Saturday, September 24, 2011

Sự Thật Đã Được Chứng Minh

Sự Thật Đã Được Chứng Minh

Hàn Giang Trần Lệ Tuyền

Cách đây, hơn mười năm, khi tôi viết bài: Đà Nẵng 29-3-1975, và đã được đăng trọn bài một kỳ với 5 trang báo trên Bán nguyệt san Văn Nghệ Tiền Phong số 550, ngày 16 đến 31tháng12 năm 1998, nơi trang 20. Qua bài này, tôi đã tường thuật một cách trung thực về việc Phật giáo Ấn Quang đã đưa cả đoàn xe ra tận núi rừng để rước bộ đội cộng sản Bắc Việt vào thành phố Đà Nẵng. Thế nhưng, sau đó, tác giả Phụng Hồng tức ông Bác sĩ họ Tạ, trước kia phục vụ tại Quân Y Viện Duy Tân, Đà Nẵng, ông đã viết thư và gửi cho ông Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng, nội dung nói là tôi viết chưa trung thực. Vì thế, nên tôi đã phải viết thêm những loạt bài khác như: Đà Nẵng Những Ngày Tang Thương - Thực Chất Của Cái Gọi Là Tăng Đoàn Bảo Vệ Chánh Pháp - Liên Minh, Liên Kết, Hòa Hợp Hòa Giải một Lũ Tội Đồ Của Dân Tộc - Thế Nào Là Tù Cải Tạo… và nhiều bài khác nữa, tất cả đều được lần lượt đăng trên các số báo của Văn Nghệ Tiền Phong, để đưa thêm những bằng chứng cụ thể như: tên, họ, chức vụ, chánh trú quán của quý vị đã bị Phật giáo Ấn Quang giết chết kể từ vụ Thảm Sát Thanh Bồ - Đức Lợi 1964, Mùa hè 1966, Tết Mậu Thân 1968 và 30-4-1975. Sau đó, thì không thấy ông bác sĩ họ Tạ lên tiếng nữa.
Tuy nhiên, khi tôi tường thuật ba cuộc thảm sát: Cuộc Bạo Loạn Bàn Thờ Phật Xuống Đường Tại Miền Trung, Mùa Hè 1966 - Nhớ Lại Cuộc Thảm Sát Thanh Bồ - Đức Lợi: 24-8-1964 - Tưởng Niệm Bốn Mươi Năm Cuộc Thảm Sát Tết Mậu Thân 1968-2008, đã đăng trên trang VNFA.com, thì có nhiều người đã cho là tôi "dựng phim Thanh Bồ-Đức Lợi". Sự thể đã như vậy, tôi cũng không hề lên tiếng, cho đến khi hai bài này được đăng trên trang điện báo Hồn Việt và trang Tội ác Phật Giáo Ấn Quang, thì sự thật mới được chính người trong cuộc đã lên tiếng, đó là Nguyễn Đắc Xuân. Mặc dù, Nguyễn Đắc Xuân đã nói là vụ Thanh Bồ - Đức Lợi là "ngoài ý muốn của chúng tôi, vì do Sơn Hải và Cẩm Nhung" ở Đà Nẵng. Nhưng cho đến bây giờ, thì cũng không ai biết Sơn Hải và Cẩm Nhung là ai, và chẳng lẽ có hai tên Sơn Hải và Cẩm Nhung mà có thể gây ra vụ thảm sát cho đồng bào cả hai phường Thanh Bồ và Đức Lợi ???
Nhưng dù là thế nào chăng nữa, tôi cũng thấy, ít ra Nguyễn Đắc Xuân cũng đã nói lên một phần nhỏ của sự thật, như thế, vẫn còn hơn là những người đã mang danh là cầm bút khác đã không hề dám hé lấy nửa lời về vụ án Thanh Bồ - Đức Lợi năm xưa.
Tiếp theo, là bài Tưởng Niệm Bốn Mươi Năm Cuộc Thảm Sát Tết Mậu Thân 1968-2008, tôi đã viết vào ngày 26-1-2008, kèm theo đầy đủ bằng chứng với của các hung thủ là "Tăng thống" Thích Đôn Hậu, "Đại lão Hòa thượng" Thích Trí Dũng v.v… cùng các nạn nhân đã bị Phật giáo Ấn Quang giết chết; nhưng người ta vẫn bịa đặt ra những điều không tưởng để nhục mạ tôi, chẳng hạn viết: "Trước 1975, khi vào nhà của vợ chồng Hàn Giang Trần Lệ Tuyền tại Đà Nẵng, thì thấy ở trên lầu thì thờ ông Nguyễn Thái Học, còn ở dưới là cái động đĩ". Tôi biết những kẻ bịa đặt này đã không biết trước năm 1975, tôi còn rất trẻ, nên chẳng có cái chuyện láo khoét: "vợ chồng Hàn Giang Trần Lệ Tuyền".
Song thấy vẫn chưa đủ, người ta còn bịa ra chuyện "Hàn Giang Trần Lệ Tuyền ở Liên Khu 5", và tôi vẫn không lên tiếng, vì quý vị đồng hương cũng biết rõ ràng, cái gọi là "Liên Khu 5" của Việt cộng đã có từ lúc Cha tôi chưa cưới Mẹ của tôi, nghĩa là lúc tôi chưa được sinh ra đời, thì tôi làm sao mà biết đến cái "Khu" này chứ.
Sự Thật Đã Được Chứng Minh

Những sự thật về bản thân tôi, chỉ là chuyện nhỏ, tôi tự thấy không cần phải lên tiếng, nhưng những sự thật của lịch sử thì phải cần làm cho sáng tỏ.
Tuy nhiên, tôi vẫn luôn luôn vui mừng, vì bản thân tôi cũng như cả gia đình tôi không hề có một chút tì vết dính dáng với bọn cộng sản; như thế, cũng đủ lắm rồi, nên tôi không bao giờ cần phải để tâm đến những chuyện bịa đặt ấy.
Nhưng có một điều đã khiến cho tôi thấy vui hơn; bởi vừa qua, tình cờ tôi đọc được một bài viết ở trong nước, bài này đã viết về vụ án Tết Mậu Thân 1968, tại thành phố Đà Nẵng. Dù rằng, bài báo viết chưa hết sự thật, nhưng đã nói lên được những sự thật về vụ án Tết Mậu Thân 1968, tôi xin kèm theo dưới bài này, để quý độc giả cùng tham khảo.
Như đã trình bày, với bài viết: Tưởng Niệm Bốn Mươi Năm Cuộc Thảm Sát Mậu Thân 1968-2008, tôi đã viết vào ngày 26-1-2008, tôi đã nói đến những vụ án tại Đà Nẵng, như vụ án khám xét chùa, và các chiến sĩ Biệt Động Quân đã khám phá có hàng trăm súng đạn, và chất nổ TNT, nằm trong hầm, ngay dưới Chánh điện, được nguỵ trang bằng một pho tượng của Đức Phật Tổ to lớn. Bên cạnh đó, tôi cũng đã nêu lên những vụ án khác đã được đưa ra tòa án. Kính mời quý độc giả đọc lại bài viết: Tưởng Niệm Bốn Mươi Năm Cuộc Thảm Sát Mậu Thân 1968-2008 và bài báo ở trong nước, để suy xét được một cách tường tận.
Riêng tôi, tôi chỉ muốn nói rằng: Về vụ án năm xưa, trong đó có vụ án của ông Nguyễn Đình Liệu, mà người dân tại thành Phố Đà Nẵng đã thường gọi ông là giáo sư trường Trung học Bồ Đề, nhưng bài báo viết ông Nguyễn Đình Liệu không phải là giáo sư, mà là ở trong "Ban trị sự của trường Bồ Đề".
- Giáo sư hay "Ban trị sự Bồ Đề", thì một sự thật đã được bài báo này xác định là ông Nguyễn Đình Liệu đã có mặt ở trong trường Bồ Đề, và hơn hết điều đáng phải nói là nhà chùa đã đào hầm để chứa súng đạn của Việt cộng ngay nơi Chánh điện thờ Phật, và đã ngụy trang bằng một tượng Phật to lớn. Và ông Nguyễn Đình Liệu đã bị tuyên án tù ở, còn chuyện trao trả nhân viên dân sự lúc ấy, thì đa số là ở Lộc Ninh, nhưng bài báo này nói ông Nguyễn Đình Liệu được trao trả tại Thạch Hãn. Thạch Hãn hay Lộc Ninh, thì hôm nay vụ án ông Nguyễn Đình Liệu và các "chùa" tại thành phố Đà Nẵng đã được sáng tỏ. Song tôi viết ông Nguyễn Đình Liệu đã thụ án ở Chí Hòa là đúng, còn sau đó, nếu ông có ra Côn Đảo cũng là chuyện bình thường, vì trước khi ra Côn Đảo, thì những tù nhân là cộng sản đã qua nhà giam Chí Hòa, đâu có phải là chuyện không ai biết.
Sự thật đã như thế, riêng tôi, tự thấy, ít ra mình cũng đã viết ra được những điều mà có nhiều người đã biết, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, nên người ta đã im lặng, có vị không muốn hay không dám nói.
Một điều khác, là bài báo đã nói ông Nguyễn Đình Liệu "bị đánh". Theo tôi, có "bị đánh" hay không, thì chỉ có trong tâm của riêng ông Nguyễn Đình Liệu biết được mà thôi, và giả sử nếu như bây giờ, mà công an Đà Nẵng lại khám phá ra một căn hầm nào đó ở trong chùa mà có hằng trăm súng, đạn đủ loại, được ngụy trang bằng tượng của Đức Phật Tổ như trước đây, thì công an sẽ làm gì, có đánh người hay không ?
Có lẽ câu hỏi này, đã được trả lời bằng những hành vi công an đánh người vô tội, ở ngay trên xe bus, ở khắp nơi mà mọi người đã thấy, đã biết. Nhưng chẳng phải riêng ở Việt Nam, mà bất cứ ở một nước văn minh nào trên thế giới, nếu có một ngôi chùa hoặc ngay cả nhà thờ nào mà đào hầm, rồi đem giấu súng, đạn và chất nổ, đến khi cảnh sát khám phá ra được, thì không có luật pháp của một nước nào, dù văn minh đến đâu cũng không thể dung tha, mà lại còn phải bị ở tù về tội khủng bố nữa.
Và nhân với bài viết này, tôi xin được trân trọng gửi đến quý vị đã từng lao thân vào vùng địch để mong cứu lấy Cha tôi, hoặc đã giúp đỡ gia đình tôi trong thời gian gia đình tôi lâm nạn:
Trước hết, là anh Nguyễn Chấn, hiện là một thương phế binh, một chiến sĩ Nghĩa Quân của xã Phước Thạnh, quận Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, với nghĩa cử vì muốn cứu Cha tôi, mà Anh đã bị du kích Việt cộng bắn gãy mất một chân, và đã bị cưa mất hết xương đùi.
Tôi biết sự mất mát quá to lớn này, cho dù đến chết, thì gia đình tôi cũng không bao giờ bù đắp cho được. Vì thế, tôi chỉ biết xin gửi đến Anh cùng gia đình với vô vàn những lời thành kính tri ân và lạy tạ người đã vì Cha tôi mà phải bị mất đi một phần của cơ thể.
Tôi cũng xin thành kính tri ân anh Huỳnh Xanh là Xã trưởng kiêm Đại đội trưởng Đại đội Nghĩa Quân tại Phước Thạnh. Anh Huỳnh Xanh đã bị ở tù "cải tạo" cùng với vợ là chị Nguyễn Thị Lan và cả năm người con cũng đều ở chung một trại "cải tạo", hiện đang có mặt tại Hoa Kỳ; chính anh Huỳnh Xanh là người đã đưa quân vào lấy xác của Cha tôi, đem ra vùng Quốc Gia, rồi cùng với người em ruột là anh chị Huỳnh Huy đã lo may áo quần khâm liệm, và chôn cất Cha tôi, trong lúc cả gia đình tôi bị bọn du kích bắt giam vào hầm đất trong vùng bị Việt cộng kiểm soát.
Đồng thời, tôi cũng xin kính lời tri ân đến ông Phan Văn Diễn, Phó Quận Trưởng quận Tiên Phước, cũng là một tù nhân "cải tạo" hiện gia đình ông đang định cư tại Hoa Kỳ. Ông Phó Quận trưởng Phan Văn Diễn đã mua tặng chiếc quan tài để mai táng Cha tôi.
Xin quý vị ân nhân hãy nhận nơi đây lòng tri ân thành kính của toàn gia tộc họ Trần của chúng tôi, là một đại gia đình đã từ đất Bắc đi theo phong trào Nam Tiến, hiện đang có mặt từ Quy Nhơn - Đà Nẵng - Quảng Nam.
Và cuối cùng, tôi cũng xin nói lên một cách rõ ràng, là tôi chưa bao giờ và không bao giờ "đánh Phật giáo" như nhiều người đã gán cho tôi; vì như tôi đã trình bày qua bài: Tổng thống Ngô Đình DiệmVà Phật Giáo rằng:
Đạo Phật do Đức Thích Ca Mâu Ni khai sáng, khác hẳn với Phật giáo Khối Ấn Quang và cũng là "Phật Giáo Xã Hội Đảng" tại Việt Nam, là một tổ chức đã được mang nhãn hiệu là "Phật giáo" để hoạt động cho mục đích chính trị, với cuồng vọng tóm thâu "Sơn Hà Xã Tắc" vào trong tay, như ngày xưa "sư" Vạn Hạnh đã làm.
Chẳng những vậy, mà tôi đã từng kính trọng các vị chân tu như Hòa thượng Thích Trí Hữu, Chánh đại diện Phật giáo thành phố Đà Nẵng vào đầu thập niên 1960 cùng thời với Kỹ sư Trần Trân, Hội trưởng Phật giáo Đà Nẵng; đặc biệt là cư sĩ Mai Thọ Truyền, với câu nói đã được nhiều người tâm phục: "Tôi chỉ Quy Y Nhị Bảo, chứ không Quy y Tam Bảo, nghĩa là chỉ Quy y Phật, Quy y Pháp, không Quy y tăng".
Và để kết thúc bài này, nhân đây, tôi xin phép tác giả Phan Thiết, tức Cựu Thẩm Phán Nguyễn Kim Khánh tại Tòa án Phan Thiết trước ngày 30/4/1975, để trích một đoạn ở phía sau bìa cuốn sách: Đất Việt Người Việt Đạo Việt, của Thẩm phán Nguyễn Kim Khánh, vì đây là đoạn văn tôi đắc ý nhất, bởi gia đình tôi có truyền thống theo Đạo Việt như sau đây:

"Người Việt có Đạo Việt. Đạo ấy, có từ Quốc Tổ Hùng Vương khi nhà vua lập điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh tế lễ Thần Trời như Chúa tể muôn vật, quan phòng Vũ trụ. Đạo Việt tin vào linh hồn hằng sống khi Thục Phán dựng "Cột Đá Thề" hứa cúng giỗ các vua Hùng và quần chúng thờ cúng Tổ Tiên.
Trên đống tro tàn của chủ nghĩa Cộng sản, Đạo Việt xóa bỏ các thuyết vô thần, soi đường dân tộc xây dựng lại Quốc Gia trong an bình, thịnh vượng".

Pháp quốc, ngày 20-9-2011

Hàn Giang Trần Lệ Tuyền

LỊCH SỬ ĐÌNH NAI HIÊN-CHÙA AN LONG
PHẦN 2- KỲ 10

Kỳ 10: Chùa An Long trong Tết Mậu Thân 1968

Trong cuộc tổng tiến và nổi dậy Tết Mậu thân 1968, chùa An Long đã đóng một vai trò hết sức to lớn. Ông Nguyễn Đình Liệu, Bùi Sĩ Tấn cùng một số cơ sở tiếp nhận và cất giấu một lượng lớn vũ khí tại hầm bí mật dưới chân tượng Phật tại chùa An Long. Ngày 29 Tết, ông Nguyễn Đình Liệu chỉ đạo các cơ sở, học sinh sinh viên, tăng ni, phật tử viết khẩu hiệu, biểu ngữ, bàn phương án phối hợp với các mũi đấu tranh trong thành phố, biến chùa An Long thành một trong những trung tâm lãnh đạo cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân ở nội thành Đà Nẵng.
Sau khi chuẩn bị xong, tối 29 Tết, một cơ sở ta dùng xe Jeep chở ông Nguyễn Đình Liệu cùng cờ Mặt trận Giải phóng, khẩu hiệu, biểu ngữ lên chùa Tỉnh hội để phối hợp với lực lượng ở đây chuẩn bị nổi dậy. Sáng mồng 1 Tết, đông đảo quần chúng nhân dân đã tập họp tại chùa Tỉnh hội. Tuy thiếu sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, nhưng các vị lãnh đạo Đặc khu ủy vẫn cho tiến hành nổi dậy theo kế hoạch. Ông Phan Chánh Dinh (còn có tên là Phan Duy Nhân và Nguyễn Chính, sau 1975 là cán bộ lãnh đạo ở Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, và về sau là Quyền Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ) cầm loa dẫn đầu đoàn biểu tình, hô hào quần chúng nổi dậy. Đoàn biểu tình kéo từ chùa Tỉnh hội ra đường Ông Ích Khiêm thì bị địch đàn áp. Ông Phan Chánh Dinh bị bắn gãy chân và bị bắt đem về Ty Cảnh sát Gia Long, sau đó bị giải qua Trung tâm thẩm vấn Thanh Bình và nhà lao Kho Đạn, Đà Nẵng. Địch ra lệnh thiết quân luật và bắn vào đoàn biểu tình. Ông Nguyễn Đình Liệu được cơ sở đưa về ẩn náu tại chùa An Long.
Sáng mồng 4 Tết, các ông Nguyễn Đình Liệu, Hà Kỳ Ngộ đều bị bắt vì có một cơ sở khai báo với địch. Nguyên nhân như sau: ngày 29 Tết, một cơ sở của ta, ông Nguyễn Hiếu, chủ nhà may Đồng Tân ở đường Độc Lập (nay là đường Trần Phú), được giao nhiệm vụ chở một số vũ khí từ Nam Ô đến cất giấu tại chùa An Long, trên đường vào nội thành thì xe ông Nguyễn Hiếu bị Biệt động quân chặn lại ở Ngã Ba Huế, khi khám xe thấy có chứa vũ khí nên toán Biệt động quân này bắt giữ ông Nguyễn Hiếu rồi chuyển cho An ninh quân đội, tại đây Hiếu đã khai ra địa điểm chùa An Long là nơi cất giấu vũ khí và khai thêm một số cơ sở bí mật nữa.
Tôi xin trích nguyên một đoạn viết của tác giả Hàn Giang Trần Lệ Tuyền (trên trang web www.mauthan68.blogspot.com) về vụ bố ráp chùa An Long vào sáng mồng 4 Tết Mậu Thân: “Và cũng qua điều tra bởi vụ án này [Nguyễn Hiếu] mà chính quyền đã huy động một lực lượng gồm An Ninh Quân Đội-Ban II Đặc Khu Quân Trấn- Biệt Động Quân, đột nhập vào ngôi chùa của Khuôn hội Nại Hiên Tây (vì cảnh sát không bao giờ dám khám xét chùa), sau lưng Cổ Viện Chàm, trước trường Trung học Sao Mai, phía trái có nhiều kho chứa xăng, bên cạnh có cầu tàu thuộc Quân cảng dùng để tiếp nhận chiến cụ; thường được gọi là Cầu Đạn, phía trên là cầu Trình Minh Thế, nối liền một quãng đường ngắn khoảng hơn 100 mét là Trại Nguyễn Tri Phương, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 1, Quân Khu 1. Và đã khám phá ra được một căn hầm bí mật ngay dưới Chánh điện thờ Phật, phía trên được ngụy trang bằng một pho tượng Phật to lớn là nắp hầm để che giấu hơn hai trăm khẩu súng, đạn đủ loại và chất nỗ TNT. Người quản nhiệm ngôi chùa này là một Khuôn hội trưởng - Giáo sư Nguyễn Đình Liệu dạy tại trường Trung học Bồ Đề do Thượng tọa Thích Minh Tuấn làm Hiệu trưởng ;( ngày 29/3/1975, Thích Minh Tuấn đã công khai đưa cả đoàn xe ra tận núi rừng để rước bộ đội Bắc Việt vào thành phố Đà nẵng). Sau đó ông Nguyễn Đình Liệu bị đưa ra Tòa Án Quân Sự Mặt Trận và bị kết án 10 năm tù ở, thụ án tại Chí Hòa. Năm 1973, ông Liệu được trao trả nhân viên dân sự tại Lộc Ninh”.
Hầu hết các chi tiết trong đoạn viết trên là chính xác, duy có ba chi tiết chưa thật chính xác, xin đính chính lại: thứ nhất, ông Nguyễn Đình Liệu không phải là Giáo sư dạy tại trường Trung học Bồ Đề mà chỉ có chân trong ban trị sự trường Bồ Đề; thứ hai là ông Liệu được trao trả theo diện nhân viên dân sự tại Thạch Hãn chứ không phải tại Lộc Ninh; và cuối cùng, ông Nguyễn Đình Liệu thụ án ở Côn Đảo chứ không phải tại Chí Hòa như tác giả Hàn Giang đã viết:
Cũng trong ngày hôm đó, do Nguyễn Hiếu khai báo nên An ninh quân đội đã ập vào nhà bà Nguyễn Thị Sự (nay là số nhà K191/17 Ông Ích Khiêm, phường Thạch Thang, quận Hải Châu) và bắt ông Hà Kỳ Ngộ (thường vụ Đặc khu ủy).
Địch đem ông Nguyễn Đình Liệu và ông Hà Kỳ Ngộ về giam tại Kho Đạn. Tại đây, hai ông bị địch tra tấn dã man. Ông Nguyễn Đình Liệu bị địch dùng dùi cui đánh vào mang tai nên về sau này ông đã bị điếc nặng, phải dùng máy trợ thính luôn. Không moi được tin tức gì nên địch mang hai ông ra xử tại toà án Quân đội. Ông Nguyễn Đình Liệu bị tuyên án 10 năm tù, ông Hà Kỳ Ngộ bị án chung thân và cả hai ông bị địch đưa ra Côn Đảo.
Năm 1973, ông Nguyễn Đình Liệu được chính quyền Việt Nam Cộng hòa trao trả cho Mặt trận Giải phóng theo diện chính trị phạm dân sự tại Thạch Hãn. Thấy ông tuổi cao, sức yếu lại bị thương tật trong chốn lao tù nên Trung ương đã bố trí ông đi nghỉ tại Trạm tiếp đón cán bộ miền Nam T72 tại Khu an dưỡng Sầm Sơn (Thanh Hoá).
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 1975, từ ngày 2.5.1975 đến 31.1.1977, Trung ương đưa ông về lại Liên khu 5, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng bố trí ông đi nghỉ an dưỡng tại trại Đón tiếp tỉnh QN-ĐN.
Ngày 1.2.1977, ông Nguyễn Đình Liệu chính thức được nghỉ hưu trí theo quyết định 54/QĐ/HT ký ngày 20.12.1976 của UBND tỉnh QN-ĐN. Kể từ đó, ông trở về sum họp với gia đình ở ngôi nhà xưa tại đường Trưng Nữ Vương, phường Bình Hiên, quận Nhất (nay là Hải Châu), Tp Đà Nẵng. Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn tham gia sinh hoạt đảng tại đảng bộ phường Bình Hiên, chủ trì việc cúng tế tại địa phương và giành khoảng thời gian cuối đời để viết lịch sử về làng Nại Hiên, đình Nại Hiên, chùa An Long và lập gia phả tộc Nguyễn Thanh. Tài liệu này được viết, cũng một phần, là dựa trên các di cảo của ông Nguyễn Đình Liệu do anh Nguyễn Dục Anh (cháu đích tôn của ông Nguyễn Đình Liệu) đang giữ gìn và bảo quản. Ông Nguyễn Đình Liệu qua đời vào ngày 16 tháng 10 năm 1984 tại tư gia trong niềm thương tiếc vô bờ của đông đảo đồng bào đồng chí tại Quảng Nam - Đà Nẵng và toàn thể con cháu trong chư phái tộc làng Nại Hiên.
Sau Mậu Thân 1968, do đã bị lộ nên chùa An Long không còn là cơ cở cách mạng nữa. Thầy Thân bị liên đới không làm trụ trì, Đại đức Thích Như Dục từ chùa Tỉnh hội về trụ trì tại chùa An Long.
Như vậy, trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẻ vang của nhân dân ta, chùa An Long cũng đã đóng góp ít nhiều công sức vào đấy. Từ năm 1962 đến năm 1968, chùa An Long đã là:
- Một cơ sở che giấu và nuôi dưỡng cán bộ ta,
- Một địa điểm bí mật để tập kết và cất giấu vũ khí, tài liệu, máy đánh chữ … cho cách mạng,
- Một trong những trung tâm lãnh đạo các phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân trong lòng đô thị Đà Nẵng dưới vỏ bọc phong trào đấu tranh Phật giáo,
- Một trong những trung tâm lãnh đạo cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân ở nội thành Đà Nẵng.

(Kỳ 11: Lời kết)

No comments:

Post a Comment