GƯƠNG SỬ VIỆT
Cảm tác khi xem DVD “Hùng Ca Sử Việt.”
Một tên cán bộ Việt Gian Cộng Sản thuộc hàng lãnh đạo đã “bình” về Người Việt Tị Nạn Cộng Sản tại Hải Ngoại như sau: “Thường thì chúng chia rẽ lắm, nhưng khi nào chống Cộng (chống chúng ta) thì chúng rất nhất tri”, đại ý là như vậy, câu nói đó tuy nghe đã lâu, nhưng nó chợt hiện ra trong đầu tôi khi tôi xem DVD “Hùng Ca Sử Việt” của Asia. Trước đó mấy ngày, tình cờ, tôi được xem một đoạn phỏng vấn Trúc Hồ trên SBTN, đại ý Trúc Hồ nói rằng trước cuộc xâm lăng của Trung Cộng với sự giúp rập của Việt Cộng, người nghệ sĩ như anh chỉ còn một cách đem lời ca tiếng hát khơi dậy lòng ái quốc của hơn 80 triệu đồng bào để họ đứng lên lật đổ chế độ Cộng Sản và ngăn chận sự bành trướng của Bắc Kinh”. Anh Trúc Hồ cũng lập lại những lời này khi mở đầu giới thiệu cuốn DVD “Hùng Ca Sử Việt”. Mỗi người có mỗi cách phụng sự tổ quốc khác nhau. Ðúng! Nhưng khi nghe câu nói của Trúc Hồ tôi bỗng giựt mình. Thì ra là vậy! Thì ra, tiếng hát câu hò nó đi vào lòng người rất nhanh mà rất sâu đậm, rất đơn giản nhưng nhiều lúc làm cho người dân Việt Nam không ngăn được nước mắt và coi thường mạng sống mình để cứu nước. Ðó là trường hợp của tôi khi lần lượt xem DVD “Hùng ca Sử Việt”.
Nhưng không chỉ một mình tôi mà đã có quá nhiều người đã không ngăn được nước mắt. Không biết chúng tôi đã khóc vì tác động của những lời hát, tiếng đàn, nội dung và hình thức của âm nhạc hay ngán ngẩm cho những kẻ cam tâm bán nước, hay là thấy Ðất Nước đến lúc nguy nan mà mình chẳng làm được gì. Phần anh Trúc Hồ và những anh chị em nghệ sĩ, họ đã biết dùng sở trường của họ để khơi dậy lòng yêu nước của mọi người. Phải, nếu toàn dân ý thức trách nhiệm của mình mà đứng lên thì dù cho binh hùng tướng mạnh, vũ khí tối tân của địch cũng không thể nào dày xéo quê hương được.
Nhắc lại câu nói của tên Việt Cộng ở trên, ngày 22.10.2011 tôi ra tiệm bán sách mua một DVD “Hùng Ca Sử Việt” thì cũng có vài người đang hỏi mua. Thế mà chỉ 3 ngày sau, có nhiều người đi mua đã được trả lời: “Vừa mới hết. Vài ngày nữa sẽ có”. Hôm nay, tôi ra hỏi mua giùm cho bà chị, phải đi tới tiệm thứ 3 mới có. Việc làm của Trúc Hồ và tất cả những người cộng tác trong “Hùng Ca Sử Việt” đã có ảnh hưởng mạnh, đã được đáp trả.
Khi tôi đang xem dở Hùng Ca Sử Việt thì có điện thoại, tôi hơi bực mình, nhưng “điện thoại mà”. Ðầu dây bên kia lời nói của một ông già khiến tôi phải bấm “Pause”. Ông ta nói “Kiêm Ái mua Asia mới chưa? Tôi đã coi và (giọng cảm động) không cầm được nước mắt. Tôi quá xúc động và có làm một bài thơ. Tôi đem qua ông xem nghe. Ðược, nhưng độ 2 tiếng nữa được không? Tại sao? Tại tôi cũng đang coi…”.
Tác giả bài thơ là một cụ già, cụ Vũ Ðình Hậu, năm nay 84 tuổi. Như đã nhiều lần “tự thú” rằng tôi rất dốt về niêm luật của thơ, nhưng vẫn là tên “sính … đọc thơ”. Bài thơ như sau:
GƯƠNG SỬ VIỆT
Ngàn năm Nước Việt quả hào hùng
Nam Quốc Sơn Hà, Nam Ðế (cư) chung (1)
Phân núi, tấc sông, ta bảo vệ (2)
Ðồng lúa, nương dâu phát triển cùng (3)
Già trẻ rằng: Thất phu hữu trách (4)
Gái trai rường cột, Trái Tim Hồng (5)
Ðinh, Lý, Lê Trần, Trưng, Triệu… sử(6)
Ngàn năm danh tiếng vẫn lưu hùng.
Lão ông Vũ Ðình Hậu
Tháng 10 năm 2011
(1) Lý Thường Kiệt.
(2) Vua Lê Thánh Tông
(3) Vua Lê Thánh Tông
(4) Tục ngữ…
(5) Gái trai rường cột Ðất Nưóc
(6) Các Vị Anh Hùng, Liệt Nữ… Dân tộc.
Như trên tôi đã nói, tôi không thể phê bình bài thơ đúng vần, đúng chữ, nhưng tôi biết ông cụ làm bài thơ này trong lúc đang xúc động, ảnh hưởng những lời ca tiếng nhạc của “Hùng Ca Sử Việt”. Tuy vậy mỗi câu là một trang sử tóm gọn. Ngàn năm Nước Việt quả hào hùng. Ðúng vậy, xướng ngôn viên Ngọc Ðan Thanh đã nói “Lịch sử Việt Nam là một lịch sử chống xâm lăng Trung Hoa. Tất nhiên, giữ nước hơn 4 ngàn năm phải là một dân tộc hào hùng. Người Tàu đã đồng hóa mấy dân tộc, nhưng đến Việt Nam, họ đành thất bại.
Vì từ xưa, “Nam Quốc Sơn Hà Năm Ðế Cư”. Nhưng sao cụ lại để chữ “chung” vào đây? Có phải để cho hiệp vận? - Ðộc giả có thể hiểu như vậy, nhưng tôi muốn để chữ chung vì … lịch sử chúng ta qua nhiều triều đại, nhưng phải là “Nam Ðế”.
Câu thứ 3 “Phân núi, tấc sông, ta bảo vệ”, lấy ý của vua Lê Thánh Tông, ngài đã răn đe quần thần cũng như hậu thế nếu để mất tấc đất, phân núi tội đáng tru di tam tộc. Ý câu thơ này cũng cho ta biết bảo vệ để cho một tấc sông, phân núi khỏi lọt vào tay ngoại bang tuy vừa quan trọng, vừa khó khăn, nhưng “phải bảo vệ”.
Nhưng câu “Ðồng lúa nương dâu, phát triển cùng.”. Có một lần, một tác giả đã viết: người Việt biết làm ruộng rất lâu, trước cả người Tàu và dĩ nhiên, văn minh hơn. Tại sao? Người Việt biết cầm đũa trước người Tàu. Người Tàu chỉ biết ăn bánh bao và dùng muỗng để “ăn canh” thôi. Chuyện hư thực chưa biết, nhưng ai coi phim bộ kiếm hiệp của Tàu cũng thấy điều đó. Biết bao nhiêu thi sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ, vả những cô “tát nước bên đàng” đã ca ngợi cái cảnh thanh bình:
“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa”.
Tại sao con trâu đi bừa được? Tại vì nó quá thân mật với nông dân, người ta phải nghĩ đến, phải đồng hóa nó vì công việc của nó góp phần rất lớn. Và như trên đã nói, mỗi câu thơ là một đoạn lịch sử thu gọn: “…Thất phu hữu trách” huống chi những kẻ trí thức, những kẻ đã có dịp “xênh xang hội gió mây”? Ai cũng phải đồng lòng cứu nước.
Tuổi trẻ là tương lai của dân tộc, “Gái trai” không phân biệt, cùng chung lo việc nước. Việt Nam có 2 bà Trưng dẫn đầu, đánh tan định kiến nam trọng nữ khinh của người Tàu. Lão ông Vũ Ðình Hậu trong khi xúc động vì bị cái DVD “Hùng Ca Sử Việt” “hiếp đáp” tuy trong lúc vội vàng, tay run lên vừa vì tuổi già sức yếu, vừa xúc động vẫn “mỗi câu thơ, một trang sử”. Tuy xúc động, cụ cũng không quên các triều đại của đất nước và nhất là Bà Trưng, Bà Triệu.
“Ngàn năm bắt đầu và ngàn năm kết thúc vẫn là chí khí hùng dũng của ông cha. Hai câu này làm tôi nhớ lại bài hát nói của cụ Nguyễn Công Trứ bắt đầu “Vòng trời đất, dọc ngang, ngang dọc…”. Nhưng, cụ Nguyễn Công Trứ kết bài hát nói bằng mấy chữ thảnh thơi “Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo”. Còn chúng ta, ông lão Vũ Ðình Hậu, Trúc Hồ, Ngọc Ðan Thanh, Thùy Dương, Nam Lộc, Việt Dzũng, ca đoàn Ngàn Khơi, và nam nữ ca, nhạc sĩ v.v…đang canh cánh bên lòng, làm sao để toàn dân đứng lên chống xâm lược Tàu Cộng, diệt trừ bọn Việt Gian Cộng Sản đang bán nước cho Tàu.
Tới bây giờ, khi viết những dòng này, tôi còn thấy gương mặt xúc động từng cơn, nước mắt lã chã của ông lão. Một bài thơ làm trong khi xúc động, mong đồng hương cố gắng lên vì “Quốc Gia Hưng Vong, thất phu hữu trách”. Ðừng nghĩ mình già, mình trẻ, mình là trai, là gái hay mình là nghệ sĩ, tất cả đều phải cứu nươc. Cám ơn cụ Vũ Ðình Hậu, cám ơn Trúc Hồ và toàn thể mọi người đóng góp trong “Hùng Ca Sử Việt”.
Kiêm Ái
No comments:
Post a Comment