Phương Tây qua lăng kính của mẹ
Đây là lời dẫn loạt bài viết Những cuộc hành trình của trái tim trần trụi, SGTT Nguyệt san sẽ khởi đăng từ số báo này. Tác giả Phương Mai – là tiến sĩ giảng dạy đàm phán đa văn hoá tại đại học Kinh tế Amsterdam (SGTT Nguyệt san số tháng 10.2010 đã có bài phỏng vấn Phương Mai – Độc thân và vẫn long lanh), từng làm báo, nên câu chuyện về hành trình và kinh nghiệm qua 60 quốc gia mà chị đã đặt chân đến rất lôi cuốn và nhiều bất ngờ. SGTT Nguyệt san xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Mẹ tôi rất đặc biệt. Mẹ đã hơn 70 tuổi nhưng vẫn giỏi biết làm duyên. Điện thoại gọi cho mẹ nhiều hơn cho tôi. Các ông thì phải nói, xum xoe xung quanh.
Có lần tôi nín thở theo dõi một ông len lén luồn một cái cặp lồng canh cá qua khe cửa sổ để mẹ đi tập thể dục về có cái lót bụng. Mẹ có một tình yêu hồi 17 tuổi kiểu chỉ dám nhìn nhau, sau đó chiến tranh thất lạc, không ngờ trong suốt 50 năm người con trai ấy vẫn luôn cố công tìm kiếm. Họ đoàn tụ khi tóc đã bạc, trở thành tình bạn già và bây giờ tôi có bố nuôi. Nói chung là mẹ hơn đứt tôi về khoản quyến rũ (!). Đấy là chưa kể tài thu phục nhân tâm, con cháu bạn bè trót hư trót dại nghe mẹ thủ thỉ vài câu là thú tội, bọn thanh niên choai choai khi ngồi xuống ghế hãy còn vô thần, nghe mẹ kể vài câu chuyện là lúc đứng dậy đã chắp tay “A di đà” chính thức trở thành tín đồ Phật giáo…
Mẹ và con gái trên dặm trường đi phượt. |
Khó có thể tưởng tượng mẹ là người thất học. Trình độ văn hoá lớp 3. Gia đình phố thị hẳn hoi nhưng cảnh nhà lâm nạn có thời phải đi ăn xin, suýt chết đói phải nhai cả cuống cà, vào bộ đội mới biết một bữa no. Khi tôi có học bổng du học, mẹ là người duy nhất ủng hộ tôi từ bỏ công việc chức cao lương to nhiều bổng lộc để trở lại thành sinh viên. Từ hồi ba mất, tôi tâm niệm hễ có dịp là đưa mẹ ra nước ngoài chơi, mẹ khoái lắm, bảo có tiền cứ đi là sướng, đi một ngày đàng học một sàng khôn, đi hẳn nước ngoài, cái khôn mẹ gặt hái được nhiều phải chia bớt cho người khác mới hết…
Mẹ bổ khuyết cho dịch vụ hàng không
Mẹ bay sang châu Âu một mình rất oách, thậm chí còn tự thu xếp chiếm được hẳn một dãy ghế trống để ngả lưng chỉ bằng mỗi chiêu mếu máo chỉ vào chân. Mẹ bảo đi hãng máy bay của nước ngoài rất mệt, thứ nhất là cứ luôn phải nhắc nhở bà con người Việt mình vặn nhỏ volume nói chuyện vì tiếp viên liên tục kín đáo nhăn mặt. Thứ hai là cái bọn Tây toàn phải phục vụ khách quốc tế mà sao ngốc thế, không thông minh bằng bọn cò nhà hàng ngoài vỉa hè ở Việt Nam. Cái thực đơn toàn tiếng Anh phải giải thích đứt hơi, chỉ cần in một cái ảnh chụp món ăn vào là nhà nhà hạnh phúc người người hạnh phúc. Nói là làm, mẹ xắn tay… vẽ một hình con gà và một hình con cá lên mẩu giấy ăn và đưa cho tiếp viên. Bọn này răm rắp nghe lời, lễ phép chìa mẩu giấy cho tất tần tật dân mù tiếng Anh trên chuyến bay. Lúc hạ cánh, phi hành đoàn ai cũng nhìn mẹ dạt dào trìu mến.
Vượt qua đường cao tốc kiểu – mẹ. |
Mẹ định nghĩa giao thông
Tây sang Việt Nam sợ nhất đi qua đường. Mẹ sang Tây cũng sợ nhất đi qua đường. Mẹ bảo giao thông ở Tây như rôbốt không biết cân nhắc nghĩ suy, cứ thấy đèn xanh là phóng không thèm nhìn ngó, thiết bị định vị bảo rẽ trái là rẽ, kể cả có đâm xuống sông (mà đúng là đã có trường hợp như thế thật). Giao thông ở Việt Nam xe cộ sàng sảy véo qua véo lại trông có vẻ nhộn nhạo thế thôi, nhưng ai cũng để ý ngó nghiêng nhau, thế nên không cần vạch ngựa vằn cũng có thể qua đường được, đi đứng có loạng quạng tí cũng không dễ mà bị cán chết. Giao thông tuy hỗn loạn nhưng là một sự hỗn loạn có tình người.
Mẹ và những cú “nghịch dại” nhớ đời
Mẹ vua liều. Cộng thêm cái tính tò mò nên hai mẹ con đi chơi với nhau mà không có người thứ ba đóng vai trò cản mũi kỳ đà thì rất là nguy hiểm.
Lần đầu tiên đến công viên Disney, mẹ hí hửng bảo cho tao đi thử cái roller coaster – vòng quay xoắn ốc. Anh chàng hướng dẫn hỏi mẹ bao nhiêu tuổi, vì trên 60 là không được phép đi. Mẹ bấm tay tôi bảo: “Nói bớt hẳn 15 tuổi con nhé!” May mà gã này không tin, bắt xì giấy tờ chứng minh. Hôm ấy mà cứ bước đại lên thì mẹ tôi cứ gọi là cả đời bước xoắn quẩy.
Vụ thứ hai xảy ra khi hai mẹ con đi ăn về tình cờ tản bộ qua King Cross – khu ăn chơi đàng điếm xấu tiếng nhất Sydney. Mẹ nhìn thấy một cửa hàng trưng bày hai cô manơcanh ăn mặc đồ chíp rất ấn tượng thì tò mò xông thẳng vào tôi ngăn không kịp. Đấy là cái sex shop, giời ạ! Tưởng mẹ sẽ te tái chạy ra xấu hổ đỏ mặt, nào ngờ một lúc lâu sau thấy cả một lũ nhân viên tíu tít theo chân mẹ ra tận cổng vẫy tay chào.
Mẹ hiên ngang xông thẳng vào sex shop. |
Nhưng hãi hùng nhất là mẹ lười đi vòng nên quyết định… trèo hàng rào để vượt qua bên kia đường cao tốc bắt taxi cho nhanh. Anh bạn đi cùng hết hồn quên cả hiểm nguy xông ra trợ giúp. Trong suốt mấy phút hì hục vượt rào ấy, hàng trăm cái ôtô cả cùng chiều lẫn ngược chiều thi nhau bóp còi inh ỏi. Nhớ đời.
Buổi tối hôm ấy, tôi nhận được một lời tỏ tình. Đoạn tái bút của lời tỏ tình ấy là lời hứa tôi sẽ được yêu nồng nàn với tổng thời gian ít nhất là 40 năm với điều kiện: càng già càng phải giống mẹ...
Mẹ giúp giáo sư Tây hoạch định lại cuộc đời
Sang Hà Lan được một thời gian, mẹ đưa ra một nhận xét chí lý là người mình trọng tuổi già còn dân Tây trọng tuổi trẻ. Hỏi sao mẹ đoán tài thế, mẹ bảo có gì khó đâu, mẹ lúc nào cũng hớn hở khoe mình ngần này tuổi (ý là chúng mày thấy tao thọ không), nhưng chẳng ai khoe lại mẹ tuổi của mình cả. Rồi mẹ thêm: “Với lại ở mình người già mới chăm tập thể dục còn ở Tây chắc quan niệm già thì đằng nào cũng hết đát, kiểu gì cũng sẽ lung lay lỏng lẻo nên chẳng ai cần quan tâm giữ gìn
sức khoẻ chi hết. Năm mấy tuổi ở nhà mình đàn bà hồi xuân chồng lo sốt vó mà bên này ai cũng xộc xệch quá chừng”.
sức khoẻ chi hết. Năm mấy tuổi ở nhà mình đàn bà hồi xuân chồng lo sốt vó mà bên này ai cũng xộc xệch quá chừng”.
Mẹ gặp hai ông giáo sư hướng dẫn luận án cho tôi tại bữa tiệc sau khi bảo vệ tốt nghiệp. Chưa kịp giới thiệu làm quen thì tôi hết hồn thấy mẹ đang… trồng cây chuối biểu diễn các kiểu tư thế yoga cho cả một bộ sậu giáo sư tiến sĩ xem. Tôi vừa buồn cười vừa tự hào, đứng nép sau cửa nhìn vào phòng khách nơi mẹ đang quay mòng mòng với cả một vòng tròn khán giả đứng xung quanh vỗ tay nhiệt thành cổ vũ, hệt như xem một pha biểu diễn nhảy hip hop trên đường phố. Mỗi khi mẹ hoàn thành một động tác khó là lại có mấy gã đồng nghiệp thò tay vào mồm khoái chí huýt sáo vang nhà.
Vị khách đầu tiên của Sydney Aquarium sáng chế ra kiểu nằm bò ra đọ chiều dài cơ thể với… cá mập. |
Sau vụ đó, giáo sư Albert bảo tôi là ông ấy nhìn mẹ mà cảm thấy xấu hổ vô cùng, rằng ông nhận thấy mình đã sống vô trách nhiệm với bản thân như thế nào, đã tự tước bỏ quyền được hồn nhiên vui sống ra sao. Tôi phải cất công an ủi mãi mới nguôi. Hôm nọ nhận được email thấy ông kể đã xin nghỉ hưu sớm để luyện tập chinh phục Mont Blanc.
Mẹ hạ bệ tháp Eiffel
Hai mẹ con sang Pháp chơi, phi thẳng đến tháp Eiffel như bao kẻ du lịch tầm thường khác. Mẹ ngó lên cái tháp cao vòi vọi rồi buông một câu: “Cái cột điện này to nhỉ? Nhưng mà thô và xấu quá!”.
Tôi hết hơi thuyết phục mẹ rằng đây đích thị là một kỳ quan hiếm có với số lượng khách tham quan phải xì tiền ra để chiêm ngưỡng cao nhất thế giới luôn. Mẹ buông một câu: “Mày thế mà ngốc, thấy thiên hạ bảo đẹp thì cũng kêu đẹp là sao. Con mà không bảo cái cột điện này nổi tiếng thì mẹ cũng chẳng biết. Nhìn xấu hoắc, đau cả mắt!”
Lần đầu tiên nhìn thấy Tây đen mẹ sán đến làm quen và được mời uống bia xả láng! |
Vấn đề là mẹ đúng, thế mới đau. Tháp Eiffel lúc mới xây xong với tư cách là cái cổng chào cho festival mừng 200 năm cách mạng Pháp bị la ó phản đối rầm rầm. “Nhìn đau cả mắt” không chỉ là câu phát ngôn của mẹ mà còn là của vô số các nhân vật tầm cỡ khác như nhà văn lẫy lừng Alexandre Dumas, người khai sinh ra dòng truyện ngắn hiện đại Guy de Maupassant, hay Charles Gounod – cha đẻ của bản Ave Maria bất hủ và tình khúc đẫm lệ Roméo et Juliette. Ông Maupassant thậm chí ngày nào cũng leo lên tháp ăn trưa vì “đó là nơi duy nhất ở Paris tôi không phải nhìn thấy cái tháp xấu xí này”. Eiffel may mắn không bị dỡ bỏ vì chính quyền Paris nghĩ cứ để đó làm cột điện có khi cũng tốt(!)
Khi tôi viết những dòng này, một chương trình du lịch của Anh tên là An idiot abroad đang lên sóng phần 2 rất ăn khách. Vì sao? Đơn giản là do nhân vật chính Karl hoàn toàn rất trung thực với cảm xúc của mình, không bị nói leo theo kiểu đi du lịch thích quá, ôi cái gì cũng thật là hay, thật là đặc biệt. Karl nói tượng chúa Jesus nổi tiếng ở Rio de Janeiro thô kệch với cái cằm quá khổ, Mexico đẹp không phải vì mấy cái kỳ quan mà là vì nhịp sống đầy màu sắc, hay ngôi đền Hồi giáo huyền
thoại Taj Mahal chẳng khác gì viên kim cương nằm trên đống cứt! (e hèm!)
thoại Taj Mahal chẳng khác gì viên kim cương nằm trên đống cứt! (e hèm!)
Tối hôm ấy về nhà “gu gồ” xong, tôi len lén nhìn mẹ thầm xấu hổ. Một bà già đến viết tên mình còn khó khăn dạy tôi một bài học đích đáng về cái gọi là nạn nhân của tư tưởng đám đông. Bỗng nhiên tôi thấy mình nhìn đám dân du lịch chĩa máy ảnh ồ à trầm trồ một cách rất nghi kỵ. Bao nhiêu trong số này ồ à vì thực sự thích? Bao nhiêu không thích mà vẫn cứ ồ à cho phải đạo? Bao nhiêu thậm chí chẳng thèm tự hỏi xem mình có thích hay không mà cứ gió chiều nào xoay chiều ấy?
Đưa mẹ đi chơi để mẹ mở mang đầu óc, rốt cục qua bao nhiêu chuyến đi, tôi nhận thấy hoá ra mình mới chính là kẻ có lãi.
Phương Mai
No comments:
Post a Comment