VIỆN ĐẠI HỌC SUNGKYUNKWAN
Sungkyunkwan hoặc Taehak (태학, 太學), là viện giáo dục cổ xưa nhất ở Hàn Quốc, được xây dựng vào cuối triều đại Goryeo (918 – 1392, Hoàng Đế Taejo dựng nên) qua triều đại Joseon (1392 – 1897). Khởi thủy từ Gukiagam (국자감), một hệ thống giáo dục bậc cao đẳng dưới triều đại Goryeo được thành lập trong tháng Mười Một năm 992 bởi Vua Seongjong (성종, 成宗). Gukiagam được đổi tên thành Sungkyunkwan trong tháng Sáu năm 1304 và dời đến vị trí cũ của Seongmungwan dưới thời Vua Gongmin, giai đoạn cuối triều đại Goryeo.
Sau khi thiết lập triều đại Joseon vào năm 1392, Vua Taejo cho dời Sungkyunkwan đến Hanseong (ngày nay là thủ đô Seoul), và ra lệnh xây dựng 360 trường học công lập trên toàn quốc (Hyanggyos), thành lập hệ thống giáo dục quốc gia trong tháng Bẩy năm 1398.
Sungkyunkwan bị lửa thiêu rụi năm 1400 và được xây lại năm 1407. Truờng được tu bổ, sửa chữa vào năm 1601, sau khi bị người Nhật xâm lăng (1592 - 1598).
Trong thời gian dưới ách thống trị của người Nhật (1910 – 1945), viện Đại Học Hoàng Gia Sungkyunkwan bị giáng cấp xuống trở nên một trường tư và đổi tên ra Gyunghakwon. Người Nhật ngăn cấm nền giáo dục Hàn Quốc, cưỡng bách theo nền giáo dục Nhật Bản trên toàn quốc.
Sau khi Hàn Quốc được độc lập vào năm 1945, Gyunghakwon được đổi tên trở lại Sungkyunkwan, cùng với sự tài trợ của hội Khổng Học (Yurim – Confucius), viện Đại Học Sungkyunkwan được thành lập.
Sungkyunkwan đào tạo học trò với các môn học liên quan đến Khổng Học, rèn luyện nhân cách con người, để thi đậu kỳ thi tuyển “Công Chức” (Quan Văn) trong nước. Lúc mới thành lập, Sungkyunkwan chỉ thâu nhận 150 người, sau đó tăng lên 200 năm 1429. Các kỳ thi tuyển vào trường Sungkyunkwan rất khó khăn và chỉ dành riêng cho con cháu các vị quan cao cấp trong nước hoặc trong các gia đình quyền thế.
Muốn được thâu nhận vào trường Sungkyunkwan, thí sinh phải thi đậu hai kỳ thi sát hạch Saengwonsi (생원시), Jinsasi (진사시), hoặc hai kỳ thi khác Seungbo (승보), Eumseo (음서). Sau khi đã được thâu nhận vào trường, học trò phải hoàn tất chương trình học, mới hội đủ điều kiện dự khóa thi đầu làm công chức (làm quan).
Trong những ngày cuối tuần, khách đi dự đám cưới cổ truyền tụ họp đông đảo nơi sân trước chính điện, đằng sau cổng chính vào trường để làm lễ. Họ được các du khách đến thăm trường, đang say mê trước những khiến trúc xa xưa của người Á Đông nhập vào, làm buổi lễ cưới thêm đông đảo.
Ngoài các kiến trúc cổ, du khách cũng thích thú ngắm hai cây Gingko không lồ được trồng từ năm 1519, nay đã sống trên 500 năm. Cây Gingko có rất nhiều ở bên Tầu và Nhật Bản, được làm biểu tượng cho đạo Khổng (Khổng Tử - Confusianism), vì được biết đức Khổng Tử thường ngồi đọc sách, suy tư, dậy học trò dưới bóng mát cây Gingko. Trong khuôn viên viện đại học Sungkyunkwan ngày nay có rất nhiều cây Gingko, cũng như trên đường phố khu vực xung quanh trường.
Gần hết các kiến trúc cổ của trường Sungkyunkwan đều được xem là “bảo vật quốc gia”, trở nên một di tích lịch sử nổi tiếng thu hút du khách. Theo truyền thống các học trò (người Hàn Quốc) ngày xưa đến học được sống nội trú trong hai dẫy nhà có tên là Dongjae (동재), Soejae (서재) (đại học xá Đông và Tây – East and West Hall). Mặc dầu nội quy nhà trường rất nghiêm khắc, nhưng nếp sống của học trò vẫn không buồn chán. Các học trò được dậy dỗ về âm nhạc, bắn cung (cung, tên), cưỡi ngựa, toán học, truyền thống Khổng Học và lễ nghi trong phép cư xử, xã giao. Ngôi trường chỉ dành riêng có các học trò giỏi, xuất sắc về Khổng Học, những người trúng tuyển được học bổng toàn phần, có thể xem là một vinh dự lớn.
Về hướng bắc hai dẫy nhà nội trú Dongjae, Seojae là tòa nhà đồ sộ, đại giảng đường chính có tên là Myeongnyundang (명륜당). Mỗi buổi sáng sớm, dưới tiếng trống dục dã, báo hiệu một ngày mới, các học trò thường nằm phục sát xuống đất, tỏ lòng tôn kính trước khi bước vào bên trong giảng đường, nhận lãnh bài giảng về Khổng Học Cổ truyền (Classic Confucius). Các du khách có thể chiêm ngưỡng kiến trúc cổ truyền Á Đông, ngôi chánh điện ở giữa, hai bên là hai “cánh”.
Nằm về hướng tây Myeongnyundang là kiến trúc Bicheondang (비천당), xây từ năm 1664, tên gọi Bicheondang mang ý nghiã “An hưởng sự thư thái”, lời nói của triết gia Khổng Học nổi tiếng Chu Xi. Kiến trúc này cũng như Myeongnyundang được dùng làm nơi thi cử, khảo hạch trong quốc gia thời xa xưa. Kiến trúc hiện nay được xây dựng lại từ năm 1988 trên vị trí cũ, sau khi đã bị thiêu hủy trong trận chiến tranh Hàn Quốc (1950 - 1953).
Jongyeonggak (존경각) được xây từ năm 1475, là thư viện đầu tiên của Hàn Quốc. Tên Jongyenggak có nghĩa “Bảo quản những vật cổ truyền”, bên trong lưu giữ những bộ sách cổ truyền về Khổng Học. Trong thời gian người Nhật cai trị Hàn Quốc, đa số sách vở được di chuyển đến thư viện thuộc viện Đại Học Hoàng Gia Gyeongseong (Gyeongseong Imperial University), Viện đại học này là tiền thân của viện Đại Học Quốc Gia ở Seoul (Seoul National University). Số sách vở còn lại được cho vào thư viện trung ương nhà trường (Sungkyunkwan University), sau khi trường này được tu bổ, xây dựng thêm vào năm 1953.
Kiến trúc lớn nhất trong khuôn viên ngôi trường cổ là ngôi đền Daeseongjeon (대성전), nơi thờ phượng, lưu trữ, bảo quản các di tích của đức Khổng Tử cùng các môn đệ của ngài. Nét chữ nghệ thuật (calligraphy) trên tấm biển treo trước cổng là công trình của Seokbong Han Ho, một trong những nghệ nhân (calligrapher) nổi tiếng dưới triều đại Joseon. Được xây từ năm 1398, kiến trúc Daeseongjeon bị thiêu hủy trong cuộc xâm lăng năm 1592 và xây cất lại năm 1602. Đền thờ này là một tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc trong thời gian đó. Nghi lễ Seokjeonjae là một nghi thức cổ truyền tưởng niệm đức Khổng Tử, vẫn được thi hành mỗi năm hai lần vào tháng Hai và tháng Tám âm lịch.
Hamabi (nơi xuống ngựa) và Haryundae (nơi để kiệu) ngay trước cổng chính chứng tỏ ngôi trường cổ Sungkyunkwan là chốn linh thiêng (sacred place). Ngay cả những người trong Hoàng Gia cũng phải xuống ngựa, xuống kiệu, tỏ lòng kính phục khi đến trường (thăm viếng). Trong lịch sử nhà trường, vị Viện Trưởng ngôi trường cổ Sungkyunkwan làm chủ tế trong những buổi lễ tưởng niệm đức Khổng Tử và luôn có sự hiện diện của Vua Hàn Quốc. Trước đền thờ của đức Không Tử, nhà Vua cũng chỉ là một người học trò, do đó ông ta cởi áo ngự bào, mặc bộ quần áo dân thường trước khi bước vào sân đền thờ.
Sungkyunkwan University
Department of Computer Education
September 17, 2011-09-17
Giáo Sư Vũ Đình Hiếu
Giao Su Vu Dinh Hieu / SVSQ Mua He Do Lua 1972 / Nguyen Si Quan BDQ/QLVNCH Hien la Giao Su cua Vien Dai Hoc Sungkyunkwan
No comments:
Post a Comment