Friday, September 23, 2011

Việt Nam Đu Dây Giữa Biển Đông

Việt Nam Đu Dây Giữa Biển Đông

 
http://ue.vnweblogs.com/gallery/18513/HV_01.gif

Phạm Trần

Đảng và Nhà nước Cộng sản đang đánh “canh bạc đu dây” với Trung Cộng tại Biển Đông bằng chiến lược hợp tác an ninh-quốc phòng với Nga, Nam Dương, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Mã Lai Á để tạo vòng đai ngăn chặn Trung Cộng tấn công quân sự vào Việt Nam.
Nhưng chính sách mạo hiểm này của Hà Nội đã không tránh khỏi con mắt luôn luôn không tin Việt Nam của Bắc Kinh.

Sự thiếu tin nhau tuyệt đối, dù bề ngòai vẫn nói cười vui vẻ với tinh thần “môi hở răng lạnh”, đã phản ảnh qua những phát biểu của giới Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân sự Việt Nam trong các cuộc họp song phương với phía Tầu từ tháng 8 (2011). Tình trạng này đã được tăng cường bằng những việc xấu người Tầu đang gây ra cho nền kinh tế Việt Nam trên đất liền và áp lực quân sự ở Biển Đông nên ván bài dùng “hợp tác quốc phòng” với các nước khác của Hà Nội gây áp lực với Bắc Kinh chưa chắc đã khiến Trung Cộng sờn lòng trước dự mưu có ngày sẽ “bóp cổ” giới cầm quyền Việt Nam.

Do đó chiến lược của Tầu là dùng áp lực kinh tế và chính trị để ép Việt Nam phải “ngôi im”, “không cho cựa quậy” Và kiềm chế tối đa.

Hãy bắt đầu tìm hiểu chiến thuật của Tầu qua chuyến đi Trung Cộng có nhiều nghi vấn từ ngày 14 đến 19-09 (2011) của phái đoàn cán bộ chính trị quân sự cao cấp Việt Nam do Ngô Xuân Lịch, Trung tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cầm đầu.

Theo Báo Quân đội Nhân dân của Bộ Quốc phòng Việt Nam thì chuyến đi Tầu lần này của Phái đoàn Ngô Xuân Lịch là để đáp lại “lời mời của đồng chí Thượng tướng Lý Kế Nại, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng bộ Chính trị Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc” .
Tuy nhiên, sư có mặt của tất cả các Chính ủy của các Quân khu Quân đội nhân dân trong chuyến đi mang mầu sắc chính trị nhiều hơn quân sự này đã đặt ra một nghi vấn lớn: Tại sao Cục Chính trị là tổ chức quan trọng cốt lõi có trách nhiệm bảo vệ tư tưởng quân lính và bảo đảm vững chắc quân đội luôn luôn trung thành với đảng đã phải kéo tất cả các cấp chỉ huy chính trị sang Tầu vào lúc này để làm gì, nếu không phải là để nghe chỉnh huấn ?

Việc này phản ảnh tình trạng đang có nhiều đơn vị Quân đội nhân dân bị sa sút tinh thần vì lương không đủ ăn và bị dao động trước áp lực có thể bị tấn công bất ngờ của những “người đồng chí láng giềng dẻo mép phương Bắc”.

Thêm vào đó còn có một số cấp chỉ huy trong Quân đội và cựu Tướng lãnh nghỉ hưu công khai hoặc kín đáo cảnh báo trước âm mưu bành trướng lãnh thổ của Trung Cộng và nguy cơ Việt Nam sẽ mất hết biển đảo vào tay Bắc Kinh, nếu đảng không biết đòan kết tòan dân chống lại.

Thái độ của những người này, trong số có nhiều người thuộc thành phần “lão thành cách mạng” và có nhiều thành tích chiến đấu, đã ảnh hưởng sâu rộng đến lớp sỹ quan trẻ và những người lính trong quân đội.

Vì vậy mà từ hơn 1 năm qua đã có nhiều cấp Tướng và Tá trong quân đội viết bài trên Báo Quân đội Nhân dân cảnh giác bộ đội phải coi chừng tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hàng ngũ, và phải luôn luôn đề phòng không để cho các “thế lực thù địch” và “diễn biến hòa bình” lung lạc tinh thần.

Trong chuyến sang Bắc Kinh vừa qua của Cục Chính trị ngoài Ngô Xuân Lịch, còn có Chính ủy của các Quân khu 4 (Trung tướng Mai Quang Phấn); Quân khu 1 (Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Thăng); Quân khu 2 (Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Liên); Chính ủy Quân khu 3 (Thiếu tướng Nguyễn Thanh Thược); Chính ủy Quân khu 7 (Thiếu tướng Phạm Văn Dỹ).
Ngoài ra Bộ Quốc phòng Việt Nam còn cử đi thêm với phái đòan gồm có Trung tướng Nguyễn Văn Động, Cục trưởng Cục Cán bộ; Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn, Cục trưởng Cục Tuyên huấn; Thiếu tướng Nguyễn Xuân Nghi, Chánh Văn phòng Tổng cục Chính trị; Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân; Đại tá Lê Văn Cầu, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại; Đại tá Chu Ngọc Nho, Tùy viên Quốc phòng tại Trung Quốc.

Cao điểm của phái đòan Ngô Xuân Lịch đã diễn ra ngày 16-09 (2011) tại Đại lễ đường nhân dân khi phái đòan gặp Tập Cận Bình, Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, Phó chủ tịch nước CHND Trung Hoa, Giám đốc Trường Đảng Trung ương. Tập Cận Bình là người sẽ thay Chủ tịch Hồ Cẩm Đào lãnh đạo Trung Cộng trong tương lai.

Báo Quân đội Nhân dân (QĐND) của Bộ Quốc phòng Việt Nam tường thuật nội dung tuyên bố của Tập Cận Bình : “Đồng chí tin tưởng, với truyền thống láng giềng hữu nghị tốt đẹp giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội hai nước, chuyến thăm của Trung tướng Ngô Xuân Lịch và Đoàn cán bộ chính trị quân sự cấp cao Việt Nam chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai Đảng, hai nhà nước, hai quân đội ngày càng phát triển.”
Và Ngô Xuân Lịch đáp lễ rằng ông ta “ vui mừng trước những thành tựu rất ấn tượng của Trung Quốc trong sự nghiệp xây dựng đất nước thời gian qua và cho rằng, đó không chỉ là niềm tự hào của nhân dân Trung Quốc mà còn là niềm vui chung của các nước xã hội chủ nghĩa.”

Ô hay, tại sao lại phải tâng bốc kiểu “nịnh thần” thế nhỉ ? Bây giờ còn mấy nước theo chủ nghĩa Cộng sản đâu ? Đếm đầu ngón tay chỉ còn lại 4 nước Tầu, Việt Nam, Bắc Hàn và Cuba. Bắc Hàn và Cuba đang đói nghèo mạt rệp thì nhân dân ở đấy làm sao có thể “vui chung” được ?

Báo QĐND viết tiếp: “Trung tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn coi trọng việc giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức đầy đủ mối quan hệ Việt – Trung “vừa là đồng chí, vừa là anh em”; mãi mãi ghi nhớ và biết ơn sự giúp đỡ to lớn của Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội Trung Quốc trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của Việt Nam. Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội Việt Nam sẽ làm hết sức mình để giữ gìn và phát triển mối quan hệ đoàn kết hữu nghị láng giềng anh em giữa Việt Nam và Trung Quốc lên tầm cao mới.”

“Việt Nam luôn luôn cảnh giác với âm mưu phá hoại đoàn kết, gây chia rẽ hai nước Việt Nam-Trung Quốc của các thế lực thù địch.

Khi nói những điều này thì Lịch có còn nhớ Cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu năm 1979 khi quân Tầu vượt biên giới đánh 6 Tỉnh cực bắc của Việt Nam, theo lệnh của Lãnh tụ Đặng Tiểu Bình là “dạy cho Việt Nam một bài học” không ?

Trên 40 ngàn thường dân và bộ đội Việt Nam chết trong cuộc chiến này. Dấu vết của sự tàn bạo, dã man của quân Tầu vẫn còn ở nhiều nơi dọc biến giới, trong đó có hành động chiếm đóng điểm cao Lão Sơn, nằm sâu trong nội địa Tỉnh Hà Giang vào năm 1984.
Bốn năm sau, quân Tầu lại tấn công và chiếm 8 mỏm đá ngầm ở quần đảo Trường Sa, sau khi đã chiếm trọn quần đảo Hòang Sa từ tay Quân đội Việt Nam Cộng hòa năm 1974.

Hiện nay, quân Tầu đã hòan tòan “làm chủ vùng biển của Việt Nam” từ Hòang Sa xuống Trường Sa nên khi Lịch nói “mãi mãi ghi nhớ và biết ơn sự giúp đỡ to lớn của Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội Trung Quốc trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của Việt Nam” thì không biết ông ta có nhớ đến những oan hồn Việt Nam đang tủi hờn uất hận kẻ xâm lăng ở Biển Đông và ở dọc biến giới Tầu-Việt chăng ?

Nhưng “thế lực thù địch” đang “âm mưu phá hoại đoàn kết, gây chia rẽ hai nước Việt Nam-Trung Quốc” là ai nhỉ, hay lại là chính một số người Trung Quốc xấu và những kẻ Việt gian tay sai cho “Tầu bành trướng” và “Tầu bá quyền” đang ẩn náu trong nước Việt Nam ?

Khi đề cập đến tình hình Biển Đông, Báo QĐND viết : “Trung tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định lại quan điểm của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam về giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, tin tưởng lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nhà nước với quyết tâm cao và trên tình đồng chí, anh em sẽ giải quyết những bất đồng thông qua biện pháp hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Quân đội hai nước phải thể hiện vai trò gương mẫu và là trụ cột trong phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.”

Nhưng khi quân Tầu bắn giết ngư dân Việt Nam, bắt thuyền đánh cá, tịch thu tài sản, bỏ đói ngư dân Việt Nam, bắt chuộc tiền để được thả về, công khai đưa tầu tuần duyên vào hải phận Việt Nam, xâm hại vùng đặc quyền kinh tế 200 hải klý để cắt cáp các Tầu thăm dò đáy biển của Công ty Dầu khí Việt Nam thì bọn người này có còn “tình đồng chí, anh em” gì với Việt Nam không ?

DẠY DỖ-RĂN ĐE

Đến khi Tập Cận Bình lên tiếng thì Báo QĐND tường thuật rằng : “Đồng chí Tập Cận Bình cho rằng, tuy còn có những bất đồng về tranh chấp ở Biển Đông nhưng “láng giềng hữu nghị và hợp tác” vẫn là dòng chảy chính trong quan hệ hai nước.

Đồng chí nhấn mạnh, quan hệ láng giềng là rất quan trọng, vì đã là láng giềng thì không thể thay đổi, phải ứng xử, quan hệ tốt với nhau mới sống chung ổn định lâu dài được.

Đồng chí cũng khẳng định, Trung Quốc hết sức coi trọng phát triển quan hệ Trung - Việt, luôn quan tâm thúc đẩy các hoạt động tiếp xúc, giao lưu cấp cao, coi trọng hợp tác thực chất và tăng cường các hoạt động hợp tác giữa hai quân đội. Thời gian vừa qua do những bất đồng, tranh chấp ở Biển Đông, quan hệ hai nước có những khó khăn tạm thời, nhưng lãnh đạo hai Đảng, hai nhà nước luôn có niềm tin chắc chắn hai bên sẽ tìm ra những giải pháp để giải quyết thỏa đáng vấn đề này.

Đồng chí cũng cho rằng, những nguyên tắc mà Trung tướng Ngô Xuân Lịch nêu lên để giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông là rất sáng suốt và tỉnh táo. Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng “môi hở thì răng lạnh”… Đoàn kết hữu nghị với nhau thì chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên.”

Nghe như thế chắc Lịch và phái đòan đã mở cờ trong bụng chăng ?

Không hiểu Lịch và phái đòan có hiểu được cái thâm ý của họ Tập khi nói “đã là láng giềng thì không thể thay đổi, phải ứng xử, quan hệ tốt với nhau mới sống chung ổn định lâu dài được” ?

Phải chăng Tập Cận Bình muốn nhắn nhủ Việt Nam đừng quên Công hàm năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhìn nhận chủ quyền của Trung Cộng trên 2 Quân đảo Hòang Sa và Trường Sa, cho nên “đã là láng giềng thì không thể thay đồi” ?

Còn chuyện “môi hở răng lạnh” thì ai mà không biết, nhưng người Trung Hoa chỉ biết nói câu này với người Việt và muốn người Việt ghi nhớ còn họ thì nói rồi quên ngay, hay không cần phải nhớ nên đảng Cộng sản Việt Nam mới bị Đặng Tiểu Bình dạy cho bài học năm 1979 !

Và trên Biển Đông bây giờ, người Trung Hoa đang tự do tìm kiếm dầu hỏa trong vùng Hòang Sa, vào Vịnh Bắc Bộ, đang chuẩn bị đem tầu xuống Trường Sa đào dầu, đã đem 500 tầu đánh cá xuống vùng biển Trường Sa để nuôi cá dài hạn trên biển thì răng họ có lạnh không ?

GIÁM MỤC NGUYỄN THÁI HỢP

Trong cuộc gặp phái đòan Ngô Xuân Lịch, giới lãnh đạo Quân đội và chính trị Trung Cộng không quên cổ võ việc hai nước Việt-Trung phải giao hảo dựa trên phương châm 16 chữ và tinh thần bốn tốt (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai . Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt ), nhưng thực tế ra sao, mọi người hãy nghe lời phát biểu của Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp, cai qủan Địa phận Vinh, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Giáo hội Công giáo Việt Nam như sau:

“Biển Đông đã nhiều lần nổi sóng, nhưng thật sự chưa bao giờ ghê ghớm và nguy hiểm như hiện nay. Càng ngày ý đồ xâm lược của Trung Quốc càng thâm độc, ngang nhiên và trắng trợn. Đứng trước hiểm họa mất nước, tất cả mọi người Việt Nam, bất phân biệt chính kiến và tôn giáo, đều cảm thấy phẫn nộ và có trách nhiệm với tiền đồ Tổ quốc. Nhìn lại lịch sử VN, người ta thấy khi đối đầu với TQ tổ tiên chúng ta thường dùng cả cương lẫn nhu và mỗi nhà cầm quyền có sách lược riêng. Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan, mọi người đều hãnh diện với những gì Nhà Lý, Nhà Trần, Nhà Lê, Nhà Tây Sơn đã thực hiện. Càng nhớ lại hình ảnh hào hung của Hội nghị Diên Hồng ngày xưa, nhiều người cảm thấy bất mãn với thực tại hôm nay.

VN trang bị thêm cho Hải quân và tập trận với bắn đạn thật… đó là một điều cần thiết. Nhưng tôi nghĩ viên đạn mà chúng ta cần bắn lúc nầy là sự đoàn kết dân tộc. Có lẽ đây là một thời cơ quan trọng để tất cả những người Việt chúng ta, ở trong cũng như ngoài nước, bất phân biệt chính kiến ý thức hệ, đặc biệt nhà cầm quyền, những người có trách nhiệm với tiền đồ dân tộc, cần đoàn kết để giúp dân tộc đối đầu với một người láng giềng xưa nay vẫn âm mưu xâm chiếm đất nước chúng ta. Những viên đạn chúng ta cần hôm nay đó là những sự kiện lịch sử, yếu tố pháp lý, sự liên kết với các nước thuộc khối ASEAN cũng như các nước lớn như Mỹ, Nhật, Đại Hàn, Pháp, Đức, Nga… để chống lại tham vọng của Trung Quốc biến Biển Đông thành cái "ao nhà" của họ.”

Hỏi : Xin Đức Cha cho biết tại sao đã hủy bỏ tọa đàm “Hòa bình và Công lý trên Biển Đông”?

Đáp : “Nhiều người ở trong nước cũng băn khoăn tự hỏi tại sao Nhà Nước lại cấm một tọa đàm khoa học nhằm cung cấp những lý chứng về địa lý, lịch sử và pháp lý để chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông? Tại sao không khích lệ công tác nghiên cứu của các chuyên gia để phục vụ lợi ích quốc gia? Tại sao Trung Quốc sử dụng xã hội dân sự và cổ võ nghiên cứu của các chuyên gia để phê phán phán quan điểm của Việt Nam, trong khi đó dân Việt Nam bày tỏ quan điểm, một cách ôn hòa, để bảo vệ lãnh thổ quốc gia thì bị ngăn cấm và đàn áp? Phải chăng Nhà cầm quyền có mối lo gì khác hơn mối lo hiểm họa xâm lăng của Trung Quốc? Muốn có câu trả lời đầy đủ và rõ rệt nhất cho vấn đề thiết tưởng nên hỏi chính Nhà Nước.

Đối với chúng tôi, Ban Tổ chức cuộc tọa đàm, chúng tôi bó buộc triển hạn tọa đàm không phải chỉ vì Ban Tôn giáo chính phủ và Ban Tôn giáo – Dân tộc thành phố HCM yêu cầu, mà còn vì áp lực nặng nề của nhà cầm quyền trên Tu viện Đa Minh, cơ quan chủ quản của Trung tâm Phaolô Nguyễn Văn Bình, và nhất là sự đe dọa của các cấp chính quyền đối với các nhân viên cộng tác trong tọa đàm. sự viên. Một số người bị cảnh cáo là nếu tham dự tọa đàm sẽ bị mất việc. Công an cũng gặp trực tiếp hay gọi điện thoại cảnh cáo nhiều người tại SG và yêu cầu không được tham dự tọa đàm. Một số giáo phận khác cũng được công an thăm hỏi và làm phiền vì chuyện “Hòa bình và Công lý trên Biển Đông”. (Phỏng vấn của Linh mục Trần Công Nghị, Báo điện từ Việt Catholic News, 20-09-2011)
Bấy nhiêu lời nói của Đức cha Nguyễn Thái Hợp đã đủ “giải tỏa” nỗi đau của dân tộc trước thảm họa mất chủ quyền lãnh thổ vào tay Trung Cộng chưa ?

Hay sự sợ hãi,nhu nhược của đảng Cộng sản Việt Nam trước đe dọa của Trung Cộng nên được kéo dài thêm cho đến ngày chết trắng mắt ra?
Phạm Trần
http://ue.vnweblogs.com/gallery/18513/HV_01.gif
Please visit our blog.

No comments:

Post a Comment