Vài loại bánh trái của miền Nam
Thuở nhỏ, trưa hè tôi thường leo cây ổi trước nhà đọc sách, trái nào gần thì hái ăn. Thỉnh thoảng bầy trò leo trèo thám hiểm với bạn trong xóm, lục lọi những lùm, bụi, hàng rào đi tìm những cây trái có thể ăn được. Nào là khoai mỡ rừng, nấm rơm, măng non, rồi chùm bao, lá vang… và những loại trái mà nhiều người không biết rõ. Lớn lên với hành trang của tuổi học trò, tôi đi ăn tạp khắp miền đồng bằng sông Cửu long, để rồi sau này cái tình thâm quyến luyến ấy kết tinh thành tình yêu một cô gái Cẩn Thơ. Xin gởi bài viết này, dựa theo ký ức với tham khảo hình ảnh trên Internet, cho người bạn đời và các bạn như một chút quà của quê hưong.
Loại trái đặc biệt của miền Nam
Trước nhất là trái Nhãn Lồng dại, mà tôi không thấy ít ai nói tới, gọi là nhãn lồng nhưng là loại trái hoang. Lúc sống mầu xanh, chín mầu vàng, trong có hột, ngọt lờ lợ, không có “cơm” nhiều, khác với trái nhãn Lồng (Chùm Bao) và Nhãn Trồng.
Nhãn Trồng rất thơm khi chín, nhiều cơm, cây khá lớn, trái phải bọc lại trong lồng bằng tre, hay bao bố nếu không bị chim ăn hết. Nói đến chuyện này tôi nhớ chuyện đi ăn cắp nhãn. Nhà tôi cũng có trồng một cây nhãn nên tôi biết gia đình tôi quý nó như thế nào, nhưng bạn tôi thôi thúc rủ rê mãi tôi cũng mềm lòng. Làm chuyện này vui, mạo hiểm mà được ăn tha hồ. Vả lại, nhà bà mười Két trong xóm có trồng rất nhiều, mất trộm chút đỉnh, chắc không sao. Thế là tôi theo bọn nó. Một hôm đợi trời tối cả lũ hẹn nhau lén lút men theo rào, rồi xé rào vào sân nhà bà.
Biết trước bà không nuôi chó nên lọt vào êm xuôi. Tôi có nhiệm vụ đứng dưới đất chụp lồng nhãn từ trên quăng xuống. Mọi chuyện đang trôi chẩy bỗng có người trong nhà mở cửa , ánh đèn hắt ra. Hai thằng bạn khôn hồn ngồi trên cây im phăng phắc còn tôi thiếu điều muốn tè, tay ôm đầy bao nhiêu bao nhãn. Cửa đóng lại hú vía! Tôi bảo tụi bạn đủ rồi nhẩy xuống. Bỗng cửa nhà lại mở lần nữa. Thế là tụi nó nhẩy xuống cùng tôi chạy bán sống bán chết, xong tìm chỗ không ai thấy, không ai theo mà chia nhãn.
Khổ nỗi lúc chạy có thằng lọt vào vũng nước dơ, hôi thúi nên phải tìm chỗ rửa. Thế là phải chạy vào nhà tôi. May quá để ý, tụi tôi dùng gáo múc nước từ cái lu cạnh giếng mà rửa. Xong rồi tụi tôi ra cổng chia nhãn ăn cho đã. Chưa xong, nhãn ăn đã vừa ăn lại vừa canh, nhưng vẫn không hết, phải dấu tiệt chứ ai biết được thì chỉ có đường chết. Rồi mấy bao nhãn phải quăng đi đâu để thủ tiêu tang chứng? Cuối cùng mỗi thằng phải đem dấu một mớ, còn bao nhiêu thì cất lên trên mái cổng, sẽ tìm cách thủ tiêu sau.
Trái Chùm Bao
Chùm Bao cũng còn gọi tên khác như Nhãn Lồng, Lồng Đèn, Lạc Tiên là loại giây mọc dại, mọc hoang ở hàng rào trước nhà. Tôi cũng thấy mọc ven đường quê, bờ rào hoặc trong rừng. Trái mầu xanh được bao bằng lưới, chín trở mầu vàng có vị chua chua ngọt ngọt, trong có nhiều hột như hột của trái trứng cá. Chim chóc rất thích loại trái này.
Nấu canh với đọt dây chùm bao nghe nói giúp trị bịnh mất ngủ.
Có câu ca dao: Chim Quyên ăn trái nhãn lồng
Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi”
Cây Bần không cao, rậm rạp, xanh mướt quanh năm. Nó mọc đầm mình dọc những bờ sông nước mặn. Trái Bần hình bông vụ (con quay) hơi dẹp, dáng giông giống như trái hồng dẹp còn xanh. Lần nào đó, tắm sông gần cầu Bình Lợi tôi cũng hái Bần sống ăn với muối ớt đem theo. Khi xanh Bần có vị chua và chát, lúc chín thì ngọt lờ lợ.
Trái Bình Bát
Bình Bát loại giây leo mọc hoang ở hàng rào trong xóm. Lá hình ba góc bầu màu xanh đậm, trái giống như dưa chuột, nhỏ cỡ ngón tay út. Còn loại Bình bát cây thì trái hơi tròn, màu vàng lúc chín bên trong có nhiều hột to đen như hột trái Mãng Cầu.
Trái Lý
Cây Lý trồng trong sân nhà, giống cây Mận (đào) nhưng hoa to rực rỡ hơn. Trái Lý tròn trịa hơn mận, không xốp, giòn ngọt ngào, mùi thơm rất đặc biệt.
Trái Xay
Còn gọi là trái Sa Lông, lớn bằng đầu ngón tay út. Vỏ da cứng có mầu nhung đen, cơm bên trong mềm và ngọt. Hình như cây Xay chỉ mọc nơi vùng cao.
Trái Ô Môi
Trái Ô Môi dài, cong, màu da đen, sần sùi, gút mắc, cứng như khúc cây. Nhìn bên ngoài không hấp dẫn. Khi ăn phải tách hai bên ra, chừa lại hai sống hai bên, rồi đẩy nhẹ hai sống so le. Gỡ ra từng miếng tròn đường kính khoảng 20mm mà ăn. Ô Môi có vị ngọt, vỏ hột Ô Môi ngâm nước sẽ mềm, có thể nấu chè ăn rất ngon.
Trái Điệp
Trái Điệp nhỏ cỡ quả đậu hòa lan. Khi tách vỏ, phần ăn được là lớp cơm mỏng bao quanh hột mầu xanh phía bên trong.
Trái Keo
Trái Keo vỏ mềm, cong vòng khúc mắc, bên trong trái hình bầu dục, lớp cơm hơi nhớt nhưng có vị ngọt , nếu còn sống thì hơi chát. Đường Chi Lăng (nay là Phan Đăng Lưu hay đường Háng Keo) xưa có trồng nhiều cây keo. Khu vực này cũng được gọi là khu Hàng Keo. Nơi đây có một cơ quan, ai cũng gọi là bót Hàng Keo. Nếu bị kéo vào đây là có chuyện lớn rồi.
Trái Me
Me có loại chua và loại ngọt. Me có thể ăn sống, rốt, chín hay ngào đường, được dùng như là một loại gia vị để nấu canh chua, nước sốt chua. Có người chế biến nước Me thành nước uống. Hột Me được bé gái làm trò chơi búng đũa. Hột Me ngâm lâu, nấu cho mềm rồi lột vỏ, nấu chè hột Me ăn với nước dừa rất ngon.
Đường Sài Gòn ngày xưa, nhất là ở quận nhất có nhiều hàng cây Me. Đường Hàm Nghi với những hàng Me, khi có gió to, lá và trái Me rơi rụng, nhặt ăn rất ngon!
Đường Nguyễn Văn Học (nay là Nơ Trang Long) cũng trồng Me có xen với Điệp va Phượng Vĩ. Còn đâu tiếng ve kêu và hoa phượng đỏ? Đó đây có những cô cậu bé cắp sách tung tăng, nhặt Me theo những cơn gió nhè nhẹ. Kỷ niệm này sẽ không bao giờ phai nhòa theo năm tháng!
Trái Hồng Quân
Có người gọi Bồ Quân, Mồng Quân. Gia đình tôi gọi là Hồng Quân vì nó thích hợp hơn cả. Lúc còn non trái xanh chua và chát. Lúc chín có màu tím đỏ, thường vào khoảng mùa tựu trường. Cây Hồng Quân khó trồng và thân cây có gai nhưng không nhiều. Nhà tôi cho giây Thanh Long mọc quấn theo thân cây, nên lúc trái Hồng Quân chín, loáng thoáng với hoa Thanh Long trông rất đẹp.
Cây Hồng Quân rất sai trái, nặng triũ trên cành mong manh. Lá nhỏ rất sạch và đẹp. Trái hồng quân giống như cục đạn bi nên trẻ em và các cô bé rất thích.
Trái còn xanh, ăn rất chua và chát, nhiều người ăn chấm với muối ớt. Trái chín từng chùm, trông rất đẹp. Có thể hái lúc gần chín (gọi là chín hờm) rồi vò trong tay thì ăn ngọt. Nếu chín kỹ thì ngọt hơn, khi ăn thì cũng nên vò sơ sơ, cơm phía trong ngọt và có hột. Ăn nhiều thì đi cầu, quá độ có thể bị táo bón. Đặc biệt các cô còn nhỏ tuổi thích hồng quân lắm, nhưng khéo chứ mầu đỏ trái Hồng Quân dính vào quần áo thì giặt khó ra.
Trái Chùm Ruột
Cây Chùm Ruột trong sân nhà tôi rất sai trái nhưng không mấy người ăn vì quá chua. Cây thấp lè tè nhưng trái đeo kín chin chít khắp các cành. Trái giòn, có vị chua nên thường được ăn với muối ớt. Chùm ruột chua ngâm hay ngào với đường muối ớt, ăn rất ngon. Chùm ruột làm mứt cũng rất ngon vì có vị ngọt lẫn với vị chua.
Trái Lucuma
Đây là một cây trái khá lớn trong sân, lá xanh đậm một bên, còn một bên có màu nâu xám. Còn gọi là likima hay trái trứng gà. Gọi mầu trứng gà thì không đúng lắm vì lúc chín, vỏ xanh bên ngoài chuyển sang mầu vàng. Bên trong thì thịt mầu vàng đậm, ăn rất ngọt thịt giống như trái bơ nhưng khô và rất ngán. Hột to bên trong màu đen bóng láng. Bông Lucuma nhỏ, rất đẹp giống đồ trang sức nên các cô bé nhỏ thích xâu làm chuỗi đeo.
Trái sơ ri
Trái này còn sống thì mầu xanh và chua, nhưng chín đỏ thì có vị ngọt thơm. Trái rất xinh xắn, màu hồng đỏ tươi, tròn dẹp, đường kính khoảng 10mm. Bên trong có hai ba hột cứng. Hình dáng bên ngoài có múi giống trái chùm ruột.
Trái Chùm Bát
Trái Chùm Bát trái này chim hay ăn. Ăn thì ngọt nhưng vì là trái mọc dại, ít người trồng trong vườn nhà.
Trái Thanh Trà
Hình dáng và bên trong y chang trái xoài nhỏ ăn vào chua chua ngọt ngọt. Tôi thấy bán nhiều ở vùng Cần Thơ và Vĩnh Long.
Trái Trứng Cá
Một loại cây thân gỗ nhỏ, cao khoảng 7-12 m với các cành xếp chồng lên nhau, lá rủ có mép khía răng cưa. Bông màu trắng, trái chín màu hồng đỏ nhạt, giống trái sơ ri. Vị ngọt, trong ruột chứa nhiều hột nhỏ giống như trứng cá.
Trái Sim
Cây Sim thường mọc thành rừng trên đồi cao rất đẹp mắt. “Những đồi hoa sim, Ôi những đồi hoa sim, tím chiều hoang biền biệt...” Hoa Sim mầu tím, trái bằng đầu ngón tay út và khi chín trái có màu tím đen thẫm. Cơm của trái sim mềm và bở, vị sim ngọt lờ lợ, có xen lẫn vị chát và có thể dùng làm rượu.
Trái sim khô thường có bán trong các chợ, chung với trái xay.
Trái Dừa Nước
Dừa Nước mọc trong những vùng sình lầy dọc theo bờ sông, hay vùng ven cửa biển có thủy triều lên xuống, có nước chảy chậm bồi đắp phù sa dinh dưỡng. Nếu để tự nhiên, dừa nước sẽ phát tán sinh sôi nảy nở theo sự đưa đẩy của thủy lưu. Dừa nước rất thường gặp dọc theo bờ biển và các cửa sông ở miền Đồng bằng song Cửu Long, đặc biệt xứ dừa Bến Tre.
Hoa cái nở rộ thành chùm ở đầu cụm hoa hình cầu. Hoa đực mầu đỏ hoặc vàng, dạng đuôi sóc trên những nhánh kế sau. Khi hoa đã thụ phấn, những trái nhỏ ép vào nhau lớn lên thành như một quả bóng đường kính cỡ 25-30 cm trên mỗi đầu cuống (quài dừa). Hạt dừa nước khô già sẽ rơi rụng và phân tán theo thủy triều, có khi mọc mầm ngay khi trôi nổi.
Cơm dừa nước để ăn và lá để lợp nhà hay làm củi. Không mấy ai biết đến kỹ thuật rút nhựa dừa nước từ cuống hoa để nấu thành đường, ủ rượu, làm bia, cất men giấm, chưng cất cồn và một số loại sản phẩm có giá trị khác. Đó có thể là nguồn thu nhập ít có hiệu quả nhất của dừa nước. Sản lượng đường dừa nước trung bình 20,3 tấn/ha cao hơn so với đường mía (khoảng 5 đến 15 tấn/ha). (theo Wikipedia).
Trái Vú Sữa
Vú Sửa là loại cây trái to, có nhiều loại và nhiều mầu (căn bản trắng, tím, hồng). Ngày xưa, trong Nam còn gọi vú sữa màu tím là Hồng Nhung.
Trái vú sữa tròn trịa, đường kính khoảng 5-8cm. Lúc chín, cơm vú sữa mềm, thơm và nhiều nước…sữa. Nếu cắt ngang, trái Vú Sữa sẽ thấy giữa cơm có hình ngôi sao, chứa hột đen. Trái Vú Sữa khi xanh có mủ nên lúc ăn phải để ý. Chờ chín ăn ngon hơn. Cách ăn dễ nhất là cắt ngang trái này làm hai rồi dùng muỗng xúc mà ăn.
Trái Điều (đào lộn hột)
Cây cao từ khoảng 3m đến 9m. Lá mọc so le, cuống ngắn. Hoa nhỏ, màu trắng có mùi thơm dịu. Trái hình thận, dài khoảng 2-3cm. Trái khô, không tự mở, vỏ ngoài cứng, mặt hõm vào, cuống quả phình to thành hình đào, mầu đỏ, vàng hau trắng. Do vậy người ta thường có cảm tưởng là hột lộn ra ngoài (tức đào có hột nằm ngoài quả). Hột điều rất béo va có chứa nhiều dầu.
------------------------Một vài loại bánh đặc biệt ở miền Nam
Ngày xưa, hầu như má tôi rất khéo nội trợ, nấu ở nhà vừa rẻ lại vừa ngon, vừa vui, vì có sự tham gia của nhiều người. Nhất là dịp Tết đến, vừa ăn lại vừa biếu cho nữa. Sau này bà lớn tuổi nên thường nấu chia với người dì ở cùng xóm. Trong các loại bánh được nhắc đến, chỉ có loại bánh chao là má tôi chưa làm bao giờ. Lúc còn thơ tôi thường phải canh chừng nấu bánh hàng giờ ngoài sân trước. Những kỷ niệm gia đình ngày đó khó phai, nhất là khi canh nồi bánh Tét đến khuya, trong ánh lửa bập bùng và mùi khói bay trước Tết.
Bánh Tét
Bánh Tét chỉ được gói và nấu trong dịp Tết nên khởi thủy được gọi là Bánh Tết, sau này bị nói trại ra là bánh Tét.
Bánh Cúng
Khởi thủy bánh này được gọi là bánh Cuốn, vì lá chuối phài cuốn hình ống tròn, dài cỡ gang tay người lớn, trước khi bỏ bột gạo pha vào (nước cốt dừa, muối, đường, đậu) thường dùng để cúng “cô hồn” rằm tháng bẩy, hoặc cúng tổ tiên trong những ngày giỗ chạp ở miền Nam, nhất là miền đồng bằng sông Cửu Long cùng với bánh tét, bánh ít...
Bánh Cấp
Loại bánh thường được dâng cúng cùng lúc với bánh Cúng . Khởi thủy có tên là bánh Cặp vì cứ hai cái úp mặt vào nhau rồi cột giây thật chặt thành cặp. Nguyên liệu thì cũng giống như bánh Cúng.
Bánh Cay
Bánh này làm bằng khoai mì, có pha ớt, muối đường rồi chiên vàng, ăn mặn mặn cay cay rất ngon!
Bánh Rế
Bánh Rế là loại bánh ngọt được làm bằng khoai lang, sắt ra thật mỏng thành sợi. Đường nấu chẩy cho thơm rồi tưới lên mặt bánh như cái rế. Tương tự như cách đặt tên của chả giò rế… Bánh là đặc sản của nhiều nơi như Sóc Trăng, Phan Thiết...
Bánh Hỏi
Khởi thủy là bánh Xổi, hấp nóng hổi vừa thổi vừa ăn, lâu ngày biến thành bánh Hỏi.
Bánh Chao
Bánh Chao thường được làm từ bánh Trung Thu cũ. Nhờ đã qua một lần nướng, các loại nguyên liệu đều đã thấm đường nên khi nhồi với chao, bánh ra đúng vị bánh chao mặn mặn ngọt ngọt, lại thoang thoảng mùi hành lá nướng rất ngon. Nếu làm trực tiếp từ bột nên để bánh thật nguội hoặc để vài ngày cho bánh dịu rồi mới nhồi chao nướng thì sẽ ngon hơn. Món bánh Chao đặc biệt này nên làm từ bánh Trung Thu, càng cũ càng ngon. Tuy nhiên, tuyệt đối không dùng bánh đã hư mốc để làm bánh vì không thể loại bỏ được độc tố từ nấm mốc, có hại cho sức khỏe.
Bánh Thửng, bánh Thuẫn
Hai loại bánh hấp này cũng từa tựa như bánh Bông Lan (cupcakes) và loại Muffin, nhưng giống hình thức chứ bên trong bột khác hẳn.
Bánh Cam, bánh Vòng
Bánh Cam miền Nam làm bằng bột pha (gạo, nếp, bột nổi), sau khi nhồi dẻo rồi có thể uốn dẹp vo tròn có nhân bằng đậu xanh có trộn đường, sau đó được chiên lên.
Bánh Vòng chỉ có bột dẻo kéo dài rồi khoanh tròn lên chiên chừa lỗ trống ở giữa. Mỗi bánh có một lớp đường thắng vàng và rắc mè rang.
No comments:
Post a Comment