tăng với Trung Cộng cũng là một thuận lợi cho phe muốn thay đổi hiến pháp tại Nhật Bản. Tờ báo nhấn mạnh, những vụ việc vừa qua trên Biển Đông đã cho thấy rõ ràng rằng « tham vọng bá quyền » của Trung Cộng đang gây quan ngại trong khu vực.
Le Monde nhấn mạnh, Thủ tướng Shinzo Abe ra sức vận động cho việc diễn giải bản hiến pháp trên cơ sở của các mối đe dọa từ bên ngoài và trên nguyên tắc quyền tự vệ chính đáng. Nếu sự diễn giải đó thuyết phục được mọi người, thì sẽ tránh được việc cải cách hiến pháp, mà việc sửa đổi hiến pháp thì cần tổ chức trưng cầu ý dân, mà nếu trưng cầu ý dân thì chưa chắc gì người Nhật chịu sửa đổi hiến pháp.
Tờ báo kết luận : từ việc « từ bỏ quyền tham chiến » đến « quyền tự vệ chính đáng », Nhật Bản đang chuyển dần sang « một chủ nghĩa hiếu hòa chủ động », tức là có thể chủ động tham chiến, nhưng tham chiến trong mục đích gìn giữ hòa bình.
Trung Cộng hành động đơn phương ở Biển Đông
Nhìn sang điểm nóng trên Biển Đông liên quan đến vụ Trung Cộng đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nhật báo Les Echos đăng bài tường trình của thông tín viên tại Bắc Kinh : « Căng thẳng nghiêm trọng trên biển giữa Việt Nam và Trung Cộng ».
Tờ báo thuật lại, theo Hà Nội thì tàu Trung Cộng đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam vào hôm thứ Hai rồi. Tờ báo cũng cho biết Tân Hoa Xã thì cáo buộc tàu cá Việt Nam đã tấn công tàu Trung Cộng. Les Echos nhắc lại, vào năm 2007, một ngư dân Việt Nam đã bị một tàu Trung Cộng bắn chết.
Les Echos nhấn mạnh, căng thẳng hiện tại bắt nguồn từ việc Trung Cộng hạ đặt giàn khoan 981 trong vùng biển mà cả hai đều tuyên bố chủ quyền. « Hành động đơn phương » này của Trung Cộng đã làm dấy lên làn sóng chống Trung Cộng dữ dội ở Việt Nam.
Việt Nam đã khẳng định không loại trừ khả năng kiện Trung Cộng ra tòa án quốc tế. Giải pháp này có thể sẽ làm Bắc Kinh nổi đóa bởi vì, theo tờ báo, Bắc Kinh « kiên quyết xem thường tất cả ý kiến bên ngoài » về một hồ sơ mà Bắc Kinh cho là chỉ mang tính song phương.
Philippines đã kiện Trung Cộng tại Liên Hiệp Quốc, mà theo Les Echos, là để « ngăn chặn sự hung hăng của Trung Cộng » trong tranh chấp lãnh thổ với Philippines trên Biển Đông. Les Echos cũng nhìn sang Biển Hoa Đông và cho biết, cuối tuần rồi, các máy bay tiêm kích của Trung Quốc bay rất thấp trên vùng biển mà Nhật Bản và Trung Cộng đang tranh chấp.
Trả lời phỏng vấn trên tờ Wall Street Journal, Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố là Nhật Bản « sẽ không bao giờ chấp nhận việc sử dụng vũ lực và đe dọa để làm thay đổi hiện trạng ». Ông Abe cũng nói trên tờ báo Mỹ rằng Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam trong cuộc đối đầu với Trung Cộng.
No comments:
Post a Comment