Tàu cao tốc, niềm tự hào bị gẫy vụn
Tàu cao tốc, “niềm tự hào của Trung Cộng” đã vượt mặt Nhật . . .
Và niềm tự hào đó đã bị tan vụn !
Cuối tháng 6-2011, tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải được khánh thành và trở thành “niềm tự hào của Trung Quốc”. Thế nhưng, liên tiếp 1 tuần sau đó là hàng loạt tai nạn làm TQ mất mặt, ít nhất với láng giềng Nhật. Vụ lật tàu cao tốc ở Ôn Châu (Chiết Giang – Trung Cộng) ngày 23-7 làm 39 người chết, 192 người bị thương được tờ Thời báo Hoàn cầu gọi là “bài học máu” của Trung Cộng.
Tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải kéo dài 1.318 km qua 7 tỉnh, thành và tiêu tốn 217 tỉ nhân dân tệ. Với vận tốc thiết kế 250-300 km/giờ, hành khách có thể đi lại giữa hai TP sầm uất bậc nhất Trung Cộng chỉ trong vòng 2 giờ 48 phút, thay vì 10 giờ như trước.
Niềm tự hào lung layPhát biểu tại nhà ga Nam Bắc Kinh trong lễ khánh thành tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải ngày 30-6, kỹ sư trưởng của Bộ Đường sắt Trung Cộng - He Huawu – tuyên bố: “Đây là niềm tự hào của người dân và đất nước Trung Cộng”.
Trung Cộng tuyên bố Nhật Bản không thể "đua" lại tàu nước này cả về phẩm chất lẫn tốc độ
- Đến ngày 10-7, “niềm tự hào” nếm "cú đấm" đầu tiên khi một sự cố chập mạch đã làm 19 con tàu bị hoãn chuyến ở tỉnh Sơn Đông, làm tê liệt hệ thống điều hòa và “giam” hành khách trong những toa tàu sang trọng ngột ngạt, nóng bức nhiều giờ liền. - Ngày 12-7, sự cố mất điện thứ hai làm 30 con tàu tạm ngưng hoạt động. Ngay hôm sau, ngày 13-7, máy biến thế bị hư làm một con tàu mất tốc độ, chỉ còn bằng một nửa tốc độ tối đa, buộc hành khách phải chuyển qua một con tàu dự phòng.
Tất cả các tai nạn này đều bị đổ lỗi cho bão và gió nhưng cũng không thể thuyết phục dư luận thôi cho rằng một trong những nguyên nhân là do dự án đã phải chạy đua để kịp khánh thành nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc 1-7.
Thời gian thi công vỏn vẹn 39 tháng càng khiến người ta nghi ngờ về chất lượng cũng như sự an toàn của dự án tốn kém đến hơn 217 tỉ nhân dân tệ (khoảng 33,6 tỉ USD). Ê chề hơn khi người phát ngôn Wang Yongping của Bộ Đường sắt Trung Quốc từng mạnh miệng khẳng định tuyến tàu cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải vượt xa công nghệ của Nhật Bản. “Họ thậm chí còn không chạy được cùng tốc độ với chúng tôi” – ông Wang nói trong một cuộc giao lưu trực tuyến với người dân ngày 7-7. Đáp lại chỉ trích của một số tờ báo Nhật cho rằng Trung Quốc “học lóm” công nghệ shinkansen của Nhật, ông Wang nói: "Chúng tôi hoan nghênh những đóng góp tích cực và gợi ý hợp lý của báo chí nước ngoài nhưng chúng tôi rất buồn khi một số tờ báo chỉ trích quá đáng. Tốt nhất là họ nên tự lo chuyện của mình trước khi đi chỉ trích nước khác”.“Bài học máu” bi thảm Nhưng những tai nạn trên không là gì so với vụ lật tàu thảm khốc ngày 23-7 tại TP Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang. Một đoàn tàu bị sét đánh trúng đã đứng khựng trên đường ray và bị đoàn tàu khác húc trúng từ phía sau, khiến 6 toa tàu trật đường ray, trong đó 4 toa lao xuống đất từ độ cao 20 – 30m. Giết chết 39 người tính đến thời điểm hiện nay và làm bị thương 192 người, đây là tai nạn đường sắt chết chóc nhất tại Trung Quốc kể từ năm 2008. Hai đoàn tàu gặp nạn được đưa vào sử dụng từ năm 2007 với tốc độ tối đa 250 km/giờ, chậm hơn so với tàu Bắc Kinh – Thượng Hải mới. Nguyên nhân tai nạn được cho là do sét đánh trúng đoàn tàu thứ nhất gây mất điện. Tuy nhiên, giáo sư Qi Qixin của Viện Nghiên cứu phương tiện giao thông thuộc Đại học Công nghệ Bắc Kinh đặt vấn đề: “Ở đây có lỗi vận hành. Lẽ ra hệ thống phải tự động cảnh báo hoặc dừng đoàn tàu thứ hai khi xảy ra sự cố như vậy” Hàng trăm triệu người dân Trung Quốc di chuyển bằng tàu cao tốc hằng ngày trở nên lo lắng sau vụ tai nạn tại Ôn Châu bất chấp sự trấn an của chính phủ. Do đó, không có gì khó hiểu khi báo chí và dư luận Trung Quốc giận dữ cùng cực. Hàng ngàn người Trung Quốc đã tràn lên mạng xã hội Weibo, kêu gọi Bộ trưởng Đường sắt Sheng Guangzu từ chức. “Những kỹ sư đã thi công đường sắt cao tốc không bao giờ đi tàu cao tốc vì họ hiểu rất nguy hiểm” – một cư dân mạng viết. Thậm chí có người nghi ngờ mức độ thảm khốc của tai nạn đã bị che giấu bớt.
Bệnh thành tích? Dự án đường cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải tượng trưng cho tham vọng mở rộng hệ thống đường cao tốc vốn đã lớn nhất thế giới của Trung Quốc. Được thiết kế để phô trương sự giàu có và khả năng kỹ thuật, dự án tàu cao tốc được chăm chút không thua gì chương trình không gian của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc từng tuyên bố chi 120 tỉ USD/năm trong nhiều năm để xây dựng đường cao tốc với mong muốn hệ thống này trải dài hơn 45.000 km vào cuối năm 2015 và sau đó vươn sang châu Âu. Trung Quốc còn nuôi hy vọng bán tàu điện cho Mỹ Latin và Trung Đông. Chính vì vậy, dù mới được khai sinh từ năm 2007, hệ thống đường cao tốc đã phát triển kinh hồn và hiện đứng đầu thế giới với 8.358 km đường ray vào cuối năm 2010. Nhưng đây cũng là một trong những đại dự án vướng phải scandal nhiều nhất. Ngoài 3 quan chức hàng đầu của ngành đường sắt Thượng Hải vừa bị đình chỉ để điều tra sau vụ tai nạn ở Ôn Châu, hồi tháng 2-2011, Bộ trưởng Lưu Chí Quân đã bị cách chức vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”. Theo báo giới Trung Quốc, ông Lưu đã bỏ túi 800 triệu nhân dân tệ nhờ tài “vẽ” các dự án đường sắt đủ “bao” đến 10 cô nhân tình.
No comments:
Post a Comment