Monday, September 19, 2011

Libya: quan nhất thời dân vạn đại

Libya: quan nhất thời dân vạn đại


Nguyễn Giang Nguyễn Giang | 2011-09-12, 12:43
Mới hôm nào, chính chúng tôi ở BBC còn nhắc nhau dùng chữ cho đúng rằng chế độ Gaddafi vẫn là 'chính quyền Libya', và phe nổi dậy chỉ là 'Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia' (NTC-National Transitional Council).
Đại tá Gaddafi từng xưng là 'vua châu Phi' mặc áo có in hình châu Phi màu xanh
Chỉ sau dịp cuối tuần qua, vì được nhiều nước công nhận và đã làm chủ Tripoli cùng nhiều phần của Libya Hội đồng này được gọi là 'tân chính phủ', theo bản tin BBC News trên mạng đưa hôm vừa rồi.
Moscow đã công nhận NTC và Bắc Kinh chắc sẽ làm nhanh vì các hợp đồng kinh tế.
Thời cuộc biến đổi nhanh thật.
Đi họp biên tập ở Bush House, London, tôi nghe phóng viên quốc phòng -ngoại giao của BBC, anh Jonathan Marcus nhắc rằng vụ Libya là lần đầu tiên Phương Tây thành công khi dùng vũ lực hỗ trợ thay đổi chế độ trong Thế giới Ả Rập.
Đúng thế, ở Tunisia và Ai Cập trước đó chỉ có người dân và các thế lực nội bộ tự thúc đẩy diễn biến qua biểu tình.
Mùa Xuân Ả Rập đang là chuỗi sự kiện quan trọng nhất của đầu thế kỷ 21, không kém gì Liên Xô tan rã 20 năm trước, khép lại thế kỷ 20.
Với nhiều nhà độc tài, câu hỏi nay không phải là "Đi hay không mà là khi nào đi và đi thế nào?"
Các tác động của phong trào đòi tự do theo kiểu riêng của người Trung Đông và Bắc Phi sẽ còn lan tỏa ra thế giới nên cần đánh giá lại vì sao ông Gaddafi sụp đổ và Libya bị can thiệp quân sự, còn các nước kia thì không.
Gaddafi thua vì chế độ ông đoạt được trong cuộc đảo chính năm 1969 và 'chế biến' thành một thứ quái dị đã không trụ được trước giông bão.
Hồi thập niên 1980, khi được một nhà báo Mỹ hỏi ông có sợ phải từ chức vì Tổng thống Reagan đe dọa, ông Gaddafi nói ông có giữ chức gì đâu mà phải từ nhiệm.
Ông chơi ngông tự thăng mình chỉ lên đại tá nhưng cũng không quên xóa luôn các cấp tướng, để ông to nhất quân đội.
Các con ông được giao cho nắm những ngành trọng yếu, quản lý Quỹ Đầu Tư Libya hàng trăm tỷ USD, lãnh đạo cả Ủy ban Olympics Quốc gia, chỉ huy cả công an mật vụ, lữ đoàn phòng vệ thủ đô, đều không qua một thủ tục tối thiểu.
Là 'con ông cháu cha', họ lũng đoạn cả một quốc gia sáu triệu người theo kiể̀u hung đồ 'vì bố tao muốn thế'.
Với thu nhập hàng tỷ đô la từ dầu khí, đáng ra cuộc sống của người Libya phải rất tốt nhưng tiền bị nhà Gaddafi tự lấy đi hoặc chi tiêu vào các dự án hoang phí và đổ sang cả vùng Nam Sahara để ông có tiếng là lãnh tụ châu Phi.
Sau bao năm ông Gaddafi cầm quyền, thủ đô Tripoli vẫn đầy các phố lắm ổ gà và thiếu nước sạch, còn công trình kiên cố nhất lại là hệ thống hầm ngầm để ông chạy trốn.
Thời kỳ giải thực dân qua đã lâu mà 'học thuyết Xanh' của ông Gaddafi vẫn hành dân bằng các khẩu hiệu chấp vá lủng củng theo giọng chống Phương Tây và tung hô trí tuệ của riêng ông.
Không chỉ xé Hiến chương Liên Hiệp Quốc, ông Gaddafi còn xưng là 'vua của các vị vua châu Phi', và là 'đại giáo sỹ' của Hồi giáo mà chẳng cần các nước châu Phi hay Ả Rập công nhận.
Các hội đồng nhân dân do ông lập ra theo kiểu 'dân chủ toàn dân' trở thành những nhóm hào mục bộ lạc ông ban ơn gây oán tùy tình thế.
Một thể chế vô lý như thế khó mà đứng vững.
Khi gặp nguy cũng lại cha con ông Gaddafi thay nhau lên đài kêu gọi lung tung, không thấy bộ trưởng Libya nào cố thủ lại vì họ.
Phe nổi dậy thậm chí than phiền rằng khi vào Tripoli họ chẳng gặp ai để mà đàm phán.
Lỗi hệ thống khiến cuộc biến đổi ở Libya đẫm máu hơn nhiều so với Ai Cập, nước có di sản hành chính Anh để lại và Tunisia, nước chịu ảnh hưởng của Pháp.
Chính vì sự hỗn loạn kiểu rất Gaddafi ngay từ đầu ở Libya khiến Liên Hiệp Quốc nói rằng cần thông qua nghị quyết để bảo vệ thường dân.
Ở một quốc gia bình thường hơn, có toà án để điều tra xét xử các vụ dân bị công an giết thì bên ngoài làm sao có cớ can thiệp.
Đây là bài học rất lớn cho những nước mà một vài người nắm quyền quyết định tất cả.
Khi có biến, những người này thường quên ngay quốc dân, vì họ có do dân bầu lên đâu.
Nhân chuyện Liên Xô sụp đổ, đến nay vẫn có người ở Việt Nam ghét ông Gorbachev và thương tiếc Liên Xô.
Nhưng trên thực tế, việc xóa bỏ Liên Xô cũng chỉ do Tổng thống Yeltsin với hai lãnh đạo Belarus và Ukraina quyết định.
Ba người gặp nhau bí mật vào tháng 12/1991 tại khu rừng Belavezhskaya và ký thỏa thuận bị chính Gorbachev cho là vi hiến để giải tán Liên Xô.
Họ không trưng cầu dân ý hoặc tham vấn với ai, cũng có thể không còn ai mà hỏi vì các nước Cộng hòa Xô Viết đã chia tay 'anh đi đường anh, tôi đường tôi' hết rồi.
Những nước có bộ máy vận hành tạm được, có lãnh đạo biết lo cho cấp dưới của họ và chủ động chuẩn bị cho thay đổi thể chế, hóa ra vẫn là may mắn hơn độc tài tùy tiện.
Và dù theo thể chế nào thì đất nước cũng cần có bản hiến pháp nghiêm túc, có ngành tư pháp tự xử lý được các bất ổn, tránh gặp thảm họa bị bên ngoài thò tay vào xử giúp bằng súng đạn.
Và như các cụ ngày xưa ở Việt Nam đã nói, dân mới là lâu dài, phải lo và phải chịu mọi chuyện, chế độ và lãnh đạo chỉ nhất thời mà thôi.

No comments:

Post a Comment