Chống Cộng thế nào cho đúng
Chiến tranh tương tàn đã qua đi được hơn 36 năm. Có những vết thương đã liền da, nhưng cũng có những nỗi đau vẫn ngày đêm rỉ máu. Đó là một thực tế tuy phũ phàng nhưng dù muốn hay không, nhiều người vẫn phải đối diện với sự thật là đất nước Việt Nam vẫn chưa có độc lập, tự do, dân chủ đúng nghĩa…
Mấy ngày gần đây, khi “Thư ngỏ gửi các nhà lãnh đạo Việt Nam về hiểm họa ngoại bang và sức mạnh dân tộc” (xin đọc tại đây) của 36 nhân sĩ trí thức người Việt hải ngoại được gửi cho nhà cầm quyền Việt Nam và đăng tải trên mạng Internet. Đã có không ít những lời gièm pha, thị phi, kết án các vị nhân sĩ nói trên là “bưng bô cho Việt Cộng”, và thậm chí là có những lời lẽ rất là khiếm nhã, rất là cực đoan, được phát ra từ hải ngoại nhằm vào thư ngỏ này. Nhân đây chúng ta thử cùng nhìn nhận vấn đề chống Cộng thế nào cho đúng, và khẳng định đích đến cuối cùng của nó chính là hiệu quả đấu tranh, chứ không phải là gì khác.
Thường thì sau một thất bại lớn, mỗi người có những biểu hiện và suy nghĩ khác nhau. Một số người thì chấp nhận an phận, buồn, gậm nhấm nỗi đau một mình. Những người khác thì tìm cách đòi lại sự công bằng, tìm tòi con đường phục hận. Những thành phần đã chấp nhận buông xuôi, thiết nghĩ cũng chẳng cần nhắc đến làm gì. Và có thể những người đó cũng không muốn cộng đồng nhớ đến họ nữa. Nhưng những người còn trăn trở với đất nước, dường như vẫn còn đang loay hoay trong vô vọng. Họ chưa thực sự đoàn kết, họ chưa có tiếng nói chung. Vậy họ sẽ không thể đạt được mục đích, khi vẫn chưa có một đối sách đấu tranh sao cho phù hợp và hiệu quả…
Có lẽ đến ngày hôm nay, trong cộng đồng những người Việt yêu dân chủ, đối lập hoàn toàn với chế độ Cộng Sản ở Việt Nam, những người còn có tư tưởng chống Cộng cực đoan, phần nhiều là ở hải ngoại. Đấu tranh là quyền của mỗi người, họ có quyền tự chọn cho mình một cách nào đó để tìm kiếm chiến thắng. Nhưng có thể khẳng định rằng, về mặt tâm lý, đấu tranh cực đoan chỉ có thể gặt hái thành công trong giai đoạn nào đó của bối cảnh chiến tranh bạo lực. Tuy vậy ngay cả trong chiến tranh, sự cực đoan trong tư tưởng sẽ dẫn đến sự xơ cứng trong chiến đấu, mất bình tĩnh, dẫn đến cái dũng làm mất cái mưu. Mà đã “vô mưu” thì thường là thất bại.
Một sự thật hết sức đáng buồn là hiện tượng phe cánh xô bồ lộn xộn trong tổ chức đấu tranh ôn hòa ở hải ngoại, đã làm mất đi sức mạnh thật sự của đồng bào, mất đi tính chiến đấu, mất đi tình đoàn kết quý báu của phần lớn người Việt còn có lòng với quê hương đất nước. Chuyện đấu tranh cực đoan ở hải ngoại có thể ví như một võ sĩ say rượu mất phương hướng, ra trận cứ múa gươm đâm chém loạn xạ, không cần biết đâu là địch thủ chính, thậm chí chém nhầm cả đồng đội của mình.
Người ta mất phương hướng thật, khi mà hễ thấy có ai phát biểu hay làm việc gì chưa giải thích được, thay vì cần suy xét kỹ càng, và có thời gian kiểm chứng, chẳng cần tìm hiểu mục đích sâu xa của công việc mà người đó đang làm, người ta kết luận ngay đó là hành vi tiếp tay cho Việt Cộng, và không ngần ngại quy kết họ là Việt Cộng Việt gian...
Người ta mất phương hướng thật, khi mà chỉ một nhà sư, một ca sĩ sến, hay một vị linh mục từ Việt Nam sang, mà nghe nói người đó là đảng viên Cộng Sản, hoặc có quan hệ gì đó với Cộng Sản là người ta đã la ó phản đối. Thậm chí sẵn sàng tổ chức hẳn một cuộc biểu tình để chống những cá nhân đó. Người ta không cần hiểu rằng, ở Việt Nam không có ai là người hoàn toàn không có liên hệ gì với chế độ, nếu không thì họ sống như thế nào?
Thói thường, sự giả dối luôn mặc chiếc áo lộng lẫy và làm cho người nhìn lóa mắt. Nắm được tâm lý chống Cộng cực đoan của một số người, những kẻ nham hiểm luôn giương cao biểu tượng Cờ Vàng, ca ngợi tôn vinh Người Việt Quốc Gia để lấy lòng người nhẹ dạ. Thậm chí ngoài việc phá hoại tình đoàn kết của cộng đồng, họ còn lợi dụng quyên tiền làm từ thiện này kia móc túi đồng bào lấy tiền tiêu chơi…
Thiết nghĩ, lá cờ Vàng dù là vật vô cùng trân quý, nhưng đến hôm nay nó chỉ còn là kỷ niệm, và là biểu tượng của Người Việt tị nạn mà thôi. Chưa chắc gì nó đã được toàn thể hơn 85 triệu người Việt chọn làm quốc kỳ, một khi đất nước chuyển mình sang chế độ Đa nguyên Dân chủ. Bản thân cụm từ “Người Việt Quốc Gia” cũng chỉ còn trên danh nghĩa, thực tế quốc gia Việt Nam Cộng Hòa đã hoàn toàn lui vào lịch sử!
Đối với bản kiến nghị gần đây của các nhân sĩ trí thức hải ngoại. Những người có nhận thức đúng và tầm nhìn mở rộng, sẽ đánh giá cao hành động này. Vì sao lại nói như vậy? Vì muốn đấu tranh với chế độ cho hiêu quả, những nhân sĩ trí thức hải ngoại cần phải có điều kiện trực tiếp cọ xát với chế độ, thông qua các dự án kinh tế, các đầu tư trong nhiều lĩnh vực phát triển, nhất là văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ. Chỉ có cách cùng làm việc thì mới có cơ hội cảm hóa từng cá nhân các cán bộ đảng viên Cộng Sản. Mà chế độ đơn thuần là nhiều cá nhân như vậy hợp lại mà thành.
Mặc dù có thể các vị nhân sĩ trí thức thừa biết là bản kiến nghị của mình có thể chỉ là một “bản nhạc gẩy tai trâu”. Nhưng chí ít nó cũng giới thiệu cho nhà cầm quyền Cộng Sản biết rằng: Có những người (có tài năng) như chúng tôi vẫn quan tâm đến hiện tình đất nước, và chúng tôi sẵn sàng (cùng các anh) bảo vệ và quang phục quê hương. Ngoài ra, có thể lấy ngay tập thể các nhân sĩ trí thức này lập nên một hội đồng, hoặc một ủy ban bảo vệ Việt Nam, để tiện quan hệ với Liên Hiệp Quốc chẳng hạn.
Một khi ta cứ căng cứng, kiên quyết phân định tách rời chiến tuyến, vì lý do tránh sự đồng hóa của chế độ Cộng Sản, thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta tước đi cơ hội “áp sát” đối phương. Đấu tranh ôn hòa khác đấu tranh bạo lực ở điểm ấy…
Đấu tranh ôn hòa là một việc vô cùng khó, vì “địch”, “ta” sống chung lẫn lộn. Nếu trong chiến tranh, hễ thấy bóng áo địch là bắn, nhưng trong đấu tranh ôn hòa thì mặc áo địch, cầm cờ địch, có khi lại là “quân ta”. Lấy ví dụ như trong các cuộc biẻu tình chống Trung Quốc tại Sài Gòn và Hà Nội vừa qua. Rất nhiều người đã phải dùng lá cờ Đỏ như một tấm áo ngụy trang cho mình trước tai mắt công an an ninh. Cũng thật buồn cười là có rất nhiều các nhà đấu tranh chống Cộng cực đoan ở hải ngoại lại lên tiếng ca ngơi đồng bào biểu tình trong nước, trong khi màu chủ đạo của các cuộc biểu tình là màu cờ Đỏ. Có vẻ như đây lại là một cuộc khen ngợi mang tính a dua, hoặc là không thật lòng…
Cũng vì mất phương hướng cho nên một bộ phận đồng bào hải ngoại đã mất đi sự khôn ngoan. Dàn trải đấu tranh vào những mục tiêu lẻ tẻ, thay vì cùng nhau tạo dựng một thế trận lâu dài. Chỉ cần đặt một câu hỏi nhỏ thôi: Nếu như 10 năm, 20 năm, hoặc lâu hơn nữa, chế độ Cộng Sản vẫn chưa sụp đổ, các cụ (vì tuổi trung bình của người đấu tranh hải ngoại hiện nay khoảng từ 55 đến 80) sẽ làm gì? Đố các cụ trả lời được! Nếu họ tiên liệu được điều này sớm và có kế hoạch lâu dài, chí ít họ phải khuyến khích và đầu tư cho con cái họ học tiếng Việt, học sử Việt, truyền thụ lòng yêu nước cho chúng. Một khi lớp trước qua đời thì con cháu họ sẽ nối tiếp công cuộc quang phục quê hương…
Thật buồn vì hiện nay đại đa số người Việt thế hệ thứ 2 ở hải ngoại đã không còn nói được tiếng Việt, hoặc chỉ biết sơ sơ vài ba câu chào hỏi. Có một câu chuyện vỉa hè kể lại, một người Mỹ đã nói với một nhóm người Việt biểu tình tại New York năm nào rằng: “Cộng Sản không cần phải đánh các anh, họ chỉ cần đợi ít năm nữa các anh chết già là hết chuyện”. Đau hay không đau nào, thưa các vị chống Cộng chỉ nhìn phía trước mà chẳng thèm ngó hai bên, và không biết sau lưng mình có gì!
iểu tình chống Cộng ở hải ngoại chỉ là những sinh hoạt văn hóa bình thường. Nó cũng có điểm tích cực là thắt chặt tình đoàn kết. Nhưng nếu cộng đồng người Việt mà không xây dựng được những tổ chức chính trị mạnh, thì tiếng nói của họ với nước sở tại sẽ rơi vào thinh không. Muốn có một tổ chức mạnh thì dứt khoát phải có những người lãnh đạo tài giỏi, xin thưa ngay rằng người đó phải là trí thức, giỏi nghề, thạo tiếng, có ảnh hưởng đến nhà nước cầm quyền sở tại. Những vị trí thức ký tên vào bản kiến nghị nhắc đến ở trên là những người có tiềm năng ấy.
Bàn về chuyện chống Cộng thế nào cho đúng, cho hiệu quả, buộc đối phương phải tâm phục và chấp nhận mình là việc vô cùng quan trọng, vì vậy nếu chúng ta cứ chăm chăm tấn công vào lá cờ Đỏ như con Bò Tót trong trường đấu, mà quên mất kẻ cầm cờ mới chính là cái mà ta cần “xử lý” thì phần thua sẽ thuộc về chúng ta. Những người cực đoan trên trái đất này trước sau gì cũng sẽ nhận về mình phần thất bại, đó là chân lý!
Lê Nguyên Hồng
No comments:
Post a Comment