Người Việt ở bẩn
Nguyễn Tài Ngọc
Trong Kinh Thánh Sáng Thế Ký đoạn 11, vào thuở khai thiên lập địa dân chúng có ý tưởng mơ ước bắc thang lên hỏi ông trời nên đồng lòng xây tháp Babel cao chót vót chín từng mây để gặp Chúa. Đức Chúa Trời giận dữ dân có ý tưởng ngông cuồng nên biến mọi người nói đủ thứ tiếng khác nhau. Đùng một cái không ai hiểu ai, ông nói gà bà nghe vịt, người nói tiếng Huế kẻ nói tiếng Nam, chàng nói tiếng Kinh nàng nói tiếng Thượng nên công trình xây dựng đành gián đoạn sụp đổ. Tháp Babel do đó không được thành hình để cho người dân đụng đến trời. Cái ngôn ngữ bất đồng đó bây giờ thể hiện qua 193 quốc gia khác nhau trên thế giới, mỗi nước ngoài vấn đề ngôn ngữ còn có mầu da, sắc thái và cá tính riêng biệt. Trong những quốc gia này có vài quốc gia cá tính đặc biệt mà khi được đề cập ai cũng có thể đoán biết. Chẳng hạn khi nói đến Pháp, ta biết ngay đó là xứ của tình yêu, Đức là xứ của dân có kỷ luật, Nhật Bản dân chúng sống sạch sẽ, Ả-Rập là nơi có dân Hồi quá khích, Đại-Hàn người dân nóng tính, Mỹ là nơi dân có tấm lòng rộng lượng, và Việt Nam chúng ta nổi tiếng không được… sạch sẽ gì cho lắm.
Người nào ở Los Angeles có dịp viếng thăm Little Tokyo, nơi tập trung người Nhật Bản ở California, và Little Saigon nơi tập trung người Việt Nam thì biết. Hàng quán, đường xá khu người Nhật sạch sẽ, trong khi khu người Việt, nhất là plaza ở góc Tây Nam của Magnolia và Bolsa lúc nào cũng bẩn, đầy rác rưới. Đây là nói những người ở Mỹ. Về Việt Nam thì miễn bàn, cái máu bẩn nó đã nằm trong tủy não, lọc bao nhiêu lần cũng không bao giờ hết.
Việt Nam chúng ta ở miền nhiệt đới, có hai mùa nắng mưa, mỗi mùa sáu tháng. Đến mùa mưa thì ngập lụt như đại hồng thủy. "Tháng Sáu trời mưa trời mưa không dứt", cây cối do đó lúc nào cũng có nước sống, thế mà không hiểu tại sao đàn ông Việt Nam cứ đến góc cây tuột quần tưới nước. Những người này tôi nghĩ là có lòng thương cây cối môi trường, không muốn cho nó chết nên tiếp tế nước. Ta nên khâm phục những người có lòng lo lắng cho trái đất và cố gắng thuyết phục họ là cây cối ngoài đường đã có đủ nước. Họ sẽ giúp ích thế giới hơn nếu đóng góp vào việc gia tăng cây cối bằng cách mua một cây nhỏ trồng ở trước hiên nhà của mình. Cây trồng trước cửa nước mưa nhiều khi không đến được vì nhà có mái hiên che nên sáng ra họ cứ vạch quần tưới nước cho cây của mình, vừa giúp cho cây nhà mình sống mạnh, vừa khỏi tốn sức đi bộ ra chỗ nào xa xôi khác tưới cây.
Chắc có lẽ bạn thắc mắc còn những người đứng tiểu ở góc đèn điện xi-măng chứ không ở góc cây? Giải quyết này cũng dễ thôi, nếu chúng ta sành về tâm lý. Những người này họ có sở thích riêng, thích gốc đèn xi-măng thay vì gốc cây, cứ như là một người thích xe Mercedes thay vì xe Lexus vậy, không vì một lý do đặc biệt nào hết. Thay vì nhà đèn xây cột đèn đường khắp nơi trong thành phố thì khi cảnh sát bắt được người nào tưới cây ở cột đèn đường, cắm thêm một cột đèn xi-măng trước nhà người đó. Sáng sớm thức dậy họ tiểu ngay cột đèn trước nhà mình, khỏi đi đâu xa. Tôi thỉnh thoảng đọc tin tức Việt Nam trên Internet tường thuật nhân viên nhà đèn làm việc cẩu thả để dây điện cao thế treo lủng lẳng sát đất làm con nít đến chơi sờ-soạng dây điện bị giật chết. Sự cẩu thả này xem vậy mà hay. Cứ để cái dây điện cao thế lủng lẳng trước cột đèn xi-măng ở nhà họ thì chẳng chóng thì muộn ai đái ở cột đèn đường cũng bị điện giật chết hết. Vấn đề nan giải sẽ dần dần tự nó giải quyết.
Cái tật xấu lớn nhất của dân mình có lẽ là vất rác bừa bãi. Tật này là đại nạn, quốc nạn vì dân ngu cu đen lẫn dân trí thức tranh nhau vất rác, không ai có ý tự trọng. Khi mới sang Mỹ học đại học, tôi cùng một số bạn học Việt Nam lái xe đi cắm trại ở xa. Trên đường đi thì một xe bị bể bánh làm cả đoàn phải ngừng. Chúng tôi phân phát bánh mì ăn trong khi chờ đợi thay bánh. Tôi thấy thật hãi hùng khi hai người trong nhóm sau khi mở giây thun tháo giấy gói bánh mì, vất giấy ngay xuống lề đường. Tôi bảo họ nhặt lên thì họ nói ở đây giữa sa mạc, không ai thấy nên vất rác không sao!
Ngày xưa khi đi học tiểu học rồi trung học, sáng sớm nào vào lớp là cũng có một rừng rác. Cả lớp phải chia phiên ra quét rác trước khi vào học. Học sinh, những thành phần ưu tú của quốc gia, thay phiên nhau vất rác. Tôi là thầy bói thì cam đoan tiên đoán thời tiết 24 giờ sắp tới không đúng không ăn tiền: chỗ nào có dân Việt Nam là bảo đảm chỗ đó có rác. Khắp nẻo đường đất nước Việt Nam chỗ nào cũng có rác. Rạp ciné có rác, đi tắm biển có rác, dạo đường phố có rác, vào chợ có rác, ra bờ sông ngồi có rác, trường học có rác, công viên có rác, building nào không có người là có đống rác. Vất rác chẳng những mất vệ sinh mà còn cho thấy người vất rác bừa bãi là người ích kỷ, hèn mọn. Hèn mọn là vì vất rác lén lút, không dám cho người khác thấy. Ích kỷ là vì mình muốn giữ nhà mình sạch, vất rác chỗ khác cho đường phố và nhà người khác bẩn. Người ta phải gia công dọn dẹp rác mình vất, còn mình thì khỏi cần làm. Để cho người khác dẹp cái rác của mình vất thì không thể nào người vất rác có lòng thương người được. Tôi cố suy nghĩ ra nguyên nhân nào mà dân Việt mình hay vất rác bừa bãi thì khám phá ra chân lý: mình có rất ít thùng rác. Tại sao mình có ít thùng rác? Vì dân ta không giỏi phát minh như dân nước khác nên không chế được thùng rác. Không có thùng rác nên dân mới vất rác ngoài đường. Muốn cho xã hội thay đổi thì phải có giáo dục. Chúng ta phải dậy dỗ người dân cho họ biết là nhà họ ở là một cái thùng rác lớn, đi đâu muốn vất rác thì giữ lại cái rác ấy trong túi, đem về vất rác trong nhà mình. Nhà ở có nhỏ đến đâu thì cũng là vĩ đại nếu dùng nó là thùng rác. Ít nhất phải mấy năm nó mới đầy nên người nào muốn vất rác bừa bãi sẽ có đến mấy năm mới phải dọn.
Đã vất rác bừa bãi, người Việt Nam lại không có tính lau dọn sạch sẽ. Cái gì không lau chùi thì thế nào nó cũng sinh ra ghét bẩn và hôi hám. Cầu tiêu ở phần đông nhà hàng Việt Nam lúc nào cũng bẩn. Tôi không hiểu tại sao họ không mướn được một người thường trực có trách nhiệm lau cầu tiêu? Tăng giá tiền ăn một tí, bảo đảm khách nào vào nhà hàng thấy cầu tiêu sạch ai cũng sẽ muốn trở lại. Chúng ta ai cũng có dư thì giờ đọc báo, xem TV, xem computer, xem phim bộ nên không lau chùi là vì lười chứ không phải là không có thì giờ. Cứ tưởng tượng nhà mình là Câu Lạc Bộ Thể Thao Phan Đình Phùng, tập thể thao khi lau chùi nhà cửa vừa không phải đóng tiền hội viên mà vừa được bắp thịt nổi cuồn cuộn như anh Vọi, thì tại sao mình lười? Cái lười bẩm sinh này di truyền từ đời vua Hùng Vương nên không biết làm sao mà chữa được: lau chùi nhà cửa thì phải mặc đồ gọn ghẽ, mặc bikini thì càng tốt vì thoáng tay chân để lau dọn. Trái lại, ta thử nhìn trang phục của các vua chúa, hoàng hậu, công chúa thời xưa: quần thì ống chân rộng hơn ống cống, áo thì rộng hơn chăn đắp, tay áo rộng thùng thình vào tiệm ăn cắp dấu TV vào tay áo bảo đảm không ai phát giác ra được. Mặc quần áo như thế thì làm sao mà lau chùi? Vì thế vua chúa không lau chùi, không làm gương nên dân cũng chẳng làm theo. Cứ thế mà cái thói quen ấy nó truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cho mãi đến bây giờ ai cũng chấp nhận cái tiêu chuẩn không lau chùi là thượng sách.
Một yếu tố khác trong cái bẩn của người Việt Nam mình là thức ăn: mắm. Một lần tôi vào một siêu thị của người Việt Nam ở Garden Grove, đi gần đến một khu tôi ngửi thấy mùi tanh hôi, quay lại nhìn tôi mới tảng thần khi trông thấy cả một gian rất nhiều kệ chưng bán biết bao nhiêu là chai, lọ, toàn là mắm: mắm tôm, mắm nêm, mắm ruốc, mắm rươi, mắm tép, mắm bò hóc, mắm cáy, mắm kho, mắm chuột cống....Nhìn chất liệu mắm trong lọ tôi đã thấy rợn người, cộng thêm cái mùi hôi đặc biệt của mắm làm tôi chỉ muốn ói, phải đi ra ngoài. Ai cũng biết tất cả các loại mắm đều làm từ tôm cá, thế nhưng có lẽ ít người trong chúng ta biết cách thức làm: đại khái là cá trộn với muối rồi để cho nó ươn lên mấy đời vua nhà Trần, xác cá rữa ra thành nước mắm. Đi chợ vào hàng cá sống mình đã thấy hôi, huống gì ngửi mùi cá hay tôm chết. Năm 1980 tôi xem một phim thời sự của đài truyền hình Nhật Bản có làm một phóng sự về đời sống người Việt sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam. Có một đoạn cô phóng viên đến Phan Thiết quay phim làng làm nước mắm. Cách làm đã dơ bẩn, từ cái chum đựng nước mắm đến mấy cục đá họ lượm dưới đất lên để đè nén lớp trên cùng của cá, đến chỗ làm nước mắm, người làm trông cũng bẩn thỉu. Cô ta nói từ xa đã có mùi hôi không chịu được. Ấy chỉ là làm nước mắm. Làm mắm tôi tưởng tượng còn bẩn đến chừng nào nên từ khi xem phim ấy đến giờ, khi nói đến mắm, tôi nhất định hát bài “Không” của Nguyễn Ánh 9.
Người mình thật quái đản. Tôi thật tình không hiểu mấy cô thoa dầu thơm Chanel cho người thơm phức để quyến rũ đàn ông nhưng lại bước vào nhà hàng Bò 7 món ăn với món mắm nêm hôi rình? Trong khi người phương Tây họ lo tìm cách chế nước hoa Chanel, Amani, Yves Saint Laurent , Dior, Calvin Klein mùi thơm thật quyến rũ thì ta lại lo chú tâm sản xuất nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết , mắm tôm ông Cả Cần…, đứng xa mấy nghìn cây số đã ngửi thấy mùi hôi! Đúng là dân ta lạc hậu, giống như dân Trung Hoa khi xưa tối ngày lo mài kiếm, tập phi thân, trong khi bên phương Tây người ta chế tạo súng ống, phát minh máy bay. Thảo nào mà văn hóa Âu Tây đi vượt bực so với Á Đông mình.
Vệ sinh cá nhân của người Việt Nam cũng đáng cần để lên bàn giải phẫu mổ xẻ. Ông Năm truớc nhà tôi ở Bàn Cờ là người từ thuở bé tôi đã ước ao ông ta dọn nhà đi chỗ khác. Một trong những thông lệ ông ta làm mỗi sáng sớm khi thức dậy là đứng ngay giữa xóm, vươn vai, bẻ chân tay cho dãn gân cốt rồi khạc nhổ đờm xuống đất, rất nhiều lúc rớt ngay trên phần đất nhà tôi. Không những vi trùng nó bay tán loạn từ đầu xóm đến cuối xóm mà những đứa bé đi chân không, có cả tôi, đạp phải khi không mang dép. Cái tật khạc nhổ vô ý thức này vẫn thấy đầy dẫy ở khu người Việt dưới Bolsa. Nếu Olympics có giải khạc nhổ xa nhất thì bảo đảm Việt Nam và Trung Cộng lúc nào cũng đoạt giải huy chương vàng và bạc, không nước nào địch lại nổi. Lên nhận huy chương vàng là một người Việt tóc tai bù xù không chải, quần áo xốc xếch, người ngợm hôi hám vì mới ăn mắm tôm gia truyền Hà Tĩnh. Không như người da trắng tóc vàng, tóc người Á Đông chúng ta mầu đen, không cắt chải gọn ghẽ trông rất bẩn. Quần áo cũng thế, tìm được mấy bà mặc áo bà ba đi ra đường dưới phố Việt Nam không phải là chuyện khó. Mấy ông Việt Nam cũng vậy, nhiều người ra đường tay chân đen đúa, quần áo luộm thuộm như bị giam năm mươi năm ở Hỏa Lò Hà Nội. Phải có người cắt nghĩa cho những ông này là nếu họ cắt tóc ngắn gọn, tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo chỉnh tề thì sẽ có khối những cô gái xinh đẹp đứng sắp hàng hỏi xin số điện thoại. Bảo đảm họ sẽ thay đổi.
Những thói xấu của người mình đóng góp vào việc cá nhân, xã hội dơ bẩn là những di tích lịch sử không nên duy trì. Đồng ý là chúng ta vì bị Trung Hoa đô hộ một nghìn năm nên bị ảnh hưởng sâu đậm của chú Coóng nấu mì mặc áo thun sát nách mồ hôi nách nhễ nhại chẩy vào thùng nước lèo, của chú Thoòng chẩy mũi lấy tay quẹt rồi quẹt tay vào áo cho khô tay, của thím Phù Xám Xuyến nấu hủ tiếu và pha cám cho heo ăn cùng một lúc, thế nhưng dĩ dzãng dơ dáy cần dấu giếm: ta phải cách ly thói hư tật xấu ở bẩn không một lòng luyến tiếc. Ngay chính ở những thành phố lớn của Trung Hoa bây giờ nhiều nơi cực kỳ sạch sẽ không thua gì phương Tây. Tục ngữ ta có câu: “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”. “Mát” này là mát mẻ chứ không phải mát dây. Thành ra từ xưa đến nay nếu vì chúng ta tối dạ hiểu lầm câu tục ngữ này, sợ bị mang tiếng mát dây nên sinh sống dơ bẩn thì bây giờ vẫn chưa muộn biến đổi đời sống để chúng ta sẽ trở thành một quốc gia sạch sẽ nổi tiếng nhất thế giới Việt Nam Cộng Hòa.
Nguyễn Tài Ngọc
No comments:
Post a Comment