Thế nào là “Cú ân huệ”?
Lữ Giang
Như chúng tôi đã nói, sau khi Tướng Nguyễn Cao Kỳ qua đời, người Việt hải ngoại đã bàn khá nhiều vê cuộc đời của ông, về chủ trương “hòa giải hoà hợp”, nhất là chuyện ông mô tả một số nhà lãnh đạo VNCH là những người vô tài, những tên lính đánh thuê, v.v. Trong khi đó, có những biến cố rất quan trọng dính liền với cuộc đời của Tướng Nguyễn Cao Kỳ, dính liền vói số phận bi thảm của VNCH... thì chẵng ai bàn đến, như vụ Tướng Nguyễn Ngọc Loan, cánh tay mặt của Tướng Kỳ, bị bắn gảy cả hai chân vào ngày 7.5.1968 trên đường Tự Đức, Sài Gòn, và sau đó là cuộc hạ sát bộ tham mưu của Tường Kỳ tại trường Phước Đức, ở số 266 đường Khổng Tử, Quận 5, vào lúc 6 giờ chiều ngày 1.6.1968. Đây là hai biến cố mở đầu cho việc Mỹ tiến tới quyết định số phận của miền Nam Việt Nam.
Lúc đó, dư luận bàn tán rất xôn xao về hai biến cố này. Tin chính thức nói rằng Tướng Loan bị Việt Cộng bắn, còn vụ trường Phước Đức là do máy bay Mỹ bắn lầm. Mặc dầu chẳng ai tin, nhưng các chính khách và báo chí thời đó không ai dám “sờ” đến hai vụ này vì sợ ăn kẹo đồng hay bị cho đi mò tôm. Bộ Quân Sử VNCH chỉ ghi lại biến cố quan trọng này một cách đại cương với kết luận:
“Địa điểm xẩy ra tai nạn này chỉ cách nơi đang xẩy ra cuộc giao tranh có 150 thước. Tai nạn khủng khiếp và quan trọng này đã gây nên một mối xúc động to lớn trong chính giới. Tuy tai nạn xẩy ra vì một vụ bắn lầm nhưng dư luận lại hoài nghi là một vụ thanh toán.”
Nay, trong cuốn Internal Decent, Frank Snepp, một viên chức cao cấp của CIA tại Sài Gòn lúc đó, đã nói toẹc ra vụ này như sau:
“Đại sứ Bunker không hề lo sợ về Kỳ và phe cánh của Kỳ. Dần dần, ông gạt được họ ra và chỉ nói về những vấn đề chính trị với Thiệu mà thôi. Một “cú ân huệ” (coup de grâce) đã đến với Kỳ trong cuộc tấn công của Cộng Sản năm 1968 khi một số trong các đồng minh thân tín đầy quyền lực của ông ta bị giết.”
Thế nào là một “cú ân huệ”? Tìm hiểu biến cố này sẽ giúp người Việt chống cộng hiểu rõ “đồng minh” hay “Anh Hai chống cộng” của mình hơn, không còn suy nghĩ và hành động theo cảm tính, làm mất nước như trước năm 1975 và thua dài dài như hiện nay.
ĐẦU ĐUÔI CÂU CHUYỆN
Trước hết, chúng tôi cám ơn Website bietdongquan.com đã mở cuộc phỏng vấn một số nhân chứng chứng đã từng chứng kiến biến cố trường Phước Đức.
Thiếu Tá Hà Kỳ Danh, Trưởng Ban 3 Liên Đoàn 5 Biệt Động Quân (LĐ5/BĐQ) cho biết lúc đó (vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6/1968) LĐ5/BĐQ đang mở cuộc hành quân tại vùng trung tâm Chợ Lớn gồm các con đường Tổng Đốc Phương, Lý Thành Nguyên và Khổng Tử. Tại nơi đây Cộng quân đang chiếm đóng và cố thủ tại nhà hàng Soái Kình Lâm và một số nhà xung quanh, đặt súng ở các cửa sổ, bắn tỉa quân của Tiểu Đoàn 30 Biệt Động Quân (TĐ30/BĐQ) đang tái chiếm khu vực này. Nhà hàng Soái Kình Lâm có lầu cao và nhiều cửa sổ, cửa chính trông ra một ngả tư, nên mục tiêu này rất khó thanh toán.
Thật ra, lúc đó nhiều toán Việt Cộng đã xâm nhập vào Quận 5 và Quận 6 Sài Gòn trên các đường Khổng Tử, Phùng Hưng, Đồng Khánh, Nguyễn Trải, Lý Thành Nguyên, Mạnh Tử và Phạm Đình Hổ. Cộng quân đã chạm súng với Biệt Động Quân và Cảnh Sát.
Bộ Chỉ Huy LĐ5/BĐQ do Trung Tá Đào Bá Phước làm Chỉ Huy Trưởng đang đóng tại trường đua Phú Thọ, được lệnh dời Bộ Chỉ Huy Hành Quân (BCH/HQ/LĐ5) đến đóng tại trường Phước Đức ở đường Khổng Tử vừa được giải tỏa. Trường này ở ngay phía sau nhà hàng Soái Kình Lâm. Thiếu Tá Danh nói trường này cách nhà hàng Soái Kình Lâm khoảng 50m theo đường chim bay. Nhưng bộ Quân Sử ghi cách 150m. Có lẽ sự ghi nhận này đúng hơn.
Điều đáng ngạc nhiên là khi Trung Tá Đào Bá Phước đến trường Phước Đức thì một số sĩ quan thuộc nhóm “đồng minh thân tín đầy quyền lực” của Tướng Kỳ không có liên quan gì tới cuộc hành quân của LĐ5/BĐQ cũng tập trung về ở đó như:
- Đại Tá Văn Văn Của, Đô Trưởng Sài Gòn.
- Đại Tá Nguyễn Văn Giám, Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô.
- Trung Tá Trần Văn Phấn, Phụ Tá Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia.
- Trung Tá Nguyễn Văn Luận, Giám Đốc Cảnh Sát Đô Thành.
- Trung Tá Lê Ngọc Trụ, Trưởng Ty Cảnh Sát Quận 5 Sài Gòn.
- Trung Tá Phó Quốc Chụ, Giám Đốc Nha Thương Cảng Sài Gòn.
- Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Sinh, Phụ Tá Giám Đốc Cảnh Sát Đô Thành.
- Thiếu Tá Nguyễn Bảo Thùy, Chánh Sở An Ninh Đô Thành và là bào đệ của Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị.
Được hỏi những ông sĩ quan nói trên có đi cùng Trung Tá Phước từ trường đua Phú Thọ đến trường Phức Đức hay không, Thiều Tá Danh, người luôn đi cạnh Trung Tá Phước, cho biết Trung Tá Phước đến trước, “các ông ấy một lúc sau mới đến, các ông đến lai rai cách nhau khoảng 5, 10 phút mỗi người”. Thiếu Tá Danh nói, tuy là Trưởng Ban 3, ông không có quyền triệu tập các sĩ quan đó tới. Ông đoán có thể Trung Tá Phước đã gọi họ, nhưng ông không nghe trên máy.
Vậy ai đã triệu tập các sĩ quan này đến?
Thiếu Tá Danh tiết lộ thêm một chi tiết khác: Khi BCH/HQ/LĐ5 vừa đến trường Phước Đức thì có một phái đoàn ký giả và phóng viên chiến trường quốc tế đủ mọi thứ Anh, Mỹ, Pháp v.v.. kéo đến. Họ nói chuyện với Trung Tá Phước một lúc rồi kéo nhau đi. Khi đám ký giả đi rồi thì các sĩ quan nói trên lần lượt đến. Khi Đại Tá Nguyễn Văn Giám, Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô đến thì các vị nói trên đã có đủ mặt.
Vì chi tiết này, nhiều người nghi trường trung học Phước Đức là một “bãi chiến trường” đã được chuẩn bị sẵn để cho biến cố diễn ra.
Thiếu Tá Danh cho biết thêm khi vừa đến trường Phước Đức, Trung Tá Phước đã gọi cho Biệt Khu Thủ Đô (BKTĐ) xin pháo binh bắn vào Soái Kình Lâm, nhưng vì đã có lệnh cấm dùng pháo binh vì sợ thiệt hại cho dân chúng, nên BKTĐ không chấp nhận.
Sau khi nắm vững tình hình, Đại Tá Nguyễn Văn Giám đã đích thân gọi máy lên Quân Đoàn III ở Biên Hoà xin cho trực thăng có võ trang (Gunship) UH-1B đến yểm trợ. Khoảng 30 phút sau Gunship đến. Hai Gunship đều do phi công Mỹ lái.
Mỗi khi xử dụng Gunship để oanh tạc, thường có trực thăng C&C (Command & Control ship) đi theo hướng dẫn và kiểm soát. Nhưng hôm đó không có C&C nên Gunship phải hạ xuống đường Tổng Đốc Phương bốc Đại Úy Tống Viết Lạc, Trưởng Ban 3 TĐ30/BĐQ lên Gunship ngồi hướng dẫn cuộc oanh tạc nhà hàng Soái Kình Lâm.
Rồi chuyện gì đã xẩy ra?
MỘT “CÚ ÂN HUỆ”?
Thiếu tá Danh kể lại: Khi Đại Úy Tống Viết Lạc leo lên Gunship, ông liên lạc với Đại Úy Lạc ngay và Trung Tá Đào Bá Phước đích thân gọi cho Đại Úy Lạc và cho tọa độ tác xạ. Ông bảo rằng chỉ được bắn vào mục tiêu nhà hàng Soái Kình Lâm mà thôi, không được bắn vào bất cứ mục tiêu nào khác vì chung quanh đó là quân bạn. Hai chiếc Gunship bay vòng hai ba lần để pilot và Đại Úy Lạc nhận định rõ mục tiêu và ngay sau đó, theo yêu cầu của Đại Úy Lạc, tất cả vị trí quân bạn đều thả trái khói màu vàng, kể cả BCH/HQ/LĐ5 đang đóng ở trường Phước Đức. Sau khi quan sát và nhận định mục tiêu xong, Đại Úy Lạc gọi Thiếu Tá Danh và nói: ''Tôi đã nhận định rất rõ hai vị trí trường học và nhà hàng Soái Kình Lâm rồi, bây giờ có cho bắn hay không để tôi báo cho pilot biết''. Sau đó Đại Tá Giám và Trung Tá Phước liên lạc trực tiếp với Đại Úy Lạc và cho lệnh bắn. Lúc đó, các sĩ quan đến tập họp nói trên đang ngồi ở hành lang trường Phước Đức.
Sau khi chuẩn bị xong xuôi, Đại Tá Giám bảo Thiếu Tá Danh vẽ sơ đồ khu vực hành quân của LĐ5/BĐQ lên bản đồ của ông để ông đem về theo dõi. Nghe vậy Thiếu Tá Danh liền đứng lên và cầm bản đồ của Đại Tá Giám giao bước vào trong để vẽ. Khoảng 2 phút sau Đại Tá Giám bước vào và đến bên cạnh Thiếu Tá Danh hỏi đã vẽ xong chưa để ông đem về BTL/BKTĐ. Thiếu Tá Danh trả lời: ''Khoan chút đã Đại Tá, để vẽ thêm mấy chi tiết nữa và ghi chú đàng hoàng rồi Đại Tá hãy lấy''. Bỗng nhiên ngay lúc đó nghe một tiếng nổ rầm thật lớn và tiếp theo là tiếng súng đại liên.
Thiếu Tá Danh kể lại:
“Tiếng nổ như trời gầm làm nhà cửa rung chuyển, vôi gạch rơi tán loạn, bụi mù mịt, vì vậy tôi theo phản ứng cá nhân là nằm mọp ngay xuống tại chỗ.” Đại Tá Giám cũng nằm xuống ngay kế bên Thiếu Tá Danh và trong phòng chỉ có Đại Tá Giám và Thiếu Tá Danh mà thôi.
“Trái rocket nổ trúng vào bức tường trên cửa ra vào, chúng tôi ở trong phòng nên không ai bị thương tích gì hết. Các người khác cùng với Trung Tá Đào Bá Phước ngồi ở bực cấp đã lãnh đủ các mãnh của trái rocket nổ chụp xuống.
“Lúc trái rocket vừa nổ xong, khói bụi đang còn mịt mù thì tôi thấy người đầu tiên bò vô phòng là Thiếu Tá Tô, ông ta bò không nổi vì bị thương khá nặng, tôi vội ra kéo ông vào. Chờ chừng một phút, thấy im phăng phắc, không động tĩnh gì hết trơn, tôi đi ra ngoài thì thấy mấy ông nằm la liệt, ông thì chết, ông thì bị thương, máu bụi gạch chộn rộn tùm lum.”
Sáu sĩ quan thuộc nhóm “đồng minh thân tín đầy quyền lực” của Tướng Kỳ sau đây đã bị giết: Trung Tá Nguyễn Văn Luận, Giám Đốc Cảnh Sát Đô Thành; Trung Tá Lê Ngọc Trụ, Trưởng Ty Cảnh Sát Quận 5 Sài Gòn; Trung Tá Đào Bá Phước, Chỉ Huy Trưởng LĐ5/BDQ; Trung Tá Phó Quốc Chụ, Giám Đốc Nha Thương Cảng Sài Gòn; Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Sinh, Phụ Tá Giám Đốc Cảnh Sát Đô Thành và Thiếu Tá Nguyễn Bảo Thùy, Chánh Sở An Ninh Đô Thành và là bào đệ của Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị.
Ba sĩ quan khác cũng thuộc nhóm nhóm “đồng minh thân tín đầy quyền lực” của Tướng Kỳ bị thương nhẹ là Đại Tá Văn Văn Của, Đô Trưởng Sài Gòn; Đại Tá Nguyễn Văn Giám, Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô và Trung Tá Trần Văn Phấn, Phụ Tá Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia.
Thiếu Tá Danh kể tiếp:
“Mấy ngày sau đó khi đã trở về lại trường đua Phú Thọ thì có phái đoàn của Bộ Tổng Tham Mưu (hỗn hợp Việt Mỹ) đến điều tra, họ gọi Tống Viết Lạc lên để hỏi. Cũng có tôi ở đó nữa nhưng lạ một điều là không ai hỏi tôi một câu nào cả, mà chỉ chú trọng vào hỏi Tống Viết Lạc mà thôi. Sau đó tôi gặp riêng Tống viết Lạc và hỏi:
''Theo tôi biết, Gunship bắn rất chính xác và độ chính xác của nó lên đến độ 5 đến 10 thước, vậy tại sao trường Phước Đức cách nhà hàng Soái kình Lâm đến 50 thước (thật sự là 150m) mà Gunship lại bắn nhầm?''
Tống viết Lạc trả lời:
''Không phải là bắn nhầm, pilot cho biết là khi anh ta bắn trái rocket thứ nhất thì “bị trở ngại kỷ thuật” và anh đã bắn trái thứ nhì và không hiểu vì trở ngại gì đó trái thứ nhì đã bị ngắn tầm và đi trật mục tiêu, khi biết đã bắn trật mục tiêu tôi đã cho ngưng tác xạ ngay cho nên chỉ bắn duy nhất có một trái mà thôi.''
Tất cả những giải thích của phi công Mỹ cũng chỉ được biết có bấy nhiêu thôi.
Được hỏi tại sao Tống Viết Lạc lại để cho Gunship bắn qua đầu quân bạn, Thiếu Tá Danh trả lời:
“Vì muốn bắn vào cửa sổ tầng trên của nhà hàng Soái Kình Lâm nơi Việt Cộng đặt súng - nhà hàng có rất nhiều cửa sổ nhưng các cửa sổ khác đều bị vướng các cao ốc chung quanh không có hướng tác xạ - Tống viết Lạc đã chọn cái cửa sổ nằm hướng sau lưng trường Phước Đức là hướng duy nhất có thể tác xạ được và chỉ cần một trái rocket bắn lọt vào trong là tiêu diệt trọn ổ VC đang cố thủ ở đó. Đó là lý do tại sao lại bắn qua đầu quân bạn.”
TRƯỜNG HỢP ĐẠI TÁ TRẦN VĂN HAI
Trung Tá Ngô Minh Hồng cho biết lúc đó Bộ Chỉ Huy Hành Quân BĐQ đang ở tại trường Cây Mai để đôn đốc và kiểm soát các anh em BĐQ đang có trách nhiệm hành quân đánh đuổi VC trong Sàigon và Chợ Lớn.
Ngày hôm đó Đại tá Trần văn Hai, Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân, định sẽ đến trường trung học Phước Đức để gặp những nhân vật có liên quan đến chiến dịch. Khi chúng tôi đến nơì thì tất cả đã được tản thuơng hết rồi. Chúng tôi không tiếp xúc với ai và đi thẳng vào bệnh viện Chợ Rẩy để thăm Trung tá Phước vì anh và tôi là bạn cùng khóa.
Sau đó ít lâu Thủ tướng Trần văn Hương bổ nhiệm Đại Tá Trần văn Hai làm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia và tôi cũng được biệt phái qua Cảnh Sát và làm Chánh văn phòng Tổng Nha. Phía cảnh sát có thành lập một toán điều tra về sự kiện trường Phước Đức, vì tôi là Chánh văn phòng Tổng Nha nên tôi có được đọc hồ sơ nội vụ.
Theo tôi, chắc không phải như những lời đồn đoán của người ta là một cuộc thanh toán mà theo hướng điều tra thì đây là một “trở ngại kỷ thuật” từ Gunship. Nhưng vì số người tử vong lại có những người không có nhiệm vụ gì trong cuộc hành quân đó của BĐQ đâm ra có mối nghi ngờ, người ta cho đây là một cuộc thanh toán nhau vì phe phái.
Chúng tôi thấy cần lưu ý rằng các cuộc hành quân tảo thanh Việt Cộng tại Sài Gòn – Chợ Lớn lúc đó đều do Bộ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô chỉ huy. Đại Tá Hai, CHT/BĐQ, không có trách nhiệm gì trong các cuộc hành quân này, ông chỉ đến quan sát và đốc thúc tinh thần anh em BĐQ mà thôi, không hiểu tại sao hôm đó ông biết có cuộc họp tại trường Phước Đức và đến đó. Một nguồn tin nói rằng trên đường di chuyển từ BCH/BĐQ đến trường Phước Đức, xe Jeep của Đại Tá Hai đã nhiều lần bị trở ngại vì dân chúng chạy hỗn loạn từ Chợ Lớn ra Sài Gòn lánh nạn làm ông đến trể và thoát nạn. Có người gọi đó là “Phước Đức” của ông.
Nghe nói Tướng Lê Nguyên Khang, Tư Lệnh Quân Đoàn 3, một tay chân thân tín của Tướng Kỳ, cũng có đến họp, nhưng ông đã về trước mấy phút nên cũng thoát nạn.
LỊCH SỬ ĐAU THƯƠNG
Ngày 11.6.1965, khi Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng Phan Huy Quát từ chức, có 4 “candidats” thuộc nhóm “Young Turks” có thể được chọn làm lãnh đạo quốc gia là Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Hữu Có và Chung Tấn Cang. Mỹ quyết định chọn Nguyễn Văn Thiệu thay Nguyễn Khánh và đưa Trần Thiện Khiêm về làm thủ tướng. Tuy nhiên, lúc đó nhóm Thích Trí Quang đang chủ trương tạo bạo loạn để cướp chính quyền nên Mỹ phải dùng Nguyễn Cao Kỳ dẹp loạn xong mới thực hiện được.
Trong cuộc bầu cử Tổng Thống năm 1967, Tướng Kỳ lập liên danh với Luật sư Nguyễn Văn Lộc ra tranh cử Tổng Thống với Tướng Nguyễn Văn Thiệu. Ngoài ra còn 10 liên danh khác.
Tướng Trần Văn Đôn cho biết, trong phiên họp tiền hội nghị, các tướng lãnh quyết định hai liên danh Thiệu – Kỳ phải nhập chung, Kỳ làm Tổng Thống, Thiệu làm Phó Tổng Thống. Nhưng tối đó Mỹ đi gặp một số tướng lãnh để bàn thảo và thuyết phục các tướng rằng Tướng Kỳ bồng bột, bốc đồng... không làm Tổng Thống được, nên sáng hôm sau các tướng lại quyết định Tướng Thiệu làm Tổng Tống vì lớn tuổi hơn và thâm niên hơn. Bù lại, Tướng Thiệu đồng ý giao cho người của Tướng Kỳ là Luật sư Nguyễn Văn Lộc làm Thủ Tướng. Tuy nhiên, sau khi dẹp xong vụ Phật Giáo, Frank Snepp cho biết Mỹ đã tìm cách dẹp nhóm Tướng Nguyễn Cao Kỳ.
Ngày 7.5.1968, Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc gia, bị bắn gảy hai chân khi đang chỉ huy cuộc tảo thanh Việt Cộng trên đường Tự Đức, Quận 1. Cũng trong ngày đó, Đại Tá Đàm Văn Qúy, Phụ Tá Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, bị bắn tử thương trên đường Lục Tỉnh, Chợ Lớn. Cả hai đều được nói là do Việt Cộng bắn.
Ngày 26.5.1968, Tổng Thống Thiệu đưa ông Trần Văn Hương ra làm Thủ Tướng thay thế người của Tướng Kỳ là Luật sư Nguyễn Văn Lộc.
Ngày 1.6.1968 9 sĩ quan thuộc nhóm “đồng minh thân tín đầy quyền lực” của Tướng Kỳ bị máy bay Mỹ bắn tại trường Phước Đức, có 6 người bị tử thương và 3 người bị thương.
Ngày 3.6.1968, Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn ra thông cáo nói rằng một trực thăng Mỹ được gởi tới yểm trợ cuộc hành quân tại Chợ Lớn, có thể “đã bắn lầm vì súng bị hư”, vào số sĩ quan VNCH đang họp tại đường Khổng Tử.
Cũng trong ngày đó, Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Loan và Chuẩn Tướng Ngô Quang Trưởng được thăng Thiếu Tướng.
Ngày 7.6.1968, Đại Tá Trần Văn Hai được cử làm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia thay thế Tướng Nguyễn Ngọc Loan.
Ngày 8.6.1968, Tổng Thống Johnson gởi điện cho Tổng Thống Thiệu (!) tỏ ý rất tiếc về sự tử nạn của 6 sĩ quan VNCH tại Chơ Lớn và mong rằng vụ này không bị đối phương lợi dụng tuyên truyền gây chia rẽ.
Khi nhóm “đồng minh thân tín đầy quyền lực” của Tướng Kỳ bị hạ sát hết, vai trò của Tướng Kỳ bị loại bỏ, đúng như Mao Trạch Đông đã nói: “Sau mùa săn, giết chó”!
TỪ “BỊ TRỞ NGẠI VỀ KỶ THUẬT” ĐẾN “CÚ ÂN HUỆ”.
Tại sao Mỹ phải diệt nhóm của Tướng Kỳ và củng cố nhóm của Tướng Thiệu? Frank Snepp cho biết Mỹ đã “củng cố bằng mọi giá chính phủ Thiệu, để cho nước Mỹ có thế rút quân ra khỏi Việt Nam mà không sợ nổ ra một cuộc khủng hoảng chính trị mới”.
CIA có thể bảo đảm Tướng Thiệu sẽ ký Hiệp Định Paris, nhưng không thể bảo đảm Tướng Kỳ sẽ ký.
Trước đây, Mỹ giải thích vụ loại bỏ nhóm “đồng minh thân tín đầy quyền lực” của Tướng Kỳ là do “bị trở ngại kỷ thuật”, nay Frank Snepp nói toẹc ra đó là một “cú ân huệ”. Cũng có lẽ do “bị trở ngại kỷ thuật” và một “cú ân huệ”, năm 1972 Mỹ đã bán miến Nam Việt Nam cho Trung Quốc, và cũng có lẽ do “bị trở ngại kỷ thuật” và một “cú ân huệ”, mới đây, khi cộng đồng người Việt chống cộng đang cố vận động đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC, Wikileaks tiết lộ Đại Sứ Mỹ Michael Michalak nói Việt Nam không còn bị đặt trong danh sách các quốc gia cần quan tâm (CPC), và hôm 2.9.2011, Ngoại trưởng Hillary khẳng định "Mỹ sẽ tiếp tục là người bạn và đối tác của Việt Nam..."
Chống cộng mà không biết địch và đồng minh đang làm gì, cứ suy nghĩ và hành động theo cảm tính, thua cuộc vì “bị trở ngại kỷ thuật” hay do một “cú ân huệ” là chuyện không tránh được.
Ngày 30.8.2011
Lữ Giang
No comments:
Post a Comment