Thursday, August 11, 2011

Lược sử Dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc

Lược sử Dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc
 

 
 
13. Dòng đã tổ chức Tổng Tu nghị thứ 5 (Đại Công hội) tại Thủ đức, từ ngày 4 tới 7 tháng 11 năm 2006, nhân dịp 65 năm tận hiến cho Đức Mẹ. Linh mục Gioan Maria Đoàn Phú Xuân đã trúng cử chức Tổng Phục vụ (bề trên cả) với thời hạn 5 năm (2006-2011). 
 

Lược sử
Dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc
Congregatio Matris Corredemptricis (C.M.C)
--------------------------------------------------------
 
1. Ngày 4-4-1941, Lễ Mẹ Đau thương (theo lịch Phụng vụ trước Công Đồng Vaticanô 2) thứ Sáu Tuần Thụ nạn, cha Đaminh M. Trần Đình Thủ, linh mục địa phận Bùi chu, bấy giờ đang là giáo sư đại chủng viện Quần phương, được ơn soi sáng lập một Dòng tu "mới, hợp với thời đại, với dân tộc" để giúp cho người VN nên thánh (Lý Tưởng Đồng Công tập I, Hồi ký của Anh QP, 1971, trang 18).
 
2. Ngày 15-8-1948, Đức cha Đaminh M. Hồ Ngọc Cẩn, giám mục Bùi chu ký sắc lệnh cho thành lập Hội Truyền giáo của cha Đaminh Thủ là Hội Đạo đức, danh hiệu là "Hội Truyền giáo Đức Mẹ Đồng Công", trụ sở tạm đặt tại nhà xứ Liên Thủy, Bùi chu (LTĐC I tr 187).
 
3. Ngày 15-12-1952,   Tòa thánh Vatican ký chấp thuận Hiến pháp Dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc. (sách trên tr 204)
 
4. Ngày 2-2-1953,  Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu trong đền thánh, Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, giám mục địa phận Bùi chu, ban Sắc lệnh thành lập DĐC trong địa phận Bùi chu, và đặt cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ làm Bề trên tiên khởi.
Cùng ngày này, 36 anh em gồm linh mục, tu sĩ được nhận vào lớp tập thứ 1 của Dòng (sách trên tr 220-222).
 
5. Ngày 25-3-1954, Lớp tu sĩ tiên khởi của Dòng có 31 tu sĩ tuyên khấn lần đầu. Tiếp liền theo lớp khấn này, lớp dự tu thứ hai được giới thiệu với con số 45 người. Theo dự trù, lớp dự tu này sẽ mặc áo Tập vào tháng 9-1954. Nhưng, tình hình đất nước thay đổi, Ðiện Biên Phủ thất thủ, quân Pháp rút khỏi Bùi Chu, Nam Ðịnh. Trước mối đe doạ Việt Minh cầm quyền…(sách trên tr 224-228).
 
6. Ngày 5-7-1954, Cha Thủ tạm giải tán anh em về quê chờ đợi tình thế. Hầu hết anh em tản mát mỗi người một phương, nhưng vẫn ôm hoài bão có ngày đoàn tụ. Trên 30 anh em chưa kịp đi thì ngày 10-7-1954 quân đội Việt Minh phong toả nhà xứ Liên Thủy và bắt 25 anh em biệt giam tại Trà Bắc. Ngày 30-7-1954, mười ngày sau khi ký hiệp định Genève, 25 anh em trên đây mới được trả tự do. Ðược biết hiệp định Genève chia đôi đất nước, miền Bắc thuộc Cộng sản, miền Nam thuộc Cộng hòa, và dân chúng được tự do chọn nơi cư trú, cha Thủ quyết định di cư toàn Dòng vào Nam Việt. (sách trên tr 235-250).
 
7. Năm 1954: Di Cư Vào miền Nam:
Một điều lạ là trước ngày 3-8-1954 Việt Minh ở Bùi Chu không cấp giấy cho bất cứ ai ra khỏi thôn mình, thế mà từ chiều hôm đó anh em Ðồng Công tới xin giấy thông hành, thì người cán bộ đã viết giấy cho anh em, không vặn hỏi lý do. Một điều lạ khác là hầu hết anh em giải tán về quê, chiều ngày 3-8-1954 tự nhiên lục tục về Liên Thủy thăm Dòng, và mọi anh em đều xin được giấy thông hành như vậy. Cầm giấy trên tay anh em chia thành từng nhóm đi Hải Phòng. Chỉ trong một tuần lễ, hầu hết anh em đã có mặt tại Hải Phòng, mặc dầu có nhiều anh em ở xa Liên Thủy, không được biết ý định di cư của cha Thủ.
Ngày 10-8-1954, anh em xuống tầu ville de Haiphong của hãng Denis Frères vào Nam Việt.
Ngày 13-8-1954, tầu cập bến Bạch Ðằng, Sài Gòn. (sách trên tr 263).
 Anh em Dòng trước tiên tạm cư tại Phú Nhuận, rồi lên Biên Hoà, sau đó chuyển xuống Bình Ðức tỉnh Mỹ Tho, rồi lại xuống Hoà Khánh, Sađéc (sách trên tr 264-268).
Ngày 3-12-1954, Dòng lại di cư xuống Cù Lao Giêng tỉnh Long Xuyên, do lời mời của Ðức Cha Chabalier, Giám Mục địa phận Nam Vang, Cambốt.
Tại Cù Lao Giêng, lớp Tập thứ hai gồm 41 anh em tận hiến cho Mẹ ngày 15-12-1954 (sách trên tr 272).
Nhưng Dòng Ðồng Công chỉ ở Cù Lao Giêng được gần một năm.
Cuối tháng 11-1955, Dòng di chuyển về Thủ Ðức, kiến thiết trên một quả đồi rộng hơn 30 mẫu tây, và bắt đầu một giai đoạn mới (Lý tưởng Đồng Công tập II, Hồi ký của Anh QP, 1996, tr 9).
 
8. Hai mươi năm phát triển Dòng (1955-1975)
Về nhân số:
Khi di cư vào Nam Việt toàn Dòng có chừng 125 anh em.
 
Về cơ cấu quản trị:
Dòng Ðồng Công là một Dòng gồm linh mục và tu sĩ, các nhiệm vụ chính trong Dòng cũng như tại các cơ sở truyền giáo phần lớn đều do các linh mục chỉ huy, nên Dòng cần có một Học Viện để đào tạo các linh mục.
- Trong giai đoạn đầu, Dòng gửi một số anh em học tại Ðại Chủng Viện Xuân Bích, Thị Nghè, và Ðại Chủng Viện Thánh Giuse, Sài Gòn.
- Ngày 25 tháng 3 năm 1956, Đệ nhất Đại Công hội được tổ chức tại Thủ đức, đặt Hội Đồng Quản Trị Trung ương chính thức đầu tiên. Tổng giám đốc, linh mục Trần Đình Thủ (LTĐC II tr 18).
- Từ năm 1961, Dòng được phép lập Học Viện riêng tại Thủ đức . Lớp Triết Học đầu tiên do Dòng huấn luyện có 7 tu sĩ khấn trọn (LTĐC II tr 31).
Mặt khác, để có bằng cấp của Giáo Hội và chính phủ, Dòng đã gửi một số linh mục du học tại Rôma và nhiều anh em học tại các đại học đạo cũng như đời.
-  Tháng 3 năm 1963: Ðệ Nhị Ðại Công Hội của Dòng đã được tổ chức  tại Lái thiêu (giáo phận Phú cường), để bầu cử Tổng Giám Ðốc và Hội Đồng Tổng Quản của Dòng khóa 1963-1970. Toàn thể nghị huynh đã bầu cha Trần Đình Thủ làm Tổng Giám Ðốc. Ðại Công Hội cũng thảo luận và nghị quyết về những Tục Lệ từ trước vẫn thi hành trong Dòng và vạch một đường lối đi vào tương lai.
 
- Tháng 5 năm 1963, Nhà Mẹ và Học viện Triết - Thần được di chuyển ra Nhà Đá, giáo phận Qui nhơn, tỉnh Bình định.
 
- Ngày 15 tháng 7 năm 1967, lễ Mẹ núi Carmelô, 15 anh em đi tắm tại bãi biển Tân thành Bình định, đã bị Việt cộng địa phương bắt đi mất tích hoặc hạ sát, cho tới nhiều năm sau cũng không ai biết tin tức về những anh em này.
 
- Ngày 14 tháng 9 năm 1970, Ðệ Tam Ðại Công Hội được tổ chức  tại nhà Mẹ Nhà Đá (giáo phận Qui nhơn).
Ðại Công Hội này đã đồng tâm hợp ý suy tôn Vị Sáng Lập Dòng (cha Đaminh TĐ Thủ) làm Tổng Giám Ðốc cho tới khi nào cha cần người thay thế.
Ngoài việc bầu Hội Ðồng Tổng Quản mới, Ðại Công Hội còn soạn thảo và biểu quyết một số quy chế, đồng thời tu chính Hiến Pháp và Tục Lệ cho hợp với nhu cầu của Dòng.
Đức cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn đã truyền chức linh mục trong 3 lần, cho 16 anh em Dòng tại Qui nhơn.
Nhà Mẹ ở tại Qui nhơn cho tới đầu tháng 9 năm 1974 thì chuyển từ Nhà Đá về lại Thủ đức.
 
Về cơ sở truyền giáo và kinh tế:
*Tại Thủ Ðức:
- Tu viện cho chừng 70 tu sĩ.
- Ðệ Tử Viện đủ chỗ cho gần 300 em.
- Trường Trung Tiểu Học và Ký Túc Xá Ðồng công từ năm 1956, hàng năm có từ 800 đến trên 1000 học sinh.
- Giáo Sĩ Dưỡng Ðường thiết lập từ năm 1957 để đón các cha già yếu về hưu,
- Trại nuôi gà hoạt động từ năm 1965 đến 1973,
- Nhà in cỡ trung bình và toà soạn Nguyệt San Trái Tim Ðức Mẹ với số độc giả trên 40,000 vào năm 1975.
 
* Tại tỉnh Phước Long, năm 1962, Dòng lập một nhà ở Ðôn Luân. Công việc đang tiến triển thì chiến tranh lan rộng. Dòng bó buộc phải tạm bỏ cơ sở này vào năm 1964.
- Dòng vẫn còn một sở nhỏ tại xứ Châu Ninh, quận Bố Ðức. Sở này có một linh mục và một số anh em giúp việc trong xứ.
 
* Tại tỉnh Bình Ðịnh, từ năm 1957, Dòng phụ trách một khu truyền giáo trong địa phận Qui Nhơn tức là khu Mỹ Chánh thuộc quận Phù Mỹ.
- Dòng còn mở trường Trung Học Toàn Mỹ tại Mỹ Chánh dạy miễn phí cho 400 học sinh. Vì tình trạng chiến tranh, năm 1964, khu truyền giáo Mỹ Chánh cùng với trường Toàn Mỹ tạm đóng cửa, mãi đến năm 1967 mới mở cửa lại.
- Khi Nhà Mẹ của Dòng chuyển ra Nhà Ðá, Dòng cũng thiết lập tại đây trường Trung Tiểu Học Ðồng Công dạy miễn phí 2 buổi sáng chiều cho  chừng 1,000 học sinh.
- Cũng tại tỉnh Bình Ðịnh, Dòng còn hai cơ sở: một tại Qui Ðức thuộc thị xã Qui Nhơn, một ở chính quận Phù Mỹ mỗi cơ sở có thể dung nạp vài ba chục người.
- Trường Trung Tiểu Học Ðồng Công tại Phù Mỹ khai giảng năm 1970 với khoảng 400 học sinh.
 
* Tại tỉnh Bình Dương, năm 1965, Dòng lập một tu viện ở xã Bình Nhâm thuộc quận Lái Thiêu. Tu viện này trước vốn là một nhà Tĩnh Tâm của anh em Dòng, được thiết lập từ năm 1958. Nhưng năm 1971, Dòng bán lại cho giáo phận Phú Cường.
 
* Tại thị xã Ðà Lạt, năm 1970 Dòng thiết lập cư xá sinh viên Rạng Ðông để giúp các sinh viên nghèo có nơi cư trú theo học đại học Ðà Lạt.
Năm 1975 có chừng 70 sinh viên sống tại cư xá Rạng Ðông. Cạnh đó là một tu xá, nơi cư trú của chừng 20 tu sĩ Ðồng Công theo học đại học.
Dòng cũng cho một số tu sĩ giúp Tiểu Chủng Viện Simon Hoà từ năm 1968, giúp Ðại Học Ðà Lạt từ năm 1969, và giúp Cư Xá Sinh Viên Trương Vĩnh Ký từ năm 1972.
 
* Tại tỉnh Lâm Ðồng, Ngày 8 - 12  năm 1969 Dòng mua một khu đồn điền "rộng 47 mẫu tây trồng trà, cà phê, bơ, mít...của một người Pháp. Tới năm 1970 bắt đầu kiến thiết khu đồn điền này thành Tu viện chính thức gọi là Tu viện Thiên mẫu, tại Ðồng Lạc thuộc quận Di Linh có thể dung nạp chừng 100 anh em.  (LTĐC II tr 84-85).
Ngoài ra, Dòng còn cử một số tu sĩ trông coi và điều khiển hai đồng điền trà, cà phê... thuộc Ðại Học Ðà Lạt: một tại Ðại Nga, gần tỉnh lỵ Lâm Ðồng, một tại Ziratô.
 
* Tại tỉnh Bình Thuận, đầu năm 1974, Dòng lập một cơ sở ở xã Lương Sơn thuộc quận Hoà Ða, dung nạp chừng 15 anh em, và một trường Trung Tiểu Học dạy miễn phí cho 400 học sinh.
Ngoài ra, một đồn điền rộng 100 mẫu tây tọa lạc tại Bầu Ốc đang được khai phá thì tình hình đất nước biến chuyển đến hồi nghiêm trọng, mọi hoạt động đều phải bỏ dở. Ðầu tháng 4-1975, vì mất an ninh, anh em làm việc tại Lương Sơn phải di tản về miền Nam.
 
9. Tính đến đầu năm 1975, tổng số anh em Dòng là 624 người, trong số đó có 177 tu sĩ vĩnh thệ (kể cả 23 linh mục), 91 tu sĩ hạn thệ, 4 tập sinh, 54 cộng sự viên, 281 em đệ tử, và 17 anh em đã qua đời. Dòng có tất cả 11 lớp tu sĩ khấn, với 176 tu sĩ vĩnh thệ, 91 hạn thệ, 22 linh mục, 13 cộng sự viên và 281 đệ tử sinh". (theo Chứng Nhân Tình Yêu, đặc san kỉ niệm Tổng tu nghị 5, tr 66). 
 
Dòng đang phát triển thì gặp cảnh đất nước đổi thay.
Một tháng trước ngày 30-4-1975, cha bề trên Cả , như được ơn linh báo, đã quyết định cho  chừng 300 anh em Dòng xuống Phước tỉnh, trọ tại những căn nhà thuê để chờ xuất ngoại. (LTĐC II, tr 152)
Nhưng vì giao thông bế tắc giữa Thủ đức- Bà rịa, chỉ còn 180 anh em (khấn sinh, Tập sinh, cộng sự viên) vượt biên ra hải ngoại trong những con tầu đánh cá người Phước tỉnh. Ban đầu chỉ có ý định đi một nước nào đó ở Á châu với mục đích là "Các em ra đi để bảo toàn Dòng và phát triển việc truyền giáo".
Còn chừng 130 (linh mục, tu sĩ) và gần 300 đệ tử sinh ở lại bên quê nhà.
 
10. Ngày 12- 6- 1975, cha bề trên Đaminh Maria bị nhà cầm quyền đị phương bắt đi tù "không lí do" tại Di linh - Bảo lộc - Đà lạt trong 2 năm, tới ngày 29-4-1977 cha mới được tha về.
Trong tù, công an nhà nuớc buộc tội cho cha là "làm CIA cho Mỹ, mặc lốt nhà tu làm tay sai, cán bộ huấn luyện CIA cho Mỹ, ăn lương của Mỹ, xây dựng bao nhiêu cơ sở đều do tiền Mỹ…" (LTĐC II, tr 159-160)
52 anh em cũng bị bắt đi nhưng được về sớm hơn.
 
11. Tháng 9 năm 1977, đệ Tứ Đại Công Hội  được tổ chức tại Thủ đức để Bầu Hội Đồng Tổng Quản và điều chỉnh lại một số vấn đề cần thiết.
 
12. Ngày 16-5-1987,  cha Bề trên Thủ lại bị bắt lần 2 , (lí do:  Cán bộ địa phương Thủ đức, Sài gòn nhiều lần đòi  chiếm đoạt các cơ sở Nhà Mẹ tại Thủ đức, nhưng không được. (LTĐC II tr 188 -194)
Nhân cơ hội nhà Dòng mở lớp huấn luyện cho một số anh chị em các nơi về Thủ đức dâng mình tận hiến cho Đức Mẹ, họ đến bắt cha Thủ và kết án tù chung thân, vì họ cho là đã tổ chức  học hỏi "chống lại Nhà Nước".
Sau đó nhờ ảnh hưởng quốc tế, họ đổi sang án tù 20 năm,
Nhưng ngày 18-5-1993, họ đưa cha về Thủ đức (không nói rõ lí do).
 
Lần này thật tan nát, các cơ sở truyền giáo và kinh tế kể trên bị  nhà cầm quyền đòi cha Bề trên Thủ "hiến" cho nhà nước sau khi bị tù lần thứ nhất hết. Lần này họ lấy thêm các cơ sở tại Thủ đức, chỉ còn lại một khu nuôi cá chép chật chội, trước để cho mấy tu sĩ ở, nay phải biến thành nơi dung thân cho hơn 500 người!  Tịch thu của Dòng ĐC tổng cộng 13/14 cơ sở thuộc Sài gòn, Lâm đồng, Đà lạt, Phan thiết, Qui nhơn (LTĐC tập 2, trg 166).
 
 
 
13. Dòng đã tổ chức Tổng Tu nghị thứ 5 (Đại Công hội) tại Thủ đức, từ ngày 4 tới 7 tháng 11 năm 2006, nhân dịp 65 năm tận hiến cho Đức Mẹ. Linh mục Gioan Maria Đoàn Phú Xuân đã trúng cử chức Tổng Phục vụ (bề trên cả) với thời hạn 5 năm (2006-2011). 
 
 
 
14. Ngày 21 tháng 6 năm 2007, Cha Tổng vụ Đaminh  Maria Trần Đình Thủ qua đời.
Nhân số toàn Dòng năm 2007: Với sự phù trợ của Chúa và Đức Mẹ, Dòng ĐC tại VN phát triển mạnh về nhân sự.
Tổng cộng toàn Dòng được 80 linh mục,
486 tu sĩ vĩnh thệ, 105 hạn thệ,
1 tập sinh, 50 đệ tử sinh, 3 cộng sự viên.
Anh chị em Gia đình Đồng công Việt Nam là 31,750 anh chị em thuộc 7 giáo phận (tài liệu do Tổng Tu nghị 5, Chứng Nhân Tình Yêu, đặc san kỉ niệm Tổng tu nghị 5 (2006),
tr 71).
 
15. Ngày 24 tháng 6 năm 2007, lễ thánh Gioan Tẩy giả, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh (Sài gòn) đã phê chuẩn Hiến pháp 2007 của Dòng (sau Tổng Tu nghị) chiếu theo thẩm quyền do Hội Thánh qui định trong Giáo luật điều 595. Trong Sắc lệnh ngài viết:"Tôi rất vui mừng thấy anh em đã cùng nhau cập nhật Hiến pháp, chiếu theo các chỉ dẫn gần đây của Huấn Quyền Giáo Hội..."
 
-------------------------------------------------
Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa kỳ:
-------------------------------------------------
1. Ngày 23 tháng 4 năm 1975, để thực hiện quyết định cho  180 anh em ra hải ngoại, một số anh em được cử vào Ban Lãnh Đạo. Ban này có trách nhiệm săn sóc, hướng dẫn anh em và quyết định phương tiện và ngày giờ ra đi.
Sáng 27 tháng 4 năm 1975, tỉnh lỵ Bà rịa Phước Tuy bị tấn công, cắt đứt giao thông Phước tỉnh - Thủ đức. Anh em cùng thuyền tàu địa phương rời Phước Tỉnh sang Bến đá Vũng tàu. 
 
Chiều ngày 29 tháng 4 năm 1975, Vũng Tàu bị phong toả. Anh em Đồng Công trên 7 chiếc thuyền đánh cá cùng với từng trăm chiếc thuyền khác của đồng bào Phước tỉnh Bến đá, Sao mai hối hả rẽ sóng ra khơi. 
Giữa biển cả mênh mông, những con thuyền đánh cá trở nên quá mong manh bé nhỏ, luôn chao lên hụp xuống hãi hùng.
Đang lúc lao đao nguy hiểm, thấy một vài chiếc trực thăng từ đất liền bay cùng hướng ra khơi. Đoán được có tàu lớn ngoài hải phận quốc tế, các thuyền cùng loạt gắng chạy theo trong hy vọng. Sau nhiều giờ vật lộn với sóng nước chập chờn, đoàn người đã gặp được những chiếc tàu của Hoa Kỳ  đang thả neo chờ đợi.
Khi biết mình được cứu nguy, mọi người nhốn nháo quên cả mệt mã, chen chúc nhau lên tàu bằng cầu thang, bằng vó vớt từ tầu thả xuống.
Ai cũng sợ số người được cứu vớt có hạn, sợ mình phải trở về với Việt cộng, nên cảnh rất hỗn loạn đã xảy ra, khiến nhiều người rớt xuống thuyền, xuống biển thiệt mạng, nhiều gia đình bị xé lẻ. Dân vệ dưới thuyền nổ súng, tầu Mỹ tắt điện, rút cầu, chạy đi xa. Vì thế, nhiều người và anh em Đồng Công chưa lên được, phải đi tìm tàu khác. Có anh em còn bị trôi dạt đến hết đêm hoặc cả tuần, chống chọi với biển nước mênh mông. Có anh em không còn tàu vớt đã thất vọng quay trở lại đất liền.
 
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Những người đã được lên tàu, tâm trạng còn đang hoang mang thì qua đài phát thanh, ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng Việt cộng và trao trọn miền Nam cho quyền lực mới. Nhiều người bật khóc tức tưởi.  
Một tuần lễ trên biển cả vượt nửa vòng trái đất, anh em Đồng công cùng với từ 3, 4 ngàn đồng bào trên mỗi chiếc tàu. Có nhóm được đưa đến Subic bay Philippine, hầu hết đến các trại tị nạn trên đảo Guam, khi Guam chật rồi, người đến sau được đưa sang đảo Wake Nhóm Trung ương của anh em Đồng Công cũng được đưa tới đảo này. Từ 2 đảo trên, dần dần được đưa tới các trại tạm cư trong lục địa Hoa Kỳ như Camp Pendleton CA, Fort Chaffee AR, Indiantown Gap PA, để lập thủ tục giấy tờ và tìm kiếm người bảo trợ.
Tuy mỗi lần di chuyển là mỗi lần bị phân tán mỏng, nhưng anh em Đồng Công, nhớ lời Bề trên căn dặn: "Các em ra đi để "bảo tồn Dòng và phát triển việc truyền giáo". Hãy luôn giữ Tình yêu chung thủy với Chúa, và dù no dù đói gắng đùm bọc lẫn nhau" (Đặc san Đồng công số 5  Christmas 1978 trang 88), nên anh em đã gắng duy trì đi chung nhóm.
 
Khi đặt chân lên các trại tạm cư bên Mỹ, một số nhóm nhỏ đã tính đi theo bảo trợ được trại chỉ định, nhưng rất may và đúng lúc, anh em đã nhận được thư Đức cha Benado F. Law, giám mục giáo phận Springfield-Cape Girardeau nhận bảo trợ cho cả nhóm 170 người. Lộ trình thay đổi, anh em cùng hướng về thành phố Carthage, Missouri.  Đức Cha Bênađô F. Law hiện nay (2007) là Hồng Y Quản đốc Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả Rôma.
 
2. Ngày 30-6-1975, nhóm đầu tiên (48 anh em) về trụ sở (1900 S. Grand, Carthage, Missouri). Điều mà từ bên Guam, Wake, nhiều người nghĩ là rất khó có vị bảo trợ nào, khó có nơi nào cho nhóm người tị nạn đông đúc như vậy trên đất Mỹ. Tạ ơn Chúa Đức Mẹ và các ân nhân…
 
Trụ sở Our Lady of The Ozard Carthage, trước là Chủng viện của Dòng Oblate Immaculate of Mary (bỏ trống từ 5 năm trước vì không có thêm ơn gọi, tuy nhiên vẫn được cha John Weissler, OMI, bảo trì chu đáo. Ngoài toà nhà bằng đá to lớn ra, chủng viện còn có nhà nguyện, nhà thể thao, nhà ăn, nhà các cha và mấy sân banh rộng rãi.), ban đầu, nhờ sự can thiệp của Đức Cha Bảo trợ, nhà Dòng cho thuê với giá tượng trưng một đôla một năm, nhưng sau bán lại cho Dòng ĐC.
 
3. Ngày 16 tháng 9 năm 1975: Sau khi tường trình với Toà Thánh về việc bảo trợ Dòng Đồng Công, Đức Cha Bernard F. Law được Bộ Truyền Giáo ủy thác trách nhiệm bản quyền đối với Dòng Đồng Công Hải Ngoại theo văn thư số 4546.
 
4. Ngày 25 tháng10 năm1980, qua văn thư số 4931, Bộ Truyền giáo thành lập Tỉnh Dòng Đồng công Hoa Kỳ. Linh mục Banabê M. Nguyễn Đức Kiên làm Giám tỉnh đầu tiên. Trong Văn thư này, Toà Thánh cũng ủy thác cho Tỉnh Dòng "phụ trách phục vụ đồng bào Việt nam tị nạn tại Hoa kỳ".
 
5. Thích ứng với cuộc sống mới, anh em cố gắng hoạt động để phát triển việc truyền giáo như ý nguyện bề trên Cả lúc cho anh em ra đi:
- Do sự tiếp tay của một số Dòng Hoa Kỳ gửi người đến dạy Anh ngữ cho anh em, thuyết trình về văn hoá và phong tục người Mỹ. Ngay năm sau, Dòng đã gửi anh em vào các trường đại học như Southwest Missouri State University, Springfield, MO; Benedictine College, Atchison, KS; Columbia, MO; hoặc học các ngành chuyên môn như nghề in, nghề hình tại Atchison, KS; nghề trồng tỉa tại Omaha, NE; nghề y tá tại Joplin, MO.
 
 
 
- Về tiến chức, năm 1976, Đức Cha Law đã truyền chức Phó Tế và ngày 28-5-1977 chức Linh Mục cho 12 anh em tại nhà thờ chính tòa Springfield.
Sau lớp linh mục đầu tiên này, Dòng tiếp tục gửi anh em vào các chủng viện triết học như Conception Seminary College, Conception, MO; chủng viện thần học Kenrick, St. Louis, MO; Notre Dame Seminary, New Orleans, LA.
 
- Công cuộc hiến dâng nối tiếp qua các lớp khấn tạm, khấn trọn. Đệ Tử Viện hình thành từ tháng 8 năm 1975 với con số 16 đệ tử sinh, để đến niên khóa 1978-1979 sĩ số lên tới 50 em. Cũng nhờ đó số thỉnh sinh và tập sinh của Dòng ngày một đông đảo. Tuy ơn gọi hàng năm vẫn dồi dào, nhưng hiện thời Đệ Tử Viện chỉ đủ chỗ cho 30 em mỗi năm. Số chí nguyện sinh lớn tuổi hơn vẫn xin đến tìm hiểu ơn gọi và nếu đủ điều kiện, vẫn tiếp tục nhập Thỉnh Viện, Tập Viện của Dòng.
 
- Về cơ sở, ngay từ tháng 9 năm 1976, Dòng thiết lập thêm một tu viện chính thức theo Giáo Luật tại Dwight, NE (sau này di chuyển về Lincoln, NE), và một tu xá (nơi anh em trú ngụ để theo học đại học) lấy tên là Tu Xá Mẹ Mân Côi tại Springfield, MO. Tháng 12 năm 1976, Dòng mua một nông trại 107 mẫu Anh tại Ash Grove, MO, để chăn nuôi gia súc và trồng tỉa. Tháng 6 năm 1978, vì nhu cầu anh em theo thần học, Dòng đã mua nhà tại St. Louis, MO, làm tu xá Mẹ Dâng Mình. Sau đó, tháng 2 năm 1980, Dòng tiến về miền Nam mua một trụ sở tại Houston, TX, để lập nhà in Sao Mai.
 
6. Giáo Sĩ Dưỡng Đường (từ tháng 7 năm 1977) hân hạnh đón tiếp các Đức Cha, quý cha về hưu dưỡng tại đây, trong đó có Đức Tổng Giám Mục Phêrô M. Ngô Đình Thục, Đức Giám Mục Giacôbê Huỳnh Văn Của, cha Lê Văn Lý nguyên Viện Trưởng Đại Học Đà Lạt , cha Cao Văn Luận nguyên Viện Trưởng Đại Học Huế , cha Phêrô Trần Điển nguyên chánh xứ La Vang, Quảng Trị, ...
 
7. Từ tháng 2 năm 1981, Dòng mua hẳn khu nhà chính tại Carthage, MO, do Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm bán lại. Với khế ước mua bán này, Dòng quản trị luôn Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ, khu nhà in, nhà ăn, nhà thể thao.
 
8. Tái bản Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ . Khởi đầu do Dòng Đaminh Chi Lyon từ năm 1949 tại Bắc Việt. Năm 1960 Dòng Đaminh trao lại cho Dòng Đồng Công tiếp nối tại miền Nam Việt nam. (LTĐC II, tr 29-30).
Nguyệt san được Tỉnh Dòng tục bản tại Hoa kỳ dịp mừng lễ Chúa Giáng sinh năm 1977, với mục đích:
- Truyền bá Mệnh lệnh Đức Mẹ Fatima, - Chia sẻ cuộc sống chứng tá Tin mừng, - Cổ võ hợp nhất với Giáo hội Rôma, -  Góp phần duy trì văn hóa Việt Nam, - Thông tin, liên lạc người Việt hải ngoại.
 
 
9. Năm 1978, khởi đầu Tổ chức Ngày Thánh Mẫu. Mấy năm đầu được tổ chức vào tháng Sáu, sau đó chuyển qua đầu tháng Tám. NTM khai mạc từ chiều thứ Năm đến sáng Chúa Nhật. Chương trình gồm những Thánh Lễ liên tiếp cho các giới, các giờ chầu đền tạ, các tòa hòa giải với Thiên Chúa, khấn xin, hội thảo cho giới trẻ, giới trung niên, giới cao niên, kiệu Thánh Thể, chiều thứ Bảy cung nghinh Thánh Tượng Mẹ Fatima, lễ đại trào, văn nghệ giải trí. 
Số người tham dự mỗi năm một tăng: năm 1978 có gần 1,500 người, sau đó theo ước lượng của trạm cảnh sát, mỗi năm cứ tăng thêm trong khoảng 40-70 ngàn người .  Người Công giáo, ngoài Công giáo, người Việt, người Mỹ cũng có, về từ khắp các Tiểu bang Hoa kì. Mấy năm gần đây, có cả những giám mục, linh mục, giáo dân từ những nước khác, cả từ Việt nam xa xôi tới dự.
 
10.  Năm 1979, Mở Văn Phòng Liên Lạc Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ, để qua các tuần cửu nhật hàng tháng,  để dâng lễ, cầu nguyện cho các gia đình gửi ý nguyện về xin khấn; đồng thời liên lạc bằng Lá Thư Đền Thánh cổ động sống 3 mệnh lệnh Fatima.
 
11. Lập Hội Truyền Giáo Đồng Công cho những quí vị muốn cộng tác với Dòng trong việc rao giảng Tin Mừng.
 
 
12. Trình bày "Con đường Cứu Rỗi" (Way of Salvation) từ 1981, bằng cả chục triệu bóng điện nhỏ kết theo hình người, vật, cây cỏ, biến cố đại cương theo Kinh thánh… nội dung về lịch sử cứu độ. Mời dân chúng địa phương và các vùng lân cận đến coi để tưởng nhớ công ơn Cứu Chuộc của Chúa Cứu Thế và cảm mến Tình Thương của Ngài đối với loài người. (mở điện từ lễ Thanksgiving kéo dài tới sau Tết dương lịch). Mỗi ngày chừng 3-500 xe tới coi…
 
 
  
13. Lập Đền Thánh Đức Mẹ Dâng Con (tháng 8 năm 1985). Dòng mở rộng sang miền tây, mua nhà xứ Đức Mẹ Guadalupe thuộc thành phố Highgrove, CA, để giúp cho các hoạt động tông đồ thiết thực hơn.
Hiện nay đền thánh chuyển về địa điểm 1775 S. Main St. thuộc thành phố Corona, CA.
 
14. Web site Đồng Công:
Năm 2000, ? Để thích ứng với việc truyền giáo hợp thời đại, để cổ động việc tôn thờ Chúa, tôn sùng Đức Mẹ, các Thánh, để phổ biến tài liệu sống Tin mừng của Giáo hội Công giáo Rôma, để thông tin… tới các gia đình Việt Nam khắp nơi, từ hơn 10 năm nay, dòng phổ biến một web site với địa chỉ : http:// dongcong.net
 
15. Linh mục, tu sĩ Tỉnh Dòng ĐC Hoa kỳ đang hiện diện hoặc phục vụ tại các địa điểm sau:
-Amarillo TX (giáo xứ), - Arlington TX (giáo xứ), - Boston MA (cộng đoàn), - Conception MO (nhà triết học), - Conway MO (giáo xứ Mỹ), - I. Conception MO (giáo xứ Mỹ), - Corona CA (đền thánh Mẹ Dâng Con), - Denver CO (giáo xứ), - Fort Worth TX (2 giáo xứ), - Houston TX (trụ sở chờ khai thác), - Lincoln NE (giáo xứ), - Minneapolis MN (giáo xứ và cộng đoàn), - New Orleans LA (nhà thần học), - Port Arthur TX (giáo xứ đầu tiên từ 1977), - Rochester NY (cộng đoàn), - Roma (linh mục du học), - Sacramento CA (giáo xứ), - Springfield MO (tu viện , cộng đoàn), - Syracuse NY (cộng đoàn), - Branson MO (giáo xứ Mỹ), - Wichita Falls TX (giáo xứ).
 
16. Nhân số Tỉnh dòng năm 2007: 63 linh mục, 109 vĩnh thệ, 13 hạn thệ, 1 tập sinh, 24 đệ tử (theo đặc san Chứng Nhân trên tr 70).
 
Anh chị em thuộc gia đình tận hiến Đồng công từ nhiều Tiểu bang Hoa kỳ hiện nay là 1200 người (664 gia đình), Tỉnh Dòng đã tổ chức được 33 khóa Tĩnh Huấn để bồi dưỡng tinh thần cho những phần tử cũ và thâu nhận những phần tử mới tận hiến cho Đức Mẹ để nhờ Đức Mẹ đến cùng Chúa Giêsu.
 
Tham khảo:
- Web. dongcong.net (Lịch sử Dòng),
1- Lý Tưởng Đồng Công tập I, II
2- Đặc san Đồng Công số 5 (25 năm lập Dòng- 1953-1978Carthage Christmas),
3- Biểu chứng Đức Tin và Tình Yêu (33 năm lập Dòng- 53-1986),
4- Hồng Ân Huyền Nhiệm (50 năm lập Dòng -53-2003),
5- Chứng Nhân Tình Yêu (đặc san kỉ niệm Tổng tu nghị 5 (2006),
- Linh mục Cựu Giám Tỉnh, TỉnhDòngĐCHK (Banabê Nguyễn Đức Kiên)
- Tài liệu GĐĐCHK.
 
Carthage Lễ Đức Mẹ Đau Thương 15-9-2007
MB, CMC.

No comments:

Post a Comment