Friday, November 4, 2011

Giải quyết vấn đề Biển Đông: quân sự hay hòa bình

Giải quyết vấn đề Biển Đông:

quân sự hay hòa bình

Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2011-11-03
Nhân chuyến công du Trung Cộng hồi đầu tháng 10, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam ký kết với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Tầu một số văn kiện.

Thủy thủ Trung Cộng đứng trên một tàu khu trục tại Thượng Hải
vào ngày 22 tháng 9 năm 2011. AFP photo

Trong đó, văn kiện thỏa thuận những nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển cho thấy tranh chấp trên Biển Đông sẽ được giải quyết trong “hòa bình, hữu nghị”. Phải chăng điều này có nghĩa là chiến tranh sẽ không xảy ra trên Biển Đông giữa hai nước?

Mâu thuẫn

Kết quả của chuyến công du kéo dài năm ngày bắt đầu từ ngày 11 tháng 10 là 6 văn kiện được ký kết giữa hai vị tổng bí thư đảng cộng sản. Giữa lúc tình hình Biển Đông đang sôi nổi và phức tạp, văn kiện đáng chú ý nhất là “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Với văn kiện này, hai vị tổng bí thư đồng ý với nhau 6 điểm mà điểm đầu tiên cho thấy “làm cho biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị hợp tác”. Như vậy, bản tuyên bố chung cho thấy hai bên đã nhất trí giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh hải trong hòa bình và hữu nghị.
Phát biểu trên tờ Tuổi Trẻ hồi tuần trước, Thứ trưởng Bộ quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cho đây là thành công của hai nước và bản thỏa thuận đã làm dịu đi tình hình. Vị Trung tướng còn nói thỏa thuận một lần nữa khẳng định “quyết tâm của hai bên về việc xử lý vấn đề biển Đông bằng biện pháp hòa bình”.
Tuy nhiên, khi chữ ký của các văn kiện còn chưa ráo mực, người ta lại thấy xuất hiện những bài viết mang tính hiếu thắng và đe dọa khi tờ Hòa cầu Thời báo cho đăng bài xã luận nói rằng “nếu tình hình trở nên xấu đi, thì hành động quân sự là điều cần thiết”.
Đáng bàn cãi hơn, bài xã luận có đoạn “cần phải chuẩn bị tâm lý để nghe tiếng đại bác”.
Mặc dù phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Cộng cũng lên tiếng cho rằng Trung Quốc có chủ trương hòa bình, và tờ Hoàn cầu Thời báo không phải là cơ quan ngôn luận chính thức của đảng cộng sản Tầu; tuy nhiên, đây cũng là một tờ báo nhà nước và có sức lan tỏa rộng rãi. Sự hiếu thắng của truyền thôngTrung Quốc làm dấy lên những người ta nghi ngờ về mức độ “cam kết” trong các văn bản đã ký.
Thứ nhất, các văn kiện ký kết được thực hiện giữa người đứng đầu hai đảng. Cho nên xét cho cùng, nó chỉ đại diện và thể hiện được ý chí, nguyện vọng của đảng viên hai nước mà hoàn toàn không thể mang tính đại diện cho chính phủ hai nước.
Nói về phía Việt Nam, mặc dù thành phần tháp tùng cùng ông Nguyễn Phú Trọng được cho là hùng hậu. Mặc dù vậy, với cương vị Tổng bí thư một đảng, thì khó lòng cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng danh chính ngôn thuận đại diện cho gần 90 triệu dân Việt Nam. Thực tế, điều 84 hiến pháp 1992 quy định quyền và nghĩa vụ của quốc hội trong việc quyết định các vấn đề “biện pháp bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia”, cũng như “quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; phê chuẩn hoặc bãi bỏ các điều ước quốc tế đã ký kết hoặc tham gia theo đề nghị của Chủ tịch nước”.

Có tin được?

000_Hkg5492173-250.jpg
Các chiến sĩ hải quân VN xem mô hình "Trường Sa lớn",
hòn đảo thuộc chủ quyền VN kiểm soát hôm 21/10/2011. AF
 
Về phía Trung Cộng, khi ông Tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào tham gia ký kết với ông Nguyễn Phú Trọng, văn kiện ấy chỉ đại diện cho khoảng 70 triệu đảng viên, chiếm 5% dân số Trung Cộng. Vậy có điều gì lấy làm chắc chắn rằng 95% dân số còn lại sẽ đồng lòng với lập trường giải quyết tranh chấp trong hòa bình của đảng cộng sản Trung Quốc?
Vả lại, cho dù 95% dân số ấy còn lại cũng đồng tình với lập trường của đảng, thì một bản tuyên bố như thế cũng khó lòng trở thành một cái gì đó bảo đảm rằng các bên sẽ thực hiện nó. Lo ngại này không phải không có cơ sở nếu xét đến bản chất Trung Quốc trong những xung đột trong quá khứ với Việt Nam và đặt trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hoạt động tích cực trên biển Đông, xem nơi đây là lợi ích cốt lõi của mình. Nói như thế để thấy rằng muốn biết Trung Cộng có gây chiến trên biển Đông hay không, cách tốt nhất là nhìn đến hành động của họ hơn là tin tưởng vào một văn bản. Nhà nghiên cứu biển Đông Đinh Kim Phúc cho biết:
“Những thông cáo chung của hai chính phủ thường là vật để bảo đảm, nhưng bảo đảm đến mức nào thì tùy theo hai bên. Trong tình hình hiện nay, nguy cơ xung đột không còn là tiềm ẩn, mà chỉ cần một bên khiêu khích hay xâm phạm thì chiến tranh sẽ bùng nổ. Trước giờ thì chúng ta thấy Trung Cộng nói một đường làm một nẻo. Họ nói thì rất hay nhưng hành xử thì nên xem lại.”
Trước giờ thì chúng ta thấy Trung Cộng nói một đường làm một nẻo. Họ nói thì rất hay nhưng hành xử thì nên xem lại.
Ô. Đông Đinh Kim Phúc
Thứ hai, đối với một quốc gia, chủ quyền lãnh thổ lãnh hải là quan trọng nhất. Nó chính là yếu tố khẳng định sự tồn tại và mang tính sống còn của dân tộc. Chính vì thế mà một dân tộc có nền tự chủ, độc lập luôn coi việc giữ gìn lãnh thổ, lãnh hải làm tối thượng. Không có tình đồng chí, tình anh em hay một sự ký kết nào có thể quan trọng bằng chủ quyền dân tộc. Người ta có thể làm bất cứ điều gì có thể, kể cả chiến tranh để bảo vệ chủ quyền. Và có lẽ mọi xung đột giữa các quốc gia với nhau cũng đều bắt nguồn từ chủ quyền, mà vấn đề hòa bình ở Trung Đông hay tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc cùng các nước láng giềng là những ví dụ.
Gwynne Dyer, một nhà báo người Anh, chuyên viết sách về chiến tranh từng viết rằng: “Bạn có thể tấn công biên giới đất liền nếu bạn thực sự muốn, nhưng đó là một quyết định rất lớn với những hậu quả khôn lường. Đến cả một nước kiêu ngạo nhất cũng sẽ suy nghĩ thật kỹ càng trước khi quyết định. Và thường thì cuối cùng họ quyết định không chiến tranh. Trong khi đó trên biển, bạn có thể trôi dạt vào một cuộc đối đầu quân sự nghiêm trọng mà cả hai bên không hề muốn”.

Hy vọng ở Trung Cộng

000_Hkg5312144-200.jpg
Tổng thư ký ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng bắt tay
Ủy viên quốc vụ viện Trung Cộng tại Hà Nội hôm 7/9/2011. AFP

Cho đến thời điểm này, có thể thấy Trung Cộng rất quyết tâm trong việc tuyên bố chủ quyền tại gần như 80% biển Đông. Một khi họ đã tin và cho rằng đường lưỡi bò thuộc lãnh hải của mình, thì họ có thể làm mọi thứ, kể cả chiến tranh, để bảo vệ nó. Có lẽ vì không chứng minh được tính hợp pháp của mình đối với đường lưỡi bò mà Trung Cộng chưa có cơ sở tạo nên một cuộc chiến tranh; tuy nhiên nhìn vào cách Trung Cộng triển khai quân sự trên biển Đông và cách họ sẵn sàng bắn phá, bắt bớ ngư dân nước khác trong phạm vi đường lưỡi bò, khó lòng tin rằng Trung Cộng sẽ nhượng bộ hay từ bỏ đường lưỡi bò một cách dễ dàng. Nhà nghiên cứu biển Đông Nguyễn Đình Đầu cũng không thể chắc chắn về những tuyên bố hòa bình của  Trung Cộng:
“Chúng ta không có cái gì để làm chắc chắn được cả mà chỉ hy vọng thôi. Hy vọng là Trung Cộng sẽ có trách nhiệm trong việc bảo vệ hòa bình thế giới. Trung Cộng cũng có những hạn chế và trách nhiệm của mình để không gây chiến. Tôi hy vọng là Trung Cộng hiểu rằng không thể gây ra chiến tranh bởi vì nếu gây ra chiến tranh thì không những Việt Nam mà các nước khác sẽ phản ứng, trong đó có Đông Nam Á. Thêm vào đó, biển Đông là cũng là thủy lộ của thế giới”.
Có nhiều ý kiến phân tích cho rằng Bắc Kinh sẽ không gây ra chiến tranh vì nhiều lẽ, trong đó bao gồm cả sự thiếu cơ sở trong tuyên bố chủ quyền và cả sự khẳng định uy tín của một nước lớn. Nhưng chưa có ý kiến nào cho rằng Trung Cộng sẽ không ra chiến tranh chỉ vì dựa vào những tuyên bố chung với Việt Nam. Ông Đinh Kim Phúc nói:
“Trong thời đại ngày nay, không phải thời kỳ chiến tranh lạnh, Việt Nam còn có quốc tế, chính nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới. Nếu có xảy ra Trung Cộng sẽ là người trả giá lớn nhất”.
Hy vọng là Trung Cộng sẽ có trách nhiệm trong việc bảo vệ hòa bình thếgiới. Trung Cộng cũng có những hạn chế và trách nhiệm của mình để không gây chiến.
Ô. Nguyễn Đình Đầu
Trong cuộc phỏng vấn với báo Tuổi Trẻ vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng “đối với những tranh chấp, khác biệt trong vấn đề biển Đông thì độ tin cậy là yếu tố quyết định”. Không ai có thể đảm bảo rằng với những tuyên bố chung ấy, chiến tranh sẽ không xảy ra. Điều người ta có thể nói là “hy vọng”. Vả lại, càng không chắc chắn rằng chiến tranh không xảy ra vì lòng tin và sự giao hảo được thể hiện qua các văn bản vừa ký kết.
Hiện tại lời cảnh báo về tiếng đại bác trên biển Đông chỉ là tiếng nói của tờ Hoàn cầu Thời báo mà theo người phát ngôn của bộ Ngoại giao nước này - là tiếng nói của một số người Trung Quốc; tuy nhiên quả thực rất khó nói khi nào tuyên bố ấy sẽ là tiếng nói chính thức của đa số người Trung Cộng. Những tuyên bố chung về hòa bình trên biển Đông nếu muốn gọi là một bước tiến tốt đẹp thì có lẽ không thiếu lý. Nhưng tất cả còn phải dựa vào sự “nhìn thấy”, hơn là “nghe thấy” và “tin tưởng”.

Theo dòng thời sự:

No comments:

Post a Comment