Sunday, July 31, 2011

Viết về một người vừa nằm xuống

Viết về một người vừa nằm xuống
 
 
Dương Trung Quốc
7.2011
 
 Ông Nguyễn Cao Kỳ thua nhạc sĩ Phạm Duy không đầy một con giáp, đều là người Hà Nội (cho dù cả hai ông có quê gốc ở Sơn Tây) vì cả hai ông đều lớn lên và soi gương trên những bóng nước Hà Thành…
Nghĩ lại như một cái điềm. Khuya hôm đó, ngồi cạnh nhạc sĩ Phạm Duy trong đêm nhạc của ông tại Nhà Hát Lớn Hà Nội mang chủ đề “Người Phiêu Lãng”, tôi được nghe những lời tâm sự với khán giả của người nhạc sĩ tài danh đã bước qua tuổi 90 :“Được sinh ra, được lớn lên, được làm nhạc, được nghe hát bài hát của mình tại quê hương rồi sẽ được chết tại quê hương của mình là một niềm hạnh phúc”.
Nghe điều đó, tôi chia sẻ với cảm xúc của người nghệ sĩ già và chợt nhớ đến một người khác tuổi cũng không còn trẻ, lúc này không biết đang ở đâu? Là ông Nguyễn Cao Kỳ. Vậy mà ngày hôm sau, nhận được tin ông ấy đã nằm xuống mãi mãi và ông mất tại đất nước Malaixia ân nghĩa với ông. Căn lại giờ giấc thì ông Kỳ qua đời chỉ vài tiếng đồng hồ sau cái thời điểm tôi được nghe nhạc sĩ Phạm Duy tâm sự và nghĩ tới ông.
Ông Nguyễn Cao Kỳ thua nhạc sĩ Phạm Duy không đầy một con giáp, đều là người Hà Nội (cho dù cả hai ông có quê gốc ở Sơn Tây) vì cả hai ông đều lớn lên và soi gương trên những bóng nước Hà Thành. Phạm Duy có thói quen cứ ra Hà Nội là chọn đúng một cái khách sạn được cất lên ngay từ ngôi nhà ông đã sống thuở thiếu thời ở phố Hàng Dầu, nên Hồ Hoàn Kiếm là cái không gian gần gũi và thân thiết nhất của ông.
Còn ông Nguyễn Cao Kỳ, quê ở Sơn Tây nhưng gần như những năm tuổi trẻ sống gần Hồ Trúc Bạch, gắn bó với mái trường Chu Văn An bên bờ Hồ Tây mà có lần tôi gặp ông khi  cùng đến dự Ngày hội kỷ niệm 100 năm Trường Bưởi (2008). Ông có nói với tôi rằng, lần đầu khi từ Mỹ về tới Sài Gòn nơi làm ông bồi hồi nhất là ký ức về thời điểm sống còn khi ông lên máy bay tự lái hướng bay ra biển. Vì thế, cái sân bay Tân Sơn Nhất là dấu ấn gợi nhớ hơn cả. Còn khi ra Hà Nội thì ngôi trường Bưởi bên Hồ Tây lại là nơi gợi nhớ nhất vì nó gắn với tuổi mới lớn của chàng trai Xứ Đoài. Ông giải thích rằng ở bên Ta thì cái tình đồng hương sâu nặng còn ở bên Tây thì cái tình đồng môn còn quan trọng  hơn. Ngoài ra thì ở bên Ta hay bên Tây cũng đều có caí tình đồng ngũ nếu mình đã từng tham gia trận mạc.
 
Ông Nguyễn Cao Kỳ (trái) và Nhà sử học Dương Trung Quốc
Tôi biết ông từ lâu vì ông là một nhân vật của lịch sử thời hiện đại. Ông là chính khách và thủ lĩnh “phía bên kia” thường được “phía bên này” coi là... “ngụy”. Và vì ông từng mang hàm cấp tướng lại còn làm đến chức Thủ tướng, Phó Tổng thống nên ông thuộc loại cả “nguỵ quân” lẫn “nguỵ quyền”. Thưở ấy, với “ngôn ngữ lập trường giai cấp” thì tên ông còn được gọi bằng nhiều cách, hoặc gắn với “tập đoàn Thiệu-Kỳ-Hương”, hoặc gắn với vẻ bề ngoài hay tính cách của ông như  “râu kẽm”, “cao bồi”...thậm chí còn lái chữ một cách miệt thị... Vì thế, tôi cũng chẳng bao giờ nghĩ có một ngày gặp được một Nguyễn Cao Kỳ tại Hà Nội..
Nhưng rồi vẫn gặp. Đó là khi ông mới lần đầu ra Hà Nội. Việc ông về nước được xã hội cũng như các cơ quan nhà nước coi là một hiện tượng “không mấy bình thường”. Do vậy, cái vẻ xã giao, giữ kẽ vẫn diễn ra trong những buổi tiếp tân ban đầu. Tôi tham gia cùng Hội Liên lạc những người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tiếp một vị Việt kiều đặc biệt với tâm trạng thăm dò xem việc một chính khách “bự” như ông hồi hương có mang theo thông điệp hay ý đồ gì không và tìm cách hướng việc ông về vào chủ trương “hoà giải” mà nhà nước đang nói nhiều.
Cái buổi gặp ấy còn để lại cho tôi một vài tấm ảnh mọi người đều ăn mặc chỉn chu, kiểu cách, bắt tay , trao đổi như những chính khách gặp nhau...Nhưng với ông Nguyễn Cao Kỳ mọi cái khoảng cách dường như được xoá bỏ nhanh hơn nhờ cách ứng xử đơn giản nhưng rất rõ ràng của ông. Các cuộc tiếp xúc với những người có cương vị lãnh đạo hay cơ quan chức năng, những câu trả lời phỏng vấn báo chí và những câu chuyện mà những người có dịp gặp và trao đổi cùng ông được người ta kể lại cho nhau. Tất cả cho thấy ông là một ngươi có quan điểm rõ ràng và rất thực tế. Sau này, ông đường hoàng bước vào Hội trường Thống nhất trong một buổi lễ kỷ niệm ngày 30-4, hay vui vẻ nâng cốc cùng ông Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam giữa nước Mỹ ...
Ông nói không úp mở rằng: là một tướng lĩnh ông là người thua trận; là một chính khách ông là người thất bại; là một người trung thực với chính mình ông không ân hận về những gì mình đã làm; là một người nặng lòng với nước ông mong dân nước ngày càng phát triển; với bạn bè ông vẫn giữ được những mối quan hệ trung thành; với những người bất đồng chính kiến ông vẫn giữ được sự tôn trọng; và với cuộc sống ông là người may mắn, đã vượt quá tuổi “cổ lai hy” cả thập kỷ mà vẫn giữ được sức khoẻ; sau những biến cố khắc nghiệt ông vẫn được trở về với quê hương. Và trong những lần về thăm quê gốc ông cũng ước mong là sẽ có một vuông đất để ẩn mình lần cuối ở Xứ Đoài.
Sau lần gặp xã giao ấy, tôi có nhiều dịp được gặp ông trong mối quan hệ ngày một bình thường, với tuổi tác, tôi coi ông như một người bạn vong niên; với nghề nghiệp, tôi coi ông như một nhân chứng của lịch sử. Buổi đầu, Ông Kỳ cũng có ý định nhờ những quan hệ với bạn bè bên Mỹ để giới thiệu họ về nước làm ăn với những doanh nghiệp Việt Nam mà tôi quen biết, nhưng hình như đường làm ăn kinh tế của ông không thành đạt, có người bảo ông ngây thơ, có người bảo ông không có duyên ...
Ngồi ăn cơm với tôi ở một quán quen, chuyên thổi cơm Bắc mà chủ nhân là anh bạn của tôi ở Sài Gòn, ông Kỳ nói rằng cái tài sản lớn nhất của ông là ký ức và bộ gậy đánh gôn, cả hai thứ đều “xịn” cả. Một cái có được nhờ những trải nghiệm cả đời của ông trên một xứ sở bị chiến tranh dày vò và tâm hồn bị xé nát. Một cái có được nhờ những giao thiệp và cái thú chơi càng về già càng dễ ham của ông. Võ sư Lý Huỳnh, một thời từng là “cận vệ của thiếu tướng”, người ở lại lập nghiệp điện ảnh trên quê hương của mình, mỗi lần đón ông về Sài Gòn đều tiếp tục tháp tùng ông, không phải bằng khả năng võ nghệ  mà  bằng sự quảng giao của mình để ông có cơ hội gặp gỡ nhiều hơn. Nghệ sĩ Lý Hùynh nói rằng ngay cái thời giữ quyền lực lớn thì Nguyễn Cao Kỳ vẫn không phải là người giaù có.
Tôi ít tuổi hơn ông gần hai thập kỷ. Một hồi cứ ra Hà Nội là ông trọ ở cái khách sạn nằm trong phố cổ, phố Hàng Đường của tôi. Giống như Phạm Duy thích ở Hàng Dầu vì một bước khỏi cửa là đã thấy nước, thấy gió của Hồ Gươm. Còn ông Kỳ thì thích cái khách sạn này vì một bước ra cửa là thấy Chợ Đồng Xuân và đêm nằm tĩnh mịch vẫn hình dung ra tiếng rít của bánh xe điện giảm tốc trước khi dừng trước bến đỗ cửa chợ. Chỉ người Hà Nội xưa cũ mới có cái cảm giác ấy.
Cũng vì cái khách sạn ấy chỉ xế nhà tôi một đoạn ngắn mà có lần ông sang nhà  thăm bà mẹ của tôi cũng chỉ hơn ông 5 tuổi, vì ông là bạn học với em của mẹ tôi, người mà tôi gọi bằng cậu đang sống bên Pháp, nên câu chuyện giữa hai người là  câu chuyện cùng thế hệ của người Hà Nội kẻ ở người xa.
Trong những câu chuyện với ông, tôi vẫn lựa lời mong có một ngày được hành nghề , làm một cuộc trò chuỵên dài với ông như môt chứng nhân lịch sử. Ông có nói về cuốn hồi ký viết bằng tiếng Anh với một tác giả người Mỹ có tựa đề dịch ra Việt ngữ là “Đứa con cầu tự- Cuộc chiến để cứu Việt Nam của tôi” . Ông cũng nói rằng nếu có thời gian ông sẽ viết nữa, với những gì ông nhìn nhận kể từ khi ông có dịp về nước.
Ông cũng nói với tôi về hồi ký của những nhà chính trị. Ở Mỹ, chính khách rời chính trường, chức vụ là viết luôn, hay nói cách khác đã trở thành tập quán khi đương chức đã có ý thức chuẩn bị để viêt hồi ức rồi. Theo ông đó là loại hồi ký mang tính cách giáo khoa, viết sớm để khỏi quên , đôi khi đã có hợp đồng sẵn...  nhưng khi chưa có thời gian để đủ “ngấu” (thuật ngữ ẩm thực) thì cái món hồi ký ấy chỉ để đỡ đói (cho những kẻ tò mò) mà chưa đủ dinh dưỡng. Nói cách khác là phải có thời gian suy ngẫm thì một hồi ức mới có giá trị lâu bền. Ông nói với tôi như để nói về cuốn hồi ức mà ông đã công bố và cũng để nói về một ý tưởng “lúc nào đó” ông sẽ viết tiếp, viết đủ và viết sâu sắc hơn về cuộc đời và những trải nghiệm của mình...
Trong câu chuyện, đôi lúc ông ướm thử tôi. Ví như có lần ông nhắc đến việc Tướng Loan cầm súng bắn vào đầu một “Việt Cộng” hồi Mậu Thân. Bức ảnh đã làm cả thế giới xúc động về sự tàn bạo của chiến tranh, đã làm cho người dân Mỹ bàng hoàng nhận thức về cuộc chiến tranh và vị thế của nước Mỹ tiến hành như đồng minh của kẻ có hành vi tàn bạo như vậy. Ông Kỳ nói rằng, trong cuộc sống bình thường, ông Loan không phải là người như thế và về cuối đời ông ta đã phải trả giá rất đắt bằng cả sự đối xử của nhiều người và bằng cả cách tự xử của chính mình v.v... Ông muốn nói rằng ký ức của những người cùng thời được trao truyền, tựa như cả bia đá lẫn bia miệng sẽ làm cho lịch sử trở nên khắt khe hơn cả những gì mà khi hành xử mỗi người nghĩ tới.
Có một lần, tôi đưa cho ông xem một cuốn sách của phương Tây mô tả cả hình ảnh và lời dẫn giải cái thời điểm Mỹ phát động chiến tranh phá hoại đánh ra miền Bắc và tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ có những tuyên bố rất mạnh mẽ muốn góp phần vào cuộc không kích ấy. Ông Kỳ trả lời tôi bằng một nụ cười và một câu nói lẫn trong tiếng thở dài : “Đấy là một thời trai trẻ...một thời cao vọng...một thời mơ mộng...một thời nặng lòng xác tín... để rồi...”  . Rồi trở lại một giọng nói bình thường có phần sôi nổi, ông bảo : “Cho nên sẽ là bi kịch cho những chính khách không có tuổi già để chiêm nghiệm những cái đã qua”.
Ông Nguyễn Cao Kỳ không nói ra, nhưng tôi hiểu những gì ông hành xử kể từ khi quyết định trở về nước là cách thể hiện sự chiêm nghiệm của ông. Ông đã vượt qua mọi thành kiến, những mặc cảm thông thường và cả những cản lực trong cộng đồng, trong đó có cộng đồng có hoàn cảnh gần gũi với ông để khẳng định một nỗi niềm: “lá rụng về cội”. Có lần ông thắc mắc rằng cái khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết” ra đời cùng với cuộc cách mạng của người cộng sản, hồi Cách mạng 1945 mới thành công  thấy hay sử dụng câu khẩu hiệu này lắm, tại sao nay không thấy dùng nữa ?
Cách đây đã lâu, khi ông Nguyễn Văn Thiệu qua đời, được một cơ quan truyền thông nước ngoài phỏng vấn tôi chỉ nói rằng : “Nghĩa tử là nghĩa tận. Vào thời điểm này nếu không nói được điều gì tốt đẹp thì chỉ nên dành sự im lặng cho người vừa nằm xuống”. Và mới đây được đọc cuốn sách “Tâm tư Tổng thống Thiệu”(Nguyễn Tiến Hưng - Tâm Tư Tổng thống Thiệu. Cơ sở xuất bản Hứa Chấn Minh. USA. 2010) mới biết, kể từ khi rời nước lưu vong ở nước ngoài nhưng không phải ở Mỹ, ông Thiệu đã chấp nhận “sống trong cay đắng” suốt 26 năm mà chỉ một lần duy nhất (1979) xuất hiện trả lời phỏng vấn (tờ “Tấm Gương” của Cộng hòa Liên Bang Đức) để trút nỗi căm hận về sự bỏ cuộc của Mỹ và sự tráo trở của cố vấn H.Kissinger trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến...
Thế mới càng thấy ông Nguyễn Cao Kỳ là người biết sống. Nay ông vừa nằm xuống. Tôi viết những lời này như một lời chào tiễn ông. Chưa rõ gia đình ông sẽ thu xếp phần thể xác của ông sẽ nằm nơi nào ? Nhưng chắc chắn rằng phần hồn của ông sẽ về với xứ Đoài vốn hay sinh ra những người có tính cách khác thường trong lịch sử. 
                                                                                     
Dương Trung Quốc
7.2011

Saturday, July 30, 2011

Trái cây và bánh ngày xưa còn bé...

Trái cây và bánh ngày xưa còn bé...
Đặc sản tiêu biểu ở Miền Nam
By Mai/Y Nguyên

Thuở nhò, trưa hè tôi thường leo cây ổi trước nhà đọc sách, trái nào gần thì hái ăn, thỉnh thoảng bày trò leo trèo thám hiểm với bạn trong xóm, lục lọi những lùm, bụi, hang rào đi tìm những cây trái có thể ăn được, nào là khoai mỡ rừng,  nấm rơm, măng non, rồi chùm bao, lá vang… và những loại trái mà nhiều người không biết rõ, lớn lên với hành trang của tuổi học trò tôi đi ăn tạp khắp miền đồng bằng sông Cửu long, để rồi sau này cái tình thâm quyến luyến ấy kết tinh thành tình yêu một cô gái Cần Thơ.  Xin gởi bài viết này - dựa theo ký ức với tham khảo hình ảnh trên Internet - cho người bạn đời và các bạn như một chút quà của quê hương.

 

Loại trái đặc biệt của miển Nam

Trái nhãn lồng dại
Trước nhất là trái nhãn lồng dại, mà tôi không thấy ít ai nói tới, gọi là nhãn lồng nhưng là loại trái hoang, lúc sống màu xanh, chin màu vàng, trong có hột, ngọt lờ lợ, không có “cơm” nhiều, khác với trái nhãn lồng (chùm bao) và nhãn trồng. Nhãn trồng có nhiều rất thơm khi chín, nhiều cơm, cây khá lớn, trái phải bọc lại trong lồng bằng tre, hay bao bố nếu không bị chim ăn hết. Nói đến chuyện này tôi nhớ chuyện đi ăn cắp nhãn. Nhà tôi cũng có trồng một cây nhãn nên tôi biết gia đình  tôi quý nó như thế nào, nhưng bạn tôi thôi thúc rủ rê mãi tôi cũng mềm lòng.  L àm chuyện này vui, mạo hiểm mà được ăn tha hồ, vả lại nhà bà mười Két trong xóm có trồng rất nhiều, mất trộm chút đỉnh, chắc không sao. Thế là tôi theo bọn nó. 
Một hôm đợi trời tối cả lũ hẹn nhau lén lúc men theo rào, rôì xé rào vào sân nhà bà, biết trước bà không nuôi chó nên lọt vào êm xuôi, tôi có nhiệm vụ đứng dưới đất chụp lồng nhãn từ trên quăng xuống, mọi chuyện đang trôi chảy bỗng có người trong nhà mở cửa , ánh đèn hắt ra, hai  thằng bạn  khôn hồn ngồi trên cây im phăng phắc còn tôi thiếu điều muốn tè, tay ôm đầy bao nhiêu  bao nhãn. Cửa đóng lại hú vía, tôi bảo tụi bạn đủ rồi nhảy xuống, bỗng cửa nhà lại mở lần nữa thể là tụi nó nhảy xuống cùng tôi chạy bán sống bán chết, tìm chỗ không ai thấy, không ai theo  mà chia nhãn, khổ nỗi lúc chạy có thằng lọt vào vũng nước dơ, hôi thúi nên phải tìm chỗ rửa thế là phải chạy vào nhà tôi. May quá để ý, tụi  tôi dùng gáo múc nước từ cái lu cạnh giếng mà rửa . Xong rôì tụi tôi ra cổng chia nhãn ăn đã, chưa xong,  nhãn ăn đã vừa ăn lại vừa canh nhưng vẫn không hết, phải giu tiệt chứ ai biết được thì chỉ có đường chết, rồi mấy bao nhãn không, phải quăng đi đâu. Cuối cùng mỗi thằng phải đem giấu một mớ, còn bao nhiêu thì ấu trên mái cổng tìm cách thủ tiêu sau.gi


Trái chùm bao.
Chùm bao cũng còn gọi tên khác như nhãn lồng, lồng đèn, lạc tiên là loại dây dại mọc hoang ở hàng rào trước nhà tôi,  cũng thấy mọc ven  đường quê hoặc bờ rào,  trái màu xanh được bao bằng lưới, chín trở màu vàng có vị chua chua chua ngọt ngọt, trong có nhiều hột như hột của trái trứng cá.  Chim chóc rất thích loại trái này, có câu ca dao “Chim Quyên ăn trái nhãn lồng, Lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi.”
Nấu canh với đọt dây chùm bao nghe nói giúp trị bịnh mất ngủ?


Trái bần
Cây bần không cao, rậm, xanh mướt quanh năm mọc đầm mình dọc những bờ sông nước mặn. Trái bần hình bong vụ (con quay) hơi dẹp, dáng giông giống như trái hồng dẹp còn xanh. Lần nào đó tắm sông gần cầu Bình lợi  cũng hái Bần sống ăn với muối ớt đem theo, có vị chua và chát, lúc chin thì ngọt lờ lợ.


Trái bình bát
Bình bát là loại dây leo mọc hoang ở hãng rào trong xóm, lá hình ba góc bầu màu xanh đậm trái giống như dưa chuột, nhỏ cỡ ngón tay út
Còn loại bình bát cây thì trái hơi tròn, màu vàng lúc chín bên trong có nhiều hột to đen như hột trái mẳng cầu .


Trái lý
Cây lý trồng trong sân nhà,  giống cây mận (đào)  nhưng hoa to rực rỡ hơn, trái lý tròn trịa hơn mận, không xốp, giòn ngọt ngào, mùi thơm rất đặc biệt.


Trái xay
Còn gọi là trái sa lông lớn bằng đầu ngón tay út, vỏ da cứng có màu nhung đen, cơm bên trong mềm và ngọt, hình như cây trái xay chỉ mọc nơi vùng cao.


Trái ô môi
Trái ô môi dài, cong, màu da đen, sần sùi, gút mắc, cứng như khúc cây, nhìn ngoài không hấp dẫn.  Khi ăn phải vạt hai bên trái, chừa lại hai sống hai bên, đẩy nhẹ hai sống so le, gỡ ra từng miếng tròn đường kinh khoảng 20mm mà ăn. Ô môi có vị ngọt, vỏ hột ô môi ngâm nước sẽ mềm, có thể nấu chè ăn rất ngon.


Trái điệp
Trái điệp nhỏ cỡ quả đậu hòa lan, khi tách vỏ,  phần ăn được là lớp cơm mỏng bao quanh hột màu xanh phía bên trong.


Trái keo
Trái  keo vỏ mềm cong vòng khúc mắc, bên trong trái hình bầu dục, lớp cơm hơi nhớt nhưng có vị ngọt, nếu còn sống hơi chát chát . Đường Chi Lăng nay là Phan Đăng Lưu  (còn biết là đường Hàng Keo) xưa có trồng nhiều cây keo, khu vực này cũng gọi là khu Hàng  Keo, nơi đây có một cơ quan  ai cũng biết đến gọi là bót Hàng Keo, nếu bị kéo vào đây là có chuyện lớn rồi.


Trái me
Me  có loại chua và loại ngọt, me có thể ăn sống, rốt, chín  hay ngào đường, được dùng như là một loại gia vị để nấu chua, canh chua, nước sốt chua. Có người chế biến nước me thành nước uống. Hột me được bé gái làm trò chơi búng đũa, hột me ngâm lâu, nấu cho mềm lột vỏ nấu chè hột me ăn với nước dừa rất ngon.
Đường Sàigòn ngày xưa nhất là ở quận nhất có nhiều hàng me. Đường Hàm Nghi với những hàng me, khi có gió to me rơi rụng, nhặt ăn rất ngon !
Đường Nguyễn Văn Học nay là Nơ trang Long cũng trồng me có xen với Điệp và Phượng Vĩ, còn đâu tiếng ve kêu và hoa phượng đỏ, đó đây có những cô cậu bé cắp sách tung tăng nhặt me theo những cơn giông nhẹ.  Kỷ niệm không bao giờ phai nhoà theo năm tháng !


Trái Hồng Quân
Có người gọi bồ quân, mồng quân, gia đình tôi gọi là hồng quân vì nó thích hợp hơn cả, lúc còn non trái xanh chua và chát, lúc chín có màu tím đỏ thường khoảng mùa tựu trường. Cây Hồng Quân khó trồng và thân cây có gai nhưng không nhiều, nhà tôi cho dây thanh long mọc quấn theo thân cây nên lúc trái hồng quân chín loáng thoáng với  hoa thanh long trông rất đẹp.
Cây hồng quân rất sai trái nặng trĩu trên cành mong manh, lá nhỏ rất sạch và đẹp. Trái hồng quân giống như cục đạn bi nên trẻ em và các cô bé rât thích.
Trái còn xanh, ăn rất chua và chát, nhiều người ăn chấm với muối ớt. Trái chín từng chùm trông rất đẹp. Có thể hái nó lúc gần chín (gọi là chin hườm) rồi vò trong tay thì ăn ngọt. Nếu chín thì ngọt hơn, khi ăn thì cũng nên vò sơ sơ, cơm phía trong ngọt và có hột. Ăn nhiều thì đi cầu, quá độ có thể bị táo bón. Đặc biệt các cô còn nhỏ tuổi thích hồng quân lắm, nhưng khéo chứ hồng quân dính quần áo thì giặt khó ra.

Cây Hồng Quân

Trái Hông Quân chưa chin màu xanh, chin màu hồng

Trái chùm ruột
Cây chùm ruột trong sân nhà tôi rất sai trái nhưng không mấy người ăn vì chua quá, cây thấp lè trái đeo kín chi chít khắp các cành, trái giòn có vị chua nên thường được ăn với muối ớt. Chùm ruột chua ngâm với đường muối ăn rất ngon. Chùm ruột làm mứt cũng rất ngon vì có vị ngọt lẫn với vị chua.

Trái Lucuma
Đây là một cây trái khá lớn trong sân, lá xanh đậm một bên, còn một bên có màu sa pô chê. Còn gọi là likima, có người gọi là trái trứng gà, gọi màu trứng gà thì không đúng lắm vì lúc chín vỏ bên ngoài từ xanh chuyển sang vàng, bên trong thì thịt màu vàng ửng, ăn rất ngọt thịt giống như trái bơ, ăn rất ngán. Hột to bên trong màu đen bóng láng. Bông lucuma nhỏ, rất đẹp rất giống đồ trang sức nên các cô bé nhỏ thich làm xâu chuổi đeo.


Trái sê ri, sơ ri
Trái còn sống thì chua, chín có vị ngọt, màu hồng đỏ tươi, tròn, đường kính khoảng 10mm, có hai ba hột cứng . Hình dáng bên ngoài giống trái chùm ruột.


Trái chùm bát
Trái chùm bát này chim hay ăn. Ăn vào ngọt, cũng là trái dại ít người trồng.


Trái thanh trà
Hình dáng và bên trong y chang trái xoài nhỏ ăn vào chua chua ngọt ngọt. Thấy bán nhiều ở Cần Thơ, Vĩnh Long…

Trái trứng cá
Một loại cây thân gỗ nhỏ, cao khoảng 5-10m, 7-12m với các cành xếp chồng lên nhau, lá rủ có mép khía răng cưa.  Khi ra bông màu trắng, trái chín màu hồng đỏ nhạt, giống trái sơ ri, vị ngọt, trong ruột chứa nhiều hột nhỏ giống như trứng cá.

Trái Sim
Cây sim thường mọc thành rừng trên đồi cao rất đẹp mắt.  “Những đồi hoa sim, Ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt”  Hoa sim có màu tím, trái bằng đầu ngón tay út và khi chín trái có màu tím đen thẫm, cơm của trái sim mềm và bở vị sim ngọt lờ lợ, có xen lẫn vị chát và có thể dùng làm rượu.
Trái sim khô thường có bán trong các chợ,  chung với trái xay.

Trái sim khô


Trái dừa nước
Dừa nước mọc trong những vùng sình lầy dọc theo bờ sông, hay vùng ven cửa biển có thuỷ triều lên xuống, có nước chảy chậm bồi đắp phù sa dinh dưỡng. Nếu để tự nhiên, dừa nước sẽ phát tán sinh sôi nảy nở theo sự đưa đẩy của thuỷ lưu. Dừa nước rất thường gặp dọc theo bờ biển và các cửa sông ở miền Đồng bằng sông Cửu long, đặc biệt xứ dừa Bến Tre.
Hoa cái nở rộ thành chùm ở đầu cụm hoa hình cầu, hoa đực màu đỏ hoặc vàng dạng đuôi sóc trên những nhánh kế sau. Khi hoa đã thụ phấn, những trái nhỏ ép vào nhau lớn lên thành như một quả bóng đường kính cỡ 25-30 cm trên mỗi đầu cuống (quài dừa). Hạt dừa nước khô già sẽ rơi rụng và phân tán theo thuỷ triều, có khi mọc mầm ngay khi trôi nổi.
Cơm dừa nước để ăn và lá để lợp nhà hay làm củi, không mấy ai biết đến kỹ thuật rút nhựa dừa nước từ cuống hoa để nấu đường, ủ rượu, làm bia, lên men giấm, chưng cất cồn và một số loại sản phẩm có giá trị khác trong khi đó lại là nguồn thu nhập ít có hiệu quả nhất của dừa nước. Sản lượng đường dừa nước trung bình 20,3 tấn/ha cao hơn so với đường mía (khoảng 5 đến 15 tấn/ha). (theo Wikipedia)


Trái vú sữa
Vú sữa là loại cây trái to, có nhiều loại và nhiều màu (căn bản trắng, tím, hồng) ngày xưa trong Nam còn gọi vú sữa màu tím là hồng nhung.
Trái vú sữa tròn trịa đường kính khoảng 5-8cm, lúc chin cơm vú sửa thơm và nhiều nước… sữa. Nếu cắt ngang trái vú sữa sẽ thấy cơm có hình ngôi sao.  Trái vú sữa có mủ nên lúc ăn phải để ý, cách ăn dễ nhất là cắt vú sữa làm hai rồi dung muỗng mà ăn.


 Trái điều (đào lộn hột)
Cây cao từ khoảng 3m đến 9m. mọc so le, cuống ngắn. Hoa nhỏ, màu trắng có mùi thơm dịu. Trái hình thận dài khoảng 2-3cm . Trái khô, không tự mở, vỏ ngoài cứng, mặt hõm vào, cuống quả phình to thành hình trái lê hay đào, màu đỏ, vàng hay trắng. Do vậy người ta thường có cảm lộn hột (tức đào có hột nằm ngoài quả). Hột điều rất béo và có chứa  dầu.





 Một vài loại bánh đặc biệt ở miền Nam

Ngày xưa má tôi rất khéo nội trợ, nấu ở nhà vừa rẻ lại vừa ngon, vừa vui, vì có sự tham gia của nhiều người nhất là dịp Tết đến, vừa ăn lại vừa biếu cho nữa. Sau này bà lớn tuổi nên thường nấu chia với người dí ở cùng xóm. 
Trong các loại bánh được nhắc đến chỉ có loại bánh chao là má tôi chưa làm bao giờ. Lúc còn thơ tôi thường phải canh chừng nấu bánh hàng giờ ngoài sân trước, những kỷ niệm gia đình khó phai, nhất là phải canh bánh đến khuya trong ánh lửa bập bùng và mùi khói bay trước Tết.

Bánh Tét
Bánh tét chỉ được gói và nấu trong dịp Tết nên khởi thuỷ được gọi là Bánh Tết, sau này bị nói trại ra là bánh Tét.


Bánh cúng
Khởi thuỷ bánh này được gọi là bánh cuốn, vì lá chuối phài cuốn hình ống tròn dài cỡ gang tay người lớn trước khi bỏ bột gạo pha vào (nước cốt dừa, muối, đường, đậu) thường dùng để cúng “cô hồn” rằm tháng bảy hoặc cúng tổ tiên trong những ngày giỗ chạp ở miền Nam, nhất là miền Đồng bằng sông Cửu Long cùng với bánh tét, bánh ít…”.



Bánh cấp
Loại bánh thường được dâng cúng cùng lúc với bánh cúng. Khởi thuỷ có tên là bánh cặp vì cứ hai cái úp mặt vào nhau rồi cột dây thật chặt. Nguyên nliệu thì cũng giống như bánh cúng.


Bánh cay
Bánh này làm bằng khoai mì, có pha ớt, bỏ muối đường chiên vàng ăn  mặn mặn cay cay rất ngon !


Bánh rế
Bánh rế là loại bánh ngọt được làm bằng khoai lang sắc ra thật mỏng thành sợi, đường nấu chảy được tưới lên mặt bánh như cái rế.
Tương tự như cách đặt tên của chả giò rế… Bánh này là đặc sản của nhiều nơi như Sóc Trăng, Phan Thiết


Bánh hỏi
Khởi thuỷ là bánh xổi, hấp nóng hổi vừa thổi vừa ăn, lâu ngày biến thành bánh hỏi.


Bánh Chao
Bánh chao thường được làm từ bánh trung thu cũ. Nhờ đã qua một lần nướng, các loại nguyên liệu đều đã thấm đường nên khi nhồi với chao, bánh ra đúng vị bánh chao mặn mặn ngọt ngọt, lại thoang thoảng mùi hành lá nướng rất ngon. Nếu làm trực tiếp từ bột như cách bên, nên để bánh thật nguội hoặc để vài ngày cho bánh dịu rồi mới nhồi chao nướng thì sẽ ngon hơn.
Món bánh chao đặc biệt này nên làm từ bánh trung thu, càng cũ càng ngon. Tuy nhiên, tuyệt đối không dùng bánh trung thu hư, mốc để làm bánh vì không thể loại bỏ được độc tố từ nấm mốc, không bảo đảm sức khỏe.


Bánh thửng, bánh thuẫn
Hai loại bánh hấp này cũng từa tựa như bánh bông lan và loại muffin của các xứ da trắng nói tiếng Anh, nhưng hình thức bên ngoài thì khác hẳn. 


Bánh cam, bánh vòng

Bánh Cam miền Nam làm bằng bột pha (gạo, nếp, nổi), sau khi nhồi dẻo rồi có thể uốn dẹp vo tròn có nhưn bằng đậu xanh có trộn đường, sau đó được chiên lên.
Bánh vòng chỉ có bột dẻo kéo dài rồi khoanh tròn lên chiên chừa lỗ  trống ở giữa.
Ngày xưa người ta hay rao bán “ai ăn bánh cam bánh vòng hôn”  vì hai thứ bánh này hay bán chung với nhau.
.

Mai/Y Nguyên










































Vợ tỉ phú Bill Gates sống như thế nào?

Vợ tỉ phú Bill Gates sống như thế nào?
 
Là vợ của người đàn ông giàu nhất hành tinh nhưng Melinda không mấy quan tâm đến những cửa hàng thời trang sang trọng, những loại mỹ phẩm đắt tiền hay những tác phẩm nghệ thuật danh giá. Thay vào đó, suốt ngày bà chúi mũi vào những chuyện đại loại như... chu trình sống của con muỗi.
Một người phụ nữ hơi bất thường chăng?
Ngay sau khi cưới nhau, vợ chồng Bill Gates bắt đầu làm từ thiện nhưng làm một cách dè dặt, trong đó có lần tặng máy vi tính xách tay cho các ngôi làng ở khu vực cận Sahara (Phi châu). Nhưng rồi hai người nhận ra người dân lục địa đen cần thức ăn để no bụng và thuốc men để chống lại cái chết hơn là phần mềm Windows xa xỉ.
Thế là họ tậu bao nhiêu là sách về các bệnh lây lan vì ký sinh trùng, về hệ miễn dịch, về cách phòng bệnh.... "Bạn không thể nói về chuyện tài trợ cho thuốc chống sốt rét nếu như bạn không hiểu rõ chu trình sống của con muỗi. Làm từ thiện không chỉ đơn giản là ký séc chi tiền", Melinda nói.
Tại sao lại phải nhọc công đến thế?
Melinda có thể tận hưởng một cuộc sống trong nhung lụa, dành thời gian chăm sóc con cái. "Khi cưới nhau, tôi và Bill định khi về già sẽ chia sẻ tiền bạc với người khác. Lần đầu tiên chúng tôi đến châu Phi là nhân một chuyến đi săn năm 1993.
Chúng tôi không thể nào tận hưởng thiên nhiên hoang dã vì cảnh tượng mọi người đi chân đất, phụ nữ phải vừa bế con vừa xách nước đi hàng cây số và bởi lời mời từ một bộ lạc về việc dự buổi lễ cắt âm vật phụ nữ.
Sau đó về nhà, chúng tôi tìm đọc Báo cáo về phát triển thế giới năm 1993 và không khỏi giật mình. Trẻ con đang chết hàng loạt chỉ vì căn bệnh tiêu chảy và những loại bệnh cơ bản mà trẻ con ở nước chúng tôi đã được tiêm vắc-xin.
Chúng tôi tự thấy mình phải có trách nhiệm tìm hiểu sự thật và càng tìm hiểu, chúng tôi càng thấy không thể chờ vì bệnh tật không đợi chúng tôi. Tôi đi vòng quanh thế giới để xem điều gì đang xảy ra.
Nỗi sợ hãi khi quay về quá khủng khiếp đến độ tôi không dám hy vọng. Nhưng rồi bạn thấy đó, kinh tế đang thay da đổi thịt ở các nước phát triển và tự nó cải thiện mọi chuyện. Điều đó đã vực Bill và tôi dậy".
 "Chúng ta có xem rẻ mạng sống của người Phi châu hơn mạng sống của chúng ta không? Bill và tôi cho rằng không có sinh linh nào mang giá trị hơn hay kém so với sinh linh khác. Chính sự công bằng này là lý do để quỹ từ thiện của chúng tôi hoạt động" / Melinda Gates
 Quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates (BMGF) bắt đầu hoạt động với quy mô nhỏ vào năm 1997 rồi chính thức khai trương vào năm 2000.
 Vợ chồng Gates đã cam kết sẽ trao tặng hết 95% tài sản khổng lồ của mình (hiện ước tính khoảng 46 tỉ USD). Vắc-xin và tạo hệ miễn dịch cho trẻ em là mục tiêu chính của quỹ. Đến nay BMGF đã chi tổng cộng 28,8 tỉ USD.

Hồi đầu năm, BMGF đã tặng cho Liên minh Vắc-xin và miễn dịch toàn cầu (Gavi) 750 triệu USD - một trong những món quà cá nhân lớn nhất lịch sử.
Những lần tài trợ trước đó của vợ chồng Bill Gates đã giúp tiêm phòng viêm gan siêu vi B cho 43 triệu trẻ em, giúp giảm 39% tỷ lệ trẻ em bị sởi.... Ngoài ra, BMGF còn chi mạnh cho các dự án khoa học nghiên cứu vắc-xin và thuốc men, trong đó phải kể đến chương trình trị giá 35 triệu USD để thử nghiệm vắc-xin chống sốt rét ở Zambia.
Hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên vì ông bà Gates không dành phần lớn tài sản của mình để lại cho con cái. Hiện họ đang có 3 đứa con nhỏ nhưng Melinda không tỏ ra lo lắng:
"Bất cứ lúc nào gia đình tôi nói tới chuyện tài sản, chúng tôi đều nói đến trách nhiệm phải trao tặng nó cho thế giới. Các con của chúng tôi đã có tài khoản riêng của chúng. Không phải lúc nào chúng muốn mua gì cũng được nấy mà phải đợi đến những dịp như sinh nhật mới được tặng hay đợi cho đến khi chúng tự để dành đủ tiền".
 
Hiệp hội Bill & Melinda Gates đã chi bao nhiêu cho ai? Tính đến đầu năm 2005, tỷ phú này đã cam kết số tiền 28 tỷ USD cho nhiều dự án cứu tế, từ thiện, y tế và giáo dục. Tức ông đã đem cho không đến 38% tổng tài sản của mình.  9,3 tỷ USD là tổng số tiền mà tỷ phú giàu nhất thế giới Bill Gates đã chi cho các công cuộc từ thiện cứu tế và giáo dục thông qua hiệp hội mang họ tên mình thành lập vào năm 2000
Chúng được chia ra như sau:
Sức khoẻ: 5,5 tỷ USD (gồm chiến lược sức khoẻ toàn cầu, 2,3 tỷ USD; nghiên cứu trị HIV/AIDS, bệnh lao và y tế sinh sản, 1,5 tỷ USD; các bệnh lây lan khác, 1,1 tỷ USD; nghiên cứu phát triển công nghệ y tế toàn cầu, 0,4 tỷ USD; nghiên cứu y tế, chiến dịch y tế toàn cầu…, 0,1 tỷ USD)
Giáo dục: 2,4 tỷ USD
Chương trình xây dựng thư viện toàn cầu: 0,3 tỷ USD
Những dự án đặc biệt khác: 0,6 tỷ USD
Các chương trình từ thiện ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương: 0,6 tỷ USD .

 
Melinda Gates- quyền lực mà thầm lặng
Có một người phụ nữ giản dị, nhân hậu đã chinh phục được biết bao chính khách, doanh nghiệp. Xuất thân trong một gia đình bình dân Mỹ nhưng nhờ nỗ lực cá nhân và cả nét duyên thầm, người phụ nữ này đã trở thành biểu tượng của quyền lực mềm thế giới..
Năm nay 44 tuổi, Melinda Gates luôn sát cánh cùng người chồng đại tỷ phú, nhà sáng lập và điều hành Microsoft trong nhiều năm qua, và bản thân bà cũng là chủ tịch quỹ tài trợ lớn nhất hành tinh.
Bà là người có vai trò không thể thay thế trong cuộc đời Bill Gates, là một trong những động lực to lớn để Bill Gates lập ra quỹ Bill & Melinda Gates.
Chung sống với Bill Gates đã 14 năm nhưng Melinda luôn có một cuộc sống trầm lặng, ít khi lộ diện trước báo giới. Những cuộc phỏng vấn luôn bị từ chối, thay vào đó là những cuộc trò chuyện mỗi tuần với những người cộng sự. Người ta biết đến Melinda qua những người bạn của bà nhiều hơn.

 Mối thâm tình với chiếc máy tính
Trước khi quen biết Bill Gates, nàng thiếu nữ Melinda đã mê tít máy tính. Chính tình yêu này đã thay đổi cuộc đời cô.
 Khi Melinda 14 tuổi, cha cô tặng cho con gái yêu chiếc máy tính Apple II. “Tôi đã nịnh cha mẹ đặt vào phòng riêng của mình để tiện học tập nhưng thời gian đầu tôi khoái chơi game hơn”, Melinda nhớ lại.
Không lâu sau, Melinda đã nắm được ngôn ngữ lập trình cơ bản và thường xuyên trao đổi kiến thức với các cậu con trai quanh xóm. Chính việc ham thích trao đổi về máy tính đã khiến cô bé bớt đi những rụt rè tuổi dậy thì, tự tin và hòa đồng hơn hẳn. Chiếc máy tính Apple II năm sau đã được nâng cấp lên thành Apple III. Melinda thường dùng máy tính giúp cha quản lý sổ sách, kế toán.
Gia đình Melinda không giàu có. Bố cô là kỹ sư và mẹ cô là một người nội trợ điển hình. Mặc dù cha mẹ cô có cho thuê một vài gian phòng để phụ thêm nhưng việc lo cho cả 4 chị em Melinda học lên đại học quả thật không hề dễ dàng.. Melinda cùng các anh chị em từ nhỏ đã phụ giúp mẹ lau bàn, dọn bếp và cắt cỏ.
Khi Melinda còn đi học, tuy không có quy định thành văn nhưng thành tích học tập luôn được cả gia đình coi trọng. Melinda luôn đặt cho mình những mục tiêu để chinh phục một cách bền bỉ và quyết tâm. Cô giáo dạy môn đại số đã nhận xét “Melinda luôn tìm ra cách học tập hiệu quả nhất!”.
Khi đó, Melinda theo học tại một trường nữ sinh Thiên Chúa giáo, cô ao ước được vào trường Notre Dame. Trong suốt quá trình học, Melinda luôn cố gắng và đã trở thành đại diện phát biểu trong lễ bế giảng. Nhưng cũng chính Melinda là người đưa ra quyết định từ bỏ trường đại học đặc biệt này vì nơi đây coi “máy tính là sở thích nhất thời, phụ nữ không phù hợp với nghiên cứu công nghệ”.
Sau đó Melinda được nhận vào trường đại học Bắc California. Trong 5 năm học tại đây, Melinda đã được nhận bằng cử nhân khoa học máy tính và thạc sỹ quản trị kinh doanh.
Ngay trước hôm tiến hành lễ tốt nghiệp, Melinda đã tham gia phỏng vấn vào công ty IBM. Cô nhớ lại “Tôi đã nói với người phỏng vấn là mình sẽ tham gia thi tuyển vào một công ty phần mềm nữa. Bà ấy đã mỉm cười và nói nếu tôi được công ty phần mềm đó chọn, tôi càng có nhiều cơ hội hơn”. Và Melinda đã đến nơi có nhiều cơ hội hơn - Microsoft.

Tình yêu với sếp và khát vọng chung thay đổi thế giới
Năm 1987, Melinda bắt đầu làm việc chính thức tại Microsoft. Cô phụ trách quảng bá phần mềm văn bản.
Ngay từ những ngày đầu tiên, Melinda đã thích không khí làm việc cởi mở, năng động nơi đây. Cô chúi mũi vào công việc mà không thể ngờ rằng chỗ làm việc lý tưởng này lại đem đến cơ hội tình yêu cho mình.
Melinda là người trẻ nhất trong những người được nhận vào Microsoft làm việc đợt đó. Trong 10 người có bằng MBA, cô cũng là người nữ duy nhất. “Những người được tuyển đợt đó rất tài năng. Tôi đã choáng ngợp khi tiếp xúc với họ và nghĩ họ có thể thay đổi thế giới. Tôi cũng hơi ngạc nhiên vì sao công ty phần mềm nho nhỏ hồi đó lại hấp dẫn họ đến thế!”
Khi đó hai sếp lớn Bill Gates và Steve Ballmer đang bất đồng trong khá nhiều vấn đề, họ thường căng thẳng và quát cả cấp dưới. Nếu như không có cảm tình đặc biệt khi nhìn thấy dáng vẻ thư sinh của Bill, Melinda đã bỏ việc từ lâu.
Sau khi vào công ty được 4 tháng, Melinda đến New York tham dự một triển lãm công nghệ và ngồi cạnh Bill Gates trong một buổi tiệc.
Melinda nhớ lại: “Anh ấy quả thật rất có phong cách, còn hơn trong tưởng tượng của tôi”. Khi Bill được hỏi tại sao để ý Melinda, ông trả lời: “Tôi nghĩ chắc là do vẻ đẹp của cô ấy”.
 Mùa thu năm đó, Bill và Melinda gặp lại nhau tại nhà để xe của công ty. Melinda nhớ hôm đó là thứ 7 và mọi người trong công ty vẫn phải đi làm.
Họ nói chuyện một lúc, Bill nhìn đồng hồ và hỏi: “Em có đồng ý hẹn hò với tôi trong vòng hai tuần bắt đầu từ thứ 6 tuần sau không?”
 Melinda trả lời: “Từ thứ 6 tuần sau bắt đầu hai tuần hẹn hò? Em thấy không được tự nhiên lắm! Không biết được, đến lúc đó hãy gọi cho em”.
Sau đó, Bill gọi lại báo cho Melinda lịch hoạt động ngày hôm đó, Melinda nhận lời hẹn gặp ông vào buổi tối thứ 6 định mệnh.
Trước khi hai người gặp nhau, Bill đã là một tỉ phú nhưng điều đó không có nghĩa là ông có thể “mua” được tình yêu. “Theo đuổi cô ấy thật vất vả”, Bill than thở. Số là mẹ của Melinda vốn cho rằng chuyện tình cảm của con gái mình với sếp không có gì hay ho cả.
Nhưng Melinda đã đặt ra những giới hạn cho mối quan hệ này, quyết không để ảnh hưởng đến công việc. “Tôi không muốn công khai tình cảm, không bao giờ nói chuyện công việc trong thời gian hẹn hò...”
Dù có công khai chuyện tình cảm với sếp lớn hay không thì bạn bè đồng nghiệp vẫn phải nể Melinda về năng lực làm việc.
 Sau 9 năm làm việc bà đã lên chức giám đốc phụ trách các sản phẩm thông tin.
Cấp trên trực tiếp của Melinda lúc đó, bà Patty Stonesifer đã nhận xét: “Nếu tiếp tục ở lại làm việc, Melinda chắc chắn sẽ đứng trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp nhất của Microsoft”.
Tháng 1/1994, Melinda rời khỏi Microsoft, dành toàn bộ tâm huyết cho quỹ từ thiện. Tình cảm hai người dành cho nhau càng trở nên sâu sắc.
Trước đây Bill Gates chưa bao giờ nghĩ đến việc thành lập quỹ tài trợ, dù luật sư và kế toán của ông thường xuyên khuyên ông nên dành thời gian và tiền bạc để chính thức tham gia các hoạt động từ thiện.
Đó cũng là lý do mà báo chí những năm 1990 gọi Bill là “kẻ hà tiện”. Cha của Bill giải thích “Con tôi không muốn đứng ra thành lập quỹ từ thiện vì không muốn sở hữu thêm một công ty nữa”. Ngay từ ngày đầu lập quỹ, Melinda đã quán xuyến công việc quản lý.
Những ngày đầu, Melinda và Bill lập ra dự án tặng cho mỗi phòng học một laptop phục vụ việc giảng dạy nhưng công tác quảng bá đã bị giới truyền thông phê bình gay gắt vì... phô trương và thiếu thực tế.
 Khi đi khảo sát các trường học, Melinda nhận ra rằng, chỉ trang bị cơ sở vật chất đơn thuần không giải quyết được những vấn đề giảng dạy, vì thế sau này thúc đẩy phổ cập giáo dục mới là mục tiêu chính của quỹ.
Dưới ảnh hưởng của Melinda, quỹ Bill & Melinda Gates đã mở rộng phạm vi hoạt động của mình trong lĩnh vực phòng chống AIDS, bệnh sốt rét...
Melinda chia sẻ: “Chúng tôi muốn dần dần thiết lập một danh sách cần cứu trợ hợp lý. Tiền chỉ có ích khi mang lại những lợi ích thực sự cho những người cần cứu trợ nhất”.
Bà cũng cho biết, quỹ Bill & Melinda Gates không quyên gửi thẳng tiền cho viện nghiên cứu ung thư Hoa Kỳ mà tập trung cho những dự án và khu vực khẩn thiết hơn.
 Bà Gates dùng phương pháp liên kết những nhà bán thuốc và bảo đảm trợ cấp tài chính cho việc nghiên cứu để đổi lấy sự hạ giá thuốc cho những nước nghèo, qua đó tạo đà mới cho ngành y học ngừa bệnh của các nước kém phát triển vốn đã bị chững lại từ những năm 1990.
Và rõ nét nhất là việc sáng lập Công ty Vaccine HIV - là công ty liên kết các nhà nghiên cứu với ngân sách 400 triệu USD.
Trải qua 7 năm hoạt động, dưới sự điều hành của Melinda, quỹ Bill & Melinda Gates đã góp phần cứu sống ít nhất 700.000 người tại các quốc gia nghèo thông qua các khoản đầu tư vào những chương trình vaccine.
Quỹ Bill & Melinda Gates hiện là quỹ từ thiện lớn nhất thế giới, với tài sản lên tới 29,1 tỉ USD và luôn đi đầu trong chiến dịch nâng cao sức khỏe cộng đồng trên quy mô quốc tế. Melinda, Bill Gates và cha của Bill là 3 thành viên điều hành quỹ.
Gần đây, Bill Gates đã chính thức rời khỏi Microsoft để hoàn toàn tập trung cho công việc từ thiện.
Mỗi năm quỹ này nhận được khoảng 6000 thư xin được trợ giúp ở khắp nơi trên thế giới.
Bill và Melinda sẽ tự mình phê duyệt với tổng số tiền trên 40 triệu USD. Cách làm những công việc ở quỹ của đôi vợ chồng này uyển chuyển và có phần thử thách hơn cả khi điều hành Microsoft.
“Chúng tôi trò chuyện ngay cả lúc cùng chạy bộ với nhau”, Bill cười nói. Trong vòng hai năm trở lại đây Bill Gates đã chạy bộ khá đều đặn và cùng luyện tập trí nhớ một cách thú vị và ý nghĩa.
 Hai người cùng thảo luận và nêu ra các phương án hành động cho các dự án tài trợ. Các thông tin này sẽ được cả hai nhẩm nhớ, không ghi lại bằng giấy gì cả và ghi nhớ cho đến khi thông báo lại cho các thành viên quản lý quỹ để thông qua chính thức.
Món quà đặc biệt của tỉ phú Warren Buffett
Tháng 6/2006, Warren Buffet đã chuyển giao một phần tài sản trị giá khoảng trên 30 tỉ USD của mình vào việc làm từ thiện, trong đó 83% số tiền được đưa vào Quỹ Bill & Melinda Gates. Khoản hiến tặng này được xem là lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Vào thời điểm đó, số tiền được quyên này còn lớn hơn gấp đôi số tiền hiện có của quỹ. Đây là lời công nhận đầy thuyết phục đối với khả năng quản lý từ thiện, một lĩnh vực mới mẻ và nhiều thách thức của nhà đầu tư tài chính hàng đầu với hai vợ chồng Bill Gates.
Tin vui này cũng đến khi cả hai người đang chạy bộ. Melinda nhớ lại với một vẻ bồi hồi: “Tôi nhận được điện báo và không tin vào tai mình nữa. Tôi nói với Bill, và thực sự muốn khóc. Chúng tôi đã làm được, chúng tôi đã có niềm tin của mọi người, và chúng tôi có nhiều trách nhiệm hơn nữa”.
Hiện nay, Quỹ từ thiện của hai vợ chồng bà đã thu thập được 37,6 tỉ USD, trong đó, 3,5 tỉ USD là phần góp của nhà tỉ phú Warran Buffet, người đứng đầu công ty Berkshire Hathaway. Sắp tới đây, Warren Buffet dự định chuyển cho quỹ Bill & Melinda Gates thêm 9.000 cổ phiếu nữa với trị giá 41 tỉ USD.
Như vậy, cùng với các khoản lạc quyên và hàng tỉ USD của chính hai vợ chồng Bill Gates, tổng số vốn của quỹ trong vài năm tới sẽ đạt đến con số khổng lồ là 100 tỉ USD. Cả hai vợ chồng đều sẵn sàng chi tiêu toàn bộ số tiền này vào việc giúp đỡ những người nghèo khổ không chỉ ở nước Mỹ. Đến nay, quỹ đã chi gần 20 tỉ USD cho nhiều hoạt động từ thiện.
Bill Gates thừa nhận rằng vợ ông hiểu biết về con người hơn ông. Khi động chạm đến việc nên chi tiền trong quỹ vào những lĩnh vực gì, bà Melinda bao giờ cũng có những ý tưởng thông minh hơn chồng. Melinda nói: “Hai vợ chồng chúng tôi đã cùng soạn lập danh mục những hiện tượng bất công nhất trên thế giới. Và chúng tôi lựa ra những hiện tượng mà chúng tôi có thể đấu tranh”.
Trong hoạt động nhân đạo chung của cả hai vợ chồng, vai trò của bà Melinda dường như nổi bật hơn.
 Không phải vô cớ mà người bạn thân của họ - nhà tỉ phú Warren Buffet - đã có nhận xét rất đáng chú ý: “Bill Gates cực kỳ thông minh. Nhưng khi ta nhìn toàn bộ bức tranh chứ không phải một phần riêng biệt nào đó thì Melinda hiển nhiên là vượt xa chồng. Nếu như Melinda không làm việc trong quỹ từ thiện của hai vợ chồng họ thì liệu tôi có trao tiền cho Bill không? Có lẽ không”.
Như vậy, điều kiện chủ yếu thúc đẩy Buffet chuyển giao tài sản chính là người vợ nhanh nhẹn, hiểu biết, thấu tình đạt lý của Bill Gates. Buffet đã khiến Bill phải thốt lên: “Melinda đúng là vận may lớn nhất cuộc đời tôi”.
Yêu thích cuộc sống bình lặng
Là vợ người thường xuyên giữ vị trí giàu nhất thế giới, Melinda không tránh khỏi những phiền toái của cuộc sống.
 Dù cố gắng thế nào đi nữa, Melinda cũng rất khó khăn để có được cuộc sống bình thường. Nhưng đến nay, sau nhiều nỗ lực, người phụ nữ dịu dàng này vẫn có cách để cuộc sống của mình đi theo những quỹ đạo mong muốn.
Trước khi kết hôn với Bill Gates, Melinda cũng chịu nhiều áp lực từ khối tài sản đồ sộ này. Melinda luôn băn khoăn con người mải mê công việc và cạnh tranh thương trường của Bill Gates có thích hợp với cuộc sống gia đình hay không.
Câu hỏi: “Cái người có thể phát điên lên vì công việc này nếu làm chồng mình sẽ ra sao?” luôn quẩn quanh trong đầu Melinda.
Cuối cùng bà cũng nói thẳng điều này ra với Bill, rằng: “Nếu muốn em dọn đến ở cùng anh, anh cần phải tạo nên một ngôi nhà thực sự ấm cúng của gia đình giống như em tưởng tượng”.
 Sau 6 tháng thảo luận, bàn bạc với vị hôn phu, Melinda đã đã đích thân thuê kiến trúc sư cải tạo khu nhà ở 3700m2. Đến nay, cứ cuối tuần Melinda đều cho đội ngũ làm thuê trong tư gia nghỉ, để gia đình có thể trải qua những giây phút quây quần bên nhau như những gia đình bình thường khác.
Có 3 con, điều đáng ngạc nhiên là chính Melinda đã tuân thủ các quy định nuôi con bằng sữa mẹ như các bác sĩ khuyến cáo.
 Trong việc nuôi dạy bọn trẻ, Melinda cũng khuyến khích các con tự lập và làm việc chăm chỉ. Bà cũng tranh thủ đưa các con đi cùng trong các chuyến đi từ thiện để vừa rèn luyện sức khỏe, vừa mở rộng tầm nhìn về thế giới cho chúng.
Melinda và Bill cũng thống nhất trong việc để dành thừa kế cho các con. Sẽ không quá 5% tài sản của họ sẽ trở thành tiền thừa kế của 3 con, còn khối tài sản khổng lồ còn lại sẽ trở thành khoản đầu tư từ thiện với mong muốn sẽ đem lại lợi ích cho nhiều người hơn nữa.
Thực ra, ban đầu Bill và Melinda thậm chí không muốn để lại tài sản gì cả nhưng người bạn thân Buffet đã khuyên:
 “Một người có rất nhiều tiền nên để lại cho con cái họ đủ số tiền để chúng thực hiện ước mơ của mình nhưng cũng không được nhiều đến mức chúng không muốn làm gì nữa".
Không thích mua sắm, ghét những nhãn hàng xa xỉ và chỉ trang điểm nhẹ nhàng, Melinda vẫn giữ được vẻ đẹp trẻ trung suốt những năm qua.
Một trong những bí quyết của bà là luyện tập thể thao đều đặn. Melinda đã tập chạy marathon từ gần 15 năm qua, thậm chí còn tham dự cả giải Seattle Marathon.
 Dù bận rộn đến mấy, mỗi tuần bà cũng có một cuộc chạy việt dã, trong 1 giờ vượt qua 11km. Việc Bill tham gia chạy trong 2 năm trở lại đây cũng là do Melinda động viên và thôi thúc.
Tran Mai Anh