Friday, May 20, 2011

Tướng Trung Cộng cảnh báo Mỹ phóng đại nguy cơ

Tướng Trung Cộng cảnh báo Mỹ phóng đại nguy cơ
20/05/2011
Quan chức quân sự hàng đầu của Trung Cộng cảnh báo rằng, việc Mỹ có xu hướng “nói quá” nguy cơ từ Bắc Kinh có thể ngăn cản quan hệ quân sự Trung - Mỹ trở nên tốt đẹp hơn.


Trong bài phát biểu tại đại học Quốc phòng ở Washington, tướng Trần Bỉnh Đức - Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Cộng, nhấn mạnh, sự trỗi dậy trong kinh tế và các nỗ lực hiện đại hóa quân sự gần đây của Trung Cộng“không may đã làm dấy lên những nghi ngờ vô căn cứ và sự phóng đại về quá trình phát triển quân sự, quốc phòng của Trung Cộng".
Ông nói, phóng đại mối đe dọa của quân đội Trung Cộng “không chỉ bóp méo mục tiêu chiến lược của Trung Cộng, làm lu mờ hình ảnh của chúng tôi trên trường quốc tế, mà còn ảnh hưởng tới môi trường chính trị cho mối quan hệ quân sự Trung - Mỹ”.
Ông Trần Bỉnh Đức: Chúng tôi không muốn sử dụng tiền của mình để mua thiết bị hay vũ khí hiện đại nhằm thách thức Mỹ. Ảnh: Getty Images

Ông Trần đã dẫn đầu một phái đoàn quân sự cấp cao Trung Cộng tới thăm Mỹ tuần này. Chuyến thăm Ngũ Giác Đài được coi là bước đi quan trọng đảm bảo cho việc xây dựng lòng tin giữa hai bên.
Điều chỉnh để không hiểu lầm
Tuy nhiên, chuyến viếng thăm này diễn ra trong lúc ngày càng có nhiều quan ngại về sức mạnh quân sự đang trỗi dậy của Trung Cộng .
Khi được hỏi về bình luận của ông Trần, đô đốc Michael Mullen - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ nói, các cuộc hội đàm trong tuần này là để cả hai nước “đưa ra những điều chỉnh” và đó là điều sống còn để ngăn chặn những hiểu lầm. "Chúng ta đã nói về một tương lai hòa bình, mà không có cuộc xung đột giữa Trung Cộng và Mỹ”, ông Mullen nhấn mạnh.
Đầu năm nay, quân đội Trung Cộng đã thực hiện bay thử với loại máy bay tàng hình mới J-20 - một động thái khơi mào cho những lo lắng về khả năng xảy ra cuộc chạy đua vũ trang mới tại Thái Bình Dương.
Theo các quan chức Mỹ, việc bay thử J-20 - diễn ra trong lúc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates thăm Bắc Kinh - là để “gửi bức điện báo” về sự gia tăng lòng tự tin của quân đội Trung Cộng .
Ngoài việc lần đầu tiên trình diễn máy bay tàng hình, Trung Cộng được cho là đã có tiến bộ đáng kể trong việc phát triển loại tên lửa đạn đạo có khả năng diệt tàu sân bay - mà về lý thuyết có thể đặt các tàu hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương vào mối nguy hiểm lớn hơn trước. Những nhà quan sát Trung Cộng khác còn quan ngại về khả năng của Trung Cộng trong việc tiến hành cuộc chiến “không cân xứng” thông qua tấn công ảo, vũ khí chống vệ tinh và những phương tiện khác.
'Trung Cộng không có khả năng để đe dọa Mỹ'
Trong một cuộc họp báo với đô đốc Mullen, ông Trần Bỉnh Đức đã được hỏi về việc thử nghiệm J-20 và liệu đó có phải là hành động khiêu khích nhằm vào Mỹ. Ông Trần cho hay, chuyện bay thử là bình thường và Trung Cộng không có khả năng để đe dọa Mỹ. "Chúng tôi không muốn sử dụng tiền của mình để mua thiết bị hay vũ khí hiện đại nhằm thách thức Mỹ”, ông tuyên bố.
Trong bài phát biểu, ông nói chuyến thăm Mỹ đã khiến ông thấy “khoảng cách” về khả năng quân sự giữa Trung Cộng và Mỹ. Vào lúc hỏi đáp sau bài phát biểu, ông Trần cho hay, khoảng cách ấy đặc biệt dễ nhận thấy khi nhìn vào hạm đội hải quân Trung Cộng. “Một cách thành thực, tôi cảm thấy rất buồn sau chuyến thăm này, vì tôi cảm thấy và tôi biết các trang thiết bị của chúng tôi nghèo nàn thế nào, chúng tôi vẫn còn kém phát triển ra sao”, ông nói.
Giới quân sự hai nước đã trải qua những giai đoạn nghi ngờ và mất lòng tin lẫn nhau. Chuyến thăm Mỹ của phái đoàn quân sự Trung Cộng diễn ra sau một thập niên kể từ khi xảy ra vụ va chạm trên không giữa một máy bay tiêm kích Trung Cộng và một máy bay do thám Mỹ ở vùng Biển Đông. Vụ việc này đã dấy lên những tranh cãi ngoại giao gay gắt.
Quan hệ quân sự Trung - Mỹ xuống mức thấp vào năm ngoái sau khi Washington thông qua hợp đồng bán vũ khí trị giá hơn 6 tỉ USD cho Đài Loan.
Dân biểu Mike Coffman, một thành viên của Ủy ban Vũ trang Hạ viện cho rằng, mục tiêu của Bắc Kinh là phát triển các khả năng quân sự “chống tiếp cận” nhằm giới hạn khả năng trình diễn sức mạnh của quân đội Mỹ trong khu vực. Ông Coffman gần đây đã tới Trung Cộng với tư cách là thành viên trong Nhóm Công tác Mỹ - Trung. Coffman nhấn mạnh, các quan chức quân sự Trung Cộng “không dường như quá quan tâm” tới việc thúc đẩy một mối quan hệ quân sự thực sự gần gũi hơn.
Hôm thứ ba, ông Trần Bỉnh Đức đã có cuộc gặp với người đồng nhiệm Mỹ - đô đốc Mullen. Đây là cuộc gặp mặt đối mặt đầu tiên tại Mỹ giữa quan chức quân sự hàng đầu hai nước trong vòng 7 năm qua. Theo lịch trình, phái đoàn Trung Cộng sẽ tiếp xúc với các quan chức cấp cao trong chính quyền Obama và các thành viên quốc hội Mỹ. Phái đoàn này dự kiến đi thăm một số cơ sở quân sự Mỹ.


 
Ông Trần Bỉnh Đức cùng bảy vị tướng khác trong quân đội Trung Quốc đã cùng phái đoàn quân sự lần đầu tiên thăm Mỹ kể từ khi Bắc Kinh ngừng các tiếp xúc quân sự với Mỹ đầu năm ngoái. Ảnh: Reuters
Lần đầu tiên trong lịch sử, một buổi hòa nhạc của các ban nhạc quân sự hai nước được thực hiện trên đất Mỹ. Buổi hòa nhạc mà theo quan chức quân sự Mỹ là 30 năm mới có diễn ra tại Trung tâm Kennedy ở Washington.
"Tôi nghĩ đây là cơ hội tốt cho quân đội hai nước, đặc biệt là trong trường hợp này, để cùng bắt tay nhau, bắt đầu hiểu biết nhau”, Martin Dempsey - Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ nói với báo giới trước buổi hòa nhạc.
Không có gì là bí mật khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng cùng với các tham vọng quân sự của Trung Cộng và việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Hy vọng những gì được đùa vui mà gọi là “trận chiến của các ban nhạc” sẽ là một bước đi góp phần xây dựng một quan hệ đối tác “vững bền và ổn định” như Dempsey nói.
Buổi hòa nhạc là khúc dạo đầu cho chuyến thăm Mỹ diễn ra suốt tuần này của tướng Trần Bỉnh Đức - Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Cộng (PLA) cùng bảy vị tướng khác. Đây là chuyến công du đầu tiên của PLA tới Mỹ kể từ khi Trung Cộng ngừng quan hệ quân sự với Lầu Năm Góc đầu năm ngoái, sau khi Mỹ nhất trí bán vũ khí cho Đài Loan.
Câu hỏi đặt ra giờ đây là, hy vọng thực sự có thể là bao nhiêu đối với các nhà lãnh đạo quân sự khi Mỹ ngày càng lo ngại về tốc độ xây dựng quân sự của Trung Cộng; còn Trung Cộng thì hoài nghi trước các ý định của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Trong năm qua, giới lãnh đạo Ngũ Giác Đài đã bày tỏ lo lắng ngày một lớn về những đột phá trong không gian ảo và sự đầu tư mạnh mẽ vào hải quân của Trung Cộng, bao gồm cả khả năng hạ thủy con tàu sân bay đầu tiên cuối năm nay.
Xu hướng này đang gây phiền hà cho các quan chức quân sự Mỹ, những người tìm kiếm nỗ lực mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương.
“Chúng tôi rất lo lắng và cố đảm bảo để không ai nghĩ rằng chúng tôi đang ra khỏi đây”, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Đô đốc Mike Mullen nói hồi tháng 11 trước, “vì chúng tôi không như thế”.
Các nỗ lực phô diễn sức mạnh quân sự của Trung Cộng trong một số năm gần đây đã không ít lần phát đi tín hiệu đáng báo động tới Lầu Năm Góc. Việc Trung Cộng thành công khi phóng tên lửa đạn đạo để phá hủy một trong số các vệ tinh của chính họ năm 2007 làm dấy lên quan ngại về việc quân sự hóa không gian.
Trong chuyến thăm của phái đoàn quân sự Trung Cộng lần này, lãnh đạo hai bên đang tìm cách chơi nốt nhạc hòa giải hơn, đặc biệt kể từ sau chuyến công du của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tới Mỹ tháng 1 năm nay.
Quan chức Ngũ Giác Đài đặc biệt chú tâm đến việc thiết lập các đường dây thông tin với người đồng nhiệm của họ ở Trung Cộng, xây dựng cơ chế truyền thông giải quyết khủng hoảng cho hoạt động tại các vùng biển xung quanh Trung Cộng.
Quan chức Trung Cộng thì coi các khu vực này như “những vùng biển gần” của họ - những khu vực mà họ đang “gia tăng khả năng ngăn chặn sự tiếp cận không mong muốn”, Bonnie Glaser - nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho biết. “Họ tin rằng, các tàu thuyền thoạt động trong những vùng biển này phải có sự chấp thuận của quốc gia ven biển ở đó”, bà Glaser nói. “Mỹ lại có cách hiểu khác”.
Trong khi Lầu Năm Góc muốn có cơ chế thông tin giải quyết khủng hoảng ở các vùng biển này, thì “thái độ của Trung Cộng là ‘bạn không thuộc về nơi này, vậy tại sao chúng tôi lại phải khiến bạn cảm thấy an toàn?’”, Dean Cheng, nhà nghiên cứu chính trị và các vấn đề an ninh Trung Cộng tại Quỹ Heritage ở Washington bình luận.
“Quan điểm của Mỹ là, “chúng tôi sẽ hoạt động ở đây. Tại sao chúng ta không tìm cách để những hiểu lầm không vượt khỏi tầm kiểm soát”, ông Cheng nhấn mạnh. “Nếu không có sự hiểu biết được thể hiện, thái độ của Mỹ là ‘chúng tôi sẽ vẫn ở đó”.
Về phần mình, Trung Cộng muốn Mỹ ngừng bán vũ khí cho Đài Loan. “Khi bạn nhìn vào tất cả vấn đề Trung Cộng đề cập - về tôn trọng và cùng có lợi - nghĩa là họ đã trở lại quan điểm ‘đừng bán vũ khí cho Đài Loan', đây là cách diễn đạt đơn giản”, ông Cheng nói.
Vì lý do này hay lý do khác, ông Cheng cho rằng: “Tôi có ý nghĩ là cả phía Trung Cộng và Mỹ đều không có quá lạc quan về những tiếp xúc quân sự có thể vượt quá mức tối thiểu vì những mục tiêu ổn định”.


Lãnh đạo quân sự Trung Cộng muốn gì khi thăm Mỹ?

Trung Cộng đã ngừng những tiếp xúc quân sự với ngũ Giác Đài vào đầu năm ngoái, sau khi Mỹ thông qua hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan trị giá 6,3 tỉ USD. Giờ đây, một phái đoàn quân sự Trung Cộng gồm tám tướng lĩnh đang tới thăm Mỹ, gặp gỡ với những người đồng cấp.
Thụy Phương (theo Wall Streeet Journal)

No comments:

Post a Comment