Lèo lái cuộc chiến tranh Biển Đông
Nguyển đạt Thịnh
Tình hình Biển Đông đang bị Nước Tầu hâm nóng nhanh chóng: một mặt chúng tiếp tục khống chế mọi hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân Việt Nam, mặt khác chúng nâng cấp va chạm lên địa hạt khai thác dầu khí. Chiến tranh không còn xa như một viễn ảnh nữa.
Cuộc va chạm đầu tiên trên địa hạt dầu khí xẩy ra vào lúc 5 giờ sáng hôm thứ Năm 26 tháng 5, khi ra-đa tàu địa chấn Bình Minh 02, thuộc "Tập Đoàn Dầu Khi Quốc Gia Việt Nam" phát hiện 3 tàu hải giám của Tầu Cộng lao thẳng tới khu vực tầu Bình Minh 2 đang khảo sát. Tầu Nước Tầu cắt dây cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh, phá hoại thiết bị của tàu này và tiếp tục cản trở hoạt động của tàu Bình Minh cho tới 9 giờ sáng cùng ngày mới rút lui. Hôm sau, 5/27, chuyên viên lên tầu sửa chữa thiết bị, và tầu Bình Minh đã hoạt động trở lại.
Hành động phá hoại thiết bị của tầu Bình Minh không thể thực hiện được, nếu lính Tầu -dù mặc hay không mặc quân phục- không từ tầu hải giám bước qua tầu Bình Minh. Việc làm này đích thực là một hành động xâm lược, vì con tầu của một quốc gia, cũng như sứ quán của nước này, là một phần lãnh thổ của họ. Bước lên tầu hay bước vào sứ quán mà không được mời là hành động bị coi là xâm phạm lãnh thổ quốc gia.
Điều đáng nói là hành động xâm lược này không được ai biết đến cả, vì tin tức chỉ được hãng TTXVN phổ biến rất giới hạn.
Bản tin TTXVN, trích lời ông Đỗ Văn Hậu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN, cho biết sự việc xẩy ra chỉ cách mũi Đại Lãnh thuộc tỉnh Phú Yên, khoảng 120 hải lý, địa điểm này hoàn toàn nằm bên trong lãnh hải của VN.
Ông Hậu nói thêm rằng các tàu của Nước Tầu đã vi phạm lãnh hải VN và hành động “hết sức ngang ngược”, gây thiệt hại lớn về tài sản, và cản trở hoạt động của Tập đoàn Dầu khí VN.
Ông thúc giục chính phủ CSVN gởi công hàm phản đối mạnh mẽ, yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt ngay hành động gây trở ngại cho hoạt động của Tập đoàn Dầu khí VN.
Hà Nội làm việc đó: họ gửi công hàm ngoại giao yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt ngay những hành động vi phạm chủ quyền bên trong thềm lục địa và những vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và hậu quả của công hàm phản kháng là quan hệ giữa Việt Nam và Nước Tầu trở nên khó khăn hơn.
Tướng Nguyễn Chí Vịnh nói sợ không tránh khỏi việc sử dụng quân lực, mặc dù ai cũng chủ trương để ngoại giao đi trước. Ngoại giao theo ý của ông tướng này có nghĩa là lại gửi phái đoàn sang Bắc Kinh thương lượng tay đôi với Nước Tầu.
Những cuộc thương lượng này sẽ không đi đến đâu hết, vì mục đích của Nước Tầu vẫn là chiếm toàn bộ vùng dầu khi Biển Đông. Tháng Hai năm nay, Bắc Kinh cho hay trong 5 năm tới sẽ sử dụng 54 tỷ dollars vào việc khai thác dầu và khí đốt thiên nhiên, trong đó gần phần nửa khoản tiền được đầu tư vào các công trình ở vùng biển Đông, là nơi họ gọi là Vịnh Ba Tư Thứ Hai của thế giới, ý nói đây là khu vực có lượng dầu thô và khí đốt rất lớn, có thể giải quyết được cơn khát năng lượng của Nước Tầu.
Tập Đoàn Dầu Khí Nước Tầu thông báo đề xuất 19 lô khai thác dầu ngay trong vùng biển Đông, nói rằng sẽ hợp tác với các công ty nước ngoài. Trang mạng của Tập Đoàn Dầu Khí Nước Tầu nói rõ địa điểm khai thác gồm 12 lô nằm ở phía Đông và 7 lô nằm ở phía Tây Biển Đông, nhưng không cho biết các công ty nước ngoài nào được mời và có công ty nào nhận lời khai thác chung hay chưa.
Như viết trên tựa, bài báo này đề nghị phương thức lèo lái cuộc chiến tranh không thể tránh được trên Biển Đông, tìm thế giao tranh thuận lợi cho Việt Nam. Đề nghị thứ nhất là cần loại bỏ cả 2 phương thức "ngoại giao tay đôi", và giao tranh quân sự mà tướng Vịnh đề cập đến.
Tính chất vô bổ của phương thức "ngoại giao tay đôi" là điều không cần chứng minh, vì lịch sử ngoại giao giữa Việt Cộng và Nước Tầu đã ghi nhận quá nhiều điển hình dối trá, lẻo lự; nhưng nguy hại của phương thức giao tranh quân sự lại là điều cần phân tách.
Nguy hại đầu tiên là nhu cầu thi đua võ trang; trước sức mạnh quân sự lớn lao của Nước Tầu, các quốc gia Đông Nam Á đang đổ khá nhiều tiền vào việc mua sắm chiến hạm, phi cơ, Việt Nam cũng không tránh khỏi nhu cầu này. Nguyễn Tấn Dũng xác nhận nhiều lần những nỗ lực tăng cường võ trang.
Điều mà ai cũng biết là tình trạng kinh tế còn rất eo hẹp của Việt Nam khiến tỉ bạc bỏ ra mua khu trục cơ hay tiềm thủy đĩnh, sẽ là tỉ bạc mất đi trong nhu cầu xóa đói giảm nghèo; ấy là chưa nói đến điều thứ nhì là tính chất muối bỏ biển của nỗ lực thi đua võ trang. Muối là vài ba chiến cụ mua sắm được và biển là sự so sánh quá chênh lệch giữa hai kho chiến cụ Việt, Hoa.
Tôi đề nghị tránh cả việc "ngoại giao tay đôi" lẫn việc đánh nhau với anh khổng lồ Nước Tầu, bằng cách tấn công Nước Tầu trên dư luận thế giới.
Bước đầu của chiến lược chiến tranh dư luận là các tòa đại sứ, tòa lãnh sự Việt Cộng tại Hoa Kỳ, Anh, và Pháp kín đáo liên lạc với các phóng viên Việt Nam đang làm việc với các cơ sở truyền thông ngoại quốc, rồi mời họ về Việt Nam chứng kiến mọi diễn biến và viết lại những phóng sự sống động và thật.
Thử hình dung một phóng viên gốc Việt, viết cho New York Time, có mặt trên chiếc tầu Bình Minh 2, viết lại cuộc đổ bộ của lính Nước Tầu lên tầu mờ sáng ngày 5/26; ngoài việc được đăng tải trên tờ báo uy tín nhất nhì Hoa Kỳ, bài báo còn có thể được phổ biến trên những mạng quốc tế như YouTube, Twitter, ...
Chỉ cần một bài báo hay một đoạn phim như vậy cũng đủ tạo tác dụng lớn hơn một cuộc hải chiến: Nước Tầu sẽ e dè hơn trong tiến trình độc chiếm Biển Đông.
Những phóng viên khác theo ngư thuyền Việt Nam ra khơi, những bài tường thuật họ viết về nỗi khổ sở, kinh hãi của ngư dân Việt Nam trước những đối xử hà khắc của hạm đội 3 chiếc tầu ngư chính của Nước Tầu sẽ gây xúc động cho cả thế giới.
Song song với việc sử dụng sức mạnh của truyền thông thế giới, chính quyền Việt Cộng còn có thể đưa những vụ tấn công trắng trợn như vụ lính Nước Tầu đổ bộ lên tầu Bình Minh 2 ra trước tòa án quốc tế.
Chỉ cần những tin tức kéo dài suốt nhiều tháng về vụ án cũng đủ tạo dư luận thù ghét Nước Tầu, mà Nước Tầu lại đang có nhu cầu thu móng vuốt, tỏ ra hiền lành để chinh phục thiện cảm của thế giới.
Việt Cộng đã nói nhiều đến việc võ trang ngư dân, việc làm này có thể giúp Nước Tầu biện minh những biện pháp tàn bạo hơn chúng sử dụng với ngư dân Việt Nam, việc đem hải quân ra biển bảo vệ nghề chài lưới cũng có khả năng thúc đẩy chiến tranh đến sớm hơn.
Tôi đề nghị chiến tranh dư luận, cuộc chiến tranh không cần tuyên chiến, và có thể thực hiện ngay ngày hôm nay; cuộc chiến tranh này lại chỉ đánh có một chiều: kẻ yếu đánh, kẻ mạnh chống đỡ, biện minh. Mỗi bài báo, mỗi đoạn phim thời sự được phổ biến là một viên đại bác bắn trúng đích, gây tổn thất nhiều hay ít, nhưng dài hạn, cho Nước Tầu, và làm giảm nguy cơ mất biển.
Khó khăn duy nhất là Việt Cộng có mời được những chiến sĩ truyền thông gốc Việt ra chiến tuyến đánh giặc ngoại xâm Nước Tầu giúp chúng không?
Nguyển đạt Thịnh
No comments:
Post a Comment