HUYỆN SĨ
Những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, ở Sài Gòn nổi lên bốn nhà cự phú, giàu có nức tiếng. Họ không chỉ giàu nhất Sài Gòn mà còn là giàu nhất Nam Kỳ lục tỉnh và cả giàu nhất Đông Dương. Bởi thế mới có câu Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xương, tứ Định (*) truyền tụng cho đến mãi ngày nay. Trước hết, chúng ta hãy nói đến nhân vật được xếp hạng “số một”: Huyện Sĩ.
Ngày nay, nếu có dịp đi qua góc đường Tôn Thất Tùng – Nguyễn Trãi (Q.1, TP.HCM), bạn sẽ thấy tọa lạc ở đây là một nhà thờ uy nghiêm, cổ kính. Đó là nhà thờ giáo họ Chợ Đũi, tuy nhiên dân gian vẫn quen gọi là Nhà thờ Huyện Sĩ nhằm tưởng nhớ người đã bỏ 1/7 gia sản của mình ra để xây dựng và cung hiến, dần dần tên gọi “Nhà thờ Huyện Sĩ” trở thành tên gọi chính thức của ngôi thánh đường này.
Tiểu sử của Huyện Sĩ đến nay vẫn còn khá giản lược nhưng di sản và tiếng tăm của một dòng họ “trâm anh thế phiệt” đến nay vẫn lưu truyền.
Huyện Sĩ tên thật là Lê Phát Đạt (1841-1900), thuở nhỏ có tên là Sĩ. Ông sinh tại Cầu Kho (Sài Gòn) nhưng quê quán ở Tân An (Long An) trong một gia đình theo đạo Công giáo, tên thánh là Philipphê. Do vậy, ông được các tu sĩ người Pháp đưa sang du học ở Pénang (Malaysia). Ở đây, Sĩ được học các ngôn ngữ: La Tinh, Pháp, Hán và quốc ngữ (chữ Việt mới sơ khai), rồi do trùng tên với một người thầy dạy nên Sĩ đổi tên thành Lê Phát Đạt. Khi về nước, Lê Phát Đạt được Chính phủ Nam Kỳ bổ dụng làm thông ngôn, rồi làm Ủy viên Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ (từ năm 1880). Tuy nhiên, dù đã đổi tên nhưng bà con lối xóm vẫn gọi ông bằng cái tên cúng cơm: Sĩ.
Nam Phương hoàng hậu, cháu ngoại của Huyện Sĩ - Ảnh: tư liệu
Theo học giả Vương Hồng Sển trong Sài Gòn năm xưa (NXB TP.HCM, 1991) thì cái sự “lên hương” của Lê Phát Đạt chẳng qua là… ăn may: “Tương truyền buổi đầu, Tây mới qua, dân cư tản mác. Pháp phát mãi ruộng đất vô thừa nhận, giá bán rẻ mạt mà vẫn không có người đầu giá
(chú thích: “Hồi Tây qua, nghe nói lại, những chủ cũ đều đồng hè bỏ đất, không nhìn nhận, vì nhận e nỗi quan và triều đình Huế khép tội theo Pháp. Vả lại, cũng ước ao một ngày kia Tây bại trận rút lui. Chừng đó ai về chỗ nấy, hốp tốp làm chi cho mang tội… Không dè bởi đất không ai nhìn, nên Pháp lập Hội đồng Thành phố, Ủy ban Điền thổ rồi đưa nhau đi khám xét từng vùng. Đến chỗ nào địa thế tốt, thì những ủy viên bản xứ nhận là của mình: “Ùy” (Oui) một tiếng! Đến chỗ nào nẻ địa thì lắc đầu, tiếp theo nói “Nông” (Non) cũng một tiếng! Chung quy chỉ học hai tiếng “Ùy”, “Nông” mà có ông lập nghiệp truyền tử lưu tôn. Trận bão năm Giáp Thìn (1904), đất Gò Công bỏ hoang vô số kể, ai đủ can đảm chịu ra mặt đóng thuế thì làm chủ chính thức, mà có ai thèm đâu…”).
Thế rồi, nài ép ông, ông bất đắc dĩ phải chạy bạc mua liều. Nào ngờ vận đỏ, ruộng trúng mùa liên tiếp mấy năm liền. Ông trở nên giàu hụ, trong nhà có treo câu đối dạy đời: “Cần dữ kiệm, trị gia thượng sách/Nhẫn nhi hòa, xử thế lương đồ”.
Tương truyền ngôi nhà lầu đồ sộ của Huyện Sĩ tại Tân An (nằm gần ngã ba sông Tân An và Bảo Định) được cất trên thế đất hàm rồng nên gia đình ông trở nên giàu có, danh vọng bậc nhất thời đó. Nhiều tài liệu nói rằng khi đang xây nhà thờ Chợ Đũi (tức nhà thờ Huyện Sĩ), theo yêu cầu của giáo dân vùng Bảy Hiền, người ta đã cắt bớt một gian giữa của nhà thờ này để lấy tiền đó xây nhà thờ Chí Hòa; con trai của Huyện Sĩ là kỹ sư Lê Phát Thanh cũng bỏ tiền ra xây nhà thờ Hạnh Thông Tây (góc Quang Trung – Lê Văn Thọ, Gò Vấp). Tất cả những ngôi nhà thờ này đều xây trên đất của Huyện Sĩ. Ngày nay, nếu đi bằng xe máy từ nhà thờ Huyện Sĩ đến nhà thờ Hạnh Thông Tây phải mất gần một tiếng, đủ thấy “lãnh thổ” của Huyện Sĩ mênh mông chừng nào.
Không chỉ có thế, các con của Huyện Sĩ như bà Lê Thị Bính (mẹ của Nam Phương hoàng hậu), Lê Phát Thanh, Lê Phát Vĩnh, Lê Phát Tân… đều là những đại điền chủ có rất nhiều đất đai ở Tân An, Đức Hòa, Đức Huệ và Đồng Tháp Mười… Riêng trưởng nam của Huyện Sĩ là Lê Phát An được vua Bảo Đại phong tước An Định Vương, là người duy nhất trong lịch sử Nam Kỳ thuộc hàng dân dã, không là “hoàng thân, quốc thích” được lên ngôi vị cao quý nhất của triều đình (vương, công, hầu, bá, tử, nam – NV). Năm 1934, nhân dịp gả cô cháu gái về Huế làm Hoàng hậu, Lê Phát An đã tặng cho Nguyễn Hữu Thị Lan 1 triệu đồng tiền mặt để làm của hồi môn (1 triệu đồng lúc bấy giờ giá vàng khoảng 50 đồng/lượng, vị chi món quà này tương đương 20.000 lượng vàng – NV). Gia đình Nguyễn Hữu Hào (cha của Nam Phương hoàng hậu, rể của Huyện Sĩ) giàu hơn Bảo Đại. Trong đời làm vua của mình, vị hoàng đế thích ăn chơi Bảo Đại xài tiền của vợ nhiều hơn của hoàng gia.
Huyện Sĩ mất năm 1900, hai mươi năm sau vợ ông là bà Huỳnh Thị Tài cũng tạ thế. Người ta đưa xác hai ông bà vào chôn ở gian sau cung thánh nhà thờ Huyện Sĩ như một nhà mồ… Người viết đã may mắn quen biết với một người là thành viên của Hội đồng giáo xứ nhà thờ Huyện Sĩ nên đã nhờ ông dắt vào tận nơi (đây là khu vực đặc biệt, không phải ai muốn vào cũng được). Phía bên trái là tượng bán thân bằng thạch cao của ông Huyện Sĩ, kế đến là phần mộ bằng đá cẩm thạch được trang trí hoa văn (nghe nói là chôn nổi). Trên mộ là tượng toàn thân của ông Huyện Sĩ (cũng bằng đá cẩm thạch) nằm kê đầu lên hai chiếc gối, đầu chít khăn đóng quay mặt về phía cung thánh, mình mặc áo dài gấm có hoa văn rất tinh xảo, hai tay đan vào nhau trước ngực, chân đi giày. Phía bên phải, ở những vị trí đối xứng là tượng bán thân của vợ ông là bà Huỳnh Thị Tài (1845-1920), rồi đến mộ và tượng toàn thân của bà: búi tóc, cũng nằm kê đầu lên hai chiếc gối, hai tay nắm trước ngực, mặc áo dài gấm, chân mang hài. Phía trong cùng còn có tượng bán thân của con trai và con dâu của ông bà là Lê Phát Thanh (bên trái) và Đỗ Thị Thao (bên phải)…
Đứng bên phần mộ của những con người đã từng có một thời giàu có và tiếng tăm nhất nước này, mới thấy kiếp người phù sinh. Tuy nhiên, phải thừa nhận phần mộ có tạc tượng của ông bà Huyện Sĩ xứng đáng là công trình nghệ thuật tuyệt tác.
No comments:
Post a Comment