Bắc Kinh không thể đồng hóa Tây Tạng
Ngô Nhân Dụng
Vận mệnh một quốc gia tùy thuộc nhiều vào hoàn cảnh địa lý. Nước Việt Nam được gọi là “Bao Lơn” từ châu Á mở ra Thái Bình Dương.” Vì nằm ở một vị trí chiến lược, trên đường lưu thông chính giữa Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương và vùng Á Đông, từ thế kỷ 18 Việt Nam đã bị các nước thực dân nhò ngó. Đến giữa thế kỷ 19 nước ta bị chiếm làm thuộc địa; rồi sang thế kỷ 20 trở thành một bãi chiến trường trong cuộc tranh hùng giữa hai khối tư bản và cộng sản. Nếu ở một vị trí hẻo lánh hơn, có lẽ dân Việt không chịu nhiều thống khổ như thế.
Tây Tạng cũng trở thành một một địa điểm chiến lược trong các cuộc tranh chấp toàn cầu từ giữa thế kỷ 20. Trong mấy thế kỷ trước đó, Tây Tạng đã bị các nước Nepal, Trung Quốc, rồi Trung Quốc và Anh tranh giành ảnh hưởng; nhưng chưa bị chiếm đóng. Giữa thế kỷ trước, Ấn Độ độc lập và thành lập quốc gia, Trung Hoa thống nhất dưới chế độ cộng sản, Tây Tạng nằm giữa hai quốc gia lớn đó, số phận giống Việt Nam, do vị trí chiến lược trên bản đồ thế giới. Mao Trạch Đông xua quân chiếm, dùng địa bàn này nhòm ngó xuống các nước bên kia Hy Mã Lạp Sơn. Những cuộc xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc kéo dài từ năm 1960 đến nay, tiểu bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ nằm phía Nam Tây Tạng Bắc Kinh còn muốn đòi làm của họ.
Tuyên bố độc lập từ năm 1912, Tây Tạng gia nhập Liên Hiệp Quốc vào năm 1949, nhưng chỉ một năm sau Tây Tạng đã trở lại số phận lệ thuộc. Giữa thế kỷ 18 nhà Mãn Thanh tập hợp năm giống dân chính (Hán, Mãn, Mông, Hồi, Tạng), trong đó các vùng Mông Cổ, Mãn Châu, Tân Cương (Hồi) vẫn được quyền tương đối tự trị. Chế độ Mao Trạch Đông đã thay đổi chính sách ôn hòa đó, quyết tâm đồng hóa dân Tây Tạng; vì họ Mao tự coi có sứ mạng tiếp tục truyền thống “bình thiên hạ” với vũ khí tư tưởng là chủ nghĩa cộng sản. Cộng sản Trung Quốc theo Mao đi “giải phóng” các nước chung quanh, xóa bỏ nếp sống lạc hậu cũ. Các dân tộc “chưa giác ngộ” được học tập chủ nghĩa cộng sản. Hiện tượng này cũng giống như các vua đời Hán, khi sai các tướng Ban Siêu, Mã Viện chinh phạt, từ miền đồng cỏ hoang giữa Á châu cho tới các ruộng lúa nước ở Việt Nam. Mục tiêu của các vua nhà Hán là giáo hóa các giống dân “di, địch” giúp họ “giác ngộ” theo nếp sống Trung Hoa; hai ngàn năm sau Mao Trạch Đông lại tiếp tục.
Nhìn trong bối cảnh đó, chúng ta thông cảm hơn với người Tây Tạng khi họ phản ứng trước chính sách đồng hóa của Bắc Kinh. Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 vào năm 1950 đã phải chấp nhận quy chế Vùng Tự Trị Tây Tạng, đã tham gia vào quốc hội cộng sản ở Bắc Kinh. Ngài có thể hy vọng Tây Tạng được đối đãi như dưới thời Mãn Thanh. Nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc khác. Họ không chỉ muốn chiếm đất nước Tây Tạng để khai thác quặng mỏ và di dân chiếm đất lập nghiệp lâu dài. Họ còn muốn “tẩy não tập thể” dân Tây Tạng; xóa bỏ một nền văn hóa hai ngàn năm thay bằng Tư tưởng Mao chủ tịch! Họ muốn Hán hóa cùng lúc Cộng sản hóa các giống dân “chưa giác ngộ.” Tình cảnh không khác gì đời Hán, đời Đường xưa kia.
Bây giờ thì chúng ta hiểu tại sao người Tây Tạng đã cố đề kháng tham vọng đó. Người Tây Tạng đã nhượng bộ Bắc Kinh về chính trị khi chấp nhận quy chế tự trị. Nhưng họ không thể chấp nhận một chương trình đồng hóa bằng các biện pháp hà khắc tiêu diệt văn hóa một dân tộc. Năm 1959 nhiều người nổi lên, họ bị đàn áp tàn bạo. Đức Đạt Lai Lạt Ma trốn được sang Ấn Độ tị nạn, tiếp tục vận động cho quyền tự trị và độc lập văn hóa của dân tộc ngài, cho đến bây giờ.
Chính quyền Trung Quốc mới lên tiếng chỉ trích Đức Đạt Lai Lạt Ma đã “sách động” các vị tăng ni Tây Tạng tự thiêu trong tỉnh Tứ Xuyên gần đây. Nhưng chính Đạt Lai Lạt Ma đã nhiều lần kêu gọi đồng bào mình tự kiềm chế. Ông Lobsang Sangay, thủ tướng Tây Tạng, cũng mới kêu gọi như vậy.
Vào tháng Ba năm 2011, nhà sư trẻ Phuntsok ở Tu viện Kirti (một tài liệu viết chữ Hán là 关键字 Quan Kiện Tự), đã tự thiêu. Tới nay, đã có thêm 8 vị tăng và một ni cô theo gương, cũng ở trong vùng huyện A Bá (阿坝, Aba), tỉnh Tứ Xuyên. Từ đời Hán đã bành trướng để mở rộng đất đai Ba Thục; huyện A Bá bị xâm chiếm, nay vẫn có hai sắc tộc chính là người Tây Tạng và người Khương (羌 族).
Những tăng ni mới tự thiêu phần lớn trên dưới 20 tuổi; họ không sống trong xứ Tây Tạng mà sinh trưởng trong nước Trung Hoa. Tổ tiên họ đã thành người Trung Quốc từ cả hàng ngàn năm. Tại sao họ phải bầy tỏ thái độ bằng cách tự thiêu như vậy? Chỉ có thể giải thích là những thanh niên này đã cảm thấy họ tuyệt vọng. Họ thấy không thể cải thiện cuộc sống của chính họ, của gia đình và dân tộc của họ, dưới chính sách tiêu diệt văn hóa của Cộng sản Trung Hoa. Thế giới đã chứng kiến sức mạnh của văn hóa Tây Tạng theo bước chân những người tị nạn đang lan tỏa khắp năm châu. Một truyền thống hùng mạnh như vậy không thể bị vùi dập rồi biến đi như Cộng sản Trung Quốc mơ tưởng.
Năm 2008 người dân trong xứ Tây Tạng đã nổi lên phản đối chính sách đồng hóa, ở bên ngoài cũng vận động khắp nơi, nhân dịp Thế Vận Hội Bắc Kinh. Sau đó, Cộng sản Trung Quốc đã đàn áp rất tàn bạo. Không những họ bắt cóc, truy lùng, thủ tiêu người dân trong đất Tây Tạng, mà cả những ốc đảo dân Tây Tạng sống trong nước Trung Hoa. Sau khi Thế Vận Hội Bắc Kinh bế mạc, chính sách đàn áp càng gia tăng Ngay tại Tu Viện Kirti, vòng kiềm tỏa thắt chặt. Các vị tăng sĩ bị ép phải học chủ nghĩa cộng sản theo lối Mao Trạch Đông, học tập chủ trương Xã hội Hòa hài mà Bắc Kinh đang cổ động.
Trong Tu viện Kirti có 2,500 tu sĩ, có nhiều thanh niên vẫn theo phong tục vào chùa tu học một hai năm rồi trở về cuộc sống tại gia. Cộng sản đã đặt đồn Công An ngay gần tu viện này, cũng như các tu viện khác. Có lúc lính tráng bao vây tu viện lên tới 900 người. Họ cấm đoán dân địa phương không được mang thực phẩm tới cúng dường (trong số tín đồ có nhiều người Hán). Họ bắt nhiều tu sĩ đem đi mất, không biết là bị tù “cải tạo” hay đã bị thủ tiêu; con số bị bắt lên tới 300 người. Có những chú tiểu 12, 13 tuổi cũng bị bắt vì bị nghi ngờ đã giúp nhà sư Phuntsok chuẩn bị việc tự thiêu.
Người thứ tám sau Phuntsok là ni cô Tenzin Wangmo; cô tự thiêu ngày 18 tháng Mười năm 2011; sau đó lại thêm một nhà sư khác. Các vị tăng ni tự thiêu đều trẻ tuổi, cho thấy hành động của họ không hoàn toàn theo đúng truyền thống tự thiêu trong lịch sử Phật Giáo. Ở Ấn Độ đã có những tu sĩ tự thiêu trong thế ngồi tĩnh tọa; chính các triết gia Hy Lạp, nhiều người trong đoàn quân viễn chinh của Đại đế Alexander đã kể tới sự kiện này, từ ba thế kỷ trước Công Nguyên.
Phật giáo ở Trung Quốc, Việt Nam và Nhật Bản đã có truyền thống các thiền sư tự quyết định ngày, giờ chết của mình. Mục đích để thể nghiệm một trình độ định lực cao sau một đời thực tập thiền quán; giúp các đệ tử chứng kiến tin tưởng hơn vào con đường tu tập. Có nhiều cách thể hiện khác nhau. Một số vị đã chọn ngồi kiết già, ngưng ăn uống nhiều ngày, cho tới lúc ngưng thở, dần dần chuyển từ sống sang chết. Hiện ở Việt Nam còn di thể của các hòa thượng Nguyễn Khắc Minh, Nguyễn Khắc Trường; cũng như của các ngài Huệ Năng, Hám Sơn, bên Trung Quốc.
Một hình thức khác là tự thiêu trong lúc thiền tọa, cũng từng phổ cập trong truyền thống thiền tông ở Trung Quốc, Việt Nam và Nhật. Nhưng thường chỉ các vị hòa thượng đã trải qua suốt đời tu tập mới được tự thiêu. Hành động tự thiêu để thể nghiệm đức từ bi, chứng quả một định lực cao; như một hành động giáo hóa cho mọi người theo đạo được thấy mà tự tin hơn.
Khi tìm hiểu từ nguồn gốc như vậy, ta thấy các vị tăng ni Tây Tạng trẻ tuổi tự thiêu gần đây không hoàn toàn nằm trong truyền thống tâm linh Phật Giáo. Hành động của họ mang tính cách xã hội. Họ tự thiêu để bầy tỏ một thái độ chính trị chứ không phải để thể nghiệm một trình độ tu tập. Có thể nói họ đã đi xa nguồn gốc Ấn Độ và Phật Giáo; họ còn đang thực hành một truyền thống Trung Hoa. “Sát thân thành nhân” là một châm ngôn của người Trung Hoa đời xưa. Sử sách và truyện tích Trung Hoa đã kể lại bao nhiêu người tự sát để bầy tỏ một thái độ chính trị. Những Dự Nhượng, Nhiếp Chính đời Chiến Quốc đã trở thành bất tử trong văn chương. Khi Hoàng Diệu tự ải, Nguyễn Cao tự mổ bụng vào thế kỷ 19, hay các quân nhân Nhật Bản hara kiri tập thể không chịu theo lệnh đầu hàng sau đại chiến thứ hai, họ đều theo cùng một truyền thống đó.
Những vụ tự thiêu của các tăng ni Tây Tạng trong tỉnh Tứ Xuyên đã làm cho cả thế giới xúc động. Vì những người trẻ tuổi này sống ở Trung Quốc, chấp nhận làm dân Trung Quốc. Nhiều vị không tu trong cùng một tông phái với Đức Đạt Lai Lạt Ma nhưng vẫn bầy tỏ lòng kính ngưỡng. Hành động phản kháng của họ nhằm đánh thức chính quyền Bắc Kinh phải biết và hiểu nguyện vọng của dân Tây Tạng. Họ không chấp nhận để cho nền văn hóa của cha ông họ bị xóa bỏ. Đức Đạt Lai Lạt Ma là biểu tượng cao nhất của khát vọng bảo vệ văn hóa và bản sắc của dân tộc Tây Tạng. Nhiều người Tây phương đang học và tập sống theo lối Phật Giáo Tây Tạng. Nhiều người Việt Nam trên thế giới cũng vậy. Một nền văn hóa tươi đẹp như thế không thể nào bị tiêu diệt.
Bao giờ chế độ cộng sản ở Trung Quốc hiểu và chấp nhận ý nghĩa của việc chín vị tăng và một ni cô Tây Tạng tự thiêu thì họ sẽ chịu đối thại với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Khi nào ngài trở về Tây Tạng, nền văn hóa của người Tây Tãng được phục hồi, thì chính đóa hoa đạo lý đó sẽ tỏa hương thơm mà chính người Trung Hoa sẽ được hưởng.
No comments:
Post a Comment