Friday, December 9, 2011

Hoa Lục Không Nhường Bước Ở Biển Đông

Hoa Lục Không Nhường Bước Ở Biển Đông
 
Đào Văn Bình
(12/09/2011)

Theo Tân Hoa Xã , gặp gỡ các đại biểu trong Đại Hội Đảng Bộ Hải Quân Trung Quốc lần thứ 11 ngày 6-12-2011 tại Bắc Kinh, ông Hồ Cẩm Đào thúc giục lực lượng hải quân phát huy truyền thống của Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc (PLA), “đẩy mạnh việc chuyển đổi và hiện đại hóa hải quân một cách vững chắc và tăng cường chuẩn bị cho chiến tranh, để bảo vệ an ninh quốc gia cũng như hòa bình thế giới”. Lời tuyên bố được đưa ra chỉ ba tuần lễ sau khi Hội Nghị Thượng Đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) khai mạc tại Honolulu, Hawaii và hai tuần lễ sau Hội Nghị Bộ Trưởng Ngoại Giao các nước ASEAN diễn ra tại Bali, Indonesia. Tại hai hội nghị này, không khí nghi ngờ và lo ngại Hoa Lục hiện rõ và vấn đề tranh chấp Biển Đông chưa hoàn toàn được quốc tế hóa nhưng đã được cả thế giới chú ý và đang tìm cách can dự dưới nhiều hình thức. Tích cực nhất phải kể Nhật Bản, Úc Châu rồi mới tới Hoa Kỳ. Còn Ấn Độ thì còn đang thận trọng chuẩn bị cho kế hoạch “Nhìn Về Hướng Đông” đã vạch ra, tuy âm thầm (nhưng ai cũng thấy rõ) là hỗ trợ cho Việt Nam hiện đại hóa vũ khí và cương quyết tiến hành việc thăm dò dầu khi tại vùng lãnh hải của Việt Nam. Trong bầu không khí hoàn toàn bị cô lập đó, Thủ Tướng Ôn Gia Bảo của Hoa Lục không còn cách nào hơn là đề cao giải pháp giải quyến những tranh chấp bằng giải pháp thương thảo. Thế nhưng khi hội nghị chấm dứt, trở về Bắc Kinh, có lẽ ông đã bị những phần tử chủ chiến đang thắng thế trong chính trị bộ “cạo da đầu” và phê phán ông đủ thứ nào thỏa hiệp, hèn yếu, làm mất mặt “thiên triều” vân vân và vân vân. Chính vì thế mới có lời tuyên bố của Ô. Hồ Cẩm Đào - Chủ Tịch Nước kiêm Tổng Bí Thư Đảng, kiêm Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương. Đây là lời tuyên bố rất hiếu chiến và vô trách nhiệm nhất từ lãnh tụ của một cường quốc sau Thời Kỳ Chiến Tranh Lạnh. Chúng ta sẽ phân tích tính cách hiếu chiến và vô trách nhiệm đó.
1) Không bênh vực quyền lợi của bất kỳ dân tộc nào, khách quan mà nói trong chín quốc gia Đông Nam Á (ĐNA), không một quốc gia nào có khả năng và có ý định điên rồ là xâm phạn đến nền an ninh của Hoa Lục. Họ chỉ mong đươc yên thân để phát triển và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ - đất liền, hải đảo - thông qua thương thảo và luật pháp quốc tế. Họ giống như chín con trâu rừng đang co cụm lại thành một vòng tròn để đối đầu với con sư tử đói đang lừng lững tiến tới. Do đó khi Ô. Hồ Cẩm Đào nói rằng phải “đẩy mạnh việc chuyển đổi và hiện đại hóa hải quân một cách vững chắc…để bảo đảm an ninh “ thì cả thế giới sẽ kinh ngạc tự hỏi phải chăng ông này mê sảng hoặc quá “phổi bò” và “bốc đồng” tuyên bố bậy bạ giống như giọng điệu “nổ sảng” của Hoàn Cầu Thời Báo? Lời tuyên bố này làm chúng ta liên tưởng tới hình ảnh một tên du côn, lực lưỡng với dao búa trên tay, đang đứng trước chín em học sinh ngoan ngoãn mà lại nói rằng “ Tao cần phải có gấp súng đạn để bảo vệ an toàn cho tao!” Nhưng các nhà bình luận và chiến lược lại không nghĩ như thế. Họ thận trọng phân tích, và theo tôi lời tuyên bố của Ô. Hồ Cẩm Đào bộc lộ hai ý đồ: Dứt khoát tiếm chiếm những hải đảo còn lại của Việt Nam và Phi Luật Tân bằng vũ lực để làm chủ Biển Đông rồi từ đó chuẩn bị chiến tranh hoặc đối đầu với Hoa Kỳ. Mọi thương thảo, tuyên bố “hòa bình, hữu nghị, hợp tác” chỉ là “đầu môi trót lưỡi”. Hoa Lục ngày hôm nay sẽ là sự tái sinh của Quân Phiệt Nhật với chính sách Đại Đông Á và Đức Quốc Xã năm 1945.Với sức mạnh quân sự và tài chính của mình, và nhất là địa lý chiến lược nằm “trên đầu” các quốc gia ĐNA, Hoa Lục thấy mình có thể thành công và không lùi bước.
2) Theo dõi sân khấu chính trị thế giới sau Chiến Tranh Lạnh, dù một lãnh tụ hiếu chiến nhất, không một ai dám xử dụng danh từ “chuẩn bị chiến tranh “ cho một đất nước mà cả thế giới không ai nhìn thấy một nguy cơ trước mắt đang đến với đất nước đó, nhất là khi đất nước đó là một đại cường. Gây chiến, đem quân đi xâm lăng một nước khác là hành vi thô bạo không thể chấp nhận được ở thời đại này…dù với lý do gì đi nữa. Mới đây, Tổng Thống Bush (Bush Con) của Hoa Kỳ và Thủ Tướng Tony Blair của Anh đã bị một tòa án nhân quyền ở Mã Lai tuyên bố là “tội phạm chiến tranh” vì hai ông này thành lập Liên Minh Mỹ-Anh để xâm lăng Iraq mà không có mạng lệnh (Mandate) của Liên Hiệp Quốc khiến gây chết chóc cho cả triệu người và hệ quả của nó còn kéo dài cho tới ngày hôm nay. Với tư cách Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương tức Tổng Tư Lệnh Tối Cao Quân Đội Trung Hoa, khi Ô. Hồ Cẩm Đào yêu cầu lực lượng quân sự khổng lồ với cả vũ khí nguyên tử phải “chuẩn bị chiến tranh” thì không phải chỉ Đông Nam Á, mà cả thế giới sẽ phải cảnh giác và Đông Nam Á không còn lựa chọn nào khác hơn là đoàn kết lại và cũng phải “chuẩn bị chiến tranh”. Một bầu không khí lo sợ đang trùm phủ lên Đông Nam Á sau lời tuyên bố ghê gớm của Ô. Hồ Cẩm Đào. Giả sử sau này do một biến động gì đó bất lợi, Hoa Lục, thấy cần phải “trì hoãn chiến” bằng cách mời người ta vào bàn hội nghị - dù chỉ là chiến thuật “cù nhầy”, các đại biểu của Hoa Lục sẽ trả lời làm sao trước những câu hỏi của báo chí về lời tuyên bố “nảy lửa” trước đây của Ô. Hồ Cẩm Đào?
3) Cho tới bây giờ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Châu chưa đưa ra lời nhận định nào về lời tuyên bố của Ô. Hồ Cẩm Đào. Có lẽ họ còn hơi “shock” và cần thận trọng nghiên cứu. Khó xử nhất là đàn anh Hoa Kỳ. Nước Mỹ phải làm gì đây? Nói thì Ô. Obama và bà Clinton đã nói rồi, cam kết thì cũng đã cam kết rồi. Hành động cụ thể nào để các quốc gia Đông Nam Á, Nhât Bản và Úc Châu tin cậy? Đưa pháo hạm tàng hình và Hàng Không Mẫu Hạm Washington vào Biển Đông? Nhưng đóng căn cứ ở đâu và kéo dài bao lâu hay chỉ thăm viếng hải cảng nào đó vài ngày? Rồi khi hạm đội kéo đi, đâu vẫn hoàn đó và Hoa Lục vẫn “múa gậy vườn hoang” ở vùng này? Trong khi đó thì Hoa Kỳ đang sa lầy ở Afghanistan, vướng mắc vào vấn đề nguyên tử với Iran, Do Thái và cuộc bạo loạn ở Syria và một số vấn đề rất “bao đồng” như Bà Clinton vừa xía vào chuyện bầu cử của Nga và cho rằng bầu cử có gian lận, làm tức giận Ô. Putin trong khi Hoa Kỳ cần tranh thủ sự đồng tình của Nga trong nhiều vấn đề quốc tế trọng đại. Đôi khi Bà Hilary Clinton hành xử như một đệ nhất phu nhân muốn nói gì thì nói, hơn là bộ trưởng ngoại giao của Hoa Kỳ đầy trách nhiệm và thận trọng. Ô. Obama đang cần sự che chở của Ông và Bà Cliton để sống sót trong cuộc bầu cử sắp tới cho nên Tòa Bạch Ốc không bao giờ dám làm trái lời Bà Clinton. Ngoài ra theo truyền thống có cả gần 200 năm nay, cứ mỗi mùa bầu cử tổng thống là nước Mỹ tê liệt về chính sách ngoại giao. Không ứng cử viên nào dám tuyên bố mạnh, hoặc phiêu lưu vì sợ mất phiếu. Chiến lược hay nhất của các quốc gia Đông Nam Á là tự lo cho mình, tức tự lực tự cường trước khi trông cậy vào Hoa Kỳ. Đó là lý do tại sao Việt Nam, Nam Dương, Mã Lai đều đồng loạt mua sắm tàu chiến, tàu ngầm, máy bay để tự phòng thủ trong tư thế “châu chấu đá xe” rất tội nghiệp trước con mắt của toàn thế giới. Còn Phi Luật Tân thì có Mỹ che chở. Nhưng các nhà nghiên cứu về công pháp quốc tế còn chưa rõ không biết hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Phi đó có ràng buộc Mỹ trong những tranh chấp ở Biển Đông ? Hay chỉ ứng dụng khi đất nước Phi Luật Tân bị xâm lăng?
Trên bàn cờ Á Châu, qua những lời cam kết và tuyên bố của Ô. Obama trong Hội Nghị Thượng Đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương vừa qua, và kế hoạch đưa 2500 Thủy Quân Lục Chiến Mỹ tới đóng ở Darwin (Úc Châu) nước Mỹ đã đưa con chốt (tốt) qua Sông Dịch. Ô. Hồ Cẩm Đào, thay vì hòa hoãn, lại phóng con Mã qua Sông Potomac bằng những lời tuyên bố nảy lửa để “thử gân” Ô. Obama. Cả thế giới đang nhìn vào hành động cụ thể của nước Mỹ hơn là những lời tuyên bố hoặc lập lại những cam kết. Còn đối với Hoa Lục, đây là quyết tâm “đâm lao phải theo lao” với bất cứ giá nào hay chỉ là canh bạc “tháu cáy” hay “nổ sảng” ? Cả thế giới đang chờ xem.
Đào Văn Bình
(California ngày 8 Tháng 12, 2011)
 
Lời bàn ngang:
 
Không thể đứng nhìn quốc gia mãi đứng bên bờ vực của sự tan rã, nước Tầu cần có chiến tranh để:
 
1- Giải quyết nạn nhân mãn: không thể quản trị một dân số qúa lớn, trên 1,3 tỷ người, mà trong đó mỗi người Tầu lại là môt ông quan. Nhất là hoàn cảnh thanh bình lại tạo nên một xã hội già nua không sản xuất làm tiêu hao tài nguyên quốc gia. 
2- Cân bằng giới tính: kế hoạch hóa gia đình để tránh nạn nhân mãn đã tạo nên một xã hội có đến cả trăm triệu người đàn ông không làm sao tìm được vợ.
3- Bị quá khứ ám ảnh: tuy cố tình che dấu nhưng vẫn  lộ ra hình ảnh của một Tần Thủy Hoàng oai phong ngoài trận tuyến, xông pha hãm trận thống nhất nước Tầu. Nhất là vay mượn hình ảnh của Thành Cát Tư Hãn với vó ngựa chiến tranh đã vượt qua sa mạc Trung Đông, chiếm ngự Mạc Tư Khoa.
4- Đoàn kết quốc gia: Người Tầu không có tinh thần quốc gia. Một mảnh đất năm cha mười mẹ với cả trăm dị tộc, tuy đã cố gắng tột bực từ sau cuộc Vạn Lý Trường chinh hoàn tất; người gốc Hán vẫn chưa hoàn tất được mộng xóa đi được sự cách biệt của những dòng giống khác nhau. Nước Tầu lúc nào cũng phải đối đầu và vẫn luôn đứng bên bờ vực của sự tan vỡ; sự hình thành các tiểu quốc tách rời khỏi uy quyền của Bắc Kinh. Nhất là những vùng đất phong phú phía Nam cũng như miền Đông.
 
Nước Tầu muốn có chiến tranh và cần phải có chiến tranh để giải quyết. 

No comments:

Post a Comment