Wednesday, October 19, 2011

Mỹ bắt đầu ‘dàn trận’ tại châu Phi?

Mỹ bắt đầu ‘dàn trận’ tại châu Phi?

Chiến dịch “can thiệp nhân đạo” mới nhất của Washington đưa binh sĩ Mỹ đến một số nước Trung Phi khiến nhiều chuyên gia không khỏi lo ngại. Họ cho rằng Mỹ sẽ biến châu Phi thành Trung Đông bất ổn mới.

Trong lá thư gửi Quốc hội Mỹ, ông Obama cho biết sẽ gửi 100 binh sĩ, chủ yếu là thuộc lực lượng đặc nhiệm, đến bốn nước Uganda, Nam Sudan, cộng hoà Trung Phi và cộng hoà dân chủ Congo trong tháng tới. Họ sẽ hành động như các cố vấn nhằm cung cấp thông tin, trợ giúp các nước này.
Nhiều chuyên gia không khỏi lo ngại về nỗ lực can dự mới của Mỹ tại châu Phi, giống như ở Trung Đông.
Ít nhất 30.000 người thiệt mạng khi nhóm phiến quân Đội quân Kháng chiến của Chúa gieo rắc nỗi khiếp sợ ở Bắc Uganda trong suốt 20 năm qua, khiến khoảng hai triệu người bị phải đi lánh nạn. Nhóm này khét tiếng với các vụ bắt cóc trẻ em, buộc các bé trai trở thành các tay súng và sử dụng các bé gái làm nô lệ tình dục.

Mỹ coi đây là tổ chức khủng bố, đồng thời vào năm 2008, Bộ Tài chính Mỹ cũng xếp thủ lĩnh Joseph Kony vào danh sách khủng bố toàn cầu đặc biệt (SDGTs) với cáo buộc là gây ra những tội ác chống lại loài người.
Ông Obama nhấn mạnh, dù có vũ trang nhưng các binh sĩ Mỹ không hành động độc lập và chỉ nổ súng trong trường hợp tự vệ.
Ngoài ra, ông Obama còn dự tính gửi thêm 2.000 quân gìn giữ hòa bình đến tham chiến với các nhóm chiến binh al-Shabaab ở Somalia trong thời gian tới.
Theo Tổng thống Obama, mục tiêu của sứ mệnh này là giúp các lực lượng trong vùng tiêu diệt Joseph Kony, thủ lĩnh một nhóm phiến quân khét tiếng tên gọi Đội quân Kháng chiến của Chúa (LRA) và các phần tử cấp cao khác của nhóm này.
Nhà Trắng lập luận rằng, giao tranh làm gia tăng bất ổn tại Trung Phi và một sự can thiệp của Mỹ nhằm hạn chế tổn hại dựa trên cơ sở nhân đạo là cần thiết.
Lý do này được các tổ chức nhân quyền khá hoan nghênh. “Bằng việc gửi các cố vấn đến Trung Phi, Tổng thống Obama có thể lãnh đạo giới cầm quyền tại khu vực này trong cuộc chiến với LRA và đem đến hồi kết cho những chiến dịch đàn áp dân thường của nhóm này”, Paul Ronan, người đứng đầu một tổ chức "giảng hòa" xung đột nhận định.
Ngoài ra, không giống như trường hợp của Libya, Quốc hội Mỹ tỏ ra khá đồng thuận trong vấn đề này. “Tôi và nhiều nghị sĩ khác cùng ủng hộ nỗ lực bảo vệ những người dân vô tội đang chịu sự áp bức của Joseph Kony”, James Inhofe, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trong số ít phản đối có Thượng nghị sĩ John McCain. Theo ông, quyết định điều quân tới Trung Phi của Tổng thống Obama có thể dẫn nước Mỹ vào một cuộc chiến mới. "Việc rút khoảng 100.000 lính Mỹ đang đóng quân tại Afghanistan và việc rút quân khỏi Iraq vẫn chưa được hoàn thành. Do đó, quyết định đưa lính Mỹ tới một quốc gia khác có thể sẽ khiến nước Mỹ sa xuống một vũng lầy tương tự", ông McCain quả quyết.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia phân tích cũng tỏ ra ái ngại với quyết định điều quân mới của Mỹ do cho rằng, vấn đề nhân đạo chỉ là cái mác cho nỗ lực can dự mới của Mỹ tại châu Phi, giống như kịch bản đã xảy ra tại Afghanistan và Iraq.
“Đây được xem như hành động mở rộng can thiệp của chính quyền Obama tại khắp các quốc gia trên thế giới”, Globalpolicy cho hay.
Hơn nữa, phản bác tuyên bố của Nhà Trắng về lý do điều quân là do lo ngại rằng tình trạng bất ổn gây ra bởi lực lượng LRA sẽ mang lại lợi ích cho các nhóm chiến binh Hồi giáo ở Somalia và Bắc Phi, William M. Bellamy, người đứng đầu trung tâm Nghiên cứu chiến lược Quốc phòng ĐH Quốc gia ở Washington khẳng định, không có bằng chứng cho thấy rằng LRA có quan hệ với với các nhóm Hồi giáo.

Trà My (theo Global Policy)

No comments:

Post a Comment