Sunday, October 23, 2011

“Dân đang đòi dân chủ thực sự”



14:22 GMT - chủ nhật, 23 tháng 10, 2011
Lãnh đạo Việt Nam
Việt Nam đang sửa đổi, bổ sung văn bản luật tối cao trong hệ thống luật pháp của mình.
Việt Nam cần mở rộng dân chủ để cải thiện việc làm luật và sửa đổi Hiến pháp, một cựu Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng bình luận với BBC nhân việc Quốc Hội Việt Nam đang chuẩn bị sửa đổi, bổ sung văn bản luật căn bản, quan trọng tối cao của quốc gia.
Ông Nguyễn Đình Lộc, cựu Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trong phần hai cuộc phỏng vấn dành cho BBC nói bản Hiến pháp sửa đổi sẽ cần được sự “phúc quyết của người dân”, mặc dù ông cảnh báo việc bảo đảm phúc quyết có được hiệu lực thực sự có thể là một vấn đề.
Bình luận về ý kiến của một bộ phận dân chúng quan ngại về nguy cơ được cho là có sự "lạm dụng quyền lực" ở một bộ phận cán bộ ngành Công an, an ninh trong ứng xử với dân hiện nay, cựu Phó Chủ tịch Hội Luật gia khẳng định các hành vi vi phạm bị “pháp luật nghiêm cấm” và ai vi phạm thì người đó phải “chịu trách nhiệm” và "bị xử lý.”
Cựu quan chức từng hoạt động nhiều năm ở Quốc hội cũng đưa ra bình luận riêng về một số quan chức lãnh đạo Quốc Hội, trong đó có đương kim Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng và người tiền nhiệm, ông Nguyễn Văn An, và bày tỏ tin tưởng rằng ông Sinh Hùng có đủ “kinh nghiệm” để lãnh đạo thành công Quốc hội khóa XIII.
Mở đầu phần hai và cũng là phần cuối cuộc trao đổi với BBC, Tiến sỹ Nguyễn Đình Lộc đưa ra dự đoán về kết quả lần sửa đổi Hiến pháp kỳ này.
Ông Nguyễn Đình Lộc: Thành công thì tôi tin chắc là thành công rồi. Còn ở mức độ nào thì phải tính thêm. Vì có một số vấn đề, ý kiến còn khác nhau. Có người muốn thế này, nhưng người khác lại chưa muốn, nên còn phải tính thêm.
BBC: Theo ông hiện nay và tới đây phải làm những gì để công tác sửa đổi Hiến pháp và làm luật được tốt hơn?
"Đã có nhiều luật, thì đừng biến luật thành luật rừng. Làm thế nào luật được mọi người tuân thủ, thì cái đó, bản thân Đảng Cộng sản cũng rất thiết tha"
Ông Nguyễn Đình Lộc: Tới đây vấn đề sửa đổi hay không sửa đổi có thể mang ra phúc quyết (bởi) nhân dân.
BBC: Đưa ra phúc quyết, nhưng làm sao để đảm bảo sự phúc quyết thực sự của nhân dân?
Ông Nguyễn Đình Lộc: Cái đó lại là vấn đề khác. Nó đòi hỏi toàn bộ không khí dân chủ phải khác. Phải tiếp tục dân chủ nữa, đổi mới nữa.
BBC: Ở Việt Nam, có người nói luật làm ra rất nhiều rồi, nhưng việc bảo đảm cho luật pháp được thi hành một cách thực sự nghiêm minh và hiệu quả vẫn là một vấn đề. Theo ông, việc bảo đảm như vậy trên thực tế đã được làm tốt chưa?
Ông Nguyễn Đình Lộc: Cái đó cũng là một vấn đề mà chúng tôi đang băn khoăn. Đã có nhiều luật, thì đừng biến luật thành luậ t rừng. Làm thế nào luật được mọi người tuân thủ, thì cái đó, bản thân Đảng Cộng sản cũng rất thiết tha nhưng không phải là muốn mà được.
'Phàn nàn Công an'
Cựu Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc
Cựu Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc cho rằng Việt Nam đã có đầy đủ quy định
luật pháp để ngăn ngừa lạm dụng quyền lực trong điều tra, xét hỏi, tố tụng.
BBC: Bình luận của ông về sáng kiến luật pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao cho Bộ Công an soạn thảo luật về biểu tình? Liệu ngoài hay bên cạnh Bộ Công an chuẩn bị, còn Bộ, ngành hay liên Bộ, ngành nào khác cũng có thể phù hợp để giao soạn thảo luật này?
Ông Nguyễn Đình Lộc: Luật Biểu tình hay Luật chống Biểu tình? Cái đó cũng có thể giao cho một cơ quan khác, chứ không nhất thiết cứ một cơ quan, bộ nào đó bắt buộc phải làm. Còn cái đó (giao cho Bộ Công an) thì bây giờ tôi cũng không rõ lắm đâu để mà phát biểu.
BBC: Ông bình luận gì về tỷ lệ thành phần Quốc hội khóa hiện nay. Có người quan sát cho thấy Trung ương Hội Liên hiệp Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) có một Tổng Thư ký đại diện đã không vào được Quốc hội. Trong khi đó có vẻ tỷ lệ nhiều vị thuộc các thành phần như công an, hoặc công an đã dân sự hóa, hoặc tầng lớp các nhà tư sản, doanh nghiệp…được đưa vào nhiều. Thay đổi trong tỉ lệ thành phần này có ý nghĩa gì?
Ông Nguyễn Đình Lộc: Ý nghĩa tốt chứ. Nên nhớ rằng không khí dân chủ trong Quốc hội ngày càng phát triển, từ nhiệm kỳ này, khóa này qua khóa khác rất phát triển. Cho nên thành phần rất quan trọng và không khí dân chủ là tốt lên chứ sao.
"Cái đó pháp luật đã cấm rồi... Nếu người nào làm thì người đó phải chịu trách nhiệm và bị xử lý. Cái đó được gọi là những tội hình sự rồi"
BBC: Truyền thông trong nước phản ánh khá nhiều trường hợp người dân phàn nàn về việc bị ngành Công an bắt và đưa vào các cơ quan xử lý, tạm giam, giam giữ, và trong quá trình điều tra, xét hỏi của ngành Công an, nhiều người cáo buộc dân bị gây thương tích, thậm chí tử vong. Nhiều trường hợp trong đó được cho là “oan sai”, bình luận của ông?
Ông Nguyễn Đình Lộc: Cái đó pháp luật đã cấm rồi. Cấm, không được làm việc đó. Nếu người nào làm thì người đó phải chịu trách nhiệm và bị xử lý. Cái đó được gọi là những tội hình sự rồi.
BBC: Liệu có nên có một đạo luật nào đó ngăn ngừa điều mà một bộ phận người dân e ngại và mô tả như hiện tượng hay xu hướng được cho là “Công an trị” trong xã hội?
Ông Nguyễn Đình Lộc: Chúng tôi chưa dùng từ “Công an trị” đâu. Từ đó là hơi nặng.
BBC: Tuy nhiên, theo ông, phải làm thế nào để hạn chế hiện tượng đó, chẳng hạn như một số cán bộ công an bị cáo buộc đã xâm phạm thân thể, phương hại tinh thần, thậm chí làm thiệt mạng người dân?
Ông Nguyễn Đình Lộc: Bản thân pháp luật của chúng tôi cũng rất nghiêm rồi. Không chấp nhận những việc như thế. Bây giờ làm thế nào đảm bảo để pháp luật được tôn trọng thôi. Không có dùng tra tấn, không có dùng nhục hình… Không có những việc đó, pháp luật cấm.
'Dân đòi dân chủ'
Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng
Ông Nguyễn Đình Lộc tin rằng Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng
có đủ kinh nghiệm lãnh đạo thành công Quốc Hội.
BBC: Trở lại với Quốc hội và sửa đổi Hiến pháp, Chủ tich Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vốn là một nhà hành pháp, mới trở thành lãnh đạo nghị viện, liệu kinh nghiệm của ông Hùng sẽ giúp ông lãnh đạo tốt sửa đổi Hiến pháp, nhất là so với các tiền nhiệm, chẳng hạn ông Nguyễn Văn An, người được cho là vận hành tốt Quốc hội khóa XI và tạo đà thuận lợi cho khóa XII vừa qua?
Ông Nguyễn Đình Lộc: Ông Nguyễn Văn An được dư luận và bản thân chúng tôi rất tôn trọng. Đúng là ông có kinh nghiệm.
Nhưng bản thân ông An cũng là cán bộ chính trị sang chứ có chuyên về Quốc hội đâu. Ông từng làm Bí thư tỉnh.
Với ông Nguyễn Sinh Hùng, mới là Kỳ họp đầu tiên nên bây giờ chưa nói được.
"Tôi tin ông Hùng, từ một cán bộ thôi nhưng đã lên đến Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực, bây giờ chuyên về Quốc hội thì tốt quá rồi"
Nhưng tôi tin ông Hùng, từ một cán bộ thôi nhưng đã lên đến Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực, bây giờ chuyên về Quốc hội thì tốt quá rồi.
BBC: Câu hỏi cuối cùng, theo ông bao giờ người dân Việt Nam sẽ có được một bản Hiến pháp bảo đảm hoàn toàn và hiệu quả cho họ các quyền tự do đích thực, giúp đất nước có được một thể chế chính trị dân chủ thực sự và văn minh cùng một hệ thống luật pháp hiệu quả mà không hình thức?
Ông Nguyễn Đình Lộc: Cái đó tôi không đoán được, nhưng tôi mong rằng tình hình ngày càng tốt hơn và có khả năng tốt hơn.
Vì trình độ của nhân dân và yêu cầu của nhân dân cũng ngày càng rõ.
Nhân dân cũng đang đòi có dân chủ thực sự.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Lộc từng giữ các chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp từ 1992 đến 2002, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội luật gia và Đại biểu Quốc hội các khóa VII, IX, X và XI.

No comments:

Post a Comment