Saturday, August 13, 2011

Xac uop trong cac cổ mộ Nam Bắc

Xác ướp trong các cổ mộ Nam Bắc
   
Hầu như các bộ phận bên ngoài cơ thể của xác ướp đều còn nguyên vẹn (Ảnh: VnMedia)

Khám phá bí mật xác ướp trong các mộ cổ

Thứ Bẩy, ngày 13/08/2011,EpiViVi
 
(Tin tuc/BB) - Sài Gòn chiều, ngồi với Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Đức Mạnh, Trưởng khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.SGN, chuyên gia khảo cổ nổi danh, nghe ông nói về xác ướp và cổ mộ đâm ra mê mẩn hồi nào không biết.
 
Những xác ướp khi được khai quật da dẻ còn tươi mới, như người đang nằm ngủ. Những ngôi mộ cổ của tiền nhân lưu dấu ấn của một thời kỳ lịch sử đã qua… cả những quan quách mà khi mang lên mặt đất, bỗng dưng mùi thơm tỏa khắp một vùng…
Bí quyết ướp xác thất truyền
Ướp xác là chuyện không mới nhưng luôn bí ẩn. Cũng như cổ mộ không phải là chuyện quá xa xăm nhưng luôn tồn tại nhiều huyền bí. Tiến sĩ Mạnh nói rằng, phương thức ướp xác gia truyền của người Việt trước thể kỷ XV không có, sau khoảng thời gian đầu thế kỷ XX đã gần như tuyệt diệt.
Xác ướp có niên đại cổ nhất là khi các nhà khảo cổ khai quật mộ của bà Dương Thị Bí, mẹ của vua Lê Nghi Dân, chôn ở Nhân Giả (Vĩnh Bảo – Hải Phòng). Và xác ướp có địa vị cao nhất trong triều đại phong kiến là vua thứ 11 của nhà Lê, vua Lê Dụ Tông (SN 1679 – 1731) được khai quật ở Bái Trạch (Thọ Xuân – Thanh Hóa)… Còn những xác ướp thuộc dòng dõi hoàng tộc, quan lại… thì nhiều không kể xiết.
Thường thì tiền nhân ướp xác với mục đích chính là lưu giữ được thi thể người đã khuất càng lâu càng tốt. Có khi, đó là sự phản ánh khác biệt về đẳng cấp. Trong các ngôi mộ cổ chứa xác ướp đã được khai quật theo mô hình “trong quan ngoài quách”, nói phàm phu một chút thì ngoài quan tài còn có quan tài khác, người đã khuất đều sở hữu những đồ tùy táng có giá trị như vải lụa, gấm vóc, trang sức…Có khi là túi đựng trầu cau, hộp đựng thuốc hay túi gấm chứa móng tay, móng chân, giấy lụa chép kinh Phật, vài đồng tiền phạm hàm. Nhà giàu thì có thể thay thế những đồng tiền này bằng ngọc trai hoặc vàng…
Theo cứ liệu được nhiều nhà khảo cổ hình dung sau khi tiến hành các khảo nghiệm, quan sát, nghiên cứu thì thủ thuật ướp xác và bảo quản thi thể trải qua những quy trình cơ bản.
Đầu tiên, thấy người đang hấp hối, chuẩn bị chết thì người thân sẽ cho họ uống một thang thuốc có đậm vị quế, gọi là thuốc hồi dương. Tác dụng chính của thang thuốc này là để hạn chế sự phá hoại của vi khuẩn đối với cơ thể.
Sau khi trút hơi thở cuối cùng, người chết được tắm rửa bằng nước thơm theo đúng nghi lễ tang chế Thọ Mai. Thi thể được tắm gội sạch sẽ cũng là cách để hạn chế vi trùng xâm nhập.
Hoàn tất hai bước cơ bản này, thi thể nhanh chóng được cho vào quan tài. Kế đến, tất cả những khe hở của áo quan sẽ được bịt kín bằng sơn ta hoặc chèn gối gấm, sao cho không khí không thể xâm nhập vào bên trong. Nhiều thi thể được tẩm ngập trong dung dịch bao gồm nhiều hỗn hợp khác nhau. Dung dịch này cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn đối với giới khảo cổ, mọi giả thuyết về loại dung dịch này chỉ có tính tương đối. Xác vua Lê Dụ Tông hay xác của bà Nguyễn Thị Hiệu… khi các nhà khảo cổ tiến hành tháo lớp dung dịch tẩm thi thể thì da dẻ của xác ướp gần như còn tươi nguyên, có khi sờ vào còn mềm mại. Dung dịch tháo chảy ra ngoài có mùi thơm ngát…
Quan tài thường được đóng bằng gỗ Ngọc am, có tên dân gian là thông đỏ. Ngọc am phân bố rải rác chủ yếu ở các vùng cao như Lạng Sơn, Tuyên Quang… và một ít ở vùng rừng Nghệ An…
Tiến sĩ Mạnh nói đây là loại gỗ cực quý hiếm, được chế tác thành quan tài dành cho người trong hoàng tộc. Ngọc am có đặc tính rất đặc biệt là dẫu có chôn dưới đất hàng trăm năm nhưng khi đưa lên trên vẫn tỏa ra mùi hương thơm ngát trong phạm vi hàng trăm mét vuông. Ngoài ra, Ngọc am còn có khả năng đuổi các côn trùng như kiến, mối mọt… chính bằng mùi hương của nó. Có một thời gian dài, tinh dầu của loại gỗ quý này còn được quảng bá là thần dược chữa bệnh.
Nhiều ngôi mộ cổ khi khai quật, giới khảo cổ còn nhận thấy một quan tài mỏng lồng trong quan tài Ngọc am. Có khi, vách trong của áo quan được trét một lớp sơn mỏng bằng sơn sống để dán gỗ sồi hoặc vàng tâm.
Đáy quan thường được cấu tạo thành 2 lớp. Lớp đáy chứa gạo rang, bã trà hoặc tro dày khoảng 20cm, bên trên lại phủ một lớp giấy bản hoặc bấc dầu dày khoảng 5cm. Cả hai nguyên liệu này có cùng mục đích là hút ẩm. Tiếp đến, những người khâm liệm đặt một tấm gỗ đục 7 lỗ, gọi là Thất tinh,  theo vị trí của chòm sao Bắc Đẩu. Theo quan niệm của Đạo giáo thì tấm gỗ Thất tinh này có nhiệm vụ bảo vệ vong linh người chết thoát khỏi sự quấy nhiễu của tà ma. Ngoài ra, tác dụng thêm là thoát nước, giữ cho thi hài luôn khô ráo.
Khâu cuối cùng của công đoạn tẩm liệm là đổ dầu nhựa thông vào, gắn kín ván thiên bằng sơn sống trộn mạt cưa và bao bọc quan tài bằng một lớp quách gỗ dày.
Hết thời gian quàn xác tang chế, người thân của người chết hạ quan trọng quách hợp chất hình hộp ở độ sâu khoảng 1m. Phía trên quách là nấm mộ được đắp cao.
Điều đáng kinh ngạc nhất của quách hợp chất mà về sau được gọi là mộ hợp chất chính là nguyên vật liệu được chuẩn bị để xây dựng mộ cũng như quy mô của các ngôi cổ mộ này.
Có thể đồng ý với nhận định của nhiều nhà khảo cổ, mộ hợp chất được cấu thành bởi hàng loạt nguyên liệu như vôi sống, vôi tôi, vỏ nghêu hay san hô nghiền vụn, cát cùng chất kết dính như vữa ô dứa, mật ong, mật mía… Phương thức pha trộn bí truyền giúp những nguyên liệu này kết hợp lại với nhau thành một khối kết dính, có độ vững chắc gần như là tuyệt đối.
Trong các lần khai quật mộ cổ, việc đục bỏ khối hợp chất này rất tốn thời gian, công sức. Một công nhân khỏe mạnh, làm việc liên tục từ sáng đến chiều chỉ có thể đục bỏ được khối lượng từ 4-5kg hợp chất này. Nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật nói với tôi rằng, kết cấu hợp chất này lạ ở điểm, máy đục của các đội khoan cắt bê tông cũng không thể phá hủy được. Đục vào vị trí nào, chỉ có vị trí đó sứt mẻ, những vị trí xung quanh vẫn nguyên vẹn, điều này chứng tỏ những xung động về ngoại lực của kết cấu mộ khi có tác động về ngoại lực với vị trí xung quanh là bằng 0.
Cổ mộ và những điều lạ lẫm
Trong cổ mộ luôn có những điều bí ẩn không thể giải thích được bằng các cứ liệu khoa học, những bí ẩn đặc trưng về tâm linh. Như lần khai quật mộ bà Hiệu ở khu xóm Cải, quận 5, TP.HCM, nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật phát hiện có mộ yểm.
Mộ yểm là những mộ dành cho lính hoặc cung nữ được chôn theo chủ nhân để hầu hạ khi về bên kia thế giới. Mộ yểm nằm ở vị trí sâu hơn so với mộ của chủ nhân.
“Lần đó, tôi cứ băn khoăn mãi việc có nên khai quật mộ yểm này hay không. Vì không khai quật thì thấy có lỗi, vì mình làm công tác nghiên cứu mà lại thoái thác trách nhiệm. Còn khai quật thì phải chịu một điềm rủi là đã được tiền nhân cảnh báo”, nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật cho biết.
Cuối cùng, ông quyết định khai quật mộ yểm này. Quan tài trong ngôi mộ yểm đã mục nát, phía bên trong áo quan chỉ còn lại một ít xương vụn, rã mục… Hơn một tuần sau khi khai quật mộ yểm này, nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật bất ngờ ngã từ lan can lầu 1 xuống mặt đường. Tai nạn khiến ông phải nằm dưỡng thương hơn 3 tháng với một phần hông được phẫu thuật nhiều lần. Giờ kỷ niệm là vết sẹo dài chạy dọc từ hông xuống quá đùi.
Theo chúng tôi, những việc không may xảy ra đó, rất có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi.
Bỏ qua những câu chuyện mang tính lạ lùng ấy, thì cổ mộ chính là đầu mối quan trọng để các nhà khảo cổ căn cứ vào đấy, phục dựng lên một thời điểm lịch sử hoặc về một nhân vật lịch sử.
Năm 1977, ngôi mộ cổ đầu tiên ở Sài Gòn được khai quật tính từ sau ngày đất nước thống nhất là ngôi mộ đơn táng ở chợ Vườn Chuối, quận 3, TP.HCM. Áo quan của chủ nhân ngôi mộ được làm từ gỗ trai. Đây là ngôi mộ của quan đại thần triều Gia Long, Huỳnh Công Lý, nguyên là Phó tổng trấn Gia Định thành vào thời Minh Mạng.
Huỳnh Công Lý là người chỉ xếp sau Tả quân Lê Văn Duyệt tại thành Gia Định. Tuy nhiên, ỷ vào thế con gái đang được vua Minh Mạng sủng ái, Huỳnh Công Lý thỏa sức vơ vét, bòn rút của dân để làm giàu cho mình.
Trong lần mang quân đi dẹp giặc Xiêm về lại thành Gia Định, Tả quân Lê Văn Duyệt bắt đầu tra xét các đơn kiện Huỳnh Công Lý và cho tiến hành điều tra. Sau khi thu thập đủ chứng cứ buộc tội Huỳnh Công Lý, Tả quân đã cho chém Huỳnh Công Lý trước khi dâng biểu hạch tội Lý về triều đình Huế. Chính vì việc này, giữa vua Minh Mạng và Tả quân Lê Văn Duyệt lại có thêm hiềm khích mới. Xét thấy Huỳnh Công Lý là quan đại thần nên vua Minh Mạng cho phép gia quyến của Huỳnh Công Lý được chôn thủ cấp theo thi thể. Riêng tài sản của vị tham quan này được Tả quân Lê Văn Duyệt cho kê biên và trả lại cho những người bị Lý cướp đoạt.
Tiến sĩ Mạnh bảo, ông còn giữ được tấm ảnh trắng đen chụp hài cốt Huỳnh Công Lý khi mới được khai quật. Bức ảnh thể hiện đầu của Huỳnh Công Lý trong vị trí lìa khỏi cổ, não trong sọ còn chưa tiêu hết.
Di vật được chôn theo Huỳnh Công Lý gồm có tàn tích chiếu cói, 1 hạt cườm màu trong suốt như mã não, 7 cúc áo hình cầu có núm nhỏ luồn chỉ như được giát vàng…
Ở ngôi mộ của Chưởng cơ Lê Văn Phong  bên trong quách, áo quan còn nguyên vẹn. Các nhà khảo cổ còn phát hiện đầy đủ xương và một bộ trang phục đại thần triều Nguyễn, với mão vòng đao nạm vàng có gắn kim cương, móc đai lớn...
Một ngôi mộ cổ khác ở Cái Bè, khi khai quật phát hiện áo quan còn gần như nguyên vẹn, quách gỗ bao ngoài là loại danh mộc. Áo quan có cấu tạo 2 đáy. Đáy trên là nơi đặt thi thể, có lỗ thủng nhỏ. Đáy cưới còn đọng thủy ngân và gần nửa tạ một loại hạt gần giống như hạt cà phê. Theo tiến sĩ Mạnh, thủy ngân được đổ vào miệng người chết với hy vọng lưu giữ được thi thể. Nhưng, thủy ngân với tính axit mạnh chính là nguyên nhân khiến thi thể người chết bị phân hủy nhanh hơn.
Trong áo quan, thi thể này đã phủ chiếu cói và các lớp vải khâm liệm như gấm, vải xô, giấy bản… nhưng tất cả đã bị hư hại nhiều do bị ngâm lâu trong nước. Ngoài ra, có cả cục mực tàu, bút lông, mũ ni…
Theo tiến sĩ Mạnh thì áo quan đựng thi thể của các cổ mộ tại miền Nam khác nhiều với loại áo quan trong cổ mộ tại miền Bắc. Áo quan ở miền Nam được làm từ những cây gỗ to trong rừng nguyên sinh, kiểu gỗ thớ dày, ít bị nứt nẻ, có khả năng bảo quản xác lâu dài. Dĩ nhiên, đây cũng toàn là loại danh mộc những lại không có mùi thơm như Ngọc am.
Áo quan ở Nam Bộ thường rất lớn, ván thiên được cấu tạo thành vòm, được chạm trổ rất cầu kỳ. Cái đáng tiếc nhất là do đặc tính khí hậu và các nguyên nhân khác, có cả nguyên nhân do trộm mộ, các ngôi cổ mộ ở Nam Bộ thường không lưu giữ tốt các đồ tùy táng hay thi thể người chết như các ngôi cổ mộ ở miền Bắc.
Tiến sĩ Mạnh còn cho biết thêm, quanh khu vực trung tâm Sài Gòn, giới khảo cổ đã đào được khoảng 500 ngôi cổ mộ. Tiến sĩ Mạnh đánh giá, các cổ mộ hợp chất chính là bằng chứng cụ thể và sinh động bậc nhất, là tiếng nói của dĩ vãng, là mực họa diện mạo quá khứ lịch sử văn hóa vật chất, tinh thần cũng như tư duy của cổ nhân, những bậc tiền nhân đã khai sinh ra mảnh đất Nam Bộ này.
Đây là dạng di sản chứa đựng những thông tin hữu ích cho việc phục dựng cả một thời đoạn lịch sử quan trọng của đất nước, đặc biệt là sự hình thành bản sắc trong quá trình khai phá vùng đất mới Biên Hòa – Gia Định – Định Tường.

No comments:

Post a Comment