HKMH Trung Cộng và hỏa tiễn Đài Loan
Đài Loan dường như muốn đưa hỏa tiễn Hsiung Feng 3 (HF-3) với tên gọi mỹ miều là “sát thủ tàu sân bay” ra “đọ sức” cùng tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, song đây rõ ràng là cuộc chiến không cân sức, giới phân tích nhận định.
Cùng thời điểm Trung Cộng chạy thử HKMH, Đài Loan triển lãm hỏa tiễn siêu thanh HF-3 với áp phích quảng cáo in hình hỏa tiễn này đang tiêu diệt một chiến hạm trông rất giống HKMH đang được thử nghiệm của Trung Cộng.
Theo một số chuyên gia phân tích, chính quyền Trung Cộng và vùng lãnh thổ Đài Loan rõ ràng có sự tính toán rất kỹ lưỡng cho thời điểm ra mắt vũ khí của mình.
Về phía Trung Cộng, trái ngược hoàn toàn với thái độ “lập lờ” khi được hỏi kế hoạch phát triển tàu sân bay của mình, những ngày vừa qua báo giới Trung Cộng lại rầm rộ phô trương HKMH đầu tiên của mình. Báo giới Trung Cộng rầm rộ khoe HKMH.
Trong khi đó, vùng lãnh thổ Đài Loan cũng “khoa trương” không kém khi loan tin về Triển lãm công nghệ quốc phòng và hàng không vũ trụ Đài Bắc 2011, nơi ra mắt hỏa tiễn HF-3, thứ vũ khí mà Đài Loan “khoe” là “sát thủ HKMH”.
Theo quảng cáo của Viện nghiên cứu Khoa học và công nghệ Chung-Shan của Đài Loan, HF-3 đạt tốc độ lên tới 2.300km/h nên chỉ hỏa tiễn chống hạm của Nga SS-N-22 Sunburn mới có thể phá hủy nó.
Ý đồ của chính quyền vùng lãnh thổ này được thể hiện rõ khi Viện nghiên cứu Khoa học và công nghệ Chung-Shan của Đài Loan đặt hỏa tiễn này “chễm trệ” ở vị trí trung tâm triển lãm và ngay sau nó là một poster in hình một chiếc HKMH đang bốc cháy do bị hỏa tiễn bắn trúng. Trên poster này còn có dòng chữ nổi bằng tiếng Trung “sát thủ HKMH”.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, dường như Đài Loan hơi “xa rời thực tế” khi thực hiện ý đồ này. “Với trọng lượng đầu đạn chỉ 130kg thì dường như Đài Loan nói hơi quá khi cho rằng HF-3 có thể đánh chìm một HKMH. Sẽ không nói quá khi cho rằng, so sánh HF-3 hay các hỏa tiễn hành trình của Đài Loan với HKMH Trung Quốc chỉ như trứng chọi với đá”, Lin Chong-pin, cựu quan chức quốc phòng cấp cao của Đài Loan nhận định.
Với một giọng điệu nhẹ nhàng hơn, John Pike, nhà sáng lập và cũng là người đứng đầu trang web GlobalSecurity.org cho rằng, thành thật mà nói, HF-3 có thể tiêu diệt một tàu chiến loại lớn”.
Khi được đề nghị diễn giải nôm na sức công phá của đầu đạn hỏa tiễn nặng 130kg của HF-3, ông Pike nhấn mạnh: “hỏa tiễn này có thể phá hủy một tòa nhà 5 tầng nhưng không thể công phá một chung cư lớn hơn. Ngoài ra, đầu đạn cũng không thể đào sâu để tấn công các tuyến tàu điện ngầm”.
Thêm vào đó, một quan chức quân sự giấu tên của Đài Loan cũng thừa nhận, việc hiện thực hóa cảnh tượng trận đấu như trên áp phích quảng cáo là một viễn cảnh xa vời. “Khả năng hiện tại của HF-3 chỉ là phá hỏng lớp vỏ của tàu, sau đó mới gây nổ các bộ phận phía trong”, quan chức này cho hay.
Hỏa tiễn HF-3 là một phần trong chiến lược hải quân mới của lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu, theo đó, phát triển các loại tàu nhỏ được trang bị hỏa tiễn hiện đại để gây lo ngại cho hải quân Trung Cộng.
Chiến lược này nhận được sự hưởng ứng của một số chiến lược gia quốc tế song rõ ràng có nhiều dấu hiệu cho thấy chiến lược của ông Mã còn tồn tại nhiều bất cập.
Thực tế hỏa tiễn trị giá 3,5 triệu USD mới nhất này của Đài Loan chưa thể đủ sức ra trận. Các nghiên cứu cho thấy, kích cỡ và trọng lượng của hỏa tiễn này khiến cho nhà sản xuất khó có thể phát triển phiên bản cơ động và trên bộ, đồng thời cũng không có loại phương tiện nào có thể mang trên mình bệ phóng của hỏa tiễn này.
Hơn nữa, một số nguồn tin còn cho rằng, tốc độ quá cao của hỏa tiễn cũng sẽ phá hủy ngay cả một số bộ phận của nó. Thực tế này cho thấy trong các cuộc thử nghiệm hồi tháng 6 năm ngoái. Và bản thân hải quân Đài Loan cũng đã nghiên cứu kỹ và chắc chắn rằng sự cố này không phải do lỗi của con người.
“HF-3 rõ ràng là chiến lược đầy tham vọng nhưng có vẻ không cân xứng nhằm ngăn chặn Trung Quốc tấn công vùng lãnh thổ Đài Loan. Thay vì giúp ông Mã chứng tỏ được khả năng bảo đảm an ninh cho vùng lãnh thổ, HF-3 lại dội gáo nước lạnh vào mọi nỗ lực của nhà lãnh đạo này”, giáo sư Jean Pierre Cabestan, trưởng khoa nghiên cứu các vấn đề quốc tế của ĐH Hong Kong nhấn mạnh.
Chia sẻ quan điểm này, giáo sư Tsai Ming-Yen, Giám đốc Viện nghiên cứu chính trị quốc tế thuộc ĐH Chung Hsing Đài Loan cho rằng, nỗ lực phô trương “sát thủ HKMH) HF-3 lúc này của chính quyền vùng lãnh thổ chỉ có thể giúp “giữ thể diện” cho ông Mã.
“Để làn sóng chỉ trích ông Mã thất hứa trong việc tăng cường an ninh cho vùng lãnh thổ không ảnh hưởng đến cơ hội tranh cử năm 2012 của mình, nhà lãnh đạo Đài Loan phải cố hành động theo kiểu ngang tài ngang sức với Trung Quốc đại lục bằng cách khuếch trương HF-3 ngay sau khi chính quyền đại lục cho chạy thử HKMH”, giáo sư Tsai Ming-Yen nhận định.
Giới phân tích cho rằng, việc ra mắt HF-3 lúc này chỉ có thể phần nào “giữ thể diện” cho ông Mã
Trong khi đó, Lai I-chung, thành viên ban giám đốc Viện nghiên cứu chính sách công của Đài Loan đánh giá, để hiện thực hóa được tham vọng của Đài Loan, vùng lãnh thổ này trước tiên phải khắc phục được những thiếu sót về kỹ thuật của thứ vũ khí mà họ gọi là “sát thủ HKMH”.
“HF-3 là một hỏa tiễn hành trình siêu thanh. Vì nó có thể đạt tốc độ cao hơn cả tốc độ âm thanh nên cần phải có bệ phóng vững chắc hơn. Ngoài ra, Đài Loan cũng cần lưu ý rằng, ngư lôi là thiết bị có thể đánh chìm tàu hiệu quả hơn cả”, ông Lai gợi ý.
Chuyên gia này cho biết thêm, dù Đài Loan tự tin khoe rằng, ngòi nổ thông minh của HF-3 sẽ kích hoạt đầu đạn và hướng toàn bộ áp lực của vụ nổ xuống phía dưới và xuyên thủng qua vỏ tàu nhưng ông nhấn mạnh rằng, lỗ thủng đó không thể khiến con tàu ngừng hoạt động. Đặc biệt với lượng chất nổ hạn chế trên đầu đạn, HF-3 khó có thể tạo ra bất cứ mối đe dọa nào đối với một chiếc tàu lớn, chưa nói đến là HKMH.
Tuy nhiên, ông Lai an ủi: “Nếu cứ nhắm bắn liên tục khiến kẻ thù không kịp trở tay thì rất có thể HF-3 có thể hạ gục một chiếc tàu lớn”. Ngoài ra, ông cũng nhận xét rằng: “Khách quan mà nói, HF-3 đã phần nào giúp giới chức Đài Loan đạt được một trong số nhiều mục đích của mình là khiến lãnh đạo Trung Cộng đôi chút lo lắng.
“Sự ra đời của HF-3 cho thấy Đài Loan có thể chế tạo một hỏa tiễn hành trình siêu thanh. Vì vậy, HF-3 có thể giúp vùng lãnh thổ gửi thông điệp cứng rắn đến Trung Cộng đại lục và Mỹ. Đó là cho Bắc Kinh thấy sức mạnh quốc phòng của Đài Bắc, đồng thời chứng tỏ cho Washington biết rằng, vùng lãnh thổ này có thể tự sản xuất vũ khí hiện đại để đảm bảo an ninh cho mình”, ông Lai khẳng định.
Khi bắt đầu tranh chiến dịch tranh cử hồi năm 2008, ông Mã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 3% GDP. Tuy nhiên, năm 2009, do ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế, nhà lãnh đạo Đài Loan không thể thực hiện cam kết của mình và đến năm 2010, chi tiêu quốc phòng của vùng lãnh thổ cũng bị hạn chế.
Trong năm nay, ngân sách quốc phòng chiếm khoảng 2,2% GDP và rất có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của ông Mã trong việc tăng cường an ninh vùng lãnh thổ.
(theo Asiatimes)
No comments:
Post a Comment