Việt Nam mở cửa căn cứ tàu ngầm
Việt Nam vừa đặt mua sáu tầu ngầm của Nga hạng Kilo vừa chạy diesel, và điện.
Phái viên báo Tuổi Trẻ vừa được thăm viếng căn cứ của đơn vị tàu ngầm duy nhất tại Việt Nam.
Đóng tại Cam Ranh, đoàn M96 hải quân ra đời 14 năm trước đây, và mới chỉ "hé cửa" cho “một vài nhà báo” đến thăm lần đầu tiên trong những ngày gần đây.
Bài viết trên Tuổi Trẻ ra ngày 16/1 kể về chuyến thăm đơn vị hải quân thuộc hàng “bí mật quân sự” cao nhất tại Việt Nam.
Theo bài viết của tác giả Thái Bình, trong chuyến thăm căn cứ tàu ngầm, từng là quân cảng của hải quân Liên Xô (cũ) trước đây, phái viên trong nước chỉ được phép quan sát và không được chụp ảnh.
“Lúc chúng tôi đến, một trong những chiếc tàu ngầm của đơn vị vừa ngoi lên và cập vào cầu cảng. “Chỉ quan sát thôi, không chụp ảnh nhé!”, thiếu tá - chủ nhiệm chính trị Dương Xuân Khang lệnh rõ ràng,” tờ Tuổi Trẻ viết.
Miêu tả của phái viên Tuổi Trẻ cho thấy chiếc tàu ngầm nhà báo được phép đến thăm thuộc loại nhỏ, vì “chỉ cần thả người xuống và sải hai buớc là đặt chân xuống sàn tàu.”
Bài viết của báo trong nước không nhắc đến tên của tàu ngầm, thuộc lớp gì, hạ thủy từ năm nào, do nước nào đóng. Ngoài việc mô tả: “trên vách khoang tàu chật chội này, bố trí dày đặc các loại thiết bị chuyên dùng với nhiều màn hình, nút bấm, nút vặn.”
Có một chi tiết trong bài viết khiến người đọc suy tưởng chiếc tàu ngầm Việt Nam đang sử dụng chạy bằng ắc quy.
“Máy nổ sẽ tích điện cho cả trăm bình ăcquy cỡ lớn và đó là nguồn năng lượng cho tàu khi hoạt động ngầm,
“Hầm máy có lẽ chiếm không gian rộng nhất trên tàu.”
Đời sống dưới nước
Không nói nhiều đến đặc tính kỹ thuật của chiếc tàu ngầm tham quan, bài báo sau đó chuyển sang viết về cuộc sống của thủy thủ hoạt động dưới đại dương.
Đoàn trưởng đoàn M96, đại tá Lê Mạnh Hùng cho phái viên hay, ban ngày tàu hay lặn dưới nước, đến đêm mới nổi lên.
“Thủy thủ tàu nổi có khi còn cảm xúc lãng mạn giữa biển trời bao la, chứ anh em tàu ngầm làm gì có, ” báo Tuổi Trẻ trích lời ông Hùng.
Sau đó phái viên viết về những ngày đầu của đơn vị tàu ngầm Việt Nam.
Đó là đến năm 1997 Việt Nam mới bắt đầu “tiếp nhận” những chiếc tàu ngầm đầu tiên từ một “nước bạn.”
Tờ báo không nói đến tên của “nước bạn” này, tuy viết thêm ông Lê Mạnh Hùng, đại tá, đoàn trưởng M96 là người học ở Nga về.
Và ông Hùng được Tuổi Trẻ trích lời nói như sau: “Thủy thủ tàu ngầm là công việc đặc biệt nguy hiểm không chỉ khi xảy ra chiến tranh mà ngay cả trong thời bình. Chỉ cần một thiết bị hỏng hóc là có thể cả êkip phải nằm lại dưới đáy biển”.
Còn thuyền trưởng chiếc tàu mở khoang đón nhà báo vào thăm, thiếu tá Nguyễn Minh Hòa nói: “Lực lượng tàu ngầm rồi đây sẽ là quả đấm thép trong bảo vệ chủ quyền biển đảo.”
Gọi lính tàu ngầm là “lực lượng tinh nhuệ được sàng lọc kỹ,” tờ báo trong nước kể về tiêu chuẩn nhập ngũ, như “phải có sức khỏe tốt, cỡ phi công chiến đấu,” cạnh đó còn là “chịu được áp lực lặn sâu 50m.”
Có lúc chỉ huy căn cứ giới thiệu về đơn vị được gọi là “đặc công tàu ngầm” thuộc đoàn M96, tuy nhiên phái viên trong nước đã không được phép tiếp xúc.
Tiêu chuẩn chọn lựa những người này rất kỹ, tờ báo viết, vì “trong cả ngàn chiến sĩ chỉ chọn được 1-2 người.”
Một chỉ huy cho phái viên Tuổi Trẻ hay:
“Trước đây do yêu cầu giữ bí mật quân sự, đơn vị không được phép giao lưu kết nghĩa, anh em ra ngoài không được xưng là người của đơn vị tàu ngầm.”
Sắm vũ khí mới
Việt Nam đang có chương trình hiện đại hóa quân đội, theo báo trong nước, để bảo vệ biên giới và chủ quyền biển đảo tốt hơn.
Trong chuyến thăm Nga tháng 12 năm 2009, thủ tướng Việt Nam đã ký hợp đồng mua sáu tàu ngầm hạng Kilo, với phí tổn gần 2 tỷ đôla.
Ngoài tàu ngầm và khóa huấn luyện cho thủy thủ đoàn, hợp đồng còn bao gồm việc xây mới cơ sở trên bờ để phục vụ tàu.
Nhà máy đóng tàu Admiralteiskiye Verfi tại St Petersburg sẽ thực hiện hợp đồng, với mục tiêu mỗi năm giao hàng cho Việt Nam một chiếc.
Cũng có tin Việt Nam đặt hàng thêm tàu tuần tra hạng Svetlyak và tàu hộ tống cho hải quân.
Tàu ngầm hạng Kilo, dùng cả dầu diesel và điện năng, được cho là loại tàu ngầm ít tiếng ồn nhất thế giới. Tàu ngầm dạng này có thể dùng để chống tàu ngầm, cũng như tàu chiến thông thường, kể cả trong vùng biển tương đối nông.
Tàu loại Kilo trang bị hệ thống hỏa tiễn Club-S rất tối tân.
Được biết hiện Trung Cộng có 12 tàu loại này.
Hợp đồng mua tàu ngầm của Nga chắc chắn là tín hiệu rõ ràng cho các nước đang tham gia tranh chấp chủ quyền với Việt Nam ở khu vực Biển Đông.
Việt Nam luôn bày tỏ quan ngại trước tình hình căng thẳng gia tăng tại khu vực này và khẳng định muốn giải quyết một cách hòa bình, thông qua thương lượng.
No comments:
Post a Comment