Cổng chùa đã khép hay cửa tâm chưa mở?
Bài viết của Huy Phương trên Việt Nam Nhật báo,Thứ năm 15/ 9/ 2011
Ít nhất có 5 ngôi chùa đã từ chối nhận tổ chức lễ Thất tuần của ông(Nguyễn cao Kỳ) và tiệc chay cho những người tham dự. Không lẽ cả ba ngôi chùa đều có Phật tử hay một thế lực nào đó trong bóng tối làm áp lực nên đến phút cuối nhà chùa phải huỷ bỏ một buổi lễ hoàn toàn có tính cách tôn giáo?
Sự sợ hãi đối với những áp lực này đã đưa đến những lời biện bác quẩn quanh, không hề chính đáng từ phía nhà chùa khi phải giải thích với gia đình ông Nguyễn cao Kỳ lý do từ chối việc tổ chức lễ Thất tuần. Phải chăng hành động này đã phạm giới vọng ngữ, một trong ngũ giới căn bản của nhà Phật? Sợ hãi là vì còn chấp ngã, chấp trước vào việc sở hữu một số tín đồ, tăng chúng, tài sản, danh tiếng. Sợ mất “ chùa của thầy” và “ tên tuổi của thầy” !!!
Dù không nói thẳng ra, nỗi ám ảnh sợ một cuộc biểu tình phản đối có thể xảy ra trước cổng chùa đã nói lên sự đánh giá thấp cộng đồng người Việt tỵ nạn yêu tự do và dân chủ.
Những người yêu dân chủ và tự do có thể biểu tình để chống những điều có hại cho đất nước và làm tổn thương đến cộng đồng, nhưng chắc hẳn sẽ không áp lực, biểu tình hay hăm doạ buộc nhà chùa phải từ chối lễ cầu siêu cho một người đã chết. Hành động và ngôn ngữ của ông Nguyễn cao Kỳ lúc cuối đời đã phản bội lại lý tưởng tự do và dân chủ, lý tưởng của một người từng là lãnh đạo của một phần đất tự do và dân chủ. Nhưng như vậy không có nghĩa là ông đáng bị truy đuổi tận cùng cho đến một lễ cầu siêu đơn giản dành cho ông. Nếu chúng ta nhân danh tự do dân chủ mà làm việc áp lực trong bóng tối với nhà chùa thì phải chăng chúng ta tự hạ thấp mình xuống hàng đảng cướp mafia đang cai trị đất nước?
Khi một người được đưa đến phòng cấp cứu của một bệnh viện, bổn phận của các nhân viên y tế là phải cứu chữa kịp thời, không ai hỏi họ theo đạo nào, Phật giáo, Hồi giáo hay Thiên Chúa giáo. Đối với các cơ sở tôn giáo là nơi lo phần hồn cho con người, có lẽ cũng không nên căn cứ vào sự giàu nghèo, thân, sơ để phân biệt đối xử, dù là với ông đại gia đáng mười lạng bạc hay là dân đen chỉ có mười đồng tiền. Nói về việc không phân biệt này, tâm “từ” trong tinh thần Phật pháp mang tính chất “ bao trùm tất cả mọi chúng sanh và tự mình đồng hoá với tất cả, không phân biệt giai cấp, chủng tộc, màu da, nam hay nữ. Chính tâm từ trong Phật giáo phá tan mọi chấp mê, chướng ngại giữa người và người. Đối với một vị Bồ Tát không có người thân, kẻ sơ, không có kẻ thù, người lạ, không có hạng người bị ruồng bỏ, cũng không có hạng người cao sang quyền quý phải sợ sệt không dám động đến”.
Có lẽ hành động những năm cuối đời của ông Nguyễn cao Kỳ đã làm nhiều người căm phẫn và oán hận. Nỗi căm phẫn và oán hận này cần phải được hiểu và thông cảm vì đó là phản ứng tâm lý bình thường nhất là khi hoạ mất nước đang chực chờ mà nhà cầm quyền và lũ Việt gian vẫn lo mua quan bán chức cũng như ký kết những hợp đồng bán nước để hưởng lợi. Nhưng, như trong kinh Phật có kể, Anguilimala một tướng cướp theo tà giáo giết 108 người, lấy ngón tay xâu làm chuỗi đeo cổ để hy vọng đắc đạo quả; thậm chí muốn giết cả mẹ mình mà vẫn được Phật tha thứ. Chúng ta không phải Chúa hay Phật nhưng đều là tín đồ ngày ngày cố gắng thực hành theo lời dạy của các vị này. Lên án hành động xấu ác nhưng vẫn từ bi bác ái với con người đã phạm lỗi, làm hành động xấu ác.
Nếu trong Tân Ước có câu:” Nếu một người trong anh em có sự gì phàn nàn với kẻ khác thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau, như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy”( Colossians 3:13), hay trong Kinh Lạy Cha cũng có câu, “ Xin tha thứ những lỗi phạm của chúng con, như chúng con tha thứ những người lỗi phạm tới chúng con”, thì Phật giáo đặt hành động tha thứ trong tương quan hai chiều giữa kẻ cho và người nhận và nhấn mạnh tới khía cạnh bất tịnh của tâm chấp thủ không biết tha thứ.
Theo Phật giáo, tha thứ được xem không chỉ là một hành động làm cho người tạo ác mà quan trọng nhất là làm cho chính mình, người tha thứ, vì những tâm bất tịnh như căm tức và hận thù đều sinh ra phiền não cho tâm và tạo ra ác nghiệp. Tỳ kheo Ajahn Sumedho hiện đang tu tập tại tu viện Phật Giáo Vô Uý (Abhayagiri) tại thành phố Redwood Valley miền Bắc California có giảng :“ Khi suy nghĩ về nghiệp báo, chúng ta ngộ rằng vấn đề không phải là phục thù mà thực hành tâm từ và xả, bởi vì kẻ gây ra tội ác là kẻ bất hạnh nhất. Đời sống vốn có công lý, nếu chúng ta làm lỗi có thể xã hội sẽ không biết và không trừng phạt, nhưng chúng ta thật ra không thể trốn thoát được nghiệp quả. Chúng ta sẽ phải đầu thai mãi mãi cho tới khi giải thoát được các nghiệp quả của mình”. Một tỳ kheo khác, Ajahn Pasanno, cũng đang tu tập tại tu viện Vô Uý đã giảng:” Nếu chúng ta không tha thứ, chúng ta tiếp tục tạo tác một bản ngã quanh nỗi khổ của chúng ta, và cái bản ngã đó tiếp tục luân hồi. Và đó là khổ”.
Phải chăng việc áp lực các chùa không làm lễ cầu siêu cho ông Nguyễn cao Kỳ và việc nhượng bộ của nhà chùa trước những áp lực này đã phạm ít nhất 5 trong 10 món tiểu tuỳ phiền não: phẫn là tánh thường tức giận khi gặp điều không vừa ý hoặc khi có ai làm trái ý mình. Hận là sự kéo dài của sự giận dữ khiến không quên được những việc không làm vừa ý mình. Phú là tánh thường che dấu những điều xấu hay ác đã làm của mình vì sợ mất quyền lợi hay danh dự và thể diện. Não nghĩa là dễ nổi cơn nóng giận, thịnh nộ khiến có những lời nói thô bạo và hành động tàn ác. Cuống nghĩa là dối trá, là tánh hay dối gạt, lừa dối để bảo vệ hay được lợi dưỡng về danh lẫn tài.
Tứ vô lượng tâm của nhà Phật là từ bi hỉ xả. Tâm xả là đầu mối vì đó không chỉ là điều kiện để thực hành tâm từ, bi và hỉ thuần thục mà đó còn là sự thực chứng tự do tâm linh. Có không chấp vào cái bản ngã, vào “cái chùa của tôi” mới xả được. Trong tinh thần của Phật giáo, có tâm xả mới được sự vô uý, không sợ áp lực. Đã không có cái ngã thì làm gì có cái để sở hữu để mà sợ mất. Và tha thứ cũng là một cách thực hành tâm xả. Đạo Phật Việt Nam còn nhấn mạnh đến Bi, Trí, Dũng. Chúng ta có lẽ nên cùng tu tập đức Bi để thấy rõ các nghiệp quả của người đã chết và tha thứ cho ông ta, đức Trí để thấy rõ sự vô minh đã khiến cho ông ta lầm đường lạc lối và sự sân hận của chúng ta chỉ tạo tác đau khổ cho chính chúng ta, và đức Dũng để vượt qua nỗi sợ hãi trước những áp lực trong bóng tối để đi cho trọn vẹn theo lời dạy của Đức Phật. Nhà chùa luôn đứng về phía dân tộc, tự do và dân chủ vì những điều đó khế hợp với Phật pháp nhưng có lẽ không cần phải làm hành động bày tỏ lập trường chính trị bằng cách “tẩy chay” lễ cầu siêu cho ông Nguyễn cao Kỳ.
Nhìn một cách đơn giản hơn thì việc cầu siêu cho ông Nguyễn cao Kỳ cũng là phương tiện giúp cho vong linh ông ta sám hối những tham chấp trong cuộc đời. Người sống trong gia đình được nghe giảng pháp cũng bớt được chấp thủ về hành động và danh tiếng của người quá vãng. Người ngoài gia đình nghe cũng bớt được tâm phẫn hận đối với sự phản bội của kẻ qua đời. Từ chối làm lễ Thất tuần phải chăng quý chùa đã mất một cơ hội mang đến lợi lạc cho tất cả mọi người.
Ôi thôi, cổng chùa đã đóng! Ba ngôi chùa trong cộng đồng chúng ta đã cùng đóng kín cửa. Thậm chí hai trong ba chùa còn dùng những lời lẽ không thật để thoái thác với một gia đình Phật tử một lễ cầu siêu đơn giản cho một người đã chết. Thà nhà chùa nói thẳng vì nỗi sợ hãi, sợ phải mất tín đồ và cúng dường. Thế nhưng, đã thực hành vô ngã mà còn có cái để giữ và có cái để sợ mất ư? Người viết bài này thú thực tham sân si quá chừng nên thậm chí không dám tự nhận mình là Phật tử hay cư sĩ, nên chắc chắn là không thực hành được các hạnh rất khó nói trên. Thế nhưng một số vị trong tăng già, một trong tam bảo, lại là” viện chủ” ba ngôi chùa lớn trong cộng đồng này mà không có được tâm vô uý, thực hành hạnh từ bi hỉ xả, thì Phật tử biết nương tựa vào ai? Lo lắm thay!!!
Huy Phương
No comments:
Post a Comment