Monday, December 26, 2011

Câu chuyện gạo

Câu chuyện gạo
 
Lê Phan
 
gao-ngon1

Tôi có một người bạn là một chuyên gia về gạo, làm việc cho Viện Nghiên Cứu Lúa Gạo Quốc Tế IRRI ở Philippines.

Ông ta cũng là một người rất mê cơm Việt Nam. Hôm nọ tôi nhận được một email của ông mà chuyện chính là về lúa gạo.
Vốn mê cơm Việt Nam, ông vẫn than phiền là ở Phi, nhất là ở Los Banos nơi viện đặt trụ sở không kiếm ra cơm Việt Nam, có hôm tôi đùa bảo cơm Việt Nam ngày nay ngon nhất là ở Little Saigon của California. Vừa rồi nhân một chuyến công tác đến California, ông đã tìm đến ăn. Khi về đến Phi ông gửi một email đồng ý cơm Việt Nam ở California tuyệt vời, nhưng sau một lời khen đầu ông dành trọn email để than thở về vấn đề gạo.


Méo mó nghề nghiệp, ông đã tìm vào các siêu thị xem gạo và ông ngạc nhiên vô cùng thấy có những bao gạo mang tên Nàng hương Chợ Ðào. Là một chuyên gia về gạo, ông đã từng tìm đủ cách lập lại điều kiện để tạo nên loại gạo mà dân Chợ Ðào ở Long An gọi là gạo Nàng Thơm Chợ Ðào, nên ông hiểu rõ loại gạo này quý đến mức nào, ấy vậy mà sao bán đầy ở các chợ người Việt ở Little Sài gòn. Tò mò ông mua thử một bao về và khi mở ra thì rõ ràng đó không phải gạo Nàng Thơm Chợ Ðào hay Nàng Hương Chợ Ðào. Ông than thở “Nó cũng chẳng phải là gạo Nàng Hương hay Nàng Thơm nữa!”
Ðiều ông thắc mắc là tại sao người Việt, vốn rất tự hào về các “đặc sản” của mình mà lại chấp nhận ai đó lấy nhãn hiệu Gạo Chợ Ðào gán vào cho các sản phẩm không phải phát xuất từ Chợ Ðào. Bởi ông nhắc lại “Gạo Chợ Ðào chỉ có thể mang danh hiệu đó khi được sản xuất trong vòng địa phương của xã Mỹ Lệ, huyện Cần Ðước, tỉnh Long An.” Ông giải thích là giống gạo Nàng Thơm hay Nàng Hương Chợ Ðào đặc biệt được trồng chỉ ở vùng này mới thơm và ngon mà lý do chính là vì Mỹ Lệ là một vùng nước lợ, nằm giữa hai con sông Vàm Cỏ Ðông và Rạch Cát.
Trong cái diện tích trồng lúa vỏn vẹn có hơn 900ha của xã Mỹ Lệ đó thì mới có được thực sự cái giống lúa gọi là Nàng Thơm Chợ Ðào. Ông bạn tôi bảo loại đất phù sa được bồi ở xã đó đã tạo một điều kiện đặc biệt khiến cũng giống lúa đó đem trồng ở nơi khác cũng không thơm ngon như ở vùng đất Mỹ Lệ.
Ông cũng công nhận đây không phải là một giống lúa mà Viện IRRI đặc biệt chú ý bởi mặc dầu thơm ngon nhưng giống này khó trồng, một năm có mỗi một vụ và ngay cả ở chính huyện Mỹ Lệ, giống lúa thuần chủng cũng còn rất ít. Ða số nay trồng hai giống hơi biến dạng do Viện Nghiên Cứu Lúa Gạo Cần Thơ làm ra. Năng suất của giống lúa này cũng không cao, trung bình khoảng chỉ có 3.5 tấn trên một hectare.
Nhưng ông bảo đây là một trong những giống lúa thơm nổi tiếng của thế giới. Ông còn kể lại là muốn biết có phải Nàng Thơm Chợ Ðào không khó. Hạt gạo Nàng Thơm này màu hơi ngà ngà và ngay khi chưa nấu ngửi cũng đã có mùi thơm. Ở giữa hột gạo đã chà xát có ẩn một vết đục nhẹ. Ðể trong bao nylon đến 4, 5 tháng sau gạo còn thơm. Nhưng có lẽ vì gạo có một chất dầu nên không để lâu được vì đến khoảng 10 tháng là ăn mất ngon. Ðiểm đặc biệt hơn nữa là khi nấu chín, hột gạo bóng mượt như có ai trộn dầu vào, ăn vừa thơm vừa dẻo.
Ðiều quan trọng, ông kết luận, là người Việt phải nên tìm cách bảo vệ nhãn hiệu này, vì cũng như các giống nông sản khác, sau này, nếu có thể nghiên cứu trồng được ở những nơi khác thì đây là một nhãn hiệu rồi sẽ nổi tiếng không kém gì Hom Mali của Thái Lan hay Basmati của Ấn Ðộ.
Ðọc xong email của ông bạn, tôi mới sực nhớ có đọc được tin là ở Việt Nam ngày nay, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lệ đã được cấp chứng nhận độc quyền nhãn hiệu Nàng Thơm Chợ Ðào từ năm 2005.
Khi google thì tôi tìm được là quả điều đó đúng. Gạo Nàng Thơm Chợ Ðào ngày nay còn có logo hình 11 bông lúa và phía dưới có ba ngôi đình vì xã Mỹ Lệ ngày nay là tập trung của ba ngôi làng Mỹ Lệ, Long Mỹ và Vạn Phước hồi trước, và 11 là 11 ấp của toàn xã.
Nhưng chính trong khi cục sở hữu trí tuệ Việt Nam cứu xét cấp nhãn hiệu độc quyền cho gạo của Hợp tác xã Dịch vụ Nông Nghiệp Mỹ Lệ thì mới khám phá ra là nhãn hiệu Nàng Hương Chợ Ðào đã được chính phủ Hoa Kỳ cấp cho công ty Cong Nguyen Inc. của Oklahoma từ năm 2002.
Ðược biết Sở Công Nghệ tỉnh Long An đã định nhờ một văn phòng luật sư ở Hoa Kỳ kiện để lấy lại nhãn hiệu nhưng khi văn phòng luật sư cho biết lệ phí là 50,000 đô la mà vẫn không chắc thắng thì phía tỉnh Long An, theo báo Lao Ðộng viết hồi năm 2006 “cũng đành ngậm bồ hòn, bởi với sản lượng gạo Nàng Thơm Chợ Ðào mỗi năm chỉ chừng 2,000 tấn, chưa đủ dùng trong nước lấy đâu ra để xuất khẩu nên cho dù có thắng cũng chẳng đem lại lợi ích gì cụ thể.”
Tôi email lại cho ông bạn câu chuyện của hạt gạo Nàng Thơm Chợ Ðào, ông ta đã trả lời “How sad!!!”
Kể ra cũng thật đáng buồn lắm thay. Bởi vấn đề nhãn hiệu gạo đã có tiền lệ. Hồi tháng 9 năm 1997, một công ty ở Texas tên là RiceTec đã được nhãn hiệu cầu chứng của Hoa Kỳ về các loại gạo basmati. Patent này bảo đảm đặc quyền cho các giòng gạo basmati và giống basmati và các phương thức phân tách giống gạo đó. RiceTec, một công ty mà chủ nhân là Hoàng Thân Hans-Adam của tiểu vương quốc Liechtenstein, đã gặp một làn sóng chống đối trên thế giới về cáo buộc “sinh tặc -biopiracy”. Vụ này cũng tạo ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Ấn Ðộ khi Ấn Ðộ đe dọa đem vụ này ra trước Tổ Chức Mậu Dịch Quốc Tế WTO vì vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, một việc sẽ là một điều rất khó chịu cho Hoa Kỳ.
Sau cùng, nhờ thiện ý của cả hai bên, cũng như nhờ Cơ Quan Cung Cấp Bằng Sáng Chế và Nhãn Hiệu Hoa Kỳ (United States Patent and Trademark Office), RiceTec thua và rút lại hầu hết những điều họ ghi trong đơn xin bằng sáng chế, kể cả vấn đề quan trọng nhất, đó là độc quyền gọi giống lúa của họ là basmati.
Cũng như Nàng Thơm Chợ Ðào, Basmati là một loại gạo thơm. Hạt gạo Basmati là loại hạt dài sản xuất hầu hết ở vùng Punjab. Nhưng có điều Basmati thực ra giống gạo Hom Mali của Thái hơn là Nàng Thơm của Chợ Ðào vì được trồng phổ biến. Ở một khía cạnh nào đó nó cũng giống như các giống Nàng Hương hay Nàng Thơm được trồng ở các nơi khác trong vùng đồng bằng miền Nam.
Thành ra cho đến nay, cái nhãn hiệu Nàng Hương Chợ Ðào không còn là đặc quyền của loại gạo thơm nổi tiếng của đồng bằng miền Nam nữa. Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới có không phải chỉ một giống gạo thơm. Nhưng ngày nay gạo Tám Thơm của ngoài Bắc hầu như đã diệt chủng, trong khi gạo Nàng Hương Chợ Ðào thì mất tên. Ông bạn tôi nói đúng “How sad!”

No comments:

Post a Comment