Friday, November 4, 2011

Khốn cho người nghèo!

Khốn cho người nghèo!
Lữ Giang
Đảng Cộng Hoà ở California vừa gởi đến các đoàn viên của họ một tờ kiểm tra với 27 câu hỏi, trong đó có nhiều câu hỏi liên quan đến chính sách của Tổng Tống Obama, chẳng hạn như: “Quý vị có ủng hộ việc hủy bỏ Chương Trình Săn Sóc Sức Khỏe của Obama và thay chương trình đó bằng một chương trình nào đó sẽ làm giảm bớt chi phí săn sóc sức khỏe cao mà vẫn giữ được phẩm chất của sự săn sóc?” Nhìn chung, những câu hỏi được đưa ra toàn là những kiểu hỏi mánh mung để quy lỗi cho Đảng Dân Chủ và Tổng Thống Obama.
Ai cũng biết hiện nay, mặc dầu nước Mỹ đang trong giai đoạn suy thoái kinh tế trầm trọng, Đảng Cộng Hoà vẫn cố gắng bảo vệ bằng mọi giá những sự ưu đãi đã dành cho giới đại tư bản Mỹ từ thời Tổng Thống Bush. Trong khi đó, các nhà đại tư bản trong các lãnh vực chứng khoán, ngân hàng, địa ốc, thế chấp... là thủ phạm đưa nền kinh tế Mỹ và thế giới xuống vực thẳm. Đó là vấn đề mà nhiều người muốn đặt với Đảng Cộng Hoà. Chiến dịch “Occupy Wall Street” đang được tiến hành khắp nơi cũng chỉ để nói lên vấn nạn đó và đòi hỏi những sự thay đổi.
VÌ AI CHO NÊN NỔI NÀY?
Những tác hại mà các tập đoàn tư bản Hoa Kỳ vì lòng tham vô độ đã gây ra cho nước Mỹ và thế giới rất nhiều, ở đây chúng tôi chỉ xin ghi lại những điểm chính.
1.- Các vụ lừa đảo cho vay thế chấp bất động sản
Kể từ năm 2007, để kiếm được nhiều lời, các ngân hàng tài trợ địa ốc đã thổi giá nhà lên cao rồi cho lập hồ sơ tín dụng gian dối để có nhiều người được vay tiền mua nhà, mặc dầu trong thực tế họ không hội đủ điều kiện quy định. Khi Fannie Mae và Freddie Mac “chứng khoán hoá” các hồ sơ tín dụng này để bán trên thị trường, người ta khám phá ra giá nhà được định không phù hợp với giá thực tế và số nợ cho vay không an toàn. Sợ FANNIE MAE và FREDDIE MAC là hai cơ quan chuyên mua và “chứng khoán hóa” các khoản thế chấp nhằm bảo đảm về tài chính cho các tổ chức cho vay tiền mua nhà ở, có nguy cơ bị phá sản, cuối năm 2007 Tổng Thống Bush đã phải cho tung ra 140 tỷ USD để cứu vãn tình hình. Sau này, chính quyền Obama cũng phải tài trợ thêm cho hai định chế tài chánh này. Tính đến nay, Tổng Tống Obama phải bỏ ra 150 tỉ USD cho Fannie Mae và 91 tỉ USD cho Freddie Mac để giải cứu nợ xấu!
Báo New York Times cho biết một viên chức dấu tên nói rằng các tập đoàn tài chánh này đã dùng các thủ đoạn gian dối, gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay: “Thổi phồng tài sản của một số thân chủ, thậm chí khai gian sổ sách" để bán lại các khoản nợ xấu ra thị trường kiếm lời. Chính cuộc chạy đua theo lợi nhuận một cách bất chính này là nguyên nhân dẫn tới hai cuộc khủng hoảng địa ốc và sau đó là cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu kể từ năm 2008.
Bản ước tính của Qũy Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) vào tháng 4 năm 2008 cho thấy riêng việc nhà đất mất giá và các ngân hàng không thu hồi được nợ từ cho vay thế chấp đã làm mất 565 tỷ USD. Nếu cộng với các khoản cho vay khác, cổ phiếu của các công ty địa ốc mất giá và thiệt hại từ khủng hoảng tín dụng tại Mỹ, tổng số thiệt hại lên tới 945 tỷ USD.
Ngày 2.9.2011, Cơ quan Tài trợ Nhà đất Liên bang (Federal Housing Finance Agency - FHFA) đã chính thức kiện 17 tập đoàn tài chính và ngân hàng về việc gây nhiều thiệt hại cho đất nước trong vụ khủng hoảng tín dụng nhà đất, trong đó có Bank of America, Goldman Sachs, Citigroup, JPMorganChase, Deutsche Bank, HSBC, Barclays, Nomura, Société Générale, Merrill Lynch, The Royal Bank of Scotland... Riêng JP Morgan Chase gây thiệt hại hơn 33 tỷ USD.
2.- Ngân hàng sập tiệm, chính phủ bồi thường tiền ký thác.
Theo đạo luật Glass–Steagall Act năm 1933, các ngân hàng phải mua bảo hiểm cho mỗi trương chủ ký thác. Nếu ngân hàng bị vỡ nợ, chính phủ sẽ bồi thường cho mỗi trương chủ có bảo hiểm tối đa là 250.000 USD. Nếu muốn được bảo hiểm nhiều hơn số tiền đó, phải mở thêm trương mục tại một ngân hàng khác.
Tuy nhiên, Cơ Quan Bảo Hiểm Tiền Ký Thác Liên Bang (Federal Deposit Insurance Corporation - FDIC) cho biết có 380 ngân hàng ở Mỹ bị đóng cửa vì không hội đủ tiêu chuẩn, trong đó có ngân hàng đã không mua bảo hiểm tiền ký thác, khiến một số trương chủ bị mất trên 218 triệu USD.
Kể từ năm 2007, số ngân hàng làm ăn thua lỗ quá nhiều nên chính phủ phải bồi thường một số tiền ký thác quá lớn. FDIC cho biết năm 2008, có 25 ngân hàng bị đóng cửa. Năm 2009, số ngân hàng bị đóng cửa là 140, chính phủ phải bồi hoàn tiền ký thác là 36 tỷ USD. Năm 2010 số ngân hàng bị đóng cửa lên đến 157 nhưng thuộc lại nhỏ nên chính phủ chỉ bồi thường gần 21 tỷ USD. Năm 2011, cho đến nay đã có 76 ngân hàng bị đóng cửa.
ƯU ĐÃI NHÀ GIÀU
Như chúng tôi đã nói, khi Tổng Thống Clinton rời khỏi chính quyền, ngân sách Mỹ thặng dư 230 tỷ. Vì thế, trong hai năm 2001 và 2003, Tổng Thống Bush đã trình Quốc Hội thuộc Đảng Cộng Hoà hai dự luật giảm thuế cho nhà giàu trong vòng 10 năm. Đảng Cộng Hoà thông qua dễ dàng hai dự luật có tên sau đây:
- Economic Growth and Tax Relief Reconciliation Act of 2001 (EGTRRA)
- Jobs and Growth Tax Relief Reconciliation Act of 2003 (JGTRRA)
Nội dung của hai dự luật khá phức tạp. Trong bài “Lower tax rates for the rich” (Thuế suất thấp cho người giàu) bà Laura Conaway đã cho biết theo tài liệu “Adjusted Gross Income” của IRS dựa trên các dữ kiện 2009 thì những người lãnh từ 10 triệu USD một năm chịu thuế 22%, từ 1 triệu đến 10 triệu USD chịu thuế 25%, từ 50.000 đến 75.000 USD chịu thuế 7%, v.v.
Những lợi tức kiếm được nhờ đầu tư chỉ phải đóng thuế 15%. Ông Buffett, một nhà đầu tư tỷ phú, nói rằng luật thuế không công bằng, cho phép ông được trả thuế lợi tức liên bang năm ngoái chỉ 17%, tức chỉ bằng một nữa thuế suất mà thư ký ông phải trả.
Theo Tổng Thống Bush, biện pháp này sẽ giúp các nhà đại tư bản Mỹ có thêm vốn đầu tư làm cho nền kinh tế Mỹ phát triển mạnh hơn. Số thuế được giảm này được dự trù vào khoảng 2000 tỷ USD trong 10 năm. Nhưng trong thực tế, biện pháp này chẳng những không làm kinh tế phát triển hơn mà còn làm ngân sách từ thặng dư đi đến thâm thủng nặng mỗi năm: 2003 thâm thủng 374 tỷ, 2004 là 413 tỷ, 2005 là 368 tỷ v.v.
Trên nguyên tắc, biện pháp giảm thuế này phải chấm dứt vào ngày 31.12.2010. Nhưng khi Tổng Thống Obama xin đưa mức trần nợ lên thêm thêm 2.400 tỷ USD đủ để nước Mỹ có thể tiếp tục vay mượn tiền đến năm 2013, Đảng Cộng Hoà bắt phải cắt giảm chi tiêu 2.500 tỷ USD và tiếp tục giảm thuế cho nhà giàu thêm 2 năm 2011 và 2012 nữa. Ông Obama đành chấp nhận để Quốc Hội thông qua mức nợ trần!
MÓC TÚI NHÀ NGHÈO BÙ CHO NHÀ GIÀU
Thông thường, mỗi khi có khủng hoảng về tài chánh, các chính phủ thương áp dụng hai biện pháp căn bản sau đây: Thứ nhất là tăng thuế và thứ hai là cắt giảm chi tiêu. Nhưng với cuộc khủng hoảng tài chánh ở Mỹ hiện nay, Đảng Cộng Hoà đã ngăn chận không cho tăng thuế nhà giàu và chỉ được phép cắt giảm chi tiêu. Đây là phương cách bảo vệ nhà giàu, tức các tập đoàn tài chánh đã đưa các chính khách vào các chức vụ then chốt trong chính quyền.
Một câu hỏi được đặt ra là cắt giảm những khoản nào? Về quốc phòng, có thể giảm bớt ngân sách theo số quân rút dần khỏi Iraq và Afghanistan, nhưng khó cắt các khoản khác vì các nhà tư bản đấu thầu quốc phòng “vận động hậu trường” rất mạnh để Quốc hội đừng cắt.
Loại thứ hai có thể cắt giảm là sa thải bớt nhân viên của một số cơ quan như DMV, Bưu Điện, Xã Hội, Giáo Dục, v.v. Như vậy số người thất nghiệp sẽ gia tăng, tức gia tăng số người nghèo. Tổng Thống Obama cũng đã đưa ra một dự luật xin 447 tỷ để tăng công ăn việc làm cho dân chúng, nhưng Đảng Cộng Hoà đòi phải đưa ra một khoản thu hay giảm chi tương đương. Tống Thống liền đề nghị thu thêm thuế nhà giàu 453 tỷ để bù đắp vào, Đảng Cộng Hòa bác ngay.
Loại cắt giảm thứ ba là cắt giảm MEDICARE, tức các khoản tài trợ cho các dịch vụ săn sóc những người bệnh tật và người già trên 65 tuổi. Theo tài liệu mới công bố thì số người hưởng các dịch vụ này đã lên đến 55 triệu.
Hôm 19.9.2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra kế hoạch khống chế nợ công và cắt giảm thâm hụt ngân sách của Mỹ. Ông nhấn mạnh rằng sẽ không được cắt giảm phúc lợi xã hội (Medicare và Medicaid) nếu không đồng thời tăng thuế đánh lên những người giàu nhất và các công ty lớn nhất. Nhưng ông nói thì nói vậy, còn Đảng Cộng Hoà có chấp thuận hay không lại là một chuyện khác. Vã lại, dù có tăng thuế nhà giàu, những quyền lợi thiết yếu của những người bệnh tật và những người già vẫn phải bị cắt để bù cho những thiệt hại mà một số tập đoàn nhà giàu đã gây ra.
Hôm 27.10.2011 vừa qua, Trung Tâm Dịch Vụ Medicare và Medicaid (CMS) vừa chấp nhận cho California cắt giảm ngân sách Medi-Cal (Medicaid) 10%, tức khoảng 623 triệu USD. Với sự cắt giảm này, rất nhiều dịch vụ sẽ bị cắt bỏ như săn sóc tại gia, nha khoa, nhãn khoa, v.v., hạn chế số lần đi khám bệnh mỗi năm và bệnh nhân có thể sẽ phải trả thêm một số các khoản phụ phí (co-payment) chẳng hạn như tiền thuốc, tiền vào bệnh viện vì trường hợp khẩn cấp, tiền nằm bệnh viện, v.v. Như vậy số tiền trợ cấp xã hội sẽ được gia tăng 3,6% vào năm 2012 không đủ để bù đắp vào các khoản phải trả thêm.
Trên đây là những hình thức móc túi nhà nghèo bù đắp cho những thiệt hại mà một thiểu số nhà giàu làm ăn bê bối đã gây ra.
XÃ HỘI TƯ BẢN LÀ “CỦA 1%, DO 1% VÀ VÌ 1%”?
Giáo sư Jefferey Sachs, một nhân vật nổi tiếng tại Đại học Columbia ở New York, đã nói với BBC rằng chính quyền và cơ chế hiện nay của Hoa Kỳ, và có thể nói là của thế giới tư bản nói chung, là “của 1%, do 1% và vì 1%”. Theo ông, khoảng cách giàu nghèo đã tăng mạnh tại các nước phát triển, nhất là tại Hoa Kỳ, nơi 1% hộ gia đình hiện có thu nhập chiếm 20% thu nhập của cả nước, so với 10% của năm 1980.
Lợi tức của nhà giàu đã tăng lên nhờ đạo luật giảm thuế cho nhà giàu năm 2003 của Tổng Thống Bush, sau đó họ làm sụp đổ nền tài chánh của Hoa Kỳ, đưa nền kinh tế vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng.
Người ta tin tưởng rằng các nhà đại tư bản Mỹ có nhiều chuyên gia có đầu óc lớn và tài ba, sẽ giúp đưa dần nước Mỹ trở lại tình trạng bình thường. Tiến sĩ Anne Marie thuộc Đại học Princeton nói rằng những khó khăn hiện nay của Hoa Kỳ chỉ là "tạm thời" và Washington cũng đã từng trải qua những giai đoạn tương tự. Bà tin chắc Hoa Kỳ có năng lực "tự đổi mới" và giới trẻ luôn được đào tạo để "thách thức quyền lực".
Ông Michael Moore một người làm phim nổi tiếng, đang tham gia phong trào “Occupy Wall Street”, cho biết tình trạng hiện nay như sau:
- 400 người Mỹ giàu nhất có nhiều tài sản hơn tổng tài sản của 150 triệu người Mỹ khác.
- 50 triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế.
- Hơn 46 triệu người Mỹ sống trong nghèo khổ.
- Từ 13 tới 18 triệu trẻ em Mỹ thiếu dinh dưỡng.
Nhưng ông tin tưởng rằng cũng giống như phong trào đòi quyền bầu cử của phụ nữ cách đây khoảng 100 năm, nhiều người có thể cho rằng các cuộc xuống đường “Chiếm Phố Wall” là “kỳ quặc” nhưng sự khởi đầu hiện nay có thể mang lại những thay đổi lớn.
Người Việt gọi các nhà nhà đại tư bản Mỹ là “siêu cộng sản” nên họ cũng sẽ có phong cách hành động như cộng sản. Họ không bao giờ thay đổi ngay khi đang bị áp lực từ bên ngoài. Họ sẽ tự thay đổi khi đến thời gian thích hợp. Tuy nhiên, chờ cho đến khi các nhà đại tư bản chịu thay đổi thì đất nước phải sống trong giai đoạn hoảng loạn quá dài và nhiều người lâm cảnh khốn cùng. Trâu bò húc nhau, người nghèo chết oan!
Ngoài ra, mùa bầu cử sắp đến, nó quan trọng hơn bất cứ biến cố nào xẩy ra tại đất nước này hay trên thế giới. Các chính khách do các nhà đại tư bản đưa ra để nắm chính quyền và bảo vệ quyền lợi của họ, sẵn sàng hy sinh nhiều quyền lợi khác của đất nước để đạt mục tiêu cuối cùng là thắng cử. Vì thế, nhiều người tin rằng từ nay cho đến ngày bầu cử, sẽ có nhiều độc chiêu rất ngoạn mục được tung ra để đánh hạ nhau.
Ngày 1.11.2011
Lữ Giang

No comments:

Post a Comment