Saturday, September 24, 2011

Tổng lãnh sự 4 nước kéo về miền tây, Hồ sơ WIKILEAKS (15)

Tổng lãnh sự 4 nước kéo về miền tây

Hồ sơ WIKILEAKS (15)

 


Friday, September 23, 2011

Triệu Phong/Người Việt

Thăm Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang

Công điện ngoại giao do WikiLeaks tiết lộ, liên quan đến việc tổng lãnh sự bốn nước Úc, Ấn Ðộ, Kuwait và Mỹ mở cuộc viếng thăm vùng lưu vực sông Cửu Long ở các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang và An Giang.

Cầu Cần Thơ, được xây dựng từ vốn vay ngoại quốc.
(Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Các nhà ngoại giao chú trọng đến cơ hội hợp tác và phát triển ở vùng này, đồng thời nêu rõ những khó khăn mà các tỉnh này phải đối phó, từ thiếu thốn hạ tầng cơ sở về giao thông đến sự thiếu đồng thuận của đảng bộ lẫn công an địa phương.
Công điện làm tại Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn, ngày 12 tháng 2, 2010.

Cần Thơ - thành phố may mắn

Một trong những nơi phái đoàn ngoại giao viếng thăm khi đến Cần Thơ là Viện Lúa Ðồng Bằng Sông Cửu Long.

Viện Lúa Ðồng Bằng Sông Cửu Long (Mekong Delta Rice Research Institute), thành lập năm 1977, dưới hình thức quà tặng Ấn Ðộ dành cho Việt Nam. Thoạt đầu, tặng phẩm này là để biểu lộ sự ủng hộ phong trào chống đế quốc, tập trung vào mục tiêu tự túc tự cường và, sau đó, thay thế dần việc nhập cảng, vốn là điều rất quan trọng đối với nhiều thành viên thuộc các nước không liên kết vào thập niên 1970.

Tuy nhiên qua thời gian, viện thay đổi theo với tình hình đổi thay của hai nước Việt Nam và Ấn Ðộ.

Phần lớn nhân viên của viện được huấn luyện căn bản theo chương trình do chính phủ Ấn tài trợ, mỗi năm 2 đến 3 nhà nghiên cứu liên tục được gửi sang Ấn để học cao hơn.

Ngày nay, Mỹ là nguồn ngoại viện hàng đầu của viện, qua hai tổ chức Rockerfeller Foundation và Gates Foundation, với sự du nhập giống lúa “golden rice” năng suất cao và nhiều chất dinh dưỡng hơn, cho vùng Ðông Nam Á.

Nhờ trợ cấp của Gates Foundation, Viện Lúa Ðồng Bằng Sông Cửu Long trở thành nơi đầu tiên trên thế giới sản xuất giống lúa Indica, được biến đổi di truyền từ “golden rice,” bằng cách kết hợp DNA của cây lúa với đậu nành. (Ghi chú: Gạo “golden rice” lúc đầu được sản xuất từ loại lúa Japonica, dựa theo các giống được trồng ở vùng có khí hậu ôn đới.)

“Mission Vietnam” hợp tác chặt chẽ với viện qua các chương trình và hội nghị để gia tăng hiểu biết về sinh vật biến đổi di truyền (GMO) ở Việt Nam. Phó giám đốc viện Dương Văn Chín vui vẻ thông báo với tổng lãnh sự rằng viện được phép trồng giống lúa golden rice có kiểm soát, cũng như giống đậu nành, đã giúp cải biến về di truyền, với biện pháp chống sâu bọ cao.

Mãi tới hiện nay, mọi sự trồng trọt được thực hiện ở các nhà kính hai lớp, có kiểm soát kỹ lưỡng, gồm các nhà kiếng nhỏ nằm riêng biệt bên trong những nhà kiếng lớn hơn. Tổng lãnh sự Kuwait, nhân cơ hội này, giới thiệu mẫu lúa Basmati mà giới tiêu thụ Kuwait rất ưa chuộng.

Tiếp sau cuộc viếng thăm Viện Lúa Ðồng Bằng Sông Cửu Long, phái đoàn thăm Viện Nghiên Cứu Biến Ðổi Khí Hậu (Climate Change Research Institute) ở trường Ðại Học Cần Thơ.

Ðược thành lập vào năm 2008 như một sản phẩm của hội nghị thượng đỉnh giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, viện hiện hữu được nhờ sự giúp đỡ của Bộ Ngoại Giao và cơ quan Thăm Dò Ðịa Chất Hoa Kỳ (US Geological Survey).

Tuy nhiên, hiện nay Tòa Lãnh Sự Úc và cơ quan AusAID trở nên có quan hệ nhiều hơn, khi Úc cam kết làm việc với các nước trong khối ASEAN về sự thay đổi khí hậu. Quan hệ này gia tăng mạnh mẽ hơn, cùng với sự hiện diện của nhiều nhà khoa học về môi trường do Úc đào tạo ở trường Ðại Học Cần Thơ. Hội Nghị về Thay Ðổi Khí Hậu (Climate Change Conference) do Tòa Lãnh Sự Úc đồng bảo trợ, được khai diễn tại đây hồi đầu năm, đồng thời AusAID đang đúc kết kế hoạch cung cấp khoảng $1.3 triệu Úc kim cho các dự án nghiên cứu do các nhà khoa học Việt Nam thực hiện tại viện.

Cuộc viếng thăm thứ ba, đến công ty nông hải sản Hiệp Thanh, cho thấy tác động tai hại “khi có sự can thiệp của nhà nước.”

Công ty nông hải sản Hiệp Thanh ở Cần Thơ được quan tâm về nhiều mặt. Trong khi Hiệp Thanh tiếp tục sản xuất 60% lượng cá basa, công ty mở rộng hoạt động bằng sự phát triển một hệ thống nhà nuôi trồng độc lập. Tuy nhiên, để duy trì chất lượng, mỗi nhà nuôi trồng theo hợp đồng được yêu cầu chỉ trồng với hạt giống do Hiệp Thanh cung cấp mà thôi.

Mỗi nhà nuôi trồng này cũng được đòi hỏi phải giữ hồ sơ tỉ mỉ hằng ngày về chất lượng nước, thức ăn cung cấp, điều kiện thời tiết, kích thước trung bình của cá, ghi rõ các vấn đề gặp phải và nhiều yếu tố khác, để phù hợp với các tiêu chuẩn khắt khe của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) và Tiêu Chuẩn Quốc Tế (ISO), mà Hiệp Thanh đã ký kết.

Trong khi thị trường lớn nhất của Hiệp Thanh vẫn là các nước ở vùng Scandinavia, nơi người tiêu thụ sẵn sàng trả giá cao cho cá có chất lượng. Tổng giám đốc Hiệp Thanh, ông Nguyễn Văn Phấn, bày tỏ sự quan tâm về điều lệ qui định về cá catfish đang đợi quyết định ở Hoa Kỳ, vì việc này có tác động từ 10 đến 20 phần trăm thương vụ của công ty.

Một thay đổi trong việc kiểm soát xuất cảng lúa gạo năm 2008, làm sụt giảm trầm trọng khả năng xuất cảng trực tiếp của Hiệp Thanh. Do hậu quả một phần của các biện pháp được hoạch định, bề ngoài như để bảo đảm an toàn thực phẩm và bình ổn giá, được đưa ra sau cơn sốt giá gạo năm 2008, chính quyền Việt Nam qui định, không công ty kinh doanh môi giới về lúa gạo tư nhân nào được phép bán gạo cho bất kỳ nước nào, đã có thuận thảo trước giữa hai nước.

Sự thay đổi có tác động mạnh đến Hiệp Thanh vì hai lý do.

Thứ nhất, trước khi có thay đổi, Hiệp Thanh thường bán thêm gạo cho các nước đã có thuận thảo trước giữa hai nước, để bảo đảm có sự cung ứng căn bản. Ví dụ Philippines từ lâu vốn là nước mua gạo của Việt Nam nhiều nhất và giữ truyền thống mua số lượng lớn theo thỏa thuận giữa hai nước, mà chính quyền Việt Nam bán qua công ty VinaFoods2, một công ty quốc doanh khổng lồ ở miền Nam. Tuy nhiên, trong quá khứ người mua ở Philippines được quyền mua thêm gạo trực tiếp với tư nhân khi giá thị trường hạ thấp hơn giá theo hợp đồng giữa hai chính quyền. Hiện nay, không ai ở Việt Nam, ngoại trừ VinaFoods, được quyền bán cho bất kỳ ai ở Philippines.

Những nước mua gạo của Việt Nam khác như Iran và Iraq cũng bị chi phối bởi sự độc quyền của công ty quốc doanh.

Khó khăn thứ hai phát khởi vào năm 2009, khi VinaFoods2 và đối tác VinaFoods1 ở miền Bắc, mở chiến dịch qui mô, thay đổi hợp đồng thương mãi hiện hữu, ngay người mua nhỏ nay phải đi qua hợp đồng chính thức giữa hai chính quyền, khiến khép lại thị trường bán gạo của tất cả đại lý tư nhân ở Việt Nam. Kết quả là Hiệp Thanh bây giờ chỉ bán được 15% tổng số gạo sản xuất của mình trực tiếp đến người mua ở ngoại quốc (chủ yếu ở Phi Châu). 85% số gạo còn lại Hiệp Thanh phải bán cho VinaFoods1 hoặc VinaFoods2, hai công ty quốc doanh này chỉ việc truyền lệnh cho Hiệp Thanh gửi thẳng số gạo đó cho người mua ở ngoại quốc và thu vào túi hầu hết nguồn lợi. Mặc dù gặp phải các chướng ngại đó, hoạt động sản xuất gạo của Hiệp Thanh vẫn tăng trưởng. Vì hoạt động sản xuất có hiệu năng cao hơn các công ty quốc doanh khổng lồ, Hiệp Thanh vẫn thu được một ít lợi nhuận dù rằng chỉ phục vụ với tính cách gia công cho hai công ty quốc doanh khổng lồ.

Hậu Giang - thân phận dư thừa

Hậu Giang bị “hẫng” sau khi Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc, một tướng bộ đội hồi hưu, người từng tham gia chiến đấu ở Cambodia, không chút e dè khi trình bày nhiều vấn đề mà tỉnh nghèo đói của ông đang phải đối đầu.

Khi “thành phố đặc biệt” (trực thuộc trung ương) Cần Thơ bị tách rời khỏi vùng chung quanh nó vào năm 2004, Hậu Giang trở thành tỉnh “dư thừa,” nghèo nàn và kém phát triển. Thiếu thốn về hệ thống đường sá, trường ốc, điện nước, Hậu Giang phải vật lộn để phát triển.

Trong khi Hậu Giang được xếp hạng 13 theo Chỉ Số Tỉnh Thi Ðua (Provincial Competitive Index) (sự xếp hạng dựa vào môi trường kinh doanh giữa 63 tỉnh ở Việt Nam do cơ quan viện trợ Mỹ USAID bảo trợ), Hậu Giang còn được xếp hạng 3 theo chỉ số phụ về “chất lượng hành chánh địa phương.”

Thứ hạng chung của tỉnh lại bị “phẩm chất lực lượng lao động” kéo xuống thấp, điều này phản ảnh nền giáo dục yếu kém của tỉnh.

Mức thu nhập trung bình mỗi đầu người của Việt Nam khoảng $1,000 mỗi năm, Hậu Giang thấp hơn 25%. Trong khi thu nhập đầu người rất nghèo nàn, tỉnh này lại tăng trưởng nhanh, ngay tổng sản lượng GDP trong năm 2009 ghi nhận tăng được 12.6%. Chủ Tịch Chắc trình bày với mỗi tổng lãnh sự một “gói” đầu tư, gồm những đề nghị đầu tư không thực tế.

Cũng tại đây, phái đoàn đi thăm một công ty quốc doanh với thành phần lãnh đạo “ông nói gà, bà nói vịt.” Ðó là công ty đường quốc doanh Cần Thơ.

Công ty đường Cần Thơ (CASUCO) lập thành công ty quốc doanh độc quyền vào năm 1995, khi Cần Thơ và Hậu Giang vẫn còn chung một tỉnh, nay mặc dù tách rời nhau nhưng công ty vẫn giữ tên cũ “Cần Thơ.” Mặc dù trở thành cổ phần hóa vào năm 2005, nhà nước vẫn tiếp tục nắm đa số cổ phần và phó giám đốc công ty, nói rặt giọng Hà Nội và hoàn toàn không có kiến thức về kỹ nghệ sản xuất đường, khiến người ta có cảm tưởng bà ta là một chính trị viên được bổ nhiệm vào chức vụ. Ví dụ, để trả lời câu hỏi của tổng lãnh sự Úc về nguồn mía để làm đường, bà đáp, CASUCO là công ty quốc doanh của tỉnh Hậu Giang, do vậy mọi nguồn mía đều thu mua từ nông dân trong tỉnh vì họ bị bắt buộc phải bán cho công ty.

Tuy nhiên, sau cuộc gặp gỡ chính thức, quản lý thương nghiệp của công ty giải thích rằng, hệ thống thu mua độc quyền đã chấm dứt từ nhiều năm trước, và rằng nguồn mía ngày nay đến từ nhiều tỉnh khác nhau. Thay vì bị đòi hỏi chỉ bán cho CASUCO, các nhà trồng mía ở Hậu Giang (cũng như ở các tỉnh khác) được chọn bán cho ai tùy ý. Ông này thêm, CASUCO cũng như hầu hết các công ty đường khác ở Việt Nam vẫn còn thu mua trực tiếp từ một số trại mía địa phương, nhưng nay nguồn mía đa số đều đến từ các nhà đại lý, là những người chuyên đi đến hằng ngàn vườn trồng mía cá thể (thường chỉ rộng từ 2 đến 4 mẫu), ở khắp vùng châu thổ và duyên hải miền Trung, để gom về với số lượng lớn, bán lại cho các nhà máy tinh lọc thành đường. Theo cách này, giá thị trường của mía không còn do một số nhà máy đường của tỉnh quyết định, mà vào tay các lái buôn, luôn cạnh tranh nhau để mua lại từ các trại mía.

Thay vì bị bắt buộc phải trồng mía, nông gia ngày nay có quyền chọn lựa. Hầu hết hơn 2,000 trại mía nhỏ ở Hậu Giang trồng mía và gạo theo lối luân canh.

Sự tương phản rõ rệt này cho ta một ẩn dụ thích thú đối với tiến trình cải cách kinh tế vốn đang diễn ra trên khắp vùng châu thổ.

An Giang - triển vọng cao

An Giang là tỉnh ít nạn quan liêu và đặt giáo dục lên ưu tiên một.

Từng là một trong các tỉnh nghèo nhất nước, chỉ mới cách đây vài năm, tổng sản lượng GDP theo đầu người ở An Giang nay hơi cao hơn con số trung bình của toàn quốc. Lý do rất dễ thấy rõ. Mỗi tổng lãnh sự có tiếp xúc với An Giang đều báo cáo rằng, chính quyền tỉnh tỏ ra ít quan liêu và lo nâng đỡ cho vùng châu thổ nhiều nhất.

Tỉnh An Giang cũng đặt giáo dục lên ưu tiên hàng đầu, chứng cớ là trường đại học có thêm trường ốc cơ sở mới. Gần phân nửa trong tổng số 7,000 sinh viên theo ngành giáo dục, một phần nhờ chiến dịch rầm rộ của tỉnh, tuyển chọn và đào tạo giáo viên từ mỗi thôn làng ở trong tỉnh. Một số sinh viên xuất sắc năm thứ hai, đến từ những làng xã mà chỉ đi ghe mới đến được, trong khi nhiều người trước đây chưa hề được nhìn thấy thành phố trước khi họ đến thủ phủ của tỉnh là thành phố Long Xuyên, nơi dân số lên đến 275,000 người. Sinh viên giỏi được chọn và được theo học miễn phí, cộng thêm tiền thưởng với thỏa thuận trở lại làng quê của mình để dạy ít nhất 5 năm sau khi tốt nghiệp.

Bốn tổng lãnh sự nói chuyện với một nhóm sinh viên lớp “Anh Văn Giáo Dục,” một tổng hợp của chương trình dạy tiếng Anh với việc học về phương pháp giảng dạy.

Trong cuộc viếng thăm trung tâm lượng định của Tổ Chức Di Trú Quốc Tế (IOM) để gặp các nạn nhân nạn buôn người được trở về cuộc sống bình thường, bốn tổng lãnh sự nghe trình bày về sự thành công lẫn thử thách khi chống lại nạn buôn người ở Việt Nam. Tin vui là trung tâm lượng định ở An Giang làm việc suôn sẻ, cũng như “open house,” một tổ chức phi chính phủ, nơi săn sóc dài hạn, huấn luyện và yểm trợ cho các nạn nhân.

Các chương trình giáo dục nhắm đến học sinh bậc trung học, tuồng như cũng có tác động nhờ gia tăng cảnh giác và giúp giảm bớt được số nạn nhân ở trong tỉnh. Hình ảnh ít khích lệ là những tiến bộ này phần lớn chỉ giới hạn ở một vài tỉnh như An Giang, nơi chính quyền tỉnh tích cực ủng hộ việc huấn luyện chống nạn buôn người, phụ giúp nạn nhân được trở về, đồng thời giúp họ hội nhập trở lại với cộng đồng.

Cấp lãnh đạo tỉnh An Giang tạo được một hiệu ứng hấp dẫn, theo đó Tổ Chức Di Trú Quốc Tế cho biết, một quyết định gần đây của chính quyền Việt Nam, cho phép nạn nhân buôn người từ các tỉnh khác được sử dụng trung tâm lượng định của An Giang.

Giám đốc trung tâm lượng định cũng như đại diện Phòng Lao Ðộng, Tàn Phế Nhân và Dịch Vụ Xã Hội cho biết, trong nhiều tháng qua, chính quyền trung ương ở Hà Nội đã dàn xếp để quan chức từ nhiều tỉnh khác nhau đến thăm An Giang để thấy tỉnh này có được sự tiến triển như thế nào.

Tổng lãnh sự Kuwait (người khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng trước đây đã từng làm việc tại IOM ở Geneva) lém lỉnh thắc mắc tại sao nhà nước Việt Nam thiếu tích cực trong việc ngăn chận nạn buôn người, gồm trong nước lẫn nô lệ lao động. Ðại diện IOM giải thích, họ và các tổ chức khác đang bắt đầu thuyết phục chính quyền Việt Nam về vấn đề này, họ còn thêm rằng, vấn đề căn bản nằm ở chỗ Việt Nam hiện chưa có luật lệ về nạn buôn người phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Vị đại diện này hy vọng dự luật này sẽ được trình trong phiên họp Quốc Hội sắp tới.

An Giang là tỉnh có dân số theo đạo Hồi cao nhất, khoảng 14,000 tín đồ, nên việc viếng thăm một đền Hồi và các tín đồ là điều hoàn toàn tự nhiên. Phái đoàn viếng thăm Ehsan, một đền Hồi với tầm vóc trung bình, đủ phục vụ cho 200 gia đình, với tổng số 1,200 tín đồ. Ðền được xây vào thập niên 1930, được tân trang lại trong hai năm 1997-1998 nhờ tiền đóng góp của người Chàm định cư ở Mỹ và Úc. Trong số 4 tổng lãnh sự, chỉ tổng lãnh sự Ấn đã từng viếng thăm trước đây và ông được nồng nhiệt tiếp đón trở lại.

Ðể đáp lại thắc mắc của tổng lãnh sự Kuwait, rằng số tín đồ Hồi Giáo này từ đâu đến, đại diện Hồi Giáo thuộc hội đồng tôn giáo tỉnh bắt đầu nói đến sự liên hệ, khi Vương Quốc Chàm còn trị vì ở miền Trung Việt Nam, nhưng các vị trưởng lão đạo Hồi lập tức xen vào nói ngược với lời của ông ta. Theo lời thầy tế (imam) và người phụ tá, hầu hết người Hồi Giáo ở An Giang đều thuộc sắc tộc Chàm, được thuê từ Cambodia di dân sang Việt Nam khoảng 300 năm trước, để làm công việc đào kênh giúp biến vùng lưu vực thành một vựa lúa. Do vậy, họ chỉ có liên hệ gián tiếp (nếu không muốn nói là xa) đối với cộng đồng người Chàm ở duyên hải miền Trung Việt Nam, những người có liên hệ đến Vương Quốc Chàm từng cai trị miền Trung Việt Nam khoảng thời gian từ năm 400 đến - 1400 sau Tây lịch.

Ðối với dân thiểu số nghèo khác ở trong tỉnh, chính quyền cho họ nhiều trợ cấp đặc biệt, như đi học miễn phí và được sự nâng đỡ của cộng đồng. Dầu vậy, cộng đồng vẫn còn nghèo khó và thiển cận, mà hầu hết thành viên đều kiếm sống bằng nghề nông khiêm tốn.

Các trưởng lão Hồi Giáo cho biết, trong cộng đồng chỉ có 6 người thực sự hiểu được tiếng Ả Rập, mặc dù một ít trưởng lão đọc được nhưng không nói được. Sáu người biết nói tiếng Ả Rập đều khá trẻ, từng được một số nước gửi ra ngoại quốc để huấn luyện như Malaysia, Indonesia, United Arab Emirates và Saudi Arabia. Tổng lãnh sự Kuwait bày tỏ sự quan tâm mạnh mẽ, muốn tìm cách cung cấp sự huấn luyện ở Kuwait, đồng thời yểm trợ các đền Hồi dưới hình thức khác.

Mặc dù có nhiều phát triển tích cực, An Giang vẫn thay đổi thường xuyên và do đó có đầy sự mâu thuẫn. An Giang là tỉnh nơi xảy ra biến cố năm 2007, khi công an địa phương đuổi phái đoàn nhân viên lãnh sự quán ra khỏi khách sạn lúc nửa đêm. Cùng lúc ấy Ủy Ban Nhân Dân lại đi mời mọc các tổ chức phi chính phủ quốc tế. Chúng tôi nghe các tổ chức phi chính phủ thuật lại, một mặt đảng bộ tỉnh tìm cách lôi kéo họ vào, một mặt lại “từ chối” các tổ chức phi chính phủ từ Hoa Kỳ.

Giao thông - quan trọng chiến lược

Các tỉnh vùng châu thổ không thể phát triển vì thiếu hạ tầng cơ sở về giao thông.

Mỗi chủ tịch tỉnh mà phái đoàn tổng lãnh sự tiếp xúc bày tỏ ước muốn và kế hoạch xây dựng những tuyến đường giao thông tân tiến và hiện đại, gồm phi trường, siêu xa lộ, cầu cống và xe lửa cao tốc.

Tình trạng thực ra khá mù mờ và sự thiếu thốn về hạ tầng cơ sở của đường sá giao thông là trở ngại chính cho sự phát triển. Ví dụ, trong khi Cần Thơ nằm cách Sài Gòn chỉ hơn một trăm dặm nhưng xuống đó phải đi mất hơn 4 tiếng. Ði thêm chỉ 30 dặm để đến Hậu Giang ở bên phía Tây phải mất thêm 90 phút nữa. Hành trình dài 150 dặm từ Sài Gòn đến Châu Ðốc, trung tâm du lịch và mua bán đầy quyến rũ của An Giang, đòi hỏi phải đi mất 6 đến 7 tiếng, chưa kể thêm ba lần qua phà, mà hai trong số đó xe tải không qua được. Tình trạng giao thông nghèo nàn này tác động lên mọi khía cạnh về kinh tế.

Thu nhập của nông dân chịu tác động tiêu cực do không thể đưa nhanh rau quả xanh tươi đến thị trường khổng lồ của Sài Gòn. (Ở Sài Gòn, hầu hết người tiêu dùng chỉ muốn mua rau quả hay thịt cá mới thu hoạch trong ngày).

Ngoài ra, hầu như không nhà đầu tư ngoại quốc nào muốn đi xa hơn về phía Nam, thay vì vậy họ chọn những địa điểm gần, dù rằng phải chịu tình trạng kẹt xe và thiếu nhân công là vấn đề đang ngày mỗi trầm trọng.

Bên cạnh đó, ngay một vài nhà đầu tư chịu đi xa hơn về phía Nam, cũng phải quyết định rằng sự thuận tiện tương đối như có sẵn đất đai và lao động dư thừa ở miền châu thổ cũng không bù lại được với gánh nặng hậu cần của vùng này.

Phái đoàn tổng lãnh sự di chuyển trên đường xa lộ dài 62 cây số nối liền Sài Gòn với Trung Lương mới khánh thành. Loại xa lộ kiểu Tây phương (với bốn lằn xe chạy, hạn chế lưu thông đối với bộ hành, xe gắn máy hoặc xe kéo), là một phần của xa lộ dự trù nối liền Sài Gòn với Cần Thơ.

Việc mở chỉ mới đoạn đầu tiên của xa lộ này cũng đã giúp chặng trở về rút ngắn thời gian được một tiếng đồng hồ. Vào cuối tháng 3, cầu Cần Thơ mới sẽ được lưu thông, giúp giảm thêm được 30 phút nữa. Hiện những đoạn khác của xa lộ đang được xây dựng, dự trù sẽ hoàn tất vào năm 2013, bấy giờ đi từ Sài Gòn xuống Cần Thơ chỉ còn 1 giờ 40 phút.

Nhiều dự án giao thông đang được phát triển để nối liền Hậu Giang với xa lộ này. Một xa lộ miền Tây khác sẽ nối các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Ðồng Tháp với Sài Gòn.

Phi trường Cần Thơ hiện chỉ phục vụ những chuyến bay đi Hà Nội và Phú Quốc, đang được xây thêm để trở thành một phi trường quốc tế vào trước cuối năm.

Một khi những gạch nối này được khai thông, các tỉnh vùng châu thổ sẽ thay đổi lớn và có nhiều cơ hội phát triển rộng. Các tỉnh đang hướng đến một tương lai tăng trưởng mạnh mẽ, qua sự chuẩn bị về giáo dục, cải tổ nền hành chánh địa phương, phát triển hạ tầng cơ sở.
http://www.diendantheky.net/2011/09/ho-so-wikileaks-14-tong-lanh-su-4-nuoc.html

No comments:

Post a Comment