Giải pháp cho việc đòi lại Hoàng Sa
Nguyễn Thái Linh, Lê Minh Phiếu, Lê Vĩnh Trương
Trong bài phát biểu của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vào ngày 25/11/2011, ông có nói đến giải quyết bốn loại vấn đề trên biển Đông, trong đó có nhắc đến việc Việt Nam sẽ giải quyết và khẳng định chủ quyền Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Những phương cách để Việt Nam hành xử với trường hợp Hoàng Sa theo đúng luật quốc tế là gì? Chúng tôi xin đưa ra một số các phương cách và bước đi để hiện thực hóa công việc này của Việt Nam.
1- Việc xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ thời phong kiến
Nhà nước phong kiến Việt Nam đã biết đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi đó được gọi dưới tên chung là Đại Trường Sa, Hoàng Sa hay Vạn Lý Trường Sa và coi chúng là một phần lãnh thổ của mình.
Trong suốt ba thế kỷ từ XVII đến XIX, chính quyền phong kiến Việt Nam đã thực thi liên tục chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa bằng cách thường xuyên cử các đội thuyền Hoàng Sa và Bắc Hải đến các đảo này hàng năm, trong nhiều tháng, để khảo sát, đo đạc, khai thác tài nguyên một cách có hệ thống, thu lượm các tài sản chìm đắm, xây miếu dựng đền và trồng cây như các biểu tượng khẳng định chủ quyền, tổ chức thu thuế, cứu trợ các tàu thuyền nước ngoài gặp nạn. Việc thực thi chủ quyền này diễn ra hoàn toàn không gặp bất cứ sự phản đối hay tranh chấp nào từ phía các quốc gia khác, kể cả Trung Cộng.
Để chứng minh cho luận cứ này, Việt Nam đã đưa ra các nguồn tài liệu chính thức của nhà nước như Đại Nam thực lục tiền biên (1600-1775), Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (1630-1653), Phủ biên tạp lục (1776), Đại Nam thực lục chính biên (1848), Đại Nam Nhất Thống Chí (bộ sách địa lý lịch sử chung của Đại Nam 1865-1882), Lịch triều hiến chương loại chí (1821), Hoàng Việt địa dư chí (1833), Việt sử cương giám khảo lược (1876), các châu bản triều Nguyễn về các bản tấu, phúc tấu, các dụ của các Vua, và hàng loạt bản đồ, tài liệu của nước ngoài thời kỳ đó.[1] Ngoài ra, Việt Nam cũng còn lưu giữ các loại sắc lệnh do các cấp chính quyền ban cho các suất đinh hay các vị cai đội giao nhiệm vụ thực thi công việc tại Hoàng Sa.[2]
Theo luật quốc tế, bản thân quyền phát hiện đầu tiên một lãnh thổ vô chủ không đủ để tạo ra danh nghĩa pháp lý cho quốc gia phát hiện. Muốn thụ đắc chủ quyền, quốc gia này phải tiếp tục chiếm cứ hiệu quả lãnh thổ đó. Hai nguyên tắc cơ bản trong việc thụ đắc chủ quyền là nguyên tắc thực sự, tức là chiếm hữu thực sự lãnh thổ vô chủ, coi nó như một bộ phận lãnh thổ của mình và thực thi quyền hạn nhà nước, quản lý hành chính trong một thời gian hợp lý; và nguyên tắc công khai – việc chiếm hữu phải được các quốc gia khác công nhận.[3] Một cá nhân hay một công ty không thể thụ đắc chủ quyền lãnh thổ.
Ngoài yếu tố vật chất (corpus), việc chiếm hữu thực sự đồng thời còn đòi hỏi yếu tố tinh thần (animus) nghĩa là ý chí của quốc gia muốn chiếm hữu lãnh thổ vô chủ.
Việc thực thi chủ quyền của nhà nước phong kiến Việt Nam có đầy đủ các yếu tố vật chất (corpus) và tinh thần (animus), được thực hiện trong một thời gian dài hoàn toàn không gặp bất cứ sự phản đối hay tranh chấp nào từ phía các nước khác, đảm bảo được cả nguyên tắc thực sự và nguyên tắc công khai, do đó việc xác lập chủ quyền quần đảo Hoàng Sa bởi Việt Nam trong thời kỳ nhà nước phong kiến là không thể tranh cãi và ít nhất từ thế kỷ XVII, Hoàng Sa đã không còn là lãnh thổ vô chủ (terra nullius).
2- Việc duy trì chủ quyền của Việt Nam thời thuộc địa Pháp
Năm 1899, toàn quyền Paul Doumer ra đề nghị chính phủ Pháp một hải đăng trên quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, công việc này không thực hiện được vì thiếu ngân sách.
Ngày 8 tháng 3 năm 1925, toàn quyền Đông Dương tuyên bố Hoàng Sa thuộc lãnh thổ nước Pháp.[4] Các chuyến khảo sát và nghiên cứu khoa học đã được thực hiện ở quần đảo Hoàng Sa từ năm 1925 và ở Trường Sa từ năm 1927.[5]
Ngày 30 tháng 3 năm 1938 hoàng đế Bảo Đại đã ra chiếu chỉ sát nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên. Ngày 15 tháng 6 năm 1938, Toàn quyền Đông Dương J. Brévié ra nghị định thành lập một đơn vị hành chính tại Hoàng Sa. Sau đó chính phủ Pháp tiến hành chiếm cứ thực sự toàn bộ quần đảo. Một đội quân cảnh vệ được cử đến đồn trú thường xuyên tại đây. Vào năm 1938, bia chủ quyền được dựng lên với dòng chữ “Cộng Hòa Pháp – Vương quốc An Nam – Quần đảo Hoàng Sa, 1816 – đảo Hoàng Sa – 1938”. Một hải đăng, một trạm khí tượng và một trạm vô tuyến được đặt trên đảo Hoàng Sa.[6]
Trong thời gian thế chiến II, quần đảo Hoàng Sa bị Nhật chiếm đóng.Ngay sau khi Nhật đầu hàng năm 1945, chính quyền Pháp đã lập tức khôi phục lại sự có mặt của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 6 năm 1946, một phân đội của Pháp đã đổ bộ lên Hoàng Sa để chiếm lại quần đảo. Tháng 1 năm 1947, quân đội Trung Hoa Dân Quốc đổ bộ lên đảo Phú Lâm. Pháp lập tức phản đối việc chiếm hữu trái phép này của Trung Cộng và cử một phân đội ra quần đảo Hoàng Sa, lập đồn binh và xây trạm khí tượng. Các trạm khí tượng này hoạt động trong suốt 26 năm cho đến khi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa chiếm đóng quân sự vào năm 1974.
Tháng 10 năm 1949, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ra đời Tháng 5 năm 1950, Quân đội Quốc dân Đảng phải rời khỏi đảo Phú Lâm . Các trại đồn trú của Pháp vẫn được tiếp tục duy trì ở Hoàng Sa.
Như vậy, với tư cách nhà nước bảo hộ đại diện cho quyền lợi của An Nam, chính phủ Pháp không hề từ bỏ mà vẫn thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa một các liên tục.
3- Việc duy trì sự thực thi chủ quyền của Việt Nam khi Pháp rút khỏi Đông Dương
Ngày 14 tháng 10 năm 1950, chính phủ Pháp chính thức trao lại cho chính quyền Bảo Đại việc quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Trong phiên họp thứ 7 tại Hội nghị hòa bình San Francisco vào ngày 7.9.1951, đại diện Quốc Gia Việt Nam (chính quyền Bảo Đại) là thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Trần Văn Hữu đã chính thức tuyên bố khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Không có một phản đối hay bảo lưu nào từ phía 51 nước tham dự Hội nghị. Cả Trung Cộng và Đài Loan đều vắng mặt trong hội nghị này.[7] Tuy nhiên, Trung Cộng bảo lưu yêu sách của họ đối với các quần đảo qua tuyên bố của bộ trưởng ngoại giao Chu Ân Lai ngày 15 tháng 8 năm 1951.
Sau Hiệp ước Geneva năm 1954, Hoàng Sa được Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát. Ngày 22 tháng 8 năm1956, sau khi quân Pháp rút đi, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã thiết lập ngay lập tức sự kiểm soát của họ tại Hoàng Sa và đối phó với Trung Cộng trong tranh chấp này.[8]
Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, với tư cách người thừa kế các quyền và nghĩa vụ pháp lý quốc tế của Pháp liên quan đến Việt Nam, đã liên tục tiến hành quản lý hành chính, khảo sát, khai thác và bảo vệ quần đảo Hoàng Sa bằng các hành động như: sát nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam (7.1961), khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng thông cáo của Bộ Ngoại Giao ngày 15 tháng 7 năm 1971, cấp phép cho khai thác phân chim, bắt giữ nhóm quân Trung Cộng giả dạng ngư dân xâm chiếm nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa (2.1959). Tháng 1 năm 1974, khi Trung Cộng dùng vũ lực chiếm toàn bộ các đảo Hoàng Sa, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã phản ứng mạnh mẽ và tận dụng mọi cơ hội để khẳng định chủ quyền của mình như: gửi thư cho chủ tịch Hội đồng Bảo An và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đề nghị can thiệp, tuyên bố khẳng định chủ quyền tại Hội nghị Ủy ban Kinh tế Viễn Đông (3.1974) và tại Hội nghị lần thứ ba của Liên Hợp Quốc về Luật Biển tại Caracas (7.1974), công bố sách trắng về Hoàng Sa và Trường Sa (2.1975).
Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra đời ngày 2 tháng 7 năm 1976 là bên kế thừa hợp pháp của hai nhà nước trước đó, tiếp tục kế thừa chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa cho đến nay.
Tuy đã mất yếu tố vật chất (corpus) do bị Trung Cộng cưỡng chiếm bằng vũ lực, nhưng Việt Nam vẫn luôn thực thi chủ quyền của mình bằng yếu tố tinh thần (animus), Tháng 12 năm 1982, Việt Nam đã thành lập huyện Hoàng Sa trực thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.
Theo luật quốc tế, từ đầu thế kỷ XX việc dùng vũ lực để chinh phục một lãnh thổ đã bị lên án và không được chấp nhận. Nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 24 tháng 10 năm 1970 cũng đã ghi rõ: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm đóng quân sự, kết quả của việc sử dụng vũ lực trái với các điều khoản của Hiến chương Liên hợp quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là một đối tượng thụ đắc bởi một quốc gia khác do đe doạ sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lưc. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào bằng sự đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực đều là bất hợp pháp.” Do đó, các hành động dùng vũ lực trái ngược với luật quốc tế của Trung Cộng không thể mang lại danh nghĩa pháp lý cho nước này đối với quần đảo Hoàng Sa.
4- Đòi lại chủ quyền đối với Hoàng Sa thông qua con đường ngoại giao
Việt Nam cần tận dụng tất cả các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên Hiệp Quốc, APEC, ASEAN, Thượng đỉnh Đông Á, ARF… nhằm tranh thủ công luận quốc tế cho một cuộc đấu tranh ngoại giao với Trung Cộng. Thiếu sự hỗ trợ tinh thần và pháp lý của cộng đồng quốc tế sẽ khiến khả năng chấp nhận của Trung Cộng trên bàn đàm phán song phương vốn đang khó khăn sẽ càng khó khăn hơn.
Đương nhiên, cũng không thể không vận dụng sức mạnh của dư luận và trí tuệ nhân dân, học giả và chuyên gia các giới Việt Nam trong và ngoài nước để tác động đến nhân dân thế giới và những nhà đàm phán Trung Cộng.
Những tác động này phải đủ mạnh và kiên trì, nhưng đồng thời cũng khẳng định thiện chí đàm phán và hợp tác hòa bình với Trung Cộng.
Việt Nam cần đưa vấn đề Hoàng Sa ra đàm phán song phương với phía Trung Cộng cùng lúc phân tích cái lợi của việc đàm phán này đối với các lợi ích khác của Trung Cộng như sức mạnh mềm, bình an ở vùng biển phía Nam để phát triển kinh tế của họ.
Hơn hết, việc đưa tranh chấp Hoàng Sa vào phạm vi điều chỉnh của COC cũng như các văn bản khác trong tương lai cũng là điều đặc biệt phải quan tâm.
Việt Nam có lẽ cũng cần vận dụng khéo léo các vị thế mà mình đang có để mặc cả với Trung Cộng nhằm có được sự thức tỉnh của Trung Cộng rằng đàm phán song phương và hòa bình là cách mà Trung Cộng sẽ được nhiều hơn về uy tín trên trường quốc tế.
5- Đòi chủ quyền Hoàng Sa thông qua con đường tài phán quốc tế
Trước hết, cần có một cơ quan đặc biệt được lập ra để chuẩn bị cho chứng cứ pháp lý và lịch sử, sẵn sang cho việc đưa tranh chấp Hoàng Sa ra Tòa Án Công Lý Quốc tế (IJC).
Chúng ta cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm từ những vụ án xét xử tranh chấp lãnh thổ giữa các nuớc Malaysia, Singapore, Indonesia, Campuchia, Thái Lan.
Sau đó, cần tạo cơ sở pháp lý để có thể đưa tranh chấp Hoàng Sa ra Tòa án Công lý Quốc tế.
Theo luật quốc tế, Tòa chỉ có thẩm quyền giải quyết một tranh chấp một khi tất cả các bên trong tranh chấp công nhận thẩm quyền của Tòa cho vụ tranh chấp đó. Sự công nhận này có thể thực hiện theo ba cách[9] :
- Cách thứ nhất: Một tuyên bố đơn phương : theo quy định tại Điều 36, Quy chế Tòa án Công lý Quốc tế (vốn là một bộ phận không thể tách rời của Hiến chương Liên Hiệp Quốc), một Quốc gia là thành viên của Quy chế Tòa án Công lý Quốc tế có thể tự nguyện ra một tuyên bố đơn phương công nhận thẩm quyền xét xử của Tòa là bắt buộc đối với bất kỳ Quốc gia nào khác cũng có tuyên bố chấp nhận như vậy. Hệ thống điều khoản tùy nghi này đã tạo ra một nhóm các quốc gia công nhận thẩm quyền xét xử của Tòa đối với bất kỳ tranh chấp nào phát sinh giữa các quốc gia đó với nhau trong tương lai. Về nguyên tắc, bất kỳ nước nào trong nhóm này cũng có quyền đưa một hay nhiều quốc gia trong nhóm ra trước Tòa. Các tuyên bố có thể chứa các bảo lưu nhằm hạn chế thời hạn của tuyên bố hoặc loại trừ một số loại tranh chấp. Các quốc gia đăng ký tuyên bố này với Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc. Hiện Trung Cộng chưa đưa ra tuyên bố này.
- Cách thứ hai: Thông qua một thỏa thuận đặc biệt : Việt Nam và Trung Cộng có thể đồng ý cùng đưa tranh chấp ra Tòa và ký kết một thỏa thuận để đưa ra Tòa ;
- Cách thứ ba: Thông qua một điều khoản trong một hiệp ước. Hiện có trên 300[10] điều ước quốc tế chứa compromissory clauses theo đó các bên cam kết trước là sẽ chấp nhận thẩm quyền xét xử của Tòa nếu có tranh chấp phát sinh từ việc giải thích hoặc áp dụng điều ước đó. Trong COC, vốn đang được đàm phán, Việt Nam, Trung Cộng và các bên ký kết có thể ký kết một điều khoản công nhận thẩm quyền của Tòa cho tất cả các tranh chấp liên quan đến biển và đảo trên Biển Đông. Chúng tôi sẽ phân tích tương tác chiến lược cho việc đám phán một điều khoản như vậy trong một cơ hội sau.
Hiện tại, trong cả ba cách trên, Trung Cộng chưa hề thực hiện cách nào để công nhận thẩm quyền xét xử của Tòa cho tranh chấp Biển Đông. Vì vậy, Việt Nam không thể khởi kiện Trung Cộng trước Tòa để giải quyết tranh chấp về Hoàng Sa.
Trong tương lai, chúng ta cần đàm phán, gây áp lực với Trung Cộng nhằm đạt được một sự đồng ý của Trung Cộng nhằm đưa tranh chấp Hoàng Sa ra trước ICJ theo cách thứ hai và thứ ba.
Công việc này đòi hỏi sự bền bỉ và thời gian, có thể trãi qua nhiều thế hệ. Vì vậy các kinh nghiệm về đấu tranh, kiến thức về đàm phán, pháp luật, lịch sử cũng cần được học tập và ứng dụng một cách lâu dài.
6- Kết luận
Phổ biến thông tin một cách sâu rộng trong toàn thể các tầng lớp nhân dân và kiều bào là điều cần thiết để có sự hậu thuẫn cao nhất cho sự nghiệp lớn này. Nhân dân Việt Nam có thông thì mới gia tăng sức mạnh của ngoại giao nhân dân và tác động mạnh mẽ đến nhân dân Trung Cộng và Hoa kiều trên toàn thế giới. Chúng ta rất cần có một lời kêu gọi toàn quốc tập trung chứng cứ về Hoàng Sa và đồng thời kiến nghị các học giả Việt Nam trong và ngoài nước cung cấp, phân tích và hệ thống hóa các chứng cứ này.
Thành lập một cơ quan chuyên trách, làm đầu mối và quy tụ các trí thức am hiểu về ngoại giao, sử học, công pháp quốc tế, Trung Cộng học để liên tục đưa ra yêu cầu để giải quyết và khẳng định chủ quyền Hoàng Sa một cách thiện chí và hòa bình.
Việt Nam chọn thời điểm để nêu sự việc khôi phục và thu hồi Hoàng Sa ra tại các diễn đàn thế giới và khu vực để chuẩn bị dư luận ngoài nước.
VN sẽ nêu sự việc này ra tại các tòa án quốc tế khi chín mùi và dĩ nhiên khi Trung Cộng đã chấp nhận tuân theo quyền tài phán của một cơ chế tài phán nào đó.
[1] Các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và luật pháp quốc tế, sách trắng của Bộ Ngoại giao Việt Nam, 1988
[2] Quang Đức-Hà Thương, Báu vật gia tộc và bằng chứng Hoàng Sa
[3] Wójciech Góralczyk, Stefan Sawicki, Đại cương công pháp quốc tế, Warszawa, Wydawnictwo Prawnicze LexisNexis, 2007.
[4] Jean-Pierre Ferrier, Le conflit des iles Paracels et le problème de la souveraineté sur les iles inhabitées, Annuaire francais de droit international, vol.21, 1975
[5] Monique Chemillier-Gendreau, Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Hà Nội, 1998
[6] Monique Chemillier-Gendreau, sđd
[7] Rowiński Jan, sđd
[8] Nguyễn Hồng Thao, Luật quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Viện Luật kinh tế biển Monaco 2000
[9] Xem ICJ, Frequently Asked Questions, trên mạng, http://www.icj-cij.org/information/index.php?p1=7&p2=2#2
[10] Ibid.
No comments:
Post a Comment