Thursday, September 22, 2011

Một cuộc thử nghiệm lý thú

Một cuộc thử nghiệm lý thú

Nguyển đạt Thịnh
Mức bành trướng nhanh chóng của Hải Quân Trung Cộng làm Ấn Độ, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia Á Châu lo ngại. Câu hỏi được các quốc gia này đặt ra là: "Lời tuyên bố của Đô Đốc Vũ Chấn Lý (Wu Shengli) nói Hải Quân Trung Quốc chỉ là một lực lượng phòng thủ khả tín đến mức nào?"
Dù Vũ Chân Lý có nói thật thì lực lượng 250,000 thủy thủ, sử dụng 1 chiếc hàng không mẫu hạm, 26 tuần dương hạm, 50 thiết giáp hạm, 3 tiềm thủy đĩnh cỡ SSBN, từ 5 tới 7 tiềm thủy đĩnh cỡ SSN, 56 chiếc cỡ SSK, 58 tầu đổ bộ, 80 tầu tác chiến cận duyên, và 200 tầu đột kích có tốc độ nhanh, vẫn tạo lo âu cho thế giới.
Tuy hùng mạnh, nhưng Hải Quân Trung Cộng lại chưa thực sự giao tranh một lần nào cả, và do đó, chưa có kinh nghiệm hải chiến. Tác phong của anh bốc xơ nặng 100 kí, chưa bao giờ thượng đài, có thật sự đáng lo ngại không, là điều nhiều nước muốn biết.
Trên lập luận này tôi cho là cuộc "chạm trán" giữa hải quân Trung Quốc và thủy thủ đoàn của chiến hạm INS Airavat là một cuộc thử nghiệm. Nội vụ xẩy ra ngày 22 tháng Bẩy, liên quan đến việc chính phủ Ấn Độ công bố việc chiếc chiến hạm INS Airavat của họ bị cảnh cáo là đang xâm nhập vào hải phận Trung Hoa, trong lúc chiến hạm này di chuyển từ Nha Trang ra thăm Hải Phòng, nói cách khác đang đi ven theo bờ biển Trung Việt với khoảng cách bờ 45 hải lý.
Địa điểm này không còn nằm trong hải phận 12 hải lý của Việt Nam nữa, nhưng vẫn là vùng kinh tế đặc quyền 200 hải lý của Việt Nam; và dĩ nhiên còn có thể nói chiến hạm Airavat đang di chuyển trong hải phận quốc tế, nếu hải phận được ấn định bằng luật biển 1982; tuy nhiên nếu luật biển Trung Cộng và đường lưỡi bò được tôn trọng thì quả thật chiếc Airavat đang xê dịch trong hải phận Trung Cộng.
Ấn hoặc Hoa Kỳ, thế lực hải quân đứng sau lưng Ấn, muốn "nắn gân" xem Trung Cộng nghiêm túc đến mức nào trong việc bảo vệ vùng biển mà họ gọi là của họ.
Phát ngôn viên ngoại giao của Ấn Độ, ông Vishnu Prakash, nói chiếc Airavat bị một người tự xưng là "hải quân Trung Cộng" sử dụng radio gọi và cảnh cáo là Airavat đang xâm phạm hải phận Trung Cộng."


Ông Vishnu Prakash
Ông Prakash nói thủy thủ trên chiến hạm Airavat chỉ nghe tiếng nói, nhưng không thấy bóng dáng một chiến hạm Trung Cộng nào cả.
Trung Cộng công bố 80% Biển Đông là hải phận của họ; thái độ này tạo va chạm với toàn thể các quốc gia sống ven Biển Đông.
Một viên chức khác của Ấn nói, "Bất cứ một chiếc tầu hải quân nào trên thế giới cũng có quyền tự do lưu thông trên hải phận quốc tế; và Ấn không chấp nhận việc bất cứ quốc gia nào đòi làm chủ hải phận quốc tế hoặc tạo khó khăn cho sự lưu thông trên hải lộ quốc tế."
Hà Nội cũng không chấp nhận Trung Cộng hành xử quyền kiểm soát vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam.
Nếu giả thuyết "thử nghiệm" của tôi mà đúng thì Hải Quân Trung Cộng đã lúng túng khi bị nắn gân; họ không nói gì cả về "diễn biến" Airavat; cả đến chính phủ Trung Cộng cũng nín khe suốt 45 ngày sau khi hải phận bị xâm phạm.
Sang đến ngày thứ 46, ngày mùng 5 tháng Chín, bà Khương Du, phát ngôn viên ngoại giao của Trung Cộng mới lên tiếng trong cuộc họp báo thường ngày; bà Du nói: “Tin tức về cuộc va chạm giữa tầu Ấn và Hải Quân Trung Cộng không có căn bản; và tôi mong mỏi giới truyền thông khi đưa tin về những vấn đề như thế này nên tư vấn và kiểm chứng với chính phủ các bên có liên quan."
Bà Khương Du làm như bà không biết truyền thông thế giới loan tin về chiếc Airavat đã dựa trên nguồn tin vô cùng khả tín là phát ngôn viên Prakash của Ấn.

Bà Khương Du
Hai việc: việc bà Khương Du không đề cập đến Prakash, người đối cấp của mình, cũng không đề cập đến những viên chức Ấn khác chỉ trích Trung Cộng, và việc bà chỉ lên tiếng 45 ngày, sau ngày ông Prakash công bố việc chiến hạm Airavat bị người tự xưng là hải quân Trung Cộng cảnh cáo, cho thấy phản ứng của Trung Cộng không chỉ chậm thôi, mà còn không bình thường nữa.
Bà phủ nhận một cuộc va chạm mà ông Prakash không hề nói là đã xẩy ra, và truyền thông cũng không hề loan báo; nhưng bà lại không thể nói gì về người vô danh, vô hình tự xưng là Hải Quân Trung Cộng, bà cũng không nói chiến hạm Airavat có vi phạm lãnh hải Trung Cộng hay không.
Tôi nghĩ Hoa Kỳ nhờ Ấn thăm dò phản ứng của Trung Cộng, trong lúc ông Zhao Gancheng, giám đốc địa hạt Nam Á tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, nói với hãng thông tấn Reuters: "Hải quân Ấn Độ tiến vào Nam Hải (Biển Đông) là một hiện tượng tương đối mới. Nó chứng tỏ hải quân Ấn Độ đang mở rộng tầm hoạt động."
Dĩ nhiên việc xẩy ra ngoài khơi Việt Nam liên quan đến Việt Nam và đến tương quan Hoa-Việt; tương quan này được thấy rõ trong thái độ của ông ủy viên quốc vụ Đới Bỉnh Quốc mưu tìm một lối duy trì vùng biển "lưỡi bò". Sang Việt Nam dự cuộc họp thường niên của "Ủy ban hợp tác song phương Việt Nam-Trung Cộng", ông Quốc tìm cách vuốt lại cho tròn chính sách Biển Đông đang bị người Việt Nam chống đối, và bị chiến hạm Ấn thử nghiệm.
Được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp chiều thứ Tư mùng 7 tháng Chín tại Hà Nội, và được nghe ông Dũng khẳng định là trong vấn đề Biển Đông "việc hai bên còn khác biệt là thực tế khách quan".
Ông Dũng còn nhấn mạnh đối thoại Việt - Trung cần "dựa trên tinh thần tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, và bản "Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông" (DOC) nhằm "tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được".
Đòi tôn trọng luật biển 1982 là thái độ gián tiếp đối nghịch với Trung Cộng, và đòi hỏi này của ông Dũng làm phật lòng ông Quốc. Quốc muốn Dũng xác nhận Airavat xâm phạm lãnh hải Trung Cộng trong cuộc hải hành từ Nha Trang ra Hải Phòng, và muốn Dũng khuyến cáo hạm trưởng Airavat nên đi trong hài phận 12 hải lý của Việt Nam.

Ông Đới Bỉnh Quốc
Không muốn nói đến luật biển và văn kiện DOC của khối Đông Nam Á, Đới Bình Quốc đề nghị, "... trên tinh thần vừa là đồng chí, vừa là anh em, hai chính quyền Việt-Hoa nên khẩn trương cùng nhau đàm phán, thảo luận những vấn đề còn khác biệt trên Biển Đông để tìm ra những giải pháp mang tính cơ bản, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được".
Cùng ngày 9/07, Quốc còn gặp ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và vẫn dùng luận điệu "đồng đảng, đồng chí" để trình bày quan điểm của Trung Cộng.
"Hai Đảng và hai chính phủ có chung lý tưởng, có chung lợi ích, lại còn có vận mệnh gắn liền với nhau, không có lý do gì chúng ta không cố gắng thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp," ông Quốc bảo ông Trọng. Ông Quốc nói thêm, "Quan hệ Trung -Việt cần phát triển trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và Việt Hoa lưỡng lợi".
Trung Cộng thích "cộng tác" với Việt Nam trên Cao Nguyên Miền Nam, trên Trường Sa, và trên Biển Đông, nhưng chưa bao giờ mời Việt Nam cộng tác trên đảo Hải Nam, hay tại Thượng Hải.
Tuy nhiên, một người Việt Nam có nhiều kinh nghiệm về Trung Cộng, ông Dương Danh Dy, lại cho là không thể có sự cộng tác Việt-Hoa. Lấy Hoàng Sa làm điển hình cho tình trạng miên viễn bất đồng giữa hai nước, ông Dy nói: "Từ khi tôi còn làm việc, Trung Cộng đã không bao giờ chịu đàm phán về Hoàng Sa, họ xem như đã chiếm xong, đã ‘ăn tươi, nuốt sống’ Hoàng Sa rồi, không bao giờ chịu bàn vấn đề Hòang Sa với chúng ta nữa đâu."

 

Ông Dương Danh Dy
 
Là cựu lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, ông Dy biết rất rõ ý đồ của người Tầu; bi quan về tương lai Hoàng Sa, ông Dy nói, "Vấn đề bây giờ đành để lịch sử giải quyết, con cháu chúng ta giải quyết. Tôi đã có lần nói về vấn đề Hoàng Sa, Việt Nam dứt khóat không bao giờ từ bỏ lập trường.
"Đời tôi, đời con tôi, đời cháu tôi chưa lấy được thì đời chắt tôi, toàn thể nhân dân Việt Nam cũng phải đòi lại chủ quyền Hoàng Sa chứ không thể để Trung Cộng trắng trợn chiếm đóng như vậy được."
Nếu diễn biến Airavat là một thử nghiệm Hoa Kỳ nhờ Ấn thực hiện để tìm phản ứng của Trung Cộng, thì họ đã tìm được đáp số: 45 ngày sau Trung Cộng vẫn còn chưa dám đối đầu với Ấn; Hoa Kỳ còn thấy thêm phản ứng không dám ra mặt của nhà nước Việt Nam và thái độ khăng khăng đòi lại chủ quyền Hoàng Sa của công dân Việt Nam mà ông Dương Danh Dy nói lên tiếng nói đại diện.

Cuộc thử nghiệm quả là lý thú.

Nguyển đạt Thịnh

No comments:

Post a Comment