Monday, September 5, 2011

Lòng tự trọng và cái phong bì

Lòng tự trọng và cái phong bì

Nguyễn Thị Từ Huy


Bài này tôi viết đã lâu, theo đề nghị của một tờ báo, nhưng rồi không được sử dụng. Trong bài tôi có đưa ra một giả định mang tính giả tưởng về sự an nguy của quốc gia. Không ngờ, thật đau buồn, giờ đây điều đó hình như không còn là giả tưởng nữa,  mối đe dọa  đang trở thành hiện thực. Tôi đã từng rất bi quan khi viết trong một bài thơ: «Những tiếng nói gieo nơi nơi để gặt sự im lặng đóng băng trên thân xác vô hình của nó». Giá như những tiếng nói được lắng nghe, được phân tích, được sử dụng để trở thành hữu ích, thì có lẽ đã tránh được nhiều thảm họa.
Dù những tiếng nói chỉ gặt được sự im lặng đóng băng thì cũng cần phải tiếp tục nói. Vì con người xác lập nên phẩm chất người của mình cùng với khả năng sử dụng ngôn ngữ, khả năng tư duy, khả năng nói và viết.
Nguyễn Thị Từ Huy                                                                         
Lòng tự trọng là gì ? Nói một cách đơn giản, nó được hiểu như là sự tôn kính đối với tâm hồn mình. Lòng tự trọng có được nhờ ý thức về phẩm giá của bản thân, ý thức về sự trung thực, sự thanh khiết, ý thức về những phẩm chất căn bản, những phẩm chất làm nên bản thể trong tầng sâu nhất của nó. Lòng tự trọng xác lập trên sự trùng hợp giữa lời nói và hành động. Lòng tự trọng thúc đẩy các hành động cho phép thể hiện các giá trị riêng của mình, cho phép thể hiện niềm tin của bản thân. Đồng thời lòng tự trọng được xây dựng trên sức mạnh chứ không phải trên sự yếu đuối.
Như vậy, lòng tự trọng thuộc về cái mà ta gọi là tâm hồn. Tâm hồn có thức ăn riêng của nó. Và đương nhiên thức ăn đó không có gì chung với cái phong bì. Một khi tâm hồn cũng được nuôi bằng phong bì, thử hỏi cái gì chờ đợi nó, nếu không phải là cái chết của chính nó?

Từ «phong bì» hiện nay đã trở nên phổ biến đến mức không cần phải giải thích thì tất cả mọi người cũng đều hiểu đấy là loại phong bì nào. Đương nhiên đấy không phải là phong bì đựng thư. Nội dung chứa đựng trong cái phong bì ấy là thứ cho phép nó có thể mua được cái mà người đưa phong bì muốn. Nếu cần thiết phải có một sự phân biệt, thì có thể để sang một bên thứ phong bì dùng để chi trả công lao động. Hiện nay trong thời đại phát triển của công nghệ ngân hàng, nên chăng tất cả mọi khoản thù lao cho lao động được trả thẳng vào tài khoản cá nhân, để tránh sự nhập nhằng do cái hình thức phong bì gây nên. Tuy nhiên, trong thực tế, tất cả đều biết là không hề có sự nhập nhằng nào cả, tất cả đều biết rõ cái nghĩa thông dụng hiện nay của từ «phong bì».
Nếu cơ thể vật lý của con người được nuôi bằng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng (dù gián tiếp qua thịt động vật hay rau quả), thuốc bảo quản… thì cái gì sẽ chờ đợi nó? Chúng ta vẫn mong có những thống kê của ngành y tế để biết được hiện nay tỉ lệ những người mắc bệnh ung thư và chết vì bệnh ung thư hàng năm là bao nhiêu. Cũng chờ đợi những phân tích chính xác và hữu ích về các nguyên nhân gây bệnh ung thư. Chúng ta chờ đợi những kiểm định khắt khe về những thực phẩm có khả năng gây bệnh, những gì có thể giúp người dân chúng ta phòng ngừa bệnh tật một cách hiệu quả, chứ không phải để nó xảy ra rồi chống đỡ nó một cách tuyệt vọng. Mong muốn đó hoàn toàn chính đáng, nhưng một người dân bình thường không biết tìm đâu những số liệu đó, không biết làm cách nào để có thể tin chắc rằng mình đã lựa chọn cho bữa ăn hàng ngày của mình những thực phẩm an toàn. Và rốt cuộc, bệnh ung thư ngày càng phát triển.
Nhưng điều mà ta không ngờ nhất, điều khó tin nhất, đó là: bệnh ung thư của cơ thể vật lý hiện nay đang trở nên trầm trọng trên diện rộng chính là hậu quả của căn bệnh ung thư tâm hồn. Hãy thử giải thích mối liên quan này để thấy rằng nếu trong mỗi con người, cơ thể và tâm hồn không thể tách rời, thì trong một xã hội sự phát triển và an sinh xã hội không thể tách rời khỏi nền tảng đạo đức của nó.
Nguyên do của bệnh ung thư về tâm hồn có nhiều, nhưng bài viết ngắn này chỉ tập trung vào một nguyên nhân mà thôi: cái phong bì.
Cái phong bì có thể biến những thực phẩm độc hại thành ra thực phẩm an toàn. Tại sao chứng chỉ về vệ sinh an toàn thực phẩm lại có thể được cấp cho các doanh nghiệp sản xuất không tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật chế biến ? Đương nhiên đó là nhờ cái phong bì. Một cái phong bì bỏ ra để mua chứng chỉ ấy dù nặng thì vẫn còn đỡ phức tạp và đỡ tốn kém hơn là phải cố gắng để thực hiện những quy trình phức tạp của công nghệ thực phẩm. Khi quá trình chuyển giao chứng chỉ được thực hiện trên dây chuyền phong bì như thế này, lòng tự trọng của người đưa phong bì và của người nhận phong bì đương nhiên đều đã bị biến dạng thành một thứ tế bào độc hại. Thứ tế bào độc hại này nhanh chóng phát triển thành bệnh ung thư tâm hồn và thức ăn duy nhất của nó là tiền. Người đưa phong bì vì muốn có nhiều tiền hơn mà không phải vất vả. Người nhận phong bì vì muốn có tiền mà không phải làm gì cả. Đối với cả hai bên, sự trung thực, sự tôn trọng đối với tâm hồn của chính họ, niềm tin vào hành động của họ, giá trị sống của họ, phẩm chất của họ… tất cả đều bị gói vào trong chiếc phong bì. Nói cách khác, tất cả những thứ đó đều bị chết dưới áp lực của phong bì, của cái thứ được đựng trong phong bì.

Điều nguy hiểm là căn bệnh ung thư tâm hồn không chỉ gây tác hại đối với hai đối tượng cụ thể cho và nhận phong bì trong trường hợp này, mà nó còn khiến cho hàng bao nhiêu triệu người tiêu dùng có nguy cơ mắc bệnh ung thư thực thể. Bởi vì một cái chứng chỉ dởm sẽ cho phép các chất độc hại trong thực phẩm đi vào cơ thể của hàng triệu người tiêu dùng tin tưởng vào nó.
Một khi ta để cho mầm bệnh ung thư phát triển trong chính tâm hồn mình, trong chính con người mình thì việc người khác bị bệnh ung thư hay không, không còn là vấn đề nữa. Nghịch lí này có thể đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện : trong số các bác sĩ chữa bệnh ung thư cho bệnh nhân, có những bác sĩ bị bệnh ung thư tâm hồn trầm trọng, vì họ thẳng tay nhận phong bì của bệnh nhân mà đôi khi trong thực tế họ không giúp gì được cho bệnh nhân cả, vì có những trường hợp bệnh đã ở giai đoạn cuối, và cứu chữa chỉ là đưa lại một ảo tưởng cho bệnh nhân để giúp họ vững vàng hơn về mặt tinh thần mà thôi, vậy mà có những bác sĩ đã thu phong bì cả trên những ảo tưởng này.
Cái phong bì có thể còn nguy hiểm hơn chúng ta có thể hình dung. Nó giống như một thứ virus có khả năng lây lan theo tốc độ internet, và đến khi mà mọi thứ đều giải quyết bằng phong bì thì lòng tự trọng sẽ chỉ còn là một hoài niệm của quá khứ. Một sinh viên năm thứ ba ở khoa Văn của một trường đại học đã viết trong một bài kiểm tra giữa kỳ như thế này: «Khi mà tất cả học sinh trong một lớp học đi phong bì cô giáo, còn một học sinh không đi, thì cái gì là phi lí và cái gì là có lí ở đây?». Quan hệ thầy trò ở đây thành ra là một quan hệ mua bán. Trong mối quan hệ mua bán này, lòng tự trọng của cả thầy lẫn trò đều bị triệt tiêu. Lòng tự trọng như vậy đã chết ngay từ thưở thiếu thời, phần đời còn lại cả thế hệ học sinh ấy sẽ sống trong căn bệnh ung thư về tâm hồn.
Cái phong bì liệu có tiếp tục phát huy tác dụng đến mức người ta có thể mua bán được tất cả mọi thứ? Điểm giới hạn sẽ là ở đâu?
Để trả lời câu hỏi này, tôi đưa ra một hình dung mang tính giả tưởng, hy vọng chỉ là giả tưởng mà thôi:
Mỗi một cá nhân là một thành tố cấu thành nên cộng đồng, cấu thành nên dân tộc, quốc gia. Khi mỗi một cá nhân đánh mất các nền tảng riêng của mình, đánh mất sự tôn trọng đối với bản thân mình, đánh mất sức mạnh giúp họ tự xác lập như một bản thể cá biệt với các giá trị mà họ có thể hãnh diện tự hào, thì cái dân tộc mà họ tạo nên cũng sẽ đánh mất tất cả những thứ đó. Một khi các giá trị của bản thân bị quy thành tiền, thì các giá trị của quốc gia rất có thể cũng bị quy thành tiền. Trong trường hợp này, có thể giả định (hãy nhớ rằng đây chỉ là giả định) một tương lai không mấy vui vẻ: nếu ta có thể để mất mọi thứ thuộc về tâm hồn mà không cần phải băn khoăn, miễn là có tiền,  thì ta cũng có thể để mất những thứ khác, kể cả cái gọi là đất nước. Vì đất nước là một giá trị chỉ khi nó được cảm nhận và đánh giá bằng tâm hồn ; còn khi nó nằm trong hệ quy chiếu của phong bì, khi giá trị của đất nước được đồng nhất với túi tiền cá nhân, khi không còn tâm hồn để cảm nhận về đất nước nữa, thì có nó hay mất nó, có thể cũng không quan trọng nữa.
Khi nào ta có thể tự cho phép mình làm những chuyện đồi bại, bất chấp dư luận, bất chấp đạo lý, bất chấp truyền thống, bất chấp luật pháp? Khi nào thì những quyết định có ảnh hưởng trầm trọng đến tương lai của dân tộc được đưa ra một cách dễ dàng và được chấp nhận một cách dễ dàng?  Khi nào ta có thể nhìn từng mảnh của giang sơn bị lấy đi mà không tiến hành các giải pháp hữu hiệu để bảo vệ? Tất cả những điều đó có thể xảy ra khi cảm giác xấu hổ, cảm giác nhục nhã không còn nữa; khi những cái phong bì làm tê liệt các dây thần kinh xấu hổ,  giết chết ý thức về sự nhục nhã, tức là tiêu diệt lòng tự trọng.
Marquez, trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của mình, đã cho ta thấy sự cô đơn và loạn luân có khả năng xoá bỏ cả một cộng đồng như thế nào. Cái phong bì còn vận hành với sức mạnh hiện tại liệu nó có thể đi tới chỗ xoá bỏ cả một đất nước không ? Chưa biết trong bao nhiêu năm, nhưng cũng có thể lắm chứ, nếu như không còn lòng tự trọng cá nhân và không còn lòng tự trọng quốc gia.
Cái phong bì thực chất là vấn đề miếng ăn. Chẳng lẽ lại để cho quốc gia tiêu vong chỉ vì miếng ăn?  Xin hiểu cho, đây là câu hỏi được cất lên từ lòng tự trọng.
Liệu những chiếc phong bì có thể hủy hoại cả một quốc gia?
Hà Nội, 18/11/2009
N.T.T.H.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.



Làm thế nào để có thể
vẫn là người lương thiện ?


Một ý nghĩ nảy sinh từ các sự kiện gần đây xoay quanh các chương trình VTV1 và HTV1 về vụ án Cù Huy Hà Vũ và về những người biểu tình yêu nước

Nếu chúng ta không được phép nói sự thật, bị cấm nói ra những điều suy nghĩ một cách trung thực, những thông tin chính xác, thì luôn luôn vẫn còn một con đường để giữ cho mình là người lương thiện mà không bị trừng phạt, con đường đó là : giữ im lặng, từ chối phát ngôn những điều giả dối, những thông tin không kiểm chứng được, từ chối tham gia vào những việc mà ta biết chắc rằng sẽ khiến pháp luật đích thực bị chà đạp. Con đường đó còn mở ngỏ cho tất cả những ai muốn làm người lương thiện, cho đến khi nào hệ thống pháp luật đưa một điều luật khiến cho cả sự im lặng cũng có thể bị kết án hình sự, lúc đó thì sẽ hoàn toàn hết cơ may làm người lương thiện trên xứ sở này.
Vậy lúc đó còn có thể có hạnh phúc không ? Có chứ. Vẫn còn có cái hạnh phúc được diễn đạt theo ngôn ngữ của Lưu Hiểu Ba – giải Nobel Hòa Bình 2010- : HẠNH PHÚC LỢN.

Sài Gòn, 27/8/2011

Nguyễn Thị Từ Huy

No comments:

Post a Comment